CANH TÂN VIỆC THAM DỰ CỬ HÀNH THÁNH THỂ TẠI GIÁO XỨ (Phần III)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

III. Những đề nghị mục vụ cho giáo xứ

1. Chuẩn bị cho việc tham dự Thánh lễ

Những thiếu sót trong việc tham dự vào cử hành Thánh Thể phần nhiều là do: 1] Tín hữu chỉ được đào tạo chút ít hay chưa có cơ hội học hỏi về phụng vụ nói chung và Thánh lễ nói riêng; 2] Linh mục thiếu một cảm thức mạnh mẽ và toàn diện trong lãnh vực phụng vụ,[1] cũng như chưa chu toàn bổn phận lo cho con chiên mình tham dự vào hành động phụng vụ một cách hiệu quả.[2] Bởi vậy, bản thân linh mục cần được huấn luyện đầy đủ về phụng vụ “dưới khía cạnh vừa thần học và lịch sử, vừa tu đức, mục vụ và luật pháp,”[3] thường xuyên cập nhật những thay đổi liên quan đến phụng vụ để làm sao cử hành phụng vụ vừa xứng đáng, chăm chú, đạo đức[4] lại vừa đúng, đẹp, linh hoạt, sáng tạo và tác động đến mọi giác quan. Về phía tín hữu, mỗi giáo xứ nên có người nắm vai trò huấn giáo và có chương trình huấn luyện Thánh Kinh và phụng vụ cho các giới (qua các buổi nói chuyện, khóa học, tĩnh tâm, bài viết trên tờ thông tin giáo xứ…nhất là qua bài giảng [kerygma-matyria] và chính việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể)[5] nhằm đẩy mạnh “sự tham dự trọn vẹn, ý thức và tích cực” cũng như “làm triển nở ý thức cộng đoàn giáo xứ, nhất là trong việc cử hành Thánh lễ cộng đồng ngày Chúa nhật”.[6] Để giúp các tín hữu hiểu biết Thánh lễ hơn, giáo xứ nên tổ chức những buổi lectio divina phụng vụ.[7] Chắc chắn, sự tham dự của tín hữu sẽ tốt đẹp hơn khi họ hiểu được cách đầy đủ và sâu xa hơn ý nghĩa của những gì đang diễn ra trong phụng vụ, hiểu được các nghi thức, các biểu tượng đức tin và các cử điệu của từng cử hành qua việc huấn luyện và đào tạo.[8]

Thực sự, việc tích cực tham dự Thánh lễ phải bắt đầu ngay từ trước khi bước vào chính cuộc cử hành. Vì thế, muốn thâu đạt được hiệu năng toàn vẹn của Bí tích Thánh Thể, các tín hữu cần đến tham dự phụng vụ với tâm hồn được chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp tâm trí mình với ngôn ngữ, và cộng tác với ân sủng trên trời.[9] Vị chủ tế cần chuẩn bị một cách chu đáo và cẩn thận để chủ sự buổi cử hành: ý lễ; bài lễ; bài giảng; lời mời; lời chào và chúc lành; lời nguyện thuộc chủ tế; Kinh nguyện Thánh Thể; những nghi thức đặc biệt trong Thánh lễ… Điều kiện mỗi cá nhân cần phải có cho việc tham dự hiệu quả là tinh thần thường xuyên hoán cải hầu tâm hồn có thể hoà giải với Chúa. Điều này được thể hiện trong đời sống của mọi tín hữu qua những hình thức cụ thể như kiểm điểm đời sống, hồi tâm và thinh lặng tối thiểu ít phút trước khi bắt đầu cử hành phụng vụ, bằng ăn chay, và nếu cần bằng việc xưng tội.[10]

2. Tham dự bàn tiệc Lời Chúa

Để mọi người tham dự Thánh lễ cách tích cực, nên tuyển chọn trong giáo xứ một số người làm độc viên Sách Thánh cho mọi Thánh lễ của giáo xứ. Họ cần được hỏi hỏi về Kinh Thánh, phụng vụ và các kỹ năng truyền thông vì chức năng của độc viên không phải là máy phát thanh nhưng là người công bố và chuyển đạt Lời Chúa cho cộng đồng tín hữu, làm cho Kinh Thánh thành Lời, một Lời sống động, một Lời được loan báo cho Giáo Hội nghe theo.[11] Họ nên đọc và suy niệm trước những bản văn Kinh Thánh sẽ công bố, ý thức về chức vụ họ đảm nhận, nỗ lực tận dụng mọi phương thế để ngày càng gia tăng sự hiểu biết và mến yêu Sách Thánh vì chính Chúa Kitô nói với chúng ta qua các Bài đọc trong Thánh lễ. Giáo xứ nên tránh tình trạng chỉ định vào phút chót, chỉ định đột xuất hay chỉ định bất kỳ ai lên công bố Lời Chúa.[12] Cô dâu chú rể hay thành viên trong tang gia… nên được quyền chọn lựa những bài Sách Thánh sẽ được công bố trong Thánh lễ chứ không phải giữ vai trò là độc viên.[13] Việc cử hành những ngày lễ kính, lễ trọng hay lễ có nghi thức riêng có thể làm gián đoạn tính liên tục của các bản văn Tin Mừng đang được công bố trong một chu kỳ nhất định (lectio continua); gặp trường hợp này, linh mục hay phó tế nên đọc bài Tin Mừng bị bỏ mất gộp chung với bài Tin Mừng của ngày hôm trước hay hôm sau của ngày lễ đó.[14] Bài giảng nên tránh tình trạng chung chung và trừu tượng, nhưng gắn liền với Lời Chúa được công bố và với đời sống của cộng đoàn, cả người lớn lẫn trẻ em (kerygma-matyria).[15]

3. Tham dự bàn tiệc Thánh Thể

Chắc chắn, việc tham dự trọn vẹn vào Bí tích Thánh Thể được thực hiện không những bằng tâm tình thiêng liêng mà còn bằng việc bản thân người tín hữu lãnh nhận Bí tích Thánh Thể nữa, nhất là rước lễ từ chính Mình Thánh (và Máu Thánh) vừa được truyền phép trong Thánh lễ đó. Nếu không, tiệc Thánh Thể, xét như bữa ăn của tình hiệp thông và chia sẻ, sẽ không đạt được trọn vẹn ý nghĩa và không cho thấy rõ việc hiệp lễ là tham dự vào hy lễ đang cử hành.[16] Do vậy, cần lưu ý hai vấn đề: 1] Đối những người vẫn còn e dè và ngại ngùng rước lễ, họ cần được giải thích để hiểu rằng: Thứ nhất, cộng đoàn phụng vụ không phải là một tập thể hoàn hảo mà bao gồm những tội nhân đang mong đợi lòng thương xót thứ tha của Chúa.[17] Tất nhiên, cộng đoàn không vì thế mà sao nhãng sứ mạng phải “vươn tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4, 13); Thứ hai, Bí tích Thánh Thể cũng là Bí tích tha thứ và thanh tẩy tội lỗi, và chỉ trường hợp tội trọng mới ngăn cản họ không được tham dự nghi thức rước lễ.[18] Nhưng dù rơi vào trường hợp này, việc tham dự Thánh lễ vẫn cần thiết, vẫn quan trọng, thật ý nghĩa và ích lợi, và họ nên nuôi dưỡng lòng ước muốn kết hiệp với Chúa Kitô qua việc rước lễ thiêng liêng.[19] Tuy nhiên, tốt nhất, họ nên tỏ lòng thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể.[20] 2] Hết sức bao nhiêu có thể, nên tránh việc mở nhà tạm mỗi Thánh lễ để lấy Mình Thánh cho rước lễ.[21]


[1] Annibale Bugnini, trích lại trong Panmela Jackson, một sự phong phú của Graces: Những phản ánh về Sacrosan c tum Concilium (Chicago / Mundelein, Illinois: HillenbrandBooks, 2004), 51.

[2] PV 11 và 19.

[3] Ibid., 16.

[4] Xc. Jorge A. Đức Hồng Y Medina Estévez, “Bình luận về Chỉ thị Redem p tionis Sacramentum : Tham gia vào Phụng Vụ Thánh” trong Đức Hồng Y Reflections: tham gia tích cực và phụng vụ , 32-33.

[5] Xc. PV 35; Sacramentum caritatis 64.

[6] PV 14; 42.

[7] Cũng như thực hành lectio divina đối với Lời Chúa, lectio divina phụng vụ được tiến hành bằng cách đọc chậm rãi những bản văn lời nguyện phụng vụ (lectio), chẳng hạn những Kinh nguyện Thánh Thể…; suy gẫm và chia sẻ cho nhau những cảm nhận của cá nhân về kinh nguyện (meditatio), cùng nhau cầu nguyện trên bản văn này (oratio); cuối cùng là thinh lặng trước mầu nhiệm Thiên Chúa chứa đựng trong bản văn.

[8] Xc. PV 15-19.

[9] Xc. Ibid ., 11.

[10] phát triển một đức tin 55; XC. GLCG 1072.

[11] Xc. “Giáo dân với các thừa tác vụ” trong Hợp Tuyển Thần Học, số 34, Năm thứ XII (2002).

[12] Monique Brulin, “dịch vụ và các Bộ trong cuộc họp” in Joseph Gelineau, Trong v xương ssemblées, vol. II (Desclée, 1989), 339.

[13] Xc. Tông Huấn Familiaris consortio, số 66; Hội đồng Giáo Hoàng về Gia đình, Chuẩn bị Bí tích Hôn nhân, số 47 và 68.

[14] Kevin W. Irwin, Responses to 100 câu hỏi về Thánh Lễ (New Jersey: Paulist Press, 1999), 58.

[15] Xc. PV 52; “De homilia” in Notitiae 19 (1983), 834 .

[16] Xc. PV 55; QCSL 13; 85; Marie-Noelle Thabut, “Các thành viên của cuộc họp,” in Joseph Gelineau, op. cit. 332.

[17] Xc. AG Martimort, “Cấu trúc và Luật của cử hành phụng vụ” in AG Martimort (ed.), Nhà thờ tại Cầu nguyện, vol. I (Collegeville, Minnesota: Các Liturgical Press, 1992), 97.

[18] Xc. GL 912; 915; 916. Ở đây không nêu các trường hợp khác không được rước lễ như bị vạ tuyệt thông hay cấm chế…

[19] Kon. Phát triển một đức tin 55.

[20] GL 916.

[21] Xc. QCSL 13; 85.