“Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và Người Ấy đã cho chị Nước Hằng Sống” (Ga 4,10).
Tin Mừng Chúa Nhật III A Mùa Chay thuật lại cuộc gặp gỡ diệu kỳ giữa Đức Giêsu và một phụ nữ xứ Samari (Ga 4,5-42). Và cuộc đời của Chị được biến đổi hoàn toàn.
Là một phụ nữ Samari, về mặt đạo đức cá nhân cũng chẳng tốt lành gì: chị đã có năm đời chồng, nghĩa là đã năm lần bị chồng trao cho giấy ly dị rẫy vợ; chị lại đi thêm một bước thứ sáu nhưng không coi nhau là vợ chồng (4,17-18). Chắc là tận trong sâu thẳm của tâm hồn, chị cũng cảm thấy cuộc sống của mình là bất xứng, bị người đời dị nghị, cho nên chị mới đi lấy nước vào thời điểm mà ai nấy đều ở nhà để tránh nắng, và chị đi một mình để tránh chạm mặt chị em làng xóm. Sống trong mặc cảm đó, chị ít tiếp xúc với láng giềng nên tính tình cũng đâm ra dễ gắt gỏng mỉa mai.
Đức Giêsu đi bước trước đến gặp chị và từng bước một giúp chị nhận ra và chấp nhận con người thật của chị, mà không làm chị tự ái, xấu hổ, không cảm thấy mình bị xúc phạm; Trái lại chị cảm thấy bình an nên đã sẵn lòng rộng mở thú nhận mọi sự với Đức Giêsu nhờ đó nhận được NƯỚC HẰNG SỐNG.
Thật vậy, khi Đức Giêsu tỏ lòng tôn trọng chị bằng câu nói “chị hãy gọi CHỒNG chị, rồi trở lại đây” thì chính chị đã tự nhân “Tôi không có chồng” (4,16-17a). Chị đã xưng thú, bộc lộ con người thật của mình ra_Chị đã được Đức Giêsu giúp vượt qua ải đầu tiên để trở về cùng Thiên Chúa, đã sẵn sàng để Đức Giêsu hàn gắn lại những rạn nứt làm cho chiếc bình tâm linh của chị giờ đây đón nhận và dữ trữ được trong bản thân mình NƯỚC HẰNG SỐNG.
Nhờ gặp gỡ, đối thoại với Đức Giêsu, chị đã “nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban”, con người tội lỗi chứa đầy mặc cảm, chua cay, miệt thị của chị (biểu lộ qua những lời khiêu khích, gây hấn mà chị đã nói với Đức Giêsu khi Người xin nước uống: 4,9.11-13) đã biến nên con người ngoan hiền biết biện phân phải trái: nhận ra Đức Giêsu là ngôn sứ và sẵn lòng bộc lộ tâm can, xin Người Nước Hằng Sống. Chị nhận ra trong những lời chân tình của Đức Giêsu “chị không có chồng…”(4,17-18) không phải là những lời kết án, bới móc đời tư, mà là những lời giải phóng chị khỏi các mặc cảm lâu nay vẫn dằn vặt chị; Do đó thay vì nổi điên lên vì cho rằng mình bị xúc phạm, thì chị đã bình an tuyên xưng Đức Giêsu là NGÔN SỨ. Tâm hồn chị bắt đầu có Nước Hằng Sống.
Nước Hằng Sống không phải là ân huệ chỉ dành riêng cho cá nhân mà là cho cả dân Chúa. Người đón nhận Nước Hằng Sống phải là máng dẫn nước đó đến cho mọi người. Điểm tiếp theo Đức Giêsu dẫn người phụ nữ đã được đổi mới đi đến là SỰ HIỆP NHẤT. Ở đây là hiệp nhất trong phụng tự: dân Samari, dân Giêrusalem đều phụng thờ Thiên Chúa, vậy mà việc đạo đức phụng thờ ấy lại là cái cớ để họ chia rẽ nhau: Người thì nói phải thờ Chúa ở Giêrusalem, kẻ lại đòi dâng lễ trên núi Garizim (4,20). Như vậy họ đâu có thờ phượng Chúa; Họ đang “nhốt” Chúa trong những cơ sở vật chất mà họ xây nên. Tội của Adam – Eva hiện ra dưới dạng mới: họ là “thiên chúa” còn Thiên Chúa là “tù nhân”, “người giữ kho” để thỏa mãn cái tham vọng của họ. Đức Giêsu đưa chị vào sự thờ phượng chân thật. Thờ phượng chân thật là lối thờ phượng mà:
-
Qua đó, chúng ta nhận ra Thiên Chúa là CHA và hành vi thờ phượng chính là cách biểu lộ chân tình lòng hiếu thảo của đoàn con đối với người cha nhân hậu.
-
Động lực giúp ta thờ phượng CHA chính là THẦN KHÍ. Thần Khí là hơi thở mà CHA ban để con người trở thành người sống (x.St 2,7). Thờ phượng Chúa nhờ sức sống Chúa hướng dẫn chứ không tự tiện “vẽ” ra thiên chúa, “vẽ” ra cách phụng tự: “…ai phục vụ thì phục vụ bằng SỨC MẠNH THIÊN CHÚA BAN” (x.1Pr 4,11).
-
Và phương thức giúp ta thực thi lối thờ phượng đó là do Đức Giêsu chỉ dạy. Người chính là Đấng Mêsia mà toàn dân Chúa, cả nam lẫn bắc, đều mong đợi. Đấng ấy sẽ loan báo sự thật cho mọi người. Đấng ấy chính là Đức Giêsu (x.Ga 4,25-26).
Sau khi đã mở lòng đón nhận mặc khải của Đức Giêsu, Nước Hằng Sống trở thành một mạch nước bên trong của người phụ nữ; chị đã bỏ tất cả: gàu, dây, nước giếng Giacob, ý tưởng riêng tư của mình…CHỊ TỪ BỎ TẤT CẢ, chạy vội về làng loan báo Tin Mừng làm chứng về Đức Giêsu. Và yếu tố chị trưng ra để làm chứng là chính cuộc đời không lấy gì làm hay ho lắm của chị. Điều mà chị đã từng khổ sở che giấu, cái trước kia làm chị hổ người, giờ đây, trong Đức Giêsu, lại trở thành bằng chứng cho tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Chúa đã thương, cứu, chữa lành, giúp chị tin và làm mạch Nước Hằng Sống vọt lên trong chị biến chị thành CHỨNG NHÂN cho Đức Giêsu.
Và kết quả thật tuyệt vời: cả dân làng Xykhar đã tin vào Đức Giêsu.
Bước khởi đầu là CHỨNG của người phụ nữ. Nhưng yếu tố chung cuộc làm Nước Hằng Sống cũng trào vọt lên trong lòng dân Xykhar là GẶP GỠ ĐỨC KITÔ, là Tin vào Người.
Vậy mọi hình thức đạo đức, phụng tự trong Mùa Chay này phải đưa ta đến chỗ: GẶP GỠ ĐỨC GIÊSU, để Người biến đổi ta, biến các vế nứt vỡ trong hồn ta thành nơi trào ra Nước Hằng Sống, nhờ kết hợp với Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu.
Kết cục trích đoạn Tin Mừng này là căn tính thần linh của Đức Giêsu đã được mặc khải và đón nhận: người phụ nữ đã tin và loan báo Đức Giêsu là Mesia cho dân Xykhar (x.Ga 4,26.28-29); Rồi dân Xykhar khi gặp Đức Giêsu thì họ còn đi xa hơn nữa trong đức tin: họ tuyên xưng Người là “Đấng Cứu Độ trần gian” (4,42).
Tuy nhiên, Đức Giêsu không khởi sự chinh phục người phụ nữ và dân Xykhar bằng quyền năng áp đảo của một vị Thiên Chúa, mà khởi đầu bằng thân phận hèn yếu của một con người đang mệt, đói, khát phải mở lời cầu xin “chị cho tôi xin chút nước uống”. Người đến gặp nhân loại như một kẻ THỌ ƠN: Xin Maria và Giuse nhận lời để Người nhập thể hầu ban cho nhân loại thiên tính; Và giờ đây Người mở đầu bằng xin nước uống cho đỡ khát để rồi ban lại cho nhân loại Nước Hằng Sống.
Bản văn Tin Mừng mở đầu giới thiệu Đức Giêsu là “người đàn ông Do Thái” đang khát và “xin nước uống nơi một phụ nữ Samari” để rồi từng bước một tỏ mình là “Đấng ban Nước Hằng Sống”, là “Đấng Mêsia” của toàn dân Do Thái và chóp đỉnh: Người là “Đấng Cứu Độ trần gian”. Chính trong thân phận làm người trọn vẹn, Đức Giêsu đã biểu lộ vinh quang Thiên Chúa đầy đủ. Và Chúa đang mong chờ chúng ta đáp trả lại sự tỏ mình của Chúa bằng chính con người thật của mình. Khi chúng ta đến với Đức Giêsu bằng con người thật của mình dù tội đến đâu đi nữa, thì Người vẫn đón nhận và biến ta thành mạch Nước Hằng Sống. Đó là điều mà Chúa mong đợi nơi ta trong Mùa Chay này.
Frère Pierre Đình Long FSC