Sống Sứ Mệnh Nhận Trao Lòng Thương Xót


Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh Kính Lòng Thương Xót Chúa

(Ga 20, 19-31)

     Hôm nay chúng ta mừng Đại Lễ Kính Lòng Thương Xót của Chúa. Tâm tình mừng lễ giúp chúng ta sống trong hân hoan vui mừng và cảm nhận sâu hơn về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô là dung nhan Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Đồng thời ta cũng được mời gọi sống sứ mệnh của lòng thương xót như Thiên Chúa và như Chúa Giêsu đã truyền dạy.

     Lòng Thương Xót – đó là chạnh lòng thương với những khổ đau, những phận người yếu hèn tội lỗi. Như người mẹ đầy tình yêu luôn cảm thông, ôm ấp tất cả những đứa con của mình dù chúng lành lặn hay thương tích. Thiên Chúa đã thể hiện lòng thương xót đối với con người ở tột đỉnh khi Ngài luôn “Nhẫn nại và từ bi, giàu ân nghĩa và thành tín.” (x. Xh 34,6) Lòng Thương Xót của Chúa luôn cụ thể như cha mẹ xót thương con cái mình. Với dọc dài lịch sử cứu độ mà chúng ta đã thấy rõ trong Cựu Ước, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn trước những bất trung, yếu đuối của dân Ngài, Chúa chạnh lòng thương, ủi an, nâng đỡ, chữa trị, băng bó, giải thoát…(x. Tv 103.146.147) Lòng thương xót ấy đến từ sâu thẳm của trái tim và thể hiện với lòng cảm thông, trìu mến, khoan dung và tha thứ.

     Lòng Thương Xót – đó là tha thứ không tính toán. Qua Chúa Giêsu, lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa đã có một khuôn mặt rõ ràng “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”( Lc 5,32) Lòng thương xót của Chúa đã thể hiện cho Giakêu trong ánh nhìn và lời ngỏ Chúa đến nhà ông – nhà người tội lỗi (x. Lc 19, 5-7) và “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”(Lc 19,10) Ánh mắt đầy tình yêu thương xót của Chúa cũng đã hướng về Matthêu để tha thứ và chọn ông theo Chúa dù ông là một tội nhân. Hơn thế nữa, qua dụ ngôn con chiên lạc, đồng bạc mất tìm thấy và người cha nhân hậu, chúng ta càng thấy rõ bản tính của Thiên Chúa thể hiện như một người cha đầy nhẫn nại và xót thương “Sẽ không bao giờ bỏ cuộc nếu như trước đó đã không tha thứ hết mọi tội lỗi và vượt lên trên sự khước từ với cảm thông và lòng xót thương.”( ĐTC Phanxicô) Lòng xót thương của Chúa mạnh hơn sự chết, thắng vượt tất cả mọi rào cản và dạt dào trong tim cho đến nỗi dù cận kề cái chết, Chúa Giêsu vẫn cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”(Lc 23,34)

     Lòng Thương Xót – đó là sống Bí tích Hòa Giải, Bí tích của sự tha thứ. Lòng Thương xót của Thiên Chúa Cha được biểu lộ trên dung nhan của Chúa Giêsu. Lòng Thương Xót là trung tâm mầu nhiệm đức tin của Kitô hữu. Mỗi người chúng ta được mời gọi bước vào trong mầu nhiệm đức tin với lòng tin tưởng và niềm vui “Nhân danh Chúa Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa.”( 2Cr 5,20) Thế nhưng ngày hôm nay, nhiều người đã coi thường và bỏ Bí Tích Hòa Giải, không còn có tâm tình sám hối! Nhất là người ta đã mất lòng tin vào Bí Tích Hòa Giải do không còn cảm thức về tội, thiếu tình yêu và giảm sút niềm tin đối với Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài. Lòng kiêu ngạo đã ngăn chúng ta đến xưng tội với một Linh mục dù ta vẫn biết rằng ngài đã lãnh nhận quyền tha tội từ Hội Thánh mà chính Chúa Giêsu đã ban: “Anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha.”( Ga 19, 23) Linh Mục thi hành sứ vụ không bằng danh của ngài nhưng nhân danh Chúa Kitô, Đấng muốn chúng ta được hạnh phúc, được cứu độ, được tràn đầy niềm vui và sự thanh thản.

     Làm sao chúng ta có thể sống tốt bí tích chữa lành nội tâm và lớn lên trong đời sống thiêng liêng nếu ta không nhận biết tội lỗi của mình cũng như những thiếu sót về tình yêu làm cho chúng ta xa lìa Thiên Chúa và tha nhân? Chúa Kitô không nhìn chúng ta qua những tội lỗi khi ta xưng thú, nhưng Người nhìn chúng ta với tình yêu “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.”( Ga 15,9) Lòng thương xót của Chúa đã biểu lộ trọn vẹn trên cây Thánh giá “Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.”( 1Pr 2,24) Vậy chúng ta hạnh phúc được đón nhận vòng tay xót thương mở ra từ bí tích Hòa Giải bởi vì tất cả đã được trao ban cho chúng ta: Linh mục, sự tha thứ, ơn xá giải, lòng sám hối. Tất cả là ân huệ nhưng không Chúa dành cho ta.

     Đến với Bí tích Hòa Giải, chúng ta xác tín rằng Lòng nhân từ xót thương của  Thiên Chúa thì mạnh mẽ và lớn hơn những yếu hèn tội lỗi của ta. ĐTC Phanxicô đã nhắc chúng ta “Bí tích Hòa giải không phải là một buổi tra tấn, một tòa án nhưng là ‘sự gặp gỡ với Chúa Giêsu và ở đó người ta đụng chạm vào lòng  trìu mến của Người.” Và Ngài cũng nhắn nhủ với các Linh mục giải tội cần phải trở thành dấu chỉ thực sự của Lòng thương xót Chúa, “Trái tim một Linh mục có khả năng được đánh động và mủi lòng… Là thầy thuốc và quan tòa chữa lành và giải án. Nhiệm vụ của Linh mục là ban sự sống mới của Chúa Phục Sinh một cách quảng đại cho anh chị em trong Bí Tích Hòa Giải.”(ĐTC Phanxicô) Chính vì thế, với lòng tin tưởng, chúng ta hãy đặt mình vào trung tâm của Bí tích Hòa giải vì qua Bí tích, chúng ta được chạm tay vào sự lớn lao vô cùng của Lòng Thương Xót Chúa và chúng ta sẽ đón nhận được nguồn suối ân sủng, bình an thực sự trong tâm hồn và khám phá ra ý nghĩa cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.

     Chúa Kitô Phục Sinh sai các Tông đồ “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” ( Ga 19, 21) Hôm nay đến lượt chúng ta, Chúa cũng mời gọi ta sống và loan báo Lòng Thương Xót của Chúa. Bởi vì Lòng thương xót là tiêu chuẩn mà nhờ đó người ta nhận ra chúng ta thực sự là con cái Thiên Chúa. Chúng ta hãy mở lòng mình ra với những khốn cùng của thế giới và những vết thương đau đớn của anh chị em. Tất cả những cử chỉ, hành động và lời nói của chúng ta cần trở nên thấm đẫm Lòng Thương Xót. Hãy sống cụ thể lòng thương xót qua việc không ngừng yêu thương tha thứ như lời mời gọi của Đức Thánh Cha cho toàn Hội Thánh:“Giáo Hội sẽ không bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc giới thiệu Lòng Thương Xót và Giáo Hội luôn kiên nhẫn trong sự ủi an và tha thứ.”( M.Vultus số 25)

Lạy Chúa Giêsu, dung nhan nhân hậu của Chúa Cha, chúng con cảm tạ Lòng Thương Xót vô biên của Chúa đã dành cho chúng con. Xin cho chúng con khi đã lãnh nhận Lòng Thương Xót và ơn Tha thứ của Chúa, chúng con cũng biết không mệt mỏi chia sẻ, trao tặng lòng xót thương tha thứ cho anh chị em mà chúng con gặp gỡ. Amen.

Dã Quỳ