Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường Niên, Năm A

Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC

Lời Chúa của Chúa Nhật 15A mời gọi chúng ta chiêm ngắm tính hiệu năng và sức sống tuyệt vời của Lời Chúa: Lời Chúa một khi đã được tuyên phán ra rồi thì chắc chắn sẽ sinh hoa trái cho dù có bao nhiêu khó khăn cản trở đi nữa.

Tuy nhiên khi Lời Chúa chấp nhận nhập thể thì cũng chấp nhận luôn bị điều kiện hóa bởi những yếu tố giới hạn, yếu đuối của phận thọ tạo của nơi mà Lời Chúa nhập thể vào. Theo dòng lịch sử:

  1. Lời Chúa trước tiên nhận thể vào trong ngôn ngữ nhân loại với tất cả những khiếm khuyết, giới hạn của nó. Nhưng dầu gì đi nữa thì lời đó vẫn sinh hoa trái đem lại ích lợi tuyệt vời cho toàn thể nhân loại: đó là BỘ KINH THÁNH, bộ sách mà phần lớn nhân loại đều đọc và hiểu được “bằng tiếng mẹ đẻ của mình.”

  2. Tiếp đến, Lời Chúa nhập thể trong xác phàm nhân loại. Đó là con người Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa, vừa là người thật. Cho dù nhân loại có đón nhận hay từ chối thì kết cục ơn cứu độ vẫn thể hiện trọn vẹn nơi Người qua Thập Giá và Phục Sinh. Lời mang xác phàm là cội nguồn ơn cứu độ cho vũ hoàn.

  3. Lời nhập thể vào toàn bộ công trình sáng tạp của Thiên Chúa để phục hồi tất cả, biến đổi tất cả, cho toàn thể vũ trụ được thông dự vào sự sống thần linh. Đó chính là Bí Tích Thánh Thể: Chúa Giêsu là CHÚA và là CON NGƯỜI thật hiện diện trọn vẹn trong tấm bánh, ly rượu. Mà bánh rượu đó là “hoa màu ruộng đất và lao công của con người” đã được Tình yêu, Quyền năng Chúa vui nhận và biến thành Thánh Thể nuôi dưỡng đoàn dân lữ thứ.

Tuy nhiên, vì tôn trọng tự do của con người nên hiệu năng, sức sống của Lời chỉ sinh hoa trái dồi dào nơi ai đón nhận Lời.

Lời Chúa hôm nay phản chiếu lại một phần sức sống, hiệu năng chắc chắn của Lời Chúa đối với thân phận thụ tạo của ta. Bài đọc 1 là dụ ngôn mượn từ thực tế cuộc sống để minh họa, công bố tính hiệu năng chắc chắn của Lời Chúa: Mưa và tuyết là hồng ân Thiên Chúa thương ban làm đất đai phì nhiêu và hoa màu sinh nhiều bông trái. Do đó, một khi Chúa cho mưa, tuyết rơi xuống đất thì chúng không quay trở về trời mà phải thấm sâu vào lòng đất tạo điều kiện thuận lợi để đất đai hoa màu trổ sinh bông trái. Và ngôn sứ Isaia kết luận cách chắc chắn rằng Lời Chúa khi được ban ra sẽ chu toàn sứ mạng được giao cho.

Tin Mừng thuật lại dụ ngôn “Người gieo giống”. Có thể chia đoạn văn này làm 3 phần: phần một là bài dụ ngôn: 13,1-9; phần hai là lời giải thích của Chúa Giêsu cho các môn đệ hỏi Người tại sao giảng dạy bằng dụ ngôn: 13,10-17; phần ba là lối giải thích luân lý dụ ngôn ứng dụng vào cuộc sống: 14,18-23.

– Phần 1 là bài dụ ngôn đi trực tiếp vào chủ đề phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Do đó Giáo Hội cho phép đọc bài đọc ngắn chỉ đọc phần bài dụ ngôn là đủ. Bài dụ ngôn thuật lại việc “Người gieo giống đi ra gieo giống”. Ông gieo rất thoải mái, không tiếc hạt giống. Đám ruộng của ông cũng lạ kỳ gồm nhiều dạng đất khác nhau: đất vệ đường, đất sỏi đá, đất đầy gai và cũng có phần đất tốt. Cho dù thất bại trên ba loại đất xấu, nhưng kết quả chung cuộc của Ngày Mùa là thật đáng kinh ngạc: “Hạt được gấp trăm, hạt được 60, hạt được 30”. Bài dụ ngôn nhấn mạnh đến hiệu năng và sức sống tuyệt vời của HẠT: Bất chấp những khó khăn cản trở, cuối cùng HẠT vẫn có kết quả bội thu.

– Chúng ta bỏ qua phần 2, vì bài đọc dài quá. Qua phần 3, bài dụ ngôn được giải thích theo hướng ứng dụng luân lý. Trọng tâm không nằm ở HẠT GIỐNG nữa, mà đã chuyển qua CÁC LOẠI ĐẤT. nghĩa luân lý bộc lộ khá rõ: các loại đất tượng trưng cho những hạng người khác nhau nên kết quả là KẺ được gấp trăm, KẺ được 60, KẺ được 30.

Ngày nay con người dường như thờ ơ với Lời Chúa và nhiều người đã có thái độ bi quan. Nhưng Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh, khích lệ chúng ta hãy tin vào hiệu năng, nội lực, sức sống phi thường của Lời Chúa; từ đó hãy tiếp tục can đảm SỐNG và GIEO Lời Chúa cách hăng say trong niềm xác tín vào nội lực của Lời Chúa và phó thác cho Thiên Chúa sẽ cho vụ mùa bội thu.