CHÚA NHẬT 5C PHỤC SINH

Cv 14,21b -27; Ga 13,31 -35

Chủ đề: Tâm tình và di sản mà người mục tử dành cho đoàn chiên.

* Cv 14,22-23: Phaolô và Barnaba khuyên nhủ họ giữ vững ĐỨC TIN… chỉ định cho họ những kì mục…và cầu nguyện phó thác những người đó cho Thiên Chúa.

* Ga 13,34: Thầy ban cho anh em một điều răn mới…Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

          Lời Chúa của Chúa Nhật 5 C Mùa Phục Sinh tiếp tục chủ đề của Chúa Nhật 4 C, nói về mối tương quan giữa mục tử và đàn chiên. Tuy nhiên điểm nhấn của Chúa Nhật 5C là TÂM TÌNH ƯU ÁI CỦA NGƯỜI MỤC TỬ ĐỐI VỚI ĐÀN CHIÊN. Do hoàn cảnh bắt buộc, người mục tử không thể ở lại lâu dài giữa đàn chiên của mình, người mục tử phải ra đi, tạm rời xa đàn chiên non yếu vừa mới thành hình.

   Cả hai, bài đọc 1 và  bài Tin Mừng, đều toát lên những ưu tư của các mục tử trước tương lai bấp bênh, với bao đe dọa hiểm nguy đang rình chờ các đàn chiên thiếu vắng chủ chăn. Lời Chúa hôm nay cho thấy các chủ chăn phải về lại nơi mà họ đã xuất phát công cuộc thi hành sứ mạng. Trong bài đọc 1, các mục tử là tông đồ Phaolô và Banaba, đoàn chiên là các cộng đoàn tín hữu gốc dân ngoại vừa mới được hai ông thành lập trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất. Còn trong Tin mừng, Mục Tử là Đức Giêsu, đàn chiên là các môn đệ.

   Điều các mục tử mong muốn không gì khác hơn là đàn chiên được sống an mạnh, giữ được căn tính, trung thành với những gì đã lãnh nhận được từ các mục tử, một khi mục tử phải rời xa chiên. Lời dặn dò cơ bản được cả hai bài đọc nhắc tới đó là: đường Thập Giá là đường đưa đến vinh quang. Và để nâng đỡ đàn chiên can đảm đi theo đường thập giá thì, về mặt cơ chế bên ngoài, các mục tử đã thiết lập hàng kì mục cho các cộng đoàn ( bài đọc 1); Còn về tương quan nội tại giữa các con chiên  thì Vị Mục Tử tối cao là  Đức Giêsu đã truyền cho đàn chiên ĐIỀU RĂN MỚI: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em” ( Ga 13,34).

          Bài đọc Tin Mừng thuật lại vài lời của Đức Giêsu trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ trước khi Người về lại Nhà Cha, nơi Người đã xuất phát, để dọn chỗ cho các môn đệ (x. Ga 14,2). Lúc Giuđa bỏ bàn tiệc ra đi, Đức Giêsu tuyên bố “Giờ đã tới”: Giờ Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người (13,31).

   Đức Giêsu báo trước mầu nhiệm Thập Giá, “giờ Con Người được giương cao”; Đồng thời cũng cho thấy đó là giờ mà nhân tính của Người được tôn vinh công khai trước mắt các tông đồ, môn đệ: THĂNG THIÊN.

   Dưới góc nhìn nhân loại thì mầu nhiệm thập giá và Thăng Thiên là hai biến cố diễn ra vào hai thời điểm khác nhau; Nhưng trong ý định của Thiên Chúa thì đó là hai mặt bất khả phân ly của cùng một thực tại: cái hư nát của nhân tính do tội lỗi gây ra phải chết đi để cho cái vinh quang thần linh mà từ muôn đời  Thiên Chúa muốn ban cho nhân loại khi sáng tạo ĐƯỢC HIỂN LỘ. Trong tầm nhìn ấy, Thánh Phaolô phấn khởi hô to: “Tử thần đã bị chôn vùi. Đây là giờ chiến thắng! Hỡi Tử Thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi Tử Thần, đâu là nọc độc của ngươi? …Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu kitô, Chúa chúng ta” (x. 1Cr 15,55.57). Chính trong ý nghĩa “giương cao” vừa là thập giá, vừa là Thăng Thiên đó mà lời cuối cùng của Đức Giêsu trên thập giá là lời công bố chiến thắng chung cuộc, ơn cứu độ hoàn tất: “Mọi sự ĐƯỢC HOÀN TẤT”. Với Thập giá, Đức Giêsu tôn vinh Cha bằng cách HOÀN TẤT sứ mạng Cha trao; Và Cha tôn vinh Đức Giêsu bằng cách đón Người về Nhà Cha dọn chỗ cho môn đệ.

   Trong khi chờ đợi việc tôn vinh ấy thành sự nơi CON CHIÊN thì vị MỤC TỬ sắp ra đi để lại cho đàn chiên một bí quyết để sống trong hiện tại, chuẩn bị cho ngày vinh quang đó: “anh em hãy yêu thương nhau NHƯ THẦY đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Đức Giêsu gọi đó là điều răn MỚI. Cái mới nằm ở chỗ NHƯ THẦY. Điều răn này được ban ra lúc Đức Giêsu sắp ra đi. Khi còn hiện diện giữa họ, chính Đức Giêsu là mối dây nối kết họ dù vẫn có bất đồng, tranh chấp giữa họ với nhau. Bây giờ, Người tạm vắng, cần phải có một sợi dây nối kết khác gợi nhớ sự hiện diện của Người, có đủ năng lực liên kết tất cả các môn đệ lại. Đó chính là YÊU nhau NHƯ THẦY đã yêu. Khi sống tình yêu đó, họ nhìn thấy Đức Giêsu trong người anh em trước mặt: cái nhìn giác quan đã được thay thế bằng cái nhìn đức tin nhờ đức ái thúc đẩy. YÊU NHƯ THẦY còn là phương thức truyền giáo hữu hiệu vì qua đó “mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy” (13,35).

          Bài đọc 1 thuật lại hành trình quay về Antiokia nơi mà Phaolô và Banaba đã khởi xuất cuộc truyền giáo thứ nhất này. Trên đường về, hai ông ghé thăm các cộng đoàn mà lượt đi 2 ông đã đến rao giảng và thiết lập. Lo âu cho đàn chiên còn non trẻ phải bơ vơ, 2 ông củng cố đức tin cho họ bằng lời khuyên nhủ họ kiên trì sống đức tin, bền tâm theo con đường thập giá: “ chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới vào được Nước Thiên Chúa”; Đồng thời thiết đặt một cơ chế: chỉ định hàng kỳ mục cho từng cộng đoàn thay 2 ông chăm sóc đàn chiên. Hai ông đã ăn chay, cầu nguyện phó thác các kỳ mục và cộng đoàn cho Chúa.

   Mục tử mẫu mực Giêsu đã sẵn sàng hy sinh tất cả vì đàn chiên. Để đáp trả lại tình yêu bao la ấy, chúng ta là đàn chiên hãy biến lời di chúc của Người “anh em hãy yêu nhau NHƯ THẦY đã yêu” thành một thực tại sống động trong cuộc đời chúng ta và trở nên mục tử tốt trong từng cương vị mà Chúa trao phó cho chúng ta.

Frères Đình Long FSC