v
LINH ĐẠO EYMARD QUA CÁC BIỂU TƯỢNG
Sr Têrêsa Đinh thị Anh Đào sss
Tài liệu thường huấn kỳ 2/2018
Thật đáng chú ý trong các bài giáo huấn của cha Eymard, ngài sử dụng rất nhiều biểu tượng để diễn tả tư tưởng của ngài về Thánh Thể. Như là : con đường, lửa, ánh sáng, mặt trời và tia sáng, chim phượng hoàng, cây nho và nhành nho, hạt lúa mì, bánh và rượu, phòng tiệc ly, mầu nhiệm vượt qua, ơn hiến dâng bản vị… Tất cả đều lôi cuốn chúng ta đào sâu Linh đạo qua các biểu tượng này.
Phần 1 : CÁC BIỂU TƯỞNG VỀ TÌNH YÊU
Biểu tưởng là một lối so sánh để làm sáng tỏ một thực tại khác, cao siêu hơn.
- Mặt trời và tia sáng « Tình yêu của Chúa Giêsu đó là của tâm hồn, nhân đức chỉ là những tia sáng mà thôi ». ( PD 22- « Khởi đi từ tình yêu », Linh Đạo Ema tập 2 )
- Dòng sông và đại dương Chiêm ngắm dòng sông chảy, cha suy nghĩ về chính ngài như sau : « Dòng sông đổ vào đại dương. Dòng sông này nói với tôi về Thiên Chúa, đời tôi như dòng sông. Đại dương, đó là Thiên Chúa trong vĩnh cửu » (PA 1,37 – bài giảng cho tu sĩ ). Cha tiếp tục suy tư rằng : « Tôi đi về trời, nặn chìm trong đại dương vô tận của Thiên Chúa. Thiên nhiên đẹp, Thiên Chúa thì tuyệt vời hơn cả, Người tốt lành. Tất cả cho tôi » (NR 34,3 – Ghi chú cá nhân trong cuộc tĩnh tâm Roma).
- Đường tình yêu Tác giả thánh vịnh 1 gợi ý hai con đường : đường của người công chính và đường của kẻ bất nhân. Tác giả các Sách Tin Mừng nói cửa hẹp và cửa rộng. Cha Eymard thích thành ngữ : đường tình yêu và đường nhân đức ( PD 22- Các bài giảng cho giáo dân)
- Đường nhân đức dài và nặng nề, ít đạt đến sự hoàn hảo. Đó là những ai muốn tìm kiếm sự hoàn hảo trong công việc, họ đo lường theo công đức, lề luật, họ đong đếm không ngừng các hy sinh nhưng dân do thái dưới chân núi Sinai, sau khi ra khỏi Ai cập. Thật khó khăn ! khó có thể đạt được (RA18,2). Đó là kinh nghiệm của cha Eymard thời niên thiếu.
Con đường thứ hai ngắn hơn, sáng giá hơn, « đó là đường tình yêu, nhưng là tình yêu vương giả. Đường tình yêu nhanh và mạnh mẽ nhưng chim phượng hoàng chiêm ngắm mặt trời tình yêu để nhận biết rõ vẻ đẹp và quyền năng của mặt trời » Cha Eymard là người miền núi, ngài từng thấy chim phượng hoàng bay vút lên trời cao thế nào ? ánh mặt trời sáng chói trên đỉnh núi ra sao ? Vậy, cha tìm ra con đường nên thánh cho ngài, đường tình yêu vương giả « Ồ, hạnh phúc cho tâm hồn tìm đến sự hoàn hảo của Chúa bằng tình yêu vương giả. Con đường này ngắn, đi như bay. Đó là phượng hoàng vương giả với quyền năng của nó ; Đây là con đường của tôi ». ( PD 22- « Khởi đi từ tình yêu », Linh Đạo Ema tập 2 ). Ngôn sứ Isaia nói rằng : « những ai đặt hy vọng nơi Chúa, sẽ tìm được sức mạnh mới mẻ, họ như chim phượng hoàng, chạy mà không mệt, đi mà không mỏi » (Is 40,31)
Thánh Têrêsa hài đồng lên thánh bằng con đường tình yêu: « tôi muốn dùng thang máy để nâng tôi lên tới Chúa Giêsu, bởi vì tôi quá bé để leo thang nhân đức hoàn hảo. Tôi đã tìm thấy thang máy nâng tôi lên trời. Đó là cánh tay của Chúa Giêsu. Bằng con đường nhỏ bé, rất ngắn, con đường bé nhỏ này thật mới mẻ. Đó là tất cả tình yêu và tin tưởng vào Chúa » [1]
Thánh Thể, Bí tích tình yêu: Cha Eymard hiểu thâm sâu rằng : Thánh Thể, đó là Bí tích tình yêu tuyệt hảo cho con người. Đó là Bí Tích trên các Bí Tích, đó là của ăn cho con người no thỏa. (PP 26,1)
Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI khẳng định rằng : « Thánh Thể, Bí tích tình yêu là quà tặng mà Chúa Giêsu dâng hiến chính mình, mặc khải tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa cho con người. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục yêu thương chúng ta đến cùng, người trao ban chính thân mình và máu huyết cho chúng ta. Khâm phục biết bao con tim của các môn đệ được chứng kiến, đối diện với các cử chỉ và lời của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc ly. Kỳ diệu thay, Bí tích Thánh Thể cũng được sinh ra trong con tim chúng ta » [2]
Phần 2 : BIỂU TƯỢNG VỀ SỰ BIẾN ĐỔI TRONG GIÊSU THÁNH THỂ
Hạt lúa mì
« Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, sẽ sinh nhiều bông hạt » (Mt 12,24)
Cha Eymard giải thích quá trình biến đổi là quá trình dài, nhiều giai đoạn. Quá trình thanh luyện ý chí và đức tin của chúng ta để hiệp nhất với Người. Như Hạt lúa phải gieo xuống đất, lớn lên, kết bông, chín vàng dưới ánh mặt trời chói chang, rồi bị nghiền nát, cuối cùng nhào nặn thành bánh. (PG 358,2)
- Bánh, của ăn thật
« Tôi là Bánh Hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. Bánh tôi ban, chính là thịt tôi để thế gian được sống » (Ga 6, 53). Vì thịt tôi thật là của ăn (Ga 6, 55)
Bánh có ba chức năng : ban sức mạnh, no thỏa và bảo tồn sự sống. Như vậy, Thánh Thể ban sức mạnh cho tâm hồn các tín hữu từ bỏ tội lỗi, no thỏa tâm hồn để chê bỏ thế gian này, bảo tồn sự sống để ca tụng Thiên Chúa muôn đời (NP 68,8 – ghi chú cá nhân)
Bánh còn là biểu tượng của sự hiệp nhất, Bánh, đó là thân mình mầu nhiệm của Giáo hội, bao gồm nhiều phần tử tốt xấu, hiệp nhất bằng mối dây bác ái (NP 62,8)
Thánh Ambrôsiô giải thích rằng : Bánh mà chúng ta nhận lấy trong Bí tích Thánh Thể, đó là chính Đấng đã hình thành trong lòng Đức trinh nữ Maria, qua bàn tay của Thánh Thần, và được hoàn tất trong cuộc thương khó trên bàn thờ thập giá. (NP 61,10)
Lửa
Lửa là biểu tượng của tình yêu, có ba mục đích : ánh sáng, sức nóng và là sự sống ? Lửa trên bàn thờ hy tế, đó là tình yêu của Chúa Giêsu trong bí tích. Tình yêu Chúa Giêsu xâm chiếm và thiêu đốt chúng ta (PP 22) Như người môn đệ yêu dấu tựa đầu vào ngực Đấng cứu độ, cháy bỏng yêu thương, tâm hồn đói diện với các hy sinh và tự hỏi : có gì có thể so sánh với tình yêu Chúa Giêsu giành cho tôi ? tôi phải đáp trả lòng nhân hậu vô biên của người ra sao ?
- Cây nho và nhành nho« Hãy ở lại trong Ta như Ta trong các con, cành không thể sinh trái nếu không gắn liền với cây» (Ga 15,4)
Hiệp lễ là đi vào trong tình yêu, trong con tim của Chúa Giêsu, hiệp thông với Người cách mật thiết. Hãy nghe Người, không phải thời gian tìm kiếm mà để cảm nếm, chính Người dạy chúng ta (PP 25,3). Nói cách khác, Thánh Thể, đó là bí tích của gặp gỡ, Chúa Kitô ngự vào lòng mỗi tín hữu như Người đã thông hiệp với từng môn đệ trong Bữa tiệc ly. [3]
« Ở lại trong Chúa, chính là ra khỏi mình, lột bỏ cái tôi riêng, dâng hiến cách nhưng, như củi bỏ vào lửa, con tim cho tình yêu« (CO 1176,1). Hiệu quả là, mỗi khi chúng ta tham dự cử hành Bí tích Thánh Thể, chúng ta ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu. Chúng ta trở nên những gì chúng ta được nhận lãnh. Chúng ta đón nhận đời sống vĩnh cửu ngay từ bây giờ. Chúa Giêsu đến ngự trong ta, ban cho ta sức mạnh và hiệp nhất chúng ta với Người.
Sống Thánh lễ tích cực là chúng ta được mời gọi mang đến bàn thờ bánh tình yêu, đó là hoa trái của niềm vui, vất vả, nhọc nhằn, của đau khổ và thử thách góp nhặt trong đời thường. Tất cả được dâng lên Cha cùng với Chúa Kitô, để cuộc đời chúng ta được lôi kéo vào hành trình vượt qua mỗi ngày với Chúa Kitô (Ls 26, 27). Quả thật, Thánh Thể mầu nhiệm để cử hành, mầu nhiệm để sống.
- Giếng rửa tội
Bí Tích Rửa Tội là khởi đầu cho sự biến đổi của người tín hữu. Người đó đã cùng chết với Chúa Kitô, và cùng sống lại với Người trong Thánh Thần.
Bí Tích Rửa Tội là mục tiêu cho con đường lên thánh. Cha thường nhắc nhớ ngày rửa tội với niềm vui : « một ngày thật đẹp đối với tôi, đó là ngày đẹp nhất trong đời tôi » ( CO 68). Cha nhắc đến ba ơn gọi của ngài đặt nền căn bản trên Bí Tích Rửa Tội đó là : ơn gọi làm kitô hữu, ơn gọi đời linh mục và ơn gọi tu sĩ.
- Mầu nhiệm vượt qua ( Sự sống phát sinh ra từ cái chết)
Cha Eymard đã nhìn lại đời sống trong cuộc tĩnh tâm ở Saint Maurice. Cha xác nhận rằng :
- Thiên Chúa gọi tôi phục vụ cho Thánh Thể, mặc dù tôi bất xứng
- Người chọn gọi tôi để phục vụ Hội Dòng, mặc dù tôi không đủ khả năng.
- Người dẫn tôi từ cái chết, bằng cái chết đến sự sống của Hội Dòng.
- Người đòi tôi dâng tất cả, cho đến chia lìa, thập giá và buông xuôi. Nhưng sự sống sinh ra từ cái chết. Đó là con đường của Hội Dòng, của cá nhân tôi (NR 45,4 – Tĩnh tâm Roma)
Nhờ phép rửa tội, người tín hữu đã tham dự vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô để mang lại sự sống mới. Mầu nhiệm này được thục hiện không ngừng trong đời sống chúng ta.
Tiếp bước cha Eymard, những lúc thật khó khăn, những tình huống phúc tạp, chúng ta không chỉ hành động với ý thức mà thôi, nhất là đối chiếu với tình yêu vô bờ bến của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. [4]Niềm xác tín này đem lại cho chúng ta hạnh phúc đích thực, vì chỉ có tình yêu của Chúa Kitô ở lại trong con tim chúng ta, mới có sức chiến thắng sự dữ mà không phá hủy sự sống.
- Phòng tiệc ly
Phòng tiệc ly nơi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể
Cha Eymard thích gọi các cộng đoàn bằng tên ‘Phòng tiệc ly’
« Tôi vui sướng biết bao trước khi ra đi được nhìn thấy ít là một nhà tiệc ly » (CO 482,1)
Cha ước muốn biết bao có thể mua được Phòng tiệc ly ở Giêrusalem, nhưng dự án của ngài không thành. Điều này đã dẫn cha đi vào Phòng tiệc ly nội tâm.
Phòng tiệc ly không chỉ là nơi cư ngụ nhưng còn là biểu tượng của tình huynh đệ, của đời sống nội tâm, của sứ mệnh, được nuôi dưỡng và biến đổi từ Bí Tích Thánh Thể. Phòng tiệc ly là nơi thẩm định ơn gọi của một tu sĩ Thánh Thể đích thực. ( Avec vous số 76)
Phòng tiệc ly nội tâm, đó là ở lại trong tình yêu mật thiết, lòng kề lòng với Chúa Kitô. Kinh nghiệm Phòng tiệc ly nội tâm đã dẫn cha đến lời khấn hiến dâng bản vị.
8) Ơn hiến dâng bản vị Theo cha Eymard, hiến dâng bản vị là bằng chứng của một tình yêu đích thực, đó là tất cả những gì Thiên Chúa muốn. « Này con, hãy trao cho Ta con tim của con » (Châm ngôn 23, 26, CO 894,1)
Trong Mầu nhiệm Thánh Thể, nhân tính của Chúa Giêsu đã hạ mình xuống tận cùng trong con người phàm nhân, không còn tìm kiếm điều gì cho chính người nữa. Cha Eymard đã cảm nhận được trong hiệp lễ chính Chúa Ki tô sống và hành động trong ngài như lời thánh Phao lô nói : « tôi sống như không phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi » (Gl 2, 20)
Như Chúa Giêsu đã trao ban Mình và Máu Người trong Bí Tích Thánh Thể, cha đáp trả tiếng gọi của Chúa bằng lời khấn hiến dâng bản vị trong cuộc Đại tĩnh tâm Roma ngày 21/3/1865 : « không còn gì cho tôi, và không có gì bởi tôi cả. Mẫu mực Ngôi Lời nhập thể » . Ôi !Mỗi chị nữ tỳ hãy nguyện xin với Đấng Sáng Lập: “Lạy Cha Thánh Phêrô Giulianô Eymard, xin dạy chúng con biết để cho Chúa biến đổi cuộc đời chúng con qua từng ngày sống”.
Phần 3 : BIỂU TƯỞNG VỀ SỨ MỆNH LAN TỎA THÁNH THỂ (Mầu nhiệm để loan báo)
Cha khẳng định rằng : « Làm cho mọi người nhận biết, yêu mến, và phục vụ cho Thánh Thể, đó là đặc tính của người tông đồ Thánh Thể. Phải tận tâm như vị tông đồ cả đã loan báo về Chúa Kitô chịu đóng đinh» (RA 16,6 – luật dành cho HHTT). Cha còn khuyên dạy phải say mê cho Thánh Thể : Không có say mê Thánh Thể, chúng ta không làm được gì cả. (PR 124)
1) Bếp lò
Cha Eymard đã nói với Cha De Cuers rằng: “Một đời sống Thánh Thể thuần túy không thể là Thánh Thể tròn đầy được, bếp lò phải có lửa “ (CO 1030,1).
2) Thánh Thể là ánh sáng
« Chỉ sau bữa tiệc ly, Chúa Giêsu mới mặc khải mầu nhiệm cao cả tình yêu của Người cho các môn đệ. Thánh Thể là ân sủng cao siêu về sự thật. Sự thật phải đi qua Mầu Nhiệm Thánh Thể đến với chúng ta trong tất cả quyền năng và sự ngọt ngào êm dịu của nó » (PG 283,2 – các bài giảng sau năm 1856 )
Chiêm niệm là nhìn thấy Chúa trong mọi sự, qua thiên nhiên, các biến cố, dấu chỉ của thời đại. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: « chiêm ngắm Đúc Kitô đòi chúng ta phải nhận ra Người ở mọi nơi Người biểu lộ, trong nhiều hình thức hiện diện, nhất là trong Bí tích Mình và Máu Người. Giáo Hội sống từ Người, nhờ Người, Giáo Hội được nuôi dưỡng, được chiếu sáng. Thánh Thể, mầu nhiệm đức tin cũng là mầu nhiệm ánh sáng » [5]
- Phòng tiệc ly
Hình ảnh Phòng tiệc ly hội tụ 2 chiều kích: tôn thờ và ra đi loan báo Thánh Thể. Những gì chúng ta chiêm niệm, cảm nếm về tình yêu vô biên của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, hãy làm chứng trong đời sống. Từ bàn tiệc Thánh Thể đến bàn tiệc phục vụ anh em trong đời thường. Đó là sự năng động sáng tạo của sứ mệnh tông đồ, mà chúng ta phải chú ý trong thời đại chúng ta.
Kết luận nắm lại tư tưởng của cha Eymard nói rằng : ngài chỉ thấy một phương thuốc chữa trị sự lãng đạm thờ ơ của thế giới này, chính là Thánh Thể. (thư cho bà Tholin-Bost ngày 20 /10/1851)
[1] Tiểu sử Một tâm hồn
[2] Tông huấn « Bí tích tình yêu » của ĐTC Benedicto XVI
[3] Thánh Thể, « Bí tích gặp gỡ », Christus tháng 5/ 2014
[4] Tông thư « Bác ái trong sự thật », phần kết luận
[5] Tông thư « Giáo Hội sống từ Bí tích Thánh Thể », số 25
Cầu nguyện 15 ngày với Cha Eymard, cha Manuel Barbiero,sss