Thông điệp ECCLESIA DE EUCHARISTIA – DẪN NHẬP (số 1 – 10)

THÔNG ĐIỆP

ECCLESIA DE EUCHARISTIA

CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN-PHAOLÔ II
GỞI CHO CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC,
NAM NỮ TU SĨ VÀ CÁC TÍN HỮU
VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ
TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI GIÁO HỘI

 

DẪN NHẬP ( số 1 – 10)

  1. Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia vivit).Chân lý này không chỉ diễn tả một kinh nghiệm hằng ngày của đức tin, nhưng dưới hình thức tổng hợp nó còn gồm tóm cả cốt lõi của mầu nhiệm Giáo Hội. Trong hân hoan, Giáo Hội cảm nghiệm dưới nhiều hình thức sự thể hiện liên tục lời hứa: “Và Thầy, Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20). Nhưng trong Bí Tích Thánh Thể, nhờ sự biến đổi bánh và rượu thành  Mình và Máu Chúa, Giáo Hội được vui hưởng sự hiện diện này với một cường độ duy nhất. Từ ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Giáo Hội, Dân của Giao Ước Mới, khởi đầu cuộc lữ hành về quê hương thiên quốc, Bí Tích thần linh vẫn tiếp tục in dấu trên những ngày sống của Giáo Hội, lắp đầy chúng với niềm hy vọng tín thác.

Công đồng Vaticanô II đã chính thức công bố rằng Hy Tế Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu”(1). “ Thật vậy, Bí Tích Thánh Thể rất thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội, đó là chính Chúa Kitô, Người là mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta, Người là Bánh Hằng Sống, ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã được sinh động nhờ Thánh Thần và làm cho con người được sống”(2). Vì thế, Giáo Hội luôn chăm chú hướng nhìn vào Chúa mình, hiện diện trong Bí Tích của bàn thờ, trong đó Giáo Hội khám phá ra tình yêu vô biên của Ngài được tỏ hiện tràn đầy.

  1. Trong đại năm thánh 2000, tôi được cử hành lễ Tạ Ơn trong nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem, theo truyền thống, nơi đó chính Chúa Kitô đã cử hành Hiến Tế  Tạ Ơn này. Nhà Tiệc ly là nơi bí tích rất thánh nầy được thiết lập. Chính nơi đó, Chúa Kitô đã cầm bánh trong tay, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói : “Tất cả hãy cầm lấy mà ăn : Này là mình Thầy bị nộp vì anh em” (x. Mt 26,26 ; Lc 22,19 ; 1Cr 11,24). Rồi Ngài cầm trong tay chén rượu nho và nói : “Tất cả hãy cầm lấy mà uống, này là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước Mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội” (x. Mc 14,24; Lc 22,20; 1 Cr 11,25). Tôi tạ ơn Chúa Giêsu đã cho tôi nói lại cũng tại nơi đó, vâng theo lệnh truyền của Ngài “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”(Lc22,19), những lời mà Ngài đã nói cách đây hai ngàn năm.

Các Tông Đồ, những người đã tham dự vào Bữa Tiệc Ly có hiểu ý nghĩa của những lời từ miệng Chúa Kitô nói không ? Có thể là không. Những lời ấy chỉ được sáng tỏ một cách đầy đủ sau Tam Nhật Vượt Qua mà thôi, nghĩa là khoảng thời gian từ chiều Thứ Năm đến sáng Chúa Nhật. Chính trong những ngày đó, mầu nhiệm Vượt Qua được khắc ghi (mysterium paschale); cũng chính trong ngày đó mà mầu nhiệm Thánh Thể được khắc ghi (mysterium eucharisticum).

  1. Giáo Hội được khai sinh từ mầu nhiệm vượt qua. Chính vì thế mà Thánh Thể, bí tích tuyệt hảo của mầu nhiệm vượt qua, nằm ở  trung tâm  đời sống Giáo Hội. Người ta nhận thấy rõ ngay từ những hình ảnh đầu tiên của Giáo Hội mà sách Công Vụ Tông Đồ đã ghi lại cho chúng ta: “ Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” ( 2, 42). Bí Tích Thánh Thể được gợi lên trong “Lễ Bẻ Bánh”. Hai ngàn năm sau, chúng ta tiếp tục thực hiện hình ảnh nguyên thủy đó của Giáo Hội. Và khi chúng ta làm như thế trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể,  tâm hồn chúng ta nhìn về Tam Nhật Vượt Qua, về những gì xảy ra chiều Thứ Năm Tuần Thánh trong bữa tiệc ly và sau đó. Thật vậy, việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể đã thực hiện trước dưới hình thức bí tích, những biến cố sẽ được thực hiện sau đó ít lâu, từ khi Chúa hấp hối trong vườn Giếtsêmani. Chúng ta nhìn thấy lại Chúa Giêsu ra khỏi nhà tiệc ly, đi xuống với các môn đệ để băng qua suối Cédron và đi vào vườn Cây Dầu. Trong vườn này, ngày nay vẫn còn vài cây Ôliu cổ thụ. Có lẽ chúng đã chứng kiến những gì đã xảy ra dưới bóng của chúng đêm hôm ấy khi Chúa Kitô cầu nguyện và một nỗi lo sợ chết người đã xâm chiếm Ngài và “mồ hôi của Ngài trở nên như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44). Máu mà Ngài vừa ban cho Giáo Hội trước đó một chút như của uống cứu độ trong Bí Tích Thánh Thể, đã bắt đầu đổ ra. Việc đổ máu đó sẽ hoàn tất trên đồi Golgotha, trở nên dụng cụ của ơn cứu độ chúng ta: “Đức Kitô? Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai ?, đã tiến vào cung thánh một lần thay cho tất cả, không phải với máu dê đực và máu bò non nhưng với chính máu của mình, và lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9,11-12). 
  2. Giờ cứu chuộc của chúng ta. Mặc dù bị thử thách nặng nề, Chúa Giêsu không trốn chạy “giờ” của Ngài : “Biết nói gì đây ? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này. Nhưng không! Chính vì giờ này mà con đã đến.” (Ga 12,27). Ngài mong muốn các môn đệ tỉnh thức với Ngài và trái lại, Ngài phải kinh nghiệm sự cô đơn và bị bỏ rơi: “Thế ra, anh em không thể thức được một giờ với Thầy sao ? Hãy tĩnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước  cám dỗ” (Mt 26,40-41).  Chỉ một mình Gioan đứng dưới chân thập giá bên cạnh Đức Maria và những phụ nữ đạo đức. Cơn hấp hối ở vườn Giếtsêmani là khởi đầu của cơn hấp hối trên Thập Giá Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Giờ thánh, giờ cứu độ của thế giới. Khi cử hành Bí Tích Thánh Thể gần mồ Chúa Giêsu ở Giêrusalem, người ta trở về như sờ được “giờ” của Ngài, giờ của Thập Giá và của tôn vinh. Bất cứ linh mục nào cử hành thánh lễ đều trở về bằng tâm trí nơi đó và giờ đó, đồng thời với cộng đoàn Kitô hữu đang tham dự. 

“ Người đã chịu đóng đinh, đã chết và đã được mai táng, đã xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba, Người đã sống lại từ trong kẻ chết”. Tiếp theo những lời tuyên xưng đức tin này vọng lên những lời chiêm ngắm và công bố: “ Đây là gỗ thánh giá nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy” (Ecce lignum crucis  in quo salus mundi pependit. Venite adoremus). Đó là lời mời gọi mà Giáo Hội ngỏ với mọi người chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Giáo Hội sẽ tiếp tục hát và công bố suốt mùa phục sinh: “ Chúa đã trỗi dậy từ ngôi mộ, Đấng đã chịu treo trên cây gỗ vì chúng ta Allêluia” (Surrexit Dominus de sepulcro qui pro nobis pependit in ligno Alléluia). 

  1. “ Mysterium fidei – Mầu nhiệm đức tin!” Khi linh mục đọc hay hát những lời nầy, giáo dân tung hô: “Chúng con loan truyền  Chúa đã chịu chết và tuyên xưng  Chúa đã sống lại cho tới khi Chúa lại đến trong vinh quang”.  

Với những lời đó hay những lời tương tự, Giáo Hội chỉ rõ Chúa Kitô trong mầu nhiệm Khổ Nạn của Ngài, và cũng biểu lộ chính mầu nhiệm của mình: Giáo Hội từ Thánh Thể (Ecclesia de Eucharistia).  Nếu chính nhờ Chúa Thánh Thần được ban vào ngày Lễ Ngũ Tuần mà Giáo Hội được khai sinh và bắt đầu cuộc hành trình của mình trên các nẻo đường của thế giới, thì chắc chắn việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong nhà Tiệc Ly là một khoảnh khắc quyết định của việc thiết lập Giáo Hội. Nền tảng và nguồn gốc của Giáo Hội, chính là tất cả Tam Nhật Vượt Qua (Triduum pascal), nhưng Tam Nhật nầy như được chứa đựng, được thực hiện trước và “cô đọng lại” mãi mãi trong hồng ân Thánh Thể. Trong hồng ân nầy, Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội nhiệm vụ hiện tại hóa không ngừng mầu nhiệm vượt qua. Nhờ hồng ân nầy, Ngài thiết lập “tính cách đồng thời” huyền nhiệm giữa Tam Nhật và dòng thời gian. 

Nghĩ đến điều nầy làm nảy sinh trong chúng ta những tâm tình ngưỡng mộ cao cả và đầy lòng biết ơn. Trong biến cố vượt qua, và trong Bí Tích Thánh Thể hiện tại hóa biến cố vượt qua theo dòng thời gian, có một “ nội dung” thật lớn lao, trong đó tất cả lịch sử đều hiện diện với tư cách là kẻ đón nhận hồng ân cứu độ. Tâm tình ngưỡng mộ nầy phải luôn thấm nhập Giáo Hội, quy tụ để cử hành Bí Tích Thánh Thể. Nhưng trên hết, nó phải tràn ngập tâm hồn  thừa tác viên Thánh Thể. Thật vậy, chính vị đó thực hiện việc truyền phép nhờ năng quyền đã được ban cho trong bí tích truyền chức. Chính ngài đọc lên, với quyền năng mà Chúa Kitô ban cho từ nhà Tiệc Ly, những lời: “ Nầy là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em? Nầy là chén Máu Thầy sẽ đổ ra cho anh em?”. Linh mục đọc những lời đó, hay đúng hơn, ngài đặt miệng lưỡi và tiếng nói của ngài dưới quyền sử dụng của Đấng đã nói những lời ấy trong nhà Tiệc Ly, và đã muốn rằng những lời ấy phải được lặp lại, từ thế hệ nầy sang thế hệ khác bởi những ai tham dự vào chức tư tế của Ngài trong Giáo Hội. 

  1. Qua thông điệp nầy, tôi muốn khơi lại “tâm tình ngưỡng mộ” Thánh Thể, trong đường hướng của di sản Năm Thánh mà tôi đã muốn lưu lại cho Giáo Hội qua Tông thư Novo millennio ineunte (Bước vào ngàn năm mới) và Tông thư  Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria), là đỉnh cao của nó. Chiêm ngắm khuôn mặt của Chúa Kitô, chiêm ngắm với Mẹ Maria, đó là “chương trình” mà tôi đã vạch ra cho Giáo Hội vào lúc bình minh của ngàn năm thứ ba, kêu mời Giáo Hội ra khơi trên đại dương của lịch sử với nhiệt tình tân phúc âm hóa. Chiêm ngắm Chúa Kitô đòi buộc mọi người phải biết nhận ra Ngài bất cứ nơi nào Ngài tỏ hiện, trong nhiều cách thế hiện diện của Ngài, nhưng trên hết, trong Bí Tích sống động của Mình và Máu Ngài. Giáo Hội sống nhờ Chúa Kitô Thánh Thể, nhờ Ngài, Giáo Hội được nuôi dưỡng, nhờ Ngài, Giáo Hội được soi sáng. Bí Tích Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin, và đồng thời là một “mầu nhiệm ánh sáng”.(3) 

Mỗi lần Giáo Hội cử hành bí tích nầy, giáo dân có thể một cách nào đó sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ làng Emmaus: “ Mắt họ mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,31). 

  1. Từ khi tôi bắt đầu nhiệm vụ của người kế vị Thánh Phêrô, tôi luôn muốn đem lại cho ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ngày của Thánh Thể và của chức linh mục, một dấu hiệu để lưu tâm đặc biệt bằng cách gởi một bức thư cho tất cả các linh mục trên thế giới. Năm nay, năm thứ hai mươi lăm triều đại giáo hoàng của tôi, tôi muốn lôi kéo một cách rộng rãi hơn, toàn thể Giáo Hội vào việc suy tư Thánh Thể nầy, và cũng đồng thời tạ ơn Chúa vì hồng ân của Thánh Thể và của chức tư tế : “Hồng ân và mầu nhiệm” (4). Quả vậy, khi công bố năm Mân Côi, tôi đã muốn đặt năm thứ hai mươi lăm nầy, dưới dấu chỉ của việc chiêm ngắm Chúa Kitô trong trường dạy của Mẹ Maria, tôi không thể để ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 2003 nầy qua đi mà không dừng lại trước “khuôn mặt Thánh Thể” của Chúa Kitô, chỉ rõ một cách mạnh mẽ hơn nữa chỗ đứng trung tâm của Bí Tích Thánh Thể. Chính Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể. Chính Giáo Hội nuôi mình bằng “bánh hằng sống” nầy. Làm sao không cảm thấy nhu cầu phải thúc bách mọi người luôn luôn sống bí tích nầy một cách mới mẻ hơn? 
  2. Khi tôi nghĩ đến Bí Tích Thánh Thể, đồng thời nhìn lại cuộc đời linh mục, giám mục và người kế vị Thánh Phêrô của tôi, tự nhiên tôi nhớ đến rất nhiều lúc và nhiều nơi mà tôi đã cử hành thánh lễ. Tôi nhớ đến nhà thờ giáo xứ Niegowic, nơi mà tôi đã thi hành lần đầu tiên chức vụ mục tử của tôi, đến nhà thờ Saint-Florian ở Cracovi, đến nhà thờ chính tòa Wawel, đến vương cung thánh đường Thánh Phêrô, và nhiều vương cung thánh đường khác và các nhà thờ ở Rôma và trên khắp thế giới. Tôi đã được cử hành thánh lễ trong nhà nguyện trên triền núi, trên bờ hồ, trên bãi biển, tôi đã dâng thánh lễ trên  bàn thờ dựng ngay trong  sân vận động, trên công trường các thành phố? Những khung cảnh khác nhau ấy của những lần cử hành Bí Tích Thánh Thể  làm cho tôi cảm nhận  mãnh liệt tính cách phổ quát của chúng và có thể nói là tính cách vũ trụ. Đúng thế! Vũ trụ! Vì dù thánh lễ được cử hành trên một bàn thờ nhỏ của một nhà nguyện thôn quê đi nữa, Bí Tích Thánh Thể vẫn được cử hành theo một nghĩa nào đó, trên bàn thờ của thế giới. Bí Tích Thánh Thể là một mối dây nối kết trời và đất. Nó bao gồm và thấm nhập toàn thể thụ tạo. Con Thiên Chúa đã làm người để hoàn lại toàn thể thụ tạo cho Đấng  đã kéo nó ra từ hư vô, trong một hành động chúc tụng tuyệt vời. Chính vì thế mà Ngài, linh mục thượng phẩm đời đời, khi bước vào cung thánh vĩnh cửu nhờ máu  đổ ra trên thập giá, Ngài đã hoàn lại cho Đấng Tạo Thành và là Cha toàn thể thụ tạo được cứu chuộc. Ngài thực hiện điều đó nhờ tác vụ linh mục của Giáo Hội, để tôn vinh Chúa Ba Ngôi chí thánh. Chính thực đó mới là mầu nhiệm đức tin (mysterium fidei) được thực hiện trong Bí Tích Thánh Thể: thế gian thoát thai từ  tay Thiên Chúa Tạo Thành, trở về với Ngài sau khi đã được Chúa Kitô chuộc lại. 
  3. Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu trong cộng đoàn  tín hữu và lương thực thiêng liêng cho cộng đoàn nầy, là những gì quí giá nhất mà Giáo Hội có thể có được trong cuộc lữ hành theo dòng thời gian. Điều đó giải thích tại sao Giáo Hội luôn ân cần chú tâm đến Mầu Nhiệm Thánh Thể, một sự chú tâm chính thức thấy rõ trong công trình của các Công Đồng và của các Đức Giáo Hoàng. Làm sao không ngưỡng mộ giáo thuyết  của những sắc lệnh về Bí Tích Thánh Thể và về Hy Tế Thánh Lễ  được Công Đồng Triđentinô ban bố? Trải qua các thế kỷ, những trang đó đã hướng dẫn khoa thần học cũng như khoa huấn giáo và vẫn còn là một tham chiếu tín lý cho sự canh tân liên tục và cho sự tăng trưởng của Dân Chúa trong niềm tin và lòng mến đối vơiù Bí Tích Thánh Thể. Trong thời gian gần chúng ta hơn, phải nói đến ba thông điệp: Mirae caritatis của Đức Lêô XIII ( 28-5-1902) (5), Mediator Dei của Đức Piô XII ( 20-11-1947) (6) và Mysterium fidei của Đức Phaolô VI ( 3-9-1965) (7).  

Công Đồng Vaticanô II không công bố một văn kiện đặc biệt nào về Mầu Nhiệm Thánh Thể, nhưng đã nêu lên nhiều khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm nầy trong toàn bộ các văn kiện, đặc biệt là trong hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium và trong hiến chế về Phụng Vụ thánh Sacrosanctum concilium. 

Chính tôi, trong những năm đầu tiên của sứ vụ tông đồ trên Toà Phêrô, nhờ Tông Thư Dominicae cenae (bàn tiệc của Chúa) (24-2-1980) (8), tôi đã có dịp đề cập đến một vài khía cạnh của Mầu Nhiệm Thánh Thể, đến ảnh hưởng của nó trên đời sống những thừa tác viên của mầu nhiệm nầy. Hôm nay tôi trở lại đề tài nầy, với một con tim tràn ngập cảm kích và tri ân hơn, hòa nhịp một cách nào đó với tác giả thánh vịnh: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.” ( Tv 116 12-13). 

  1. Một sự tăng trưởng nội tâm của cộng đoàn Kitô hữu đã đáp lại mối quan tâm muốn loan báo của Huấn Quyền. Chắc hẳn việc canh tân Phụng Vụ của Công Đồng đã mang đến nhiều thiện ích về phương diện tham dự ý thức hơn, tích cực và hiệu năng hơn của các tín hữu vào Hy Tế trên bàn thờ. Đàng khác, trong nhiều địa phương, việc tôn thờ Thánh Thể có một chỗ đứng quan trọng hằng ngày và trở nên nguồn suối vô tận của sự thánh thiện. Việc tham dự sốt sắng của tín hữu vào những cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa vào dịp lễ trọng Mình và Máu Thánh Chúa là một hồng ân Chúa ban, làm cho những ai tham dự mỗi năm đều tràn đầy hân hoan. Người ta có thể nêu lên nơi đây nhiều dấu hiệu tích cực khác về niềm tin và lòng yêu mến Thánh Thể. 

Bất hạnh thay, bên cạnh những ánh sáng nầy, lại không thiếu những bóng tối. Quả vậy, ở nhiều nơi, việc tôn thờ Thánh Thể gần như hoàn toàn bị bỏ rơi. Thêm vào đó, do hoàn cảnh nầy hay hoàn cảnh nọ trong Giáo Hội, nhiều lạm dụng đã làm lu mờ đức tin ngay chính và giáo thuyết công giáo liên can đến Bí Tích kỳ diệu nầy. Đôi khi cũng nảy sinh một cách hiểu rất giản lược về Mầu Nhiệm Thánh Thể. Bỏ đi giá trị hy tế của nó, Thánh Thể chỉ có ý nghĩa và giá trị của một cuộc gặp gỡ thân hữu trong một bữa tiệc thông thường mà thôi. Hơn nữa, sự cần thiết của chức tư tế thừa tác, dựa trên việc kế nhiệm các tông đồ, đôi khi cũng bị lu mờ và tính chất bí tích của Thánh Thể đã bị giản lược duy vào hiệu năng loan báo. Từ đó, nơi nầy hay nơi khác, nhiều sáng kiến đại kết, dù rất thiện chí, đã rơi vào những việc thực hành Thánh Thể đi ngược lại với kỷ luật  trong đó Giáo Hội diễn tả niềm tin của mình. Làm sao không đau đớn sâu xa trước những điều nầy? Thánh Thể là một hồng ân  quá lớn lao đến nỗi không thể chấp nhận sự hàm hồ và giản lược nào. 

Tôi hy vọng thông điệp nầy có thể góp phần để đánh tan một cách hữu hiệu những bóng tối trên phương diện giáo thuyết và những cách thực hành không thể chấp nhận được, hầu Bí Tích Thánh Thể tiếp tục chói sáng trong tất cả vẻ huy hoàng của mầu nhiệm.

Nguồn: GP Đà lạt