Tháng 11 Ngày 5

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

“Tôi an lòng khi nhìn thấy tinh thần hăng hái và lòng quảng đại cởi mở nơi những tu sỹ của chúng ta ở đây. Mỗi người đều chung tay góp sức trong mọi việc.” [Gửi cho cha Leroyer, 2/1866]

Một trong những mối bận tâm nhất của cha  Eymard trong những năm đầu của Hội dòng chính là tìm những người thích hợp để gia nhập Dòng Thánh Thể. Trong vài năm đầu, có nhiều người đã đến với những động cơ và ơn linh hứng khác nhau. Bấy giờ vấn đề đối với các nhà đào tạo trong giai đoạn lịch sử của Dòng đó là sàng lọc và loại trừ những ai không gia nhập với một động lực hy sinh quên mình. Một trong những cách thức dễ dàng nhất để thực hiện điều này là quan sát lòng quảng đại mà các ứng sinh thể hiện qua công việc được Hội dòng giao phó, cụ thể là “việc Chầu Thánh Thể”. Lúc đó vấn đề kéo theo là cứ 8 tiếng thì mỗi tu sĩ phải chầu 1 giờ. Lý do là vì trong giai đoạn đầu, hầu hết mỗi cộng đoàn Dòng Thánh Thể phải chầu 24 giờ.

Nếu ai đó đã gia nhập Hội dòng mà không thực sự có ơn gọi đối với “công việc” này, thì sự chán nản sẽ mau chóng len lỏi  vào, thể hiện qua việc người ấy chầu hay qua việc phê bình  những người khác, cách tổ chức hay bất cứ thứ gì khác liên quan đến nó. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu không phải là hầu hết các trường hợp mà cha Eymard phát hiện được và cảm thấy hài lòng đó là các ứng sinh đã có một tinh thần quảng đại lớn lao, được thể hiện qua việc họ chung tay góp sức với bất kỳ công việc gì cần làm, thậm chí không một lời than phiền phát ra từ môi miệng của họ. Việc chầu Thánh Thể đã được thực hiện với một sự sốt sắng và tình yêu tuyệt vời bởi những con người có những giờ chầu đêm cũng như những đêm thức trắng không ngủ. Thật đáng để nhớ lại rằng trong những ngày đầu tiên của Hội dòng, những thành viên của Hội dòng khi chầu Thánh Thể thì không được phép ngồi. Họ phải quỳ mà không được đặt tay (từ lòng bàn tay đến cổ tay) lên bàn quỳ. Khi thực sự mệt mỏi, họ được phép đứng lên tại ngay bàn quỳ, nhưng không bao giờ được phép ngồi, để tránh tình trạng nằm ườn ra cách bất kính trước Thánh Thể.

Do đó, người ta hiểu rằng vì sao một tinh thần quảng đại và sốt sắng được xem là dấu hiệu của một ơn gọi tốt trong những ngày đầu. Ngày nay, khi chú ý đến tư thế của người ta, chúng ta được kêu mời để đảm bảo rằng việc cầu nguyện đích thực vẫn đang diễn ra, chứ không phải chỉ là hình thức mơ giữa ban ngày hay nói chuyện một mình. Phẩm chất của việc cầu nguyện được xem là quan trọng hơn những cử chỉ bên ngoài hay những tình huống chi phối việc cầu nguyện. Trong suốt giai đoạn đào tạo đầu tiên, hàng loạt sự nhấn mạnh được đưa ra nhắm đến những tư thế và cử chỉ phù hợp, nhưng hiệu quả đích thực của việc cầu nguyện được hiểu là độc lập với những thứ đó. Thực ra, người ta được khuyến khích để trở nên người thành thạo trong những thực hành như vậy chẳng hạn như hít thở sâu và ngồi xuống với lưng thẳng, điều mà nhìn chung được thực hiện khi người ta bước vào việc cầu nguyện, để không lãng phí thời gian vào những xao lãng không cần thiết và tư thế của cơ thể giúp đỡ cho việc cầu nguyện hơn là ngăn cản nó.

Tuy nhiên, các tu sỹ Thánh Thể tiên khởi đã thể hiện một lòng quảng đại lớn lao trong mọi khía cạnh của đời sống cộng đoàn và đó là điều tạo nên niềm động viên khích lệ, đặc biệt là để đối lại với hoàn cảnh của nhiều người đã bỏ ra đi cũng như những khó khăn khác mà họ cảm nghiệm được.

Trong việc cầu nguyện, hãy khao khát sao cho được Chúa nuôi dưỡng hơn là làm cho mình được trở nên trong sạch, hay tự khiêm tự hạ… hãy nuôi dưỡng linh hồn con bằng chân lý thể hiện nơi sự thánh   thiện   của   Thiên   Chúa hướng về con, cùng với sự mỏng dòn của tình yêu mà Ngài đã dành cho chúng ta! Ta có thể làm gì cho con?… Đó chính là ngọn lửa phát ra từ lò sưởi”. [Gửi cho bà Natalie Jordan, 8/1867]

Đây là phần tiếp theo của lời khuyên đã được đề cập đến trong bài  suy  niệm trước  và không lấy gì làm ngạc nhiên khi lời văn cũng tương  tự  như  vậy. Chúng ta tán thành với những gì đã được nói đến trong bài suy niệm trước và chỉ tập trung vào  thái  độ  then  chốt của   người   đang   tìm kiếm sự kết hiệp với Thiên Chúa. Có lẽ hình ảnh tiêu biểu nhất trong Tin Mừng chính là hình ảnh cô Maria làng Bê-ta-ni-a ngồi bên chân Chúa: ‘Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì bận rộn lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Ngài, em con để con phục vụ một mình, mà Ngài không lưu ý sao? Xin Ngài bảo nó giúp con một tay!” Nhưng Chúa trả lời cô: “Mác-ta, Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,39-42)

Trong bức tranh này, chúng ta thấy Maria đã ngồi (vị trí và tư thế của một người môn đệ) dưới chân Đức Giê-su chỉ để lắng nghe Người. Cô để Người nói hết, nhưng lại đối đáp một cách rất khôn ngoan những điều Người nói. Đức Giê-su dẫn dắt, còn cô thì sẵn sàng bước theo. Nếu chúng ta ở đó, chúng ta sẽ chú ý đến sự say mê lắng nghe của cô. Cô đã kín múc không chỉ lời, mà còn cả con người của Đức Giê-su. Cô đã làm cho Người thấy rằng Người chính là trung tâm đời sống của cô và cô thuộc trọn về Người. Cô không mấy quan tâm đến sự phù hợp về tư thế hay cử chỉ của mình, hoặc thậm chí đến những lời mà cô đã nói. Phải chăng cô đã không hiện diện ở đó như viên đất sét trong tay người thợ gốm, sẵn sàng bị nhào nặn theo kế hoạch và ý muốn của ông chủ? Không cần phải nói, chính Đức Giê-su đã thực sự hài lòng về nỗ lực của cô và hơn nữa là về sự gần gũi của cô.

Trái lại, Mác-ta thì quá bận rộn với những kế hoạch và ước vọng của bản thân. Dù được khởi đi từ tình yêu, nhưng những kế hoạch và ước vọng ấy lại bắt nguồn từ chính bản thân cô hơn là từ Đức Giê-su. Cô đã không hỏi thăm Người, dù chỉ một lần: “Ngài muốn con làm gì cho Ngài, lạy Chúa?!”. Cô biết những gì cô muốn làm và vui thích với công việc mình làm. Vào cuối buổi tối khi cô đã tiếp đãi Đức Giê-su, thì những nhận định của cô có lẽ sẽ giống như thế này ‘tất cả những gì tôi làm đều diễn ra một cách tốt đẹp, mà không gặp một cản trở nào!’ và khi ấy cô sẽ tạo được nhiều uy tín cho chính mình. Thậm chí sẽ không thể tránh được trường hợp là cô sẽ đi dò hỏi và xem xem vị khách Giê-su có thực sự vui thích khi ở với những người bạn của mình hay không!

Và điều làm lộ ra thái độ tự mãn của cô chính là sự kiện cô đã không bằng lòng với người em gái Maria khi cô này cứ ở bên vị thượng khách thay vì phải giúp chị mình chuẩn bị bữa ăn. Thậm chí Mác-ta còn than phiền với Đức Giê-su để nài xin và khiến Người bắt Maria phải giúp đỡ cô! Chỉ khi biết chiêm ngắm hình ảnh này với sự bình thản và lòng quảng đại thì người ta mới có thể nhận ra đâu là những phẩm chất mà mình cần phải có, dù cho Đức Giê-su đã không đề cập đến bất cứ phẩm chất nào. Bấy giờ, nếu người ta biết đặt phẩm chất ấy vào bàn tay của Thần Khí đồng thời biết dâng bản thân mình vào tay Người, thì Người sẽ lo liệu mọi sự một cách hiệu quả hơn so với những gì chúng ta có thể tự mình làm lấy.