CANH TÂN VIỆC THAM DỰ CỬ HÀNH THÁNH THỂ TẠI GIÁO XỨ.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS 
  1. Bức tranh về sự tham dự Thánh lễ của các tín hữu tại Việt Nam
Đáp lại ước muốn của Mẹ Giáo Hội mời gọi con cái mình tham dự vào cử hành phụng vụ một “cách trọn vẹn, tích cực và ý thức,” các tín hữu Việt Nam đã tiếp nhận và thực hành thế nào? Câu trả lời đã được Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam đưa ra năm 1968: “Việc áp dụng các chỉ thị liên hệ tới việc canh tân phụng vụ không gặp phải khó khăn cản trở nào. Trái lại, qua việc thay đổi một số nghi thức và nhất là nhờ việc đem tiếng Việt vào trong các buổi cử hành Thánh lễ và các Bí tích, các tín hữu tham dự cách tích cực và ý thức…”[1] Đến năm 2001, Thư Mục vụ của Hội đồng Gíam Mục Việt Nam đã nhận xét rằng các tín hữu đến nhà thờ vào các Chúa nhật và lễ trọng chiếm khoảng 85%. Nhiều người tham dự các Thánh lễ ngày thường trong tuần. Các bí tích và đời sống cầu nguyện được xem như những phương tiện hiệu quả để canh tân đời sống, và mang lại sức mạnh nội tâm để nhiệt thành phục vụ Giáo Hội và xã hội.[2] Việt Nam không có những vấn đề lớn về phụng vụ. Tuy nhiên, việc tham dự phụng vụ của giới trẻ hiện nay có vài khó khăn, họ không thể tham dự Thánh lễ cách thường xuyên như khoảng mười năm trước đây. Về việc cử hành ngày Chúa nhật, đã có nhiều sáng kiến giúp các cử hành phụng vụ thêm năng động. Nhiều nhà thờ ở thành phố phân phát các tờ bướm ghi các bản văn Kinh Thánh và các bài suy niệm để giúp giáo dân có phương tiện học hỏi Lời Chúa và tham dự cách tích cực hơn vào các cử hành. Thông thường, các ca đoàn chuẩn bị tốt các bài hát thích hợp cho mỗi buổi cử hành. Cộng đoàn phụng vụ đối đáp rập ràng và sốt sắng, cách riêng trong lời đáp lại các ý nguyện của Lời nguyện Tín hữu.[3]
Mặc dầu vậy, cho đến nay, từ những quan sát thực tế, bức tranh về sự tham dự tích cực của các tín hữu Việt Nam vào việc cử hành Thánh Thể vẫn chưa được trọn vẹn. Điều này đòi hỏi chúng ta nhìn nhận thực tế và có những thay đổi cần thiết. Những thiếu sót đó là:
  • Có những anh chị em tham dự Thánh lễ Chúa nhật chỉ để chu toàn luật buộc,[4] hoặc đi tham dự chỉ vì được mời đến dự một Thánh lễ mà trong đó có kèm thêm việc cử hành một bí tích đặc biệt, như nghi thức Rửa tội cho người lớn, Phép Hôn phối… (như thể đó là ngày của riêng gia đình ứng viên Phép Rửa, là ngày của cô dâu chú rể… chứ không phải ngày của toàn thể cộng đoàn).
  • Chỉ chú trọng tương quan với Chúa mà quên đi hay lơ là với người khác trong cộng đoàn phụng vụ; đến nhà thờ với thái độ chỉ chăm chăm chú chú đọc kinh cầu nguyện riêng, ít quan tâm, gặp gỡ hay trao đổi với ai. Ở đây, thiếu hẳn ý thức và thực hành trong việc tham dự Thánh lễ cùng với cả cộng đoàn.
  • Coi trọng kinh nguyện sùng mộ hơn là cử hành phụng vụ, làm việc đạo đức đang khi tham dự cử hành Thánh Thể. Ở đây, rõ ràng là linh đạo sùng mộ trổi vượt hơn linh đạo Thánh Thể; đức tin hướng về cá nhân hơn là cộng đoàn; kinh nguyện mang tính tập trung vào lòng sùng kính hơn là Thánh Thể; vào những gì không Bí tích hơn là chính Bí tích.
  • Hiện diện bên ngoài nhà thờ để tham dự Thánh lễ mặc dù trong thánh đường vẫn còn chỗ trống hoặc ra khỏi nhà thờ khi đến giờ giảng lễ để hút thuốc, tán gẫu….
  • Ít mở miệng để tham dự vào những lời đối đáp, tung hô hay ca hát cộng đồng.
  • Ca đoàn bao chiếm hầu hết các bài hát hoặc sử dụng những bài quá khó trong Thánh lễ đến độ lấn át hay làm yếu đi phần tham dự của cộng đồng. Hầu hết việc hát lễ vẫn chỉ chú trọng vào 4 bài hát tương ứng với bốn phần trong Thánh lễ: ca nhập lễ, ca tiến lễ, ca hiệp lễ, và ca kết lễ trong khi những thành phần quan trọng hơn lại chỉ được đọc.[5]
  • Những người đọc Sách Thánh thiếu chuẩn bị hoặc thiếu những kỹ năng cần thiết vì bị gọi vào phút chót hay đột xuất, vì không được hay chỉ được huấn luyện chút ít về Kinh Thánh, phụng vụ và kỹ năng truyền thông, vì chọn người đọc Sách Thánh theo thói quen hơn theo ý định của Hội Thánh (cô dâu chú rể đọc Sách Thánh…). Hệ quả là, làm cho người nghe khó lãnh hội và cảm nhận được Lời Chúa. Ngoài ra, độc viên Sách Thánh thường kiêm luôn chức năng của người xướng Thánh vịnh.
  • Thiếu chuẩn bị cho buổi cử hành (của lễ và ý nguyện; bài giảng, trang hoàng…), thiếu vẻ đẹp hay tính mỹ học của cử hành (ars celebrandi), thiếu tác động vào giác quan, thiếu sự thay đổi những chất liệu đã được Giáo Hội đề nghị trong Sách lễ Roma. Những điều này dễ làm cho việc cử hành Thánh lễ trở nên đơn điệu, nhàm chán, nghèo nàn và thiếu lôi cuốn đối với người tham dự.
  • Buổi cử hành diễn ra trong ồn ào và diễn tiến một cách vội vã, thiếu hẳn sự linh thánh, thiếu mất thời khắc thinh lặng ở những chỗ cần thiết.
  • Lơ là với những cơ hội Giáo Hội dành cho thiếu nhi trong Sách lễ Rôma và trong văn bản “Chỉ dẫn Thánh lễ cho trẻ em”.[6]
  • Dù chỉ mắc tội nhẹ, một số người vẫn còn sợ hãi hay e dè lãnh nhận Thánh Thể. Như một thói quen, ngày nào cũng cho rước lễ bằng Mình Thánh lấy từ nhà tạm.

     [1] Bản Tường trình của Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam gởi Tòa Thánh, Xc. Notitiae 4 (1968), 265-266 trong http://www.hdgmvietnam.org/phung-tu-tai-viet-nam-trong-50-nam-qua-1960-2010-1/2363.103.12.aspx.
    [2] Xc. Thư mục vụ của HĐGMVN, năm 2001, số 21 trong http://www.hdgmvietnam.org/phung-tu-tai-viet-nam-trong-50-nam-qua-1960-2010-1/2363.103.12.aspx
    [3]  Trích trong “Phụng tự tại Việt Nam trong 50 năm qua (1960-2010)” từ http://www.hdgmvietnam.org/phung-tu-tai-viet-nam-trong-50-nam-qua-1960-2010-1/2363.103.12.aspx.
    [4] Xc. Bộ Giáo luật (= GL) 1246-1247; Giáo lý Hội Thánh Công giáo (= GLCG) 2181.
    [5] Alleluia; Santus; Tung hô tưởng niệm; Amen long trọng…
    [6] Bộ Phụng tự Thánh, Chỉ dẫn Thánh lễ cho Trẻ em (ban hành ngày 01/11/1973).