những văn bản của Cha Eymard về Lòng Thương Xót – Thương Xót Và Yêu Thương Tha Nhân

 THÁNH PHÊ-RÔ GIU-LI-A-NÔ E-MA

Những bản văn được tuyển chọn.

Năm Thánh Lòng Thương Xót 2015-2016

 

   

VI – Thương Xót Và Yêu Thương Tha Nhân

Đức ái hệ tại ở việc yêu thương tha nhân vì tình yêu Thiên Chúa. Trước thời Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta đã yêu thương tha nhân như chính mình; nhưng từ thời của Người chúng ta phải yêu tha nhân còn hơn chính mình trong một số trường hợp. Chúng ta phải đặt lợi ích thiêng liêng của Người lên trên lợi ích thoáng qua của chúng ta. Lạy Chúa, Đấng cao trọng hơn chúng con, xin ban cho chúng con ơn này. Thánh Gio-an nói: Hãy yêu thương nhau như Chúa Giê-su Ki-tô đã yêu thương anh em (xem 1 Ga 4:11).

Đức ái cốt yếu ở việc nhìn tha nhân trong ơn sủng, trong tình yêu và lòng thương xót của Chúa, nhìn tha nhân như tạo vật của Chúa, để hỗ trợ và làm việc vì ơn cứu rỗi của họ, tha thứ cho họ như Chúa Giê-su Ki-tô tha thứ, đối xử với họ như Người đối xử. Chúng ta phải nhìn vào ơn sủng, chứ không quan tâm đến khuyết điểm: hãy để điều đó cho công lý của Thiên Chúa. Cái chúng ta phải có là sự cảm thông – tình yêu bản thân là kẻ thù của đức ái đối với tha nhân. Tình yêu của đức ái rất dễ dàng khi chúng ta phụng sự Thiên Chúa cách hoàn hảo; với tình yêu chúng ta tìm cách hoán cải tha nhân vì chúng ta yêu mến Chúa. Chúng ta xem những người nghèo khổ bị quỷ dữ mê hoặc và lôi kéo như những con chiên vô tội bị giết thịt. Chúng ta muốn cứu họ, chứ không muốn tiếng thơm, mà chỉ vì họ là thụ tạo của Chúa – để làm đẹp lòng Người vì Người muốn thế.

Huấn đức cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 28-07-1859, Paris, ngày thứ tư, bài suy niệm thứ nhất. Tình yêu bản thân. (PS 148) (Eymard Toàn Tập Quyển XV, trang 359)PS 148, 2 (XV, 359)

Chúng Ta Hãy Sống Tình Yêu Và Lòng Thương Xót Của Chúa

Vị ngôn sứ đã sáng tác một khúc ca, tuyệt mỹ nhất trong những khúc ca mà trái tim ông truyền cảm hứng, khúc ca lòng thương xót của Thiên Chúa. Hơn 50 lần trong thánh vịnh Chúc Tụng Chúa, ông nói: Hãy hát mừng lòng thương xót Chúa (xem Tv 135). Vị ngôn sứ lập đi lập lại danh hiệu và ơn sủng của Chúa, kết thúc từng câu thơ bằng các từ: tình yêu của Người là vĩnh cửu. Các sơ thân mến, ngôn sứ Đa-vít đã đúng khi chúc tụng lòng thương xót ấy, biển cả thương xót ấy, và ca tụng Chúa, bởi vì ông đã phạm tội chống lại Chúa Nhân Lành. Nhưng dù đã thống hối, ông sẽ không bao giờ quên lòng thương xót Chúa. Chính khi xúc phạm Thiên Chúa, chúng ta rất cần đến lòng thương xót của Người! Con tim không bao giờ tha thứ cho mình vì đã xúc phạm Thiên Chúa, và cảm thấy cần phải nói: Làm sao tôi đã có thể xúc phạm Chúa, bởi vì Người rất tốt lành và đáng yêu. Khi đó trái tim cảm thấy nhẹ nhõm bằng cách thống hối hàng ngàn lần.

Các sơ thân mến, tôi không muốn làm cho các sơ ngỡ ngàng. Một số vị thánh nên thánh chỉ nhờ tôn kính lòng thương xót. Họ trở nên thánh cả bằng cách đắm mình trong lòng thương xót hơn là bằng sự tinh tuyền, nói tóm lại bằng tình yêu hoàn hảo của Chúa hơn và bằng sự trinh khiết. Tại sao? Chắc chắn là có những vị thánh trên thiên đàng đã trở nên tinh tuyền hơn và thánh thiện hơn bằng cách chạy đến với lòng thương xót của Chúa, hơn là nhờ những trạng thái khác. Trạng thái đó có tốt hơn không? Không, thực ra nó không có giá trị bằng, nhưng các ngài trở nên xem nhẹ bản thân hơn, khiêm tốn hơn, và tình yêu của các ngài trở nên cao cả hơn khi nhìn vào lòng thương xót bao la ấy Thậm chí có thể nói rằng Thiên Chúa để cho một số linh hồn tuyển chọn sa ngã, cho dù Người có thể ngăn họ lại. Người để họ sa ngã vào những tội lỗi tày đình để họ có thể thấu hiểu hơn tình yêu và lòng thương xót của Người. Người lo liệu để họ trở nên những vị thánh vĩ đại hơn sau khi họ phạm tội.

Thí dụ thánh Phê-rô đã trở nên một tông đồ vĩ đại hơn sau khi phạm tội, so với khi ông còn trung tín. Ông luôn khóc lóc, không vì ăn năn, mà vì tình yêu. Càng tán dương quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, thì một linh hồn càng đem lại vinh quang to lớn hơn cho Thiên Chúa. Đó là điều thánh Phê-rô đã làm. Và thánh Mác-đa-len, Chúa thật nhân lành! Cô ấy khóc lóc biết bao, nhưng cũng yêu mến biết bao! Thánh Phao-lô, kẻ bách hại Giáo Hội hàng đầu, đã khiêm tốn hơn sau khi ông trở lại. Ông thấu hiểu hơn lòng thương xót và cũng yêu mến hơn. Lương thực của tình yêu là gì? Nếu bạn là Thiên Thần, hãy sống bằng vẻ uy nghiêm của Thiên Chúa. Nếu là con người tội lỗi, hãy hãy sống bằng tình yêu, lòng nhân hậu và thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta. Do đó hãy nuôi dưỡng một tình yêu tôn kính và biết ơn. Điều kiện thiêng liêng xác định tình yêu của chúng ta.

PS 610, 1 (XVII, 429)

Người tội lỗi khốn khổ quay về với Chúa không bao giờ quên tội của mình. Điều là họ khóc lóc không phải là ơn ăn năn, mà rõ ràng là tình yêu của họ. Như thánh Phao-lô nói: Tôi là kẻ khốn khổ và Chúa Giê-su Ki-tô đã tha thứ cho tôi, cứu tôi, yêu tôi, và đến với tôi (xem 1 Cr 15:8). Chúng ta đều ở trong tình trạng này. Ai là người không mắc nợ lòng thương xót Chúa điều gì chứ? Nếu không mắc nợ, các sơ phải lên ngay thiên đàng. Nhưng tất cả chúng ta đều mắc nợ rất nhiều. Vậy chúng ta phải làm gì? Hãy tán tụng lòng thương xót Chúa. Hãy thưa với Chúa: Chúa đã rất nhân hậu với con, một kẻ tội lỗi tày đình! Ý tưởng này không làm cho chúng ta mất vui; nó không nhắm vào tội lỗi mà vào lòng nhân hậu của Chúa. Khi đó chúng ta được gắn kết với Người; nếu chúng ta khóc lóc, thì trái tim mở ra với dòng nước mắt ngọt ngào của thống hối và tình yêu. Đây là nước mắt hân hoan.

Huấn đức cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 07-11-1866, Nemours, ngày thứ ba, bài suy niệm buổi tối. Chúng ta hãy sống tình yêu và lòng thương xót của Chúa. (PS 610) (Eymard Toàn Tập Quyển XVII, trang 429)

Đức Ái Siêu Nhiên Của Con Tim, Sự Tôn Trọng, Cảm Tình Và Hành Động

Chúng ta phải xây dựng đức ái hoàn hảo, vì đây là lệnh truyền của Chúa. Người đặt toàn bộ sự thánh thiện trên nền tảng tình yêu Chúa và đức ái với tha nhân là biểu lộ tình yêu ấy. Đây là giới răn trước nhất và cao trọng nhất: các ngươi phải yêu mên Chúa, là Thiên Chúa các ngươi, hết con tim, hết linh hồn và hết tâm trí các ngươi. Điều thứ hai cũng như điều thứ nhất: Ngươi phải yêu thương tha nhân như bản thân ngươi vì tình yêu mến Thiên Chúa (xem Mt 22L37-39). Chúa cũng nói với các tông đồ: Hãy giữ lời giáo huấn của Thầy, điều răn mới của Thầy – chú ý rằng Chúa gọi là điều răn mới – Hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em (xem Ga 13:34). Đây là đặc điểm của đức ái. Người không nói: Anh em sẽ được nhận biết là môn đệ thầy bằng hành vi thống hối, bằng sự nghèo khó; mà chỉ nếu anh em yêu thương nhau.

Thánh Gio-an nói: Ai không yêu thương anh em mà họ nhìn thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không nhìn thấy (1 Ga 4:20). Thánh Gio-an luôn lập lại câu nói nổi tiếng này với các môn đệ: Hãy yêu thương nhau. Mệt mỏi vì luôn phải nghe những lời này, họ nói với ngài: Thưa thầy, thầy luôn lập lại câu đó. Thánh Gio-an trả lời: Nếu làm điều này, anh em làm trọn lề luật [Tình yêu Chúa sẽ đem lại sự hoàn thiện nơi chúng ta.] (xem 1 Ga 4:12). Do đó hãy đặt nền tảng trên sự hoàn thiện đức ái với tha nhân của anh em, vốn là bằng chứng của lòng yêu mến Thiên Chúa. Chúa đặt đức ái lên hàng đầu, như chính Người nói: Nếu anh em đem lễ vật đến bàn thờ mà nhớ ra có điều gì bất hòa với anh em mình, thì hãy để lễ vật trên bàn thờ, đi làm hòa với người anh em đã rồi mới trở lại dâng của lễ (xem Mt 5:23-24). Hãy chú ý rằng Người không nói: Sau khi dâng lễ hãy đi làm hòa; mà phải để lễ vật trên bàn thờ.

Đức ái là cần thiết. Thiên Chúa không tha thứ sự oán ghét người khác, vì một người như thế ở trong sự chết và tội lỗi. Chúa lại nói trong tin mừng: Ai dùng lởi lẽ nhục mạ sẽ bị kết án (xem Mt 5:22). Ngươi đong cho ai đấu nào thì sẽ được đong lại đấu đó (xem Mt 7:2). Nếu chúng ta muốn nhân lòng thương xót thì chúng ta phải bày tỏ lòng thương xót (xem Mt 5:7).

Chúa nói với các tông đồ: Hãy nhẫn nại với nhau. Người cho họ hai hướng dẫn: Khi anh em đã làm mọi việc theo lệnh truyền, hãy nói: Chúng tôi là những tôi tớ vô dụng (Lc 17:10). Hãy thực hành đức ái và chống lại kiêu căng. Hãy xem những gì Chúa nói về bản thân Người: Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11:29). Hãy hiểu rằng đây là hai nhân đức chính mà Người muốn chúng ta thực hành. Đức trinh Nữ cũng nêu gương cho chúng ta trong khúc ca cảm tạ khi Mẹ nói: Tình thần tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Chúa đã làm cho tôi những việc cao cả vì Người đã đoái nhìn phận hèn tôi tớ của Người (xem Lc 1:47-49). Mẹ không nói: Vì Người đã đoái nhìn sự trinh nguyên của tôi, mà là sự thấp hèn, cứ như là sự thấp hèn là quan trọng hơn. Bằng chứng của khiêm nhường là đức ái, vốn thúc đẩy mọi nhân đức. Chúng ta luôn có thể thực hành lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

PS 90, 1 (XV, 164)

Hãy xây dựng trên đức ái, nhưng hơn nữa hãy sống trong đức ái, vốn là nền tảng vững chắc nhất. Ơn gọi của các sơ hoàn toàn nằm trên đức ái đối với Chúa, chảy tràn ra tạo vật. Bởi vì bí tích Thánh Thể là mặt trời của tình yêu Thiên Chúa, các sơ phải là con cái của đức ái. Mỗi cây sinh hoa trái riêng. Hoa trái của Thánh Thể là đức ái. Nhựa cây là tình yêu Thiên Chúa. Nếu các sơ không sống trong đức ái, các sơ là người xa lạ.

Huấn đức cho các Nữ Tỳ Thánh Thể – Suy Niệm, ngày 03-11-1858, Paris: Đức ái siêu nhiên của con tim, sự tôn trọng, tình cảm và hành động. (PS 90) (Eymard Quyển XV, trang 164)PS 222, 1 (XV, 492)

Đức Ái Đối Với Tha Nhân

Tuy nhiên chúng ta hãy chỉ nhìn mặt tốt nơi tha nhân, không nhìn điều sai trái. Chúng ta hãy đặt tha nhân lên đầu, vì đây là sự khiêm nhường. Nếu tha nhân là kẻ tội lỗi thì sao? Dĩ nhiên tội lỗi là đáng khinh, nhưng là con người, tha nhân là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, là đối tượng của sự nhẫn nại, lòng nhân hậu và thương xót của Người. Thiên Chúa yêu thương anh ta như một con người, kêu gọi anh ta hoán cải, thống hối, mà nhờ đó kêu gọi anh ta đến vinh quang trên trời. Do đó tôi phải yêu thương anh ta. Tội lỗi của anh ta là chuyện khác. Tôi phải ghét tội lỗi như Thiên Chúa ghét nó.

Huấn đức cho các Nữ Tỳ Thánh Thể – Suy Niệm, ngày 09-07-1860, Paris: Đức ái đối với tha nhân. (PS 222,1) (Eymard Toàn Tập Quyển XV, trang 492) PS 443, 1 (XVI, 463)

Kết Luận

Lòng Thương Xót Của Tình Yêu

Các sơ thân mến, chúng ta đã nói về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta; bây giờ chúng ta hãy xem Người tha thứ cho chúng ta như thế nào. Các con thân mến, chúng ta bỏ lỡ nhiều ơn sủng! Chúng ta để cho nhiều ơn sủng mất hiệu lực do lỗi của chính chúng ta. Điều làm tôi cảm động sâu xa hơn về tình yêu Thiên Chúa là lòng thương xót của Người; nó làm tôi xúc động hơn trước những ơn huệ của Người. Khi Người ban ơn, Người tốt lành đến nỗi không thể không ban ơn; và khi Người ban chính mình trong Thánh Thể, tôi hiểu rằng Chúa nhân hậu đã đi đến cùng để hiến thân mình. Điều tôi không thể hiểu được là lòng thương xót của Người.

Tôi muốn nói là lòng thương xót của tình yêu. Lòng thương xót của ơn cứu độ cho chúng ta đi từ tội lỗi đến trình trạng ơn sủng. Tôi hiểu rất rõ điều đó. Thiên Chúa thật cao cả khi hoán cải kẻ có tội. Nhưng có một lòng thương xót khác, lòng thương xót phát xuất từ tình yêu mà tôi thực sự không hiểu nổi. Tôi không hiểu là khi phụng sự Chúa – như cách chúng ta phụng sự, với bao keo kiệt, lười biếng, hèn nhát thiêng liêng, ích kỷ – tôi xin lỗi phải nói thế – mà Chúa vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta, cứ như tình yêu của chúng ta vẫn luôn nồng cháy khi phụng sự Người. Đó là điều tôi không hiểu. Điều này trái ngược với tất cả những tình yêu khác.

Huấn đức cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 17-09-1862, Paris, ngày thứ ba, bài suy niệm thứ hai: Sự thương xót của tình yêu. (PS 443,1) (Eymard Toàn Tập Quyển XVI, trang 463)

Nhưng Lòng Thương Xót Của Người Không Dừng Lại Ở Đó

Như người cha của đứa con hoang đàng, không phải Người đã mặc cho tôi tấm áo phẩm giá ban đầu sao, đã trả lại cho tôi chiếc nhẫn quý tộc thiêng liêng, đã trả lại cho tôi mọi quyền lợi, mọi của cải, khi đón nhận tôi vào mái nhà của Người, vào bàn đại tiệc tình yêu của Người sao (xem Lc 15:22-24)! Và các Thiên Thần hân hoan ăn mừng cuộc trở lại của tôi. Ôi! Chúa nhân hậu hiết bao! Quá đỗi tốt lành! Tốt lành vô hạn! Nói cho cùng thì làm sao tôi có thể bao giờ tuyệt vọng về ơn tha thứ của tôi? Về ơn cứu độ của tôi?

Huấn đức cho các tu sĩ dòng Marist. (PM 21,2) (Eymard Toàn Tập Quyển XI, trang 548

 

 

 

.