“Sống Mùa Vọng Với Thánh Giuse”

LỜI NGỎ

Trong công tác đào tạo, được phân công cho niên khóa 2021-2022, tôi đã cố gắng soạn tập tài liệu “Lời cầu mới và Tâm tình mới với Thánh Cả Giuse” trong năm đặc biệt kính Thánh Cả.

Lòng sùng kính Thánh Cả đã trở thành “cao trào” hiện nay. Để thêm một “sức đẩy”, tôi dọn tập “Sống Mùa Vọng Với Thánh Giuse”, vì xem đây là thời gian rất phù hợp trong năm đặc biệt này.

Vì dịch bệnh Covid 19, tôi buộc lòng khởi đăng trên mạng Internet, bởi các học trò của chúng tôi chưa tập trung về được.

Đã “lên mạng”, ngoài những bài gợi ý suy niệm, tôi dọn thêm một số trang “Tìm hiểu Mùa Vọng” như một phương cách “làm nóng” – với những tư liệu lịch sử – để từ đó đi sâu vào lãnh vực thiêng liêng.

Chúc các bạn sống Mùa Vọng với Thánh Giuse thật sốt sắng.

Mùa Vọng 2021
PGĐ ĐCV Thánh Quý – Cần Thơ
Lm Gs Trần Đình Thụy

PHẦN I

TÌM HIỂU MÙA VỌNG

Năm phụng vụ là chu kỳ thời gian cử hành các mầu nhiệm Đức Kitô trong phụng vụ. Có 3 chu kỳ năm phụng vụ là Năm A, Năm B và Năm C. Năm phụng vụ bao gồm 6 chu kỳ nhỏ nối tiếp nhau, được gọi là Mùa gồm: 1/ Vọng; 2/ Giáng Sinh; 3/ Thường Niên I; 4/ Chay; 5/ Phục Sinh;  6/ Thường Niên II. 

Mùa Vọng dẫn vào đại lễ Giáng Sinh, thật nhiều kỷ niệm và thật nhiều ý nghĩa cho mỗi người.

  1. Lịch sử Mùa Vọng

Mùa Vọng” là tên gọi tiếng Việt của mùa phụng vụ mà tiếng Pháp gọi là “Avent” (tiếng Anh là “Advent”), có nguồn gốc từ tiếng Latinh là Adventus (Ad-venir) có nghĩa là “sự đi đến”. Trong bản dịch Vulgata (bản Phổ Thông), người ta dùng từ adventus để dịch từ Hy Lạp parousia có nghĩa là cuộc quang lâm vinh hiển của Thiên Chúa vào ngày tận thế (Mt 24, 3.27.37.39; 1 Cr 15, 23; 2 Tx 2, 8); adventus cũng được dùng để dịch từ epiphaneia có nghĩa là “hiển hiện, tỏ mình” (1 Tm 6, 14; 2 Tm 4, 1.8; Tt 2, 13). Như thế, từ này mời gọi chúng ta xem thời gian Mùa Vọng không phải là chờ đợi hay trông mong mà đúng hơn là thời gian Chúa đến hay hiển hiện, nhấn mạnh trên đặc tính vinh hiển của “việc Thiên Chúa tỏ mình” (épiphanie). Đồng thời với việc chuẩn bị cho ngày lễ Chúa Giêsu hạ sinh làm người, Mùa Vọng cũng cử hành việc Chúa Giêsu đến cách vinh hiển, kéo dài trong 4 tuần.

Thế nhưng lịch sử của Mùa Vọng và các bản văn được lựa chọn trong sách bài đọc có nói đến những ý nghĩa dựa trên từ vựng này không?

Lịch sử Mùa Vọng rất phức tạp trong các phụng vụ khác nhau của phương Tây. Chúng tôi chỉ nêu lên vài điểm đáng chú ý.

  • Trào lưu thứ nhất xuất hiện tại Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ IV chứng thực có một thời gian sống khắc khổ, tinh thần phụng vụ trải dài từ ngày 17 tháng Mười Hai cho đến ngày 6 tháng Giêng, ngày lễ Hiển Linh. Trong ba tuần lễ này, Công Đồng Saragosse (năm 380) khuyên các tín hữu năng đến nhà thờ và thực hành khổ hạnh. Nhưng mục đích thật sự của thời gian này là chuẩn bị cho bí tích rửa tội được cử hành vào ngày lễ Hiển Linh. Và người ta đã nhầm lẫn khi nhìn thấy trong “nguỵ Mùa Vọng” (pseudo-Avent) một sự chuẩn bị để cử hành lễ Noël, và chính vì sai lầm này mà đôi khi người ta gọi đây là “mùa chay của lễ Noël” (carême de Noël).

  • Ở Đông phương, Công Đồng Êphêsô (năm 430) đã tôn vinh thiên mẫu tính của Đức Maria và việc cử hành ngày sinh hạ làm người của Con Thiên Chúa. Trong bối cảnh này, các tuần lễ trước hai ngày lễ Noël và Hiển Linh tạo nên một thời gian suy tư chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến và ơn cứu rỗi được thực hiện bằng việc thần hoá bản tính nhân loại. Hai ngày lễ không đủ để chiêm ngưỡng mầu nhiệm khôn dò này, nên phụng vụ Đông phương tăng thêm bốn hoặc năm tuần để ngợi ca các biến cố chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế hạ sinh. Các nhân vật đóng vai trò quyết định trong sự chuẩn bị này – trước hết là Gioan Tẩy Giả, Thánh Giuse, Đức Trinh Nữ Maria và các thánh của Cựu Ước mà một bài thánh ca Byzantin mời gọi: “nhảy múa để ca ngợi ngày Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế” – rốt cuộc thì thế giới cũng đã được biến đổi vì có Thiên Chúa làm người cư ngụ trong đó.

  • Tại Roma, mãi đến thế kỷ thứ VI thì Mùa Vọng mới hình thành. Mùa phụng vụ này sáp nhập tuần Bốn Mùa của mùa Đông (bên cạnh chu kỳ hằng năm, Phụng vụ Roma có một tuần theo chu kỳ các mùa xuân, hạ, thu, đông gọi là Quatre-Temps). Nguyên thuỷ của tuần lễ này không liên hệ gì với ngày lễ Noël. Đàng khác, thời gian sáu tuần này (sau giảm xuống còn bốn tuần) khi thì được gọi là De adventu Domini (về việc Chúa đến) khi thì gọi là Ante Natale Domini (trước Chúa Giáng Sinh). Trong các sách phụng vụ thế kỷ VII, các thánh lễ Mùa Vọng nằm ở phần phụ lục, xếp sau các thánh lễ kính nhớ các vị thánh. Vào thế kỷ VIII – IX thì Mùa Vọng nằm ở đầu năm phụng vụ. Sự ngần ngại về tên gọi cũng như về vị trí của các thánh lễ Mùa Vọng này nói lên sự lúng túng về ý nghĩa của thời gian này: là cử hành cuộc Quang Lâm vinh hiển của Đức Kitô theo chu kỳ phụng vụ hằng năm hay là sự chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh? Chắc chắn rằng sự mơ hồ này là cố ý vì nó mời gọi nhìn thấy trong thời gian này vừa là sự cử hành phụng vụ hằng năm ngày hạ sinh lịch sử của Đức Giêsu (đã đến); vừa là ngày Quang Lâm (sẽ đến). Thế rồi, tinh thần suy lý – hay đúng hơn là tinh thần Roma thái quá – đã có khuynh hướng giảm thiểu ý nghĩa phụng vụ thành việc tưởng nhớ đến ngày Giáng Sinh tại Bêlem, làm cho bốn tuần Mùa Vọng đơn giản chỉ là chuẩn bị cho ngày lễ này. Như thế, Mùa Vọng trở thành mùa chờ đợi lễ Noël. Sáng kiến và phổ biến hang đá vào thế kỷ thứ XIII đã đáp ứng được cảm tính dễ dãi này cũng như thu hẹp ý nghĩa của Mùa Vọng.

  • Ngày nay, chúng ta hiểu biết hơn về truyền thống cũng như ý nghĩa đa chiều của Mùa Vọng. Xin đan cử hai văn bản chính thức của cuộc cải cách phụng vụ. Vào năm 1963, Hiến chế về Phụng Vụ của Công Đồng Vatican II nói rằng: “Giáo Hội còn phô diễn trọn mầu nhiệm Chúa Kitô qua chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa lại đến”. Theo sát từng chữ của bản văn, ta có thể tin rằng Mùa Vọng trong năm phụng vụ là cách cử hành sự đợi chờ ngày Đức Kitô đến và niềm hy vọng gắn liền với ngày này, không nói gì đến lễ Noël. Sự giải thích một chiều này dường như không hoàn chỉnh cho lắm. Thật vậy, cuốn Quy tắc của năm và lịch phụng vụ (số 39) xuất bản tại Roma năm 1969 nhìn nhận rằng Mùa Vọng có hai ý nghĩa: “Đó là thời gian chuẩn bị cho lễ Noël, lần đầu tiên Con Thiên Chúa đến với con người; đó cũng là thời gian mà qua việc tưởng nhớ này, tâm trí chúng ta hướng về lần đến thứ hai của Chúa vào ngày tận thế”. Như chúng ta sẽ thấy, tính đa nghĩa này phù hợp với thực tại phụng vụ và đặc biệt là giáo huấn của các bài đọc thánh lễ Chúa Nhật.

    2. Cử hành Mùa Vọng

    a/  Thánh Lễ với những chủ đề

Trong cử hành Thánh thể các bài đọc Kinh thánh và lời nguyện xoay quanh các chủ đề quan trọng như:

  •  Niềm mong đợi, khao khát Đấng Cứu Thế của dân Chúa xưa. Qua các bài đọc Cựu Ước, Giáo hội khơi lại tâm tình của lời hứa ban Đấng Cứu Thế và việc dân Chúa chuẩn bị đón ơn Cứu độ.

  • Thái độ tỉnh thức chờ mong Chúa đến với niềm khao khát của dân Chúa xưa. Trong giai đoạn I của Mùa Vọng (từ Chúa nhật I Mùa Vọng), các bài Cựu Ước nhắc đến lời hứa ban ơn Cứu độ và triều đại Đấng Mesia, thì các bài thánh thư lại nhấn mạnh chiều kích trông đợi cuộc tái lâm lần thứ hai của Chúa Kitô. Khi sắp xếp như thế, các bài đọc bổ túc lẫn cho nhau, bởi vì: nếu các bài Cựu Ước nói lên tâm tình của kẻ mong đợi Chúa đến thế nào, thì các Kitô hữu cũng chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón nhận cuộc quang lâm của Đức Kitô vào ngày tận thế như vậy. Trong tâm tình đó, tư thế của người tín hữu phải luôn tỉnh thức đón chờ Chúa đến trong đời sống cá nhân (giờ lìa cõi thế) và trong ngày chung cuộc của nhân loại (ngày tận thế).

  • Chủ đề thứ ba của Mùa Vọng còn nói lên niềm vui hân hoan vì ơn cứu độ đã được thực hiện nơi Chúa Giêsu cứu thế. Các bản văn phụng vụ  của giai đoạn II (từ 17 – 24 tháng 12) nhắc đến vai trò của các nhân vật trung gian chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế đến như Gioan Tẩy Giả, gia đình Dacaria, Thánh Giuse… trong đó Mẹ Maria giữ vị trí nổi bật và quan trọng. Mẹ là hình ảnh Giáo hội cưu mang Chúa Cứu Thế cho nhân loại, là người cộng tác tích cực trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa; qua Mẹ, thế gian đón nhận hồng ân của Thiên Chúa và cùng với Mẹ chiêm ngưỡng và tôn thờ Đấng Mẹ sinh ra.

    b) Giờ kinh Phụng vụ

Trong Giờ kinh Phụng vụ, sách ngôn sứ Isaia chiếm vị trí ưu tiên, đặc biệt các đoạn ngôn sứ loan báo về Đấng Mêsia và triều đại của Người. Đối với bài đọc Giáo phụ thì các tác phẩm của Giáo phụ Hy lạp có chỗ đứng đáng kể, nhất là những bản văn nói lên tính mới mẻ của ơn cứu độ nơi Đức Kitô so với thời Cựu Ước. Cùng chia sẻ cách nhìn với các Giáo phụ Hy lạp, bằng cách so sánh Mẹ Maria với Eva, các tác phẩm của Giáo phụ Latinh cũng làm nổi bật thực tại đã đến của Tân Ước so với hình ảnh báo trước của Cựu Ước. Riêng các điệp ca trong giờ kinh hiện nay, người ta trích phần lớn các ý tưởng quan trọng trong các thánh thi hay áng văn giá trị của những thế kỷ đầu. Người ta cũng bắt gặp trong Giờ kinh Phụng vụ của Mùa Vọng nhiều danh xưng ám chỉ tư cách Thiên Sai của Đấng Mêsia, Ngài là niềm hy vọng của nhân loại và nơi Ngài, Giáo hội tìm được sự sống mới.

3. Điểm nhấn những ngày trong Mùa Vọng

Với 2 ý nghĩa: (1) Chúa “đã đến”(2) chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế, Mùa Vọng được chia thành hai giai đoạn:

– Giai đoạn I: Từ Chúa nhật I Mùa Vọng  đến hết ngày 16 tháng 12. Mục đích của khoảng thời gian này là hướng tâm hồn các tín hữu về cuộc tái lâm lần thứ hai của Đức Kitô, tức ngày cánh chung.

– Giai đoạn II: Từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 12. Mục đích của thời gian này nhằm chuẩn bị trực tiếp mừng biến cố Chúa đã đến lần thứ nhất trong lịch sử, tức lễ Chúa Giáng sinh.

Mùa Vọng luôn có 4 Chúa Nhật, còn số ngày thì tuỳ năm. Năm phụng vụ 2016-2017 (28 ngày). Năm phụng vụ 2017-2018 (22 ngày). Năm nay, năm Phụng vụ 2021-2022, Mùa Vọng sẽ có tổng cộng 27 ngày (từ CN I MV 28-11-2021 đến Thứ Sáu 24-12-2021). Chúa đến hai lần: Giáng sinh và Quang lâm. Thánh Bênađô, viện phụ, còn nói đến một lần thứ ba: Chúa đến trong cuộc đời của mỗi người.

Chúa Nhật I Mùa Vọng tiếp nối ý nghĩa của Chúa Nhật Chúa Kitô Vua, hướng về mầu nhiệm Quang lâm. Chúa Nhật thứ II đến IV hướng về mầu nhiệm Giáng sinh. Các nhân vật liên hệ đến mầu nhiệm giáng sinh được chọn cho bài đọc Tin Mừng. Tuần II và III, ông Gioan Tẩy giả, gia đình Dacaria. Tuần IV, Đức Maria và thánh Giuse.

Xét về nội dung các bài đọc, đặc biệt là các bài Tin Mừng, chúng ta thấy rõ ràng mỗi một Chúa Nhật trọn ba năm A, B, C đều có một chủ đề đặc thù

  • Tỉnh thức trông chờ ngày trở lại của Chúa (Chúa Nhật I); 

  • Lời khẩn cấp mời gọi hối cải của Gioan (Chúa Nhật II); 

  • Đấng Tiền Hô làm chứng cho Đức Giêsu (Chúa Nhật III); 

  • Cuối cùng là việc loan báo cho Thánh Giuse và Đức Maria về sự sinh hạ của Chúa Giêsu (Chúa Nhật IV). 

Tôn trọng cấu trúc của sách bài đọc Chúa Nhật Mùa Vọng, chúng ta sẽ lần lượt bàn về chủ đề của mỗi Chúa Nhật trong Phần II.

PHẦN II

GỢI Ý VÀ SUY NIỆM

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG – NĂM C

Theo cha Philippe Rouillard, mỗi Chúa nhật trong Mùa Vọng đều có một chủ đề. Chúa nhật I Mùa Vọng, tiếp nối lễ Chúa Kitô Vua – kết thúc năm Phụng vụ, nối kết “đã và sẽ”, Lời Chúa nhắm đến việc “tỉnh thức trông chờ ngày trở lại của Chúa”.

  1. Gợi ý các Bài đọc

MÙA VỌNG TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

a/ Mùa Vọng hiện hữu (tạo dựng)

Thánh vịnh 18 đã diễn tả: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm” (c.2). Nhưng qua thư Rôma, thánh Phaolô đã dạy cho chúng ta: “Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11,29) và một cách rõ ràng hơn: “Vì Người đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thụ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại” (Kn 1,14).

b/ Tạo dựng tiến về cánh chung

Cao điểm thời gian của vũ trụ không nhằm đến sự tàn lụi mà nhắm đến sự thành toàn của nó. Chính vì vậy mà Tin mừng Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng hôm nay nói tới: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao… các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển” (Lc 21,25-26). Dẫu vậy, trước những tai họa của vũ hoàn: “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (c.27). Quyền năng và vinh quang sáng chói này tạo nên sức mạnh và nói cho biết Triều đại Thiên Chúa (x.c 31) và với Chúa Giêsu, Ngài là lời hứa và là sự xác thực của Triều đại Thiên Chúa mà những người công chính đón chờ ơn cứu độ (x.c. 28).

Cũng như thực tại trong vạn vật, Thiên Chúa đã kêu gọi cho thành hiện hữu, nó tiếp tục hiện hữu trong điều kiện tốt hơn. Chính vì thế, Ngài đã trở nên lời hứa thần linh, và qua đó “…chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13). Dù chỉ mới khởi đầu bằng hình ảnh ẩn dụ, nhưng công lý này đã hiện diện; và nó là tiền trưng báo trước cho vinh quang Thiên Chúa được tôn vinh trên các tầng trời (x.Tv 18).

c/ Chúa đã đến, ta sống, Chúa lại đến

Trong khuôn khổ nhiều mối liên kết cách ngẫu nhiên trong cuộc sống, ngay cả các phận số như đã được sắp xếp với nhiều ưu đẳng, sự điều độ, sự tinh khiết tinh thần và thân xác, sự nghèo khó được coi như sự từ bỏ từ nội tâm về những lợi ích nhất thời. Những nhân đức này bị người đời đánh giá một cách không tương xứng là “thụ động”; nhưng chúng thực sự mang nghĩa “tích cực” đối với chúng ta. Các nhân đức đó dự trước vào Mùa Vọng cánh chung trong khi chúng nâng đỡ chúng ta đạt đến sự thống trị mọi sự trong Đức Kitô.

Sứ điệp Mùa Vọng nói cho chúng ta: với Người và nhờ Người, chính chúng ta thống trị vũ hoàn đã được tạo dựng, nếu chúng ta biết đón nhận sự trợ giúp của Thiên Chúa. Chỉ nhờ vào Thiên Chúa hằng sống mà mọi loài tìm ra sự sống của chính mình. 

Italie

2. Áp dụng tâm tình Thánh Giuse

a/ Ơn gọi hiện hữu làm người

“Ta nhìn xem trời đất muôn vật và trật tự lạ lùng trong vũ trụ, liền biết có Đức Chúa Trời là Đấng tạo thành và an bài mọi sự” (Giáo lý Tân Định số 5). Thế nhưng, nhiều người trẻ hôm nay lại “cứ ngỡ” thiên nhiên vạn vật này tự nó có, chẳng đặt vấn đề. Chủ thuyết duy vật cũng khẳng định như vậy!

Phải biết đặt vấn đề: Tại sao có vũ trụ? Tại sao có tôi? Và cả dám đặt vấn đề: Tại sao có ông Thánh Giuse? Câu trả lời chính xác nhất là: Do Thiên Chúa mà muôn vật muôn loài được hiện hữu, trong đó có từng người chúng ta.

Từ cõi hỗn mang Thiên Chúa gọi “cho có” (x. St 1,1-27), nghĩa là Ngài tạo dựng từ hư vô do quyền năng của Ngài: “Thiên Chúa, trong công trình tạo dựng trần gian và con người, đã cho thấy chứng từ đầu tiên và phổ quát về tình yêu toàn năng và sự khôn ngoan của Ngài, đây là lời loan báo đầu tiên về ‘kế hoạch nhân hậu’ của Ngài, một kế hoạch có mục đích là công trình tạo dựng mới trong Đức Kitô” (GLHTCG số 315).

Mục đích tạo dựng không thêm gì cho Chúa, mà là chia sẻ vinh quang và cho con người được dự phần vinh phúc với Ngài: “Thiên Chúa đã tạo dựng trần gian để biểu lộ và truyền thông vinh quang của Ngài. Sự vinh quang mà vì đó Thiên Chúa đã tạo dựng các thụ tạo của Ngài, là để chúng được dự phần vào sự chân thiện mỹ của Ngài” (GLHTCG số 319).

b/ Ơn gọi của Giuse trong chương trình cứu độ

Thật hạnh phúc: chúng ta có là do Thiên Chúa quyền năng tạo dựng. Câu hỏi thứ hai theo triết học là: “Tôi sống ở đời này để làm gì?” Đã là con người, mỗi người chúng ta phải nhận ra ý nghĩa của sự hiện hữu: Tôi là ai? Tôi phải làm gì?

Trong chương trình cứu độ, Thánh Giuse đóng vai trò khá quan trọng:

  • Được chọn làm chồng trinh khiết của Đức Maria: “Giuse là hôn phu của Trinh nữ cùng do bởi hôn ước mà thôi, chứ không hề có việc đi lại thường tình. Nhưng bởi là hôn phu, ông được làm cha Đức Giêsu, theo một nghĩa cao trọng hơn danh nghĩa dưỡng phụ”.

  • Được chọn làm cha nuôi Đấng Cứu Thế: “Giuse đáng gọi là cha Chúa Cứu Thế… là ‘một tôi tớ trung thành khôn ngoan’ Chúa đã đặt bên cạnh Đức Maria để làm Đấng an ủi Mẹ, là cha nuôi nấng Con, và trung thành cộng tác vào công cuộc lớn lao của Chúa… Phúc Âm không ngần ngại tặng ông tước hiệu đó. Thánh Luca chép: ‘Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?’ (Lc 2,49).”.

Thánh Giuse luôn nhận ra, đón nhận và thực thi ý Chúa trong tin tưởng và phó thác:

  • Ở Galilê: Ông bà vâng chiếu chỉ Hoàng đế Augustô. Thánh Kinh chép rằng: Giuse đi Bêlem cùng với Maria sắp đến ngày sinh (x.Lc 2,4tt).

  • Ở Bêlem: Sứ thần đến với ông Giuse báo mộng rằng: hãy trỗi dậy, đem Hài Nhi trốn sang Aicập (x. Mt 2,3). Ông Giuse thi hành lệnh thần truyền đem Hài Nhi và Mẹ Ngài trốn sang Ai Cập. Bà Maria dầu mới sinh con còn non nớt, cũng một dạ phục tùng, lên đường giữa đêm khuya.

  • Ở Aicập: Sứ thần hiện ra báo mộng cho ông Giuse ở bên Aicập rằng: hãy trỗi dậy, đem Hài Nhi về Israel (x. Mt 2,19). 

  • Ở Giuđê: khi biết Áckhêlao thay Hêrôđê thì ông sợ, thế là theo như lời Thiên Chúa báo mộng, ông lánh sang vùng Galilê (x. Mt 2,19-23).

    c/ Thánh Giuse đến – chu toàn sứ mệnh – đi về cánh chung

Như đã nói trên: mỗi người đến trong trần gian đều có giá trị và sứ vụ riêng mình. Thánh Giuse là con người, nhưng được Thiên Chúa tuyển chọn với vai trò quan trọng trong việc Thiên Chúa nhập thể.

Ngài đã nhập vai hết sức xuất sắc. Nhưng xuất sắc đây không phải do tài cán của ngài, mà là việc sống kết hợp để “nhận ra ý Chúa” và lập tức “làm theo ý Chúa soi sáng” (Bốn lần Sứ thần Chúa báo mộng cho ông Giuse: (1) Đón nhận Maria (Mt 1,18-25, Lc 2,1-7); (2) Đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang ai cập (Mt 2,13-18); (3) Từ Ai cập trở về Ítraen (Mt 2,19-22a); (4) Từ miền Giuđê lui về miền Galilê (Mt 2,22a-23)).

Xong vai trò Chúa đã sắp xếp như Giuse trong Cựu ước (trích St 45,7: “Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em, để giữ cho anh em một số người sống sót trong xứ, và để cứu sống anh em, nhằm thực hiện cuộc giải thoát vĩ đại”), Kinh Thánh không ghi rõ ràng ngày giờ Thánh Giuse tạ thế. Nhưng tương truyền ngài đã ra đi trước khi Chúa Giêsu xuất hiện công khai; bởi vì 3 năm Chúa Giêsu rao giảng, không có ghi chép nào nói về sự xuất hiện của Thánh Giuse.

Suốt đời đã âm thầm vâng lời và phó thác trong việc thực thi ý Chúa. Chắc hẳn Chúa sẽ đón nhận ngài vào trong vinh quang vĩnh cửu. Hội thánh đã nhận ngài làm quan thầy; cách riêng ngài cũng là quan thầy của Hội thánh Việt Nam.

Nhân dịp Mùa Vọng, chúng ta nên bình tâm suy xét lại: Tôi phải làm gì, sống cách nào để xứng đáng với cương vị hiện tại của mình là người giáo dân tốt, người môn đệ tốt?

Tất cả rồi sẽ qua đi. Rồi chúng ta cũng sẽ trình diện trước mặt Chúa với “những gì đã lo, đã nói, đã làm”.

3. Suy nghĩ và cầu nguyện

  • Có bao giờ tôi ý thức về sự hiện hữu của chính mình trong hiện tại này không?

  • Với vai trò tôi đang sống (giáo dân, tu sĩ, linh mục), tôi đã noi gương Thánh Giuse thế nào? Trong chương trình cứu độ: phải sống thế nào để chính tôi được cứu độ; và qua tôi, người khác nhận ra và cũng được hưởng ơn cứu độ?

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – NĂM C

Ý nghĩa, mục đích của Chúa nhật II Mùa Vọng là lời khẩn cấp mời gọi của Gioan Tẩy giả: Hãy chuẩn bị đường lối Chúa bằng cách “sửa lối”, “uốn ngay”, “san phẳng”, “lấp đầy” “bạt đi”. Cụ thể là sửa đổi tâm hồn để nhận ra Chúa hoặc để Chúa sáng ngời trong đời ta.

  1. Gợi ý các Bài đọc: 

CHUẨN BỊ ĐƯỜNG LỐI CHÚA

a/ Lời của Gioan cũng nhắm đến ta

Thánh Luca trình bày cho chúng ta sứ vụ của Gioan Tẩy giả với những cách thế hơi khác lạ. Thật ra, lý do duy nhất là nhắm đến hoàn cảnh lịch sử và thực tế mà Lời Chúa được trao cho Gioan và ngài có nhiệm vụ phải rao báo lời Chúa cho mọi người. Luca muốn dịch chuyển Phúc âm trong bối cảnh lịch sử cụ thể khi diễn tả Lời Chúa với tính biểu tượng không chỉ chung chung nhưng ứng dụng trong trạng huống chính xác, cụ thể cho mỗi chúng ta. Lời Chúa cần được lắng nghe.

Ngày hôm nay, chúng ta cần thực hiện sự hiểu biết của Gioan Tẩy giả, một trong những nhân vật bí nhiệm trong Tân Ước. Một số nhà chú giải coi ngài là thành viên của một cộng đoàn tu sĩ Do thái sống trong hoang địa, nơi họ cầu nguyện và chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Các Phúc Âm nói với chúng ta về Gioan và sứ điệp của ngài, là điều dễ hiểu. Qua những diễn đạt cá tính của ngài, phản ứng của đám đông cũng rất khác nhau: một số nghĩ ngay rằng ngài là một vị tiên tri, một số thì lại coi ngài được ân điển sáng láng nào đó. Nhưng cuối cùng, dù trong tư thế nào, mọi người đều phải đóng vai Gioan và nghe lời giảng của ngài, và cũng mạnh dạn nói: ngài đã khơi gợi trí tưởng tượng của quần chúng.

b/ Hãy sửa đổi chính mình

Một vở nhạc kịch tại Broadway và sau này là bộ phim “Gospel” được bắt đầu bằng khúc hát như một thần khúc rất giống với sứ điệp của Gioan: “Sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3,4). Làm sao chúng ta có thể sửa đường ngay lối thẳng cho Thiên Chúa trong hoàn cảnh cụ thể này? Chúa Giêsu đến, nhưng Ngài lại cần một vài bối cảnh thích hợp để xuất hiện; thời điểm mà bạn và tôi bắt đầu tạo dựng, không chỉ là thời điểm dịp Giáng Sinh. Do đó, khởi điểm đầu tiên chúng ta phải làm đó là sự suy xét nội tâm cách sâu xa. Lời nguyện mở đầu Thánh lễ hôm nay chúng ta cần xin Chúa “đừng để chúng con lo lắng những sự đời này mà cản trở việc đi đón Chúa”. Cái gì đang là điều cản trở đời sống thiêng liêng? Những ham muốn ích kỷ hoặc những đam mê có đang cùm chân chúng ta không? Chúng ta có đang là nạn nhân của chủ thuyết Duy vật tân thời; hững hờ trước những đau khổ, nghèo khó chung quanh chúng ta không? Luật của Chúa trong đời sống ta có bị chùn chân trước những áp lực của đồng loại hoặc ý kiến của đa số không? Trước những cản trở ngăn chúng ta đón Chúa trong niềm vui và lời tạ ơn, thì chính Ngài lại luôn nhắc bảo chúng ta phải để tâm và luôn tỉnh thức. 

c/ Tất cả vì tình yêu

Tôi cần nhấn mạnh đến những nguy hiểm của chủ thuyết duy lợi nghiệt ngã mà thời điểm Giáng Sinh dễ bị cuốn hút vào. Từ rất xa xưa, trong bối cảnh lộn xộn (tohu-bohu), đã có lời sấm, lời tiên báo: hãy thánh hóa các ngày cầu nguyện, phải nghe các bài sách thánh… đặc biệt là sách Isaia, vị ngôn sứ của Đấng Mêsia. Tặng quà hoặc viết thiệp mừng, những thói quen trong mùa Giáng Sinh, bạn hãy làm điều đó với lòng kính trọng và tình yêu, theo gương Chúa tình yêu đã ban cho nhân loại “món quà” quý giá trong việc kỷ niệm Chúa Giáng sinh.

Với chúng ta, những Gioan Tẩy giả tân thời, chính cuộc sống này là bối cảnh đặc biệt cho mỗi người cách cụ thể; qua đó, chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa và cũng hãy chuẩn bị đường đi cho Ngài. 

U.S.A.

  1. Sống tâm tình của Thánh Giuse

    a/ Tự ổn định lòng mình

Con người là hữu thể lý trí. Ai cũng đề cao lý trí. Sinh hoạt trí tuệ là giá trị chỉ có nơi con người, thụ tạo hữu hình cao cả hơn mọi loài vật. Chính vì có sinh hoạt lý trí, con người mới có quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm về những chọn lựa của mình. Theo Tân ước, Thánh Giuse cũng đã phải tự ổn định lòng mình trước ý định của Thiên Chúa.

  • Đón nhận Maria đã mang thai: “…trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, … định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: ‘Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần…’ Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1,18-24).

  • Đi về khai nhân khẩu: “Ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai” (Lc 2,4-5).

  • Tìm đến hang Bêlem: “Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,6-7).

Tin Mừng hôm nay: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3,6) cũng nằm trong chiều hướng “tự ổn định mình” này.

 Một cách tự nhiên, Giuse thật bàng hoàng trước kế hoạch của Thiên Chúa. Tất cả những sự kiện xảy ra ngoài sức tưởng tượng, suy lý của Giuse.

Nhìn vào cuộc sống, có những chuyện mới đầu xem ra thật chí lý, nhưng chỉ ít thời gian sau, ta thấy lại chưa đủ lý. Những lựa chọn trong đời thật phức tạp, đôi khi tối trí.

Điều có thể làm, cần làm là: bám chặt lấy Chúa. Hãy thực sự soi mình trước Lời Chúa. “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105). Chỉ khi chân thực với mình, khiêm tốn với Chúa, ta mới có thể ổn định và xây dựng đời mình theo ý Chúa như Thánh Giuse.

b/ Phương cách Thánh Giuse nhìn ra Chúa

Qua những biến cố và những lời giải thích trên đã cho thấy rằng chính Thánh Giuse phải tự ổn định lòng mình.

Hủy bỏ tính toán, ý định của mình trước những lời “báo mộng”, Giuse đã “nhìn thấy Chúa” và lập tức mau mắn thi hành.

Tin vào hôn thê Maria, thế mà tình huống khó xử lại xảy ra. Không lỡ tố cáo, định tâm lìa bỏ cách kín đáo (x.Mt 1,19). Thiên thần lại nói “đừng ngại nhận…” (x.Mt 1,20), Giuse đã nhận ra ý Chúa: ông không nhận Maria thì cô ta sẽ bị ném đá, đứa con sẽ là đứa con bất hợp pháp,…

Luật trở về nguyên quán khai nhân khẩu, phải chấp hành. Chẳng tìm được quán trọ, phải tìm đến hang, chuồng dê, bò… đường cùng, vì Maria sắp sinh. Nhưng qua đó, Thánh Giuse mới thấy được tình yêu của Chúa Cha, sự tự hạ của Hài Nhi Giêsu. Máng cỏ hôi tanh khiêm tốn dẫn đến đỉnh cao Thập giá sau này, thật vô lý; nhưng đó lại là công nghiệp sinh ơn cứu độ.

Chỉ với cái nhìn của Chúa, ta mới nhận ra Chúa và nhận rõ hồn ta. “Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy” (Is 55,9).

Với cái nhìn ích kỷ, ta chẳng thấy được mình và càng không thể thấy được Chúa. “Hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi” (Br 5,1)

c/ Suy nghĩ và cầu nguyện

  • Bài hát Có tiếng kêu (Kim Long) có đoạn: “Thung lũng lấp cho đầy núi đồi hãy bạt xuống. Đường gập ghềnh quanh co uốn thẳng san bằng đi”. Bạn hãy nghĩ về những “quanh co, gập ghềnh, hố sâu, gò cao” trong tâm hồn bạn. Chính những tâm trạng đó che khuất Chúa khỏi mắt bạn. Hãy sửa đi.

  • “Lạy Chúa, Chúa đang nhìn con. Và lạy Chúa, con đang nhìn Chúa”. Đây là câu tập nguyện rất đơn giản nhưng đọc nhiều lần và nhất là phải cố gắng tập sống; hai đối tượng “nhìn nhau” sẽ tạo thành “băng thông” thiêng liêng giúp bạn sống tốt và từng bước thuộc trọn về Chúa.

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG – NĂM C

Tâm tình chính của Chúa nhật III Mùa Vọng là: đấng Tiền hô làm chứng cho Đức Giêsu. Chúa nhật trước, phụng vụ kêu gọi chúng ta cất đi những trở ngại để chính mình “nhìn – gặp” được Chúa; nghĩa là tự sửa mình. Tiếp tục sửa đổi mình, chúng ta tiến thêm một bước: sống lành, tránh tội để nên giống Chúa và trở thành những chứng nhân của Đức Kitô cho người khác.

  1. Gợi ý qua các bài đọc: 

DỌN ĐƯỜNG, LÀM CHỨNG CHO ĐỨC GIÊSU

a/ Phải thay đổi cách sống

Mùa Vọng nhắc chúng ta tưởng niệm Chúa đã đến và sự trở lại của Ngài trong giờ kết thúc lịch sử. Tin Mừng hôm nay nói về cuộc sám hối, nghĩa là thay đổi tận căn về thái độ sống. Sau những lời loan báo “nảy lửa” của Gioan Tẩy giả, đám đông đã kêu lên: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10). Thật không còn chịu nổi những đau buồn tự nội tâm, nhất là những nổi buồn mà tội lỗi ta đã gây ra cho người khác. Cuộc hối cải phải kèm theo những việc sám hối cụ thể liên quan đến những tội lỗi đã phạm. Chính vì vậy mà Gioan đã nói cho từng hạng người: người giàu phải chia sẻ, người thu thuế không được tham lam hối lộ, lính tráng đừng quá cộc cằn thô bạo (x. Lc 3,11-14).

b/ Sám hối tích cực: làm lành (chu toàn)

Từ “sám hối” được dịch từ tiếng Hy lạp có nghĩa là thay đổi nội tâm, từ bên trong. Một vài cách “thực hiện” sám hối: trong gia đình, hãy chu toàn những trách nhiệm thường ngày của mình; và từng giây phút, ngày qua ngày, luôn tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Đời sống cộng đoàn, hãy phát huy tính huynh đệ. Cộng đồng giới trẻ hãy đề cao những lý tưởng cao thượng,…

c/ Sám hối tiêu cực: lánh dữ (hy sinh)

Ngoài ra, sự sám hối còn bao hàm cả những hy sinh bản thân để đề cao những giá trị hoặc sự dấn thân Kitô giáo. Những hy sinh đó có thể là: các linh mục phải đề phòng những nguy hiểm cho đời độc thân; vợ chồng biết hy sinh nhường nhịn; các luật sư tránh những hối lộ bất công; y bác sĩ tránh phá thai; các chủ nhân không khấu hao tiền lương… Cấp độ lớn hơn: các quốc gia giàu phải có nghĩa vụ chia sẻ với các quốc gia nghèo đói.

Những cách thế sám hối này đang mở cửa trời: Đó là sứ điệp Gioan Tẩy giả loan báo. 

Philippines

2. Sống tâm tình của Thánh Giuse

Chúa Nhật trước (CN II MV-C), những từ trong lời khẩn cấp mời gọi của Gioan Tẩy giả: “Sửa lối, uốn ngay, san phẳng, lấp đầy, bạt đi”; nghĩa là tự sửa đổi tâm hồn để “con nhìn Chúa, Chúa nhìn con”. Chúng ta đã nói đến việc Thánh Giuse tự ổn định lòng mình trước thánh ý của Chúa. Tuần này chúng ta thấy Thánh Giuse cũng thật đau lòng khi phải khó xử “dọn” những ngày rất gần để Chúa sinh ra. Xin trích lại 2 trong “Bảy sự đau đớn và vui mừng của Thánh Giuse” (Gp Hà Hội).

a/ Thánh Giuse thấy Đức Bà có thai (phải chuẩn bị)

Ngắm thứ nhất: “Ngắm khi ông Thánh Giuse thấy Đức Bà có thai, mà chẳng hiểu sự ấy làm sao, thì lấy làm đau đớn khốn cực lắm. Nhưng mà khi thánh Thiên thần hiện đến bảo cho Người biết Đức Bà có thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, và Con Đức Bà sinh ra là Chúa Cứu thế ra đời chuộc tội thiên hạ, thì Ông Thánh Giuse lấy làm yên ủi vui mừng biết là dường nào”.

Đau buồn, bỡ ngỡ trước sự kiện lạ lùng. Nhưng được báo mộng, Giuse đã “làm ngay”: đón nhận và thu xếp mọi việc để chuẩn bị cho Con Thiên Chúa Giáng Sinh.

Nhìn lại cuộc sống, Chúa không hiện ra với chúng ta. Nhưng mỗi người cũng đã mường tượng ra địa vị, trách nhiệm của đời sống mình. Là người giáo dân hay người tận hiến, chúng ta đã xác tín: Tôi không chỉ là tôi; nhưng tôi chỉ là tôi “trong tương quan” với Thiên Chúa. Chúng ta đã làm gì để gọi là “dọn đường” cho Chúa vào hồn tôi, nhất là trong những ngày đặc biệt này.

b/ Thánh Giuse chuẩn bị hang đá (chuẩn bị cấp tốc)

Ngắm thứ hai: “Ngắm khi Đức Bà ở thành Belem đã đến ngày sinh mà ông thánh Giuse chẳng tìm được nhà trọ, phải đem Đức Bà vào hang đá, ở làm một với bò lừa, thì lấy làm buồn bã khốn cực lắm; nhưng mà khi Người nghe tiếng các thánh thiên thần bởi trời mà xuống hát mừng Chúa Cứu thế ra đời, thì vui mừng biết là dường nào”.

Chúng ta cũng đã tìm hiểu trong phần “Phương cách Thánh Giuse nhìn ra Chúa” (tuần trước).

Phải chọn hang bò lừa, chẳng còn cách nào hơn! Thánh Giuse cũng phải vất vả dọn trong hang, dẹp ngoài hang để bảo đảm cho một người mẹ sắp sinh. Dọn bên ngoài, nhưng bên trong tâm hồn, Thánh Giuse tự cảm thấy mình phải cư xử hết sức sao cho phù hợp với tâm tình của Mẹ Maria lúc đó.

“Chúa đến thăm con, thăm con mỗi sáng ngày. Linh hồn thấy lại tuổi thơ ngây. Thiên dàng chớm nở, chớm nở ngay dưới thế. Tháng năm hoan lạc trôi từ đây” (Bài hát Giêsu Khoan Nhân, Lm. Tiến Dũng – Lm. Nguyễn Văn Tuyên). Cuộc sống thiêng liêng của chúng ta mỗi ngày sẽ mỗi khác, khi liên kết với những tâm tình của Thánh Giuse và Mẹ Maria. Cố gắng nghe được “tiếng đàn lòng” (tâm tình) của các ngài và hồn mình cũng hòa nhạc theo; thật hạnh phúc cho ta!

Hãy sống Tuần thứ III Mùa Vọng này bằng tâm tình của các Đấng khi chuẩn bị cho sự ra đời của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ gần Chúa Giáng Sinh hơn.

c/ Suy nghĩ và cầu nguyện

  • Đến hôm nay, hang đá máng cỏ, chiên lừa chắc đã được trưng bày; mới chỉ là “điều cần” theo thói quen đạo đức bình dân. Hãy làm những việc đó nhưng với tâm tình của Thánh Giuse và Đức Mẹ, mục đồng, kể cả bò lừa; đây mới là điều “cần và đủ” để chúng ta có được tâm tình dọn đường cho Chúa Giáng Sinh.

  • Không chỉ là Mùa Vọng khi hiểu động từ “dọn đường cho Chúa đi vào hồn ta”. Bất cứ một mầu nhiệm nào của Đức Kitô hoặc của Thiên Chúa, đều phải trở thành sinh động bằng “trí – tâm” và dẫn đến hành động cụ thể trong đời sống để chúng ta trở thành chứng nhân của Ngài.

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG – NĂM C

Chủ đề chính của Chúa nhật IV Mùa Vọng đó là lời sấm của Mikha: “Đến khi người nữ phải sinh, sẽ sinh con” (Mk 5,3). Giuse đã chấp nhận Maria đang mang thai vì ngài biết đó là thai nhi do quyền năng của Thiên Chúa (x.Mt 1,18-24). Và chính bà Isave đã phải thốt lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43). Tất cả những lời tiên báo và những người trực tiếp chuẩn bị cho Mùa Giáng sinh đều đã xảy ra. Mừng kỷ niệm ngày trọng đại đó, mỗi người chúng ta đều vừa vui mừng vì kỷ niệm, vừa trở thành hình ảnh của các ngài “tiếp tục” giới thiệu Chúa cho mọi người.

  1. Gợi ý các bài đọc: 

CHUẨN BỊ CHO LỄ GIÁNG SINH

a/ Cái nhìn qua hiện tượng

Các bài đọc hôm nay, nối kết chúng ta với những nhân vật chuẩn bị cho sự hạ sinh của Đấng Mêsia. Nếu suy nghĩ sâu xa, chúng ta thấy đâu có khó khăn gì cho việc Thiên Chúa chuẩn bị cho Con Ngài một môi trường tốt hơn. Nhưng nghĩ như vậy là ý tưởng “xem ra” không đúng và có tính hời hợt. Thiên Chúa có đủ thời gian và quyền năng để thực hiện chọn lựa của Ngài; ý định của Ngài khác với chúng ta. Chúng ta đã nghe quá nhiều về một ngôi làng nhỏ âm thầm ở Bethlehem. Một ngôi làng nhỏ, một bác thợ mộc và vị hôn thê tầm thường… Đó là mái nhà của Con Thiên Chúa. Rồi khi sinh ra, nhóm mục đồng nghèo hèn, vài món quà đơn sơ dâng Hài Nhi…

Trong hoàn cảnh ngày nay, có lẽ ngày và nơi sinh của chúng ta còn đoàng hoàng hơn thế. 

Những sự kiện nghèo đó muốn nói lên rằng: Thiên Chúa hoàn toàn tự do để chọn thời gian, nơi chốn và những con người cho con Chúa hạ sinh. Sự nghèo hèn, đơn sơ chẳng phải là tai họa hoặc chẳng phải là bối cảnh khốn khó. Không, Thiên Chúa có chương trình từ muôn đời của Ngài đó là: 

  • Tình yêu Ngài dành cho chúng ta 

  • Lòng tín thác của người nghèo hèn tin yêu Ngài.

    b/ Ý nghĩa sâu thẳm về chưng trình của Chúa

Dọc dài theo lịch sử cứu độ, chúng ta toàn thấy người nghèo, người khiêm tốn… như ông Abraham, bà Ruth và nhiều ngôn sứ, những người đã dấn thân để cộng tác thực hiện ơn cứu độ cho nhân loại. Và còn nhiều người khác nữa… Thật tuyệt vời và không lời diễn tả về những con người có niềm tin vững chắc vào Chúa. Chính lòng tín thác của những nhân vật đã làm cho Lễ Giáng Sinh trở thành ý nghĩa quan trọng với những trẻ thơ (tín thác) hơn là những người trưởng thành (dùng lý trí). Vào thời đại của Chúa Giêsu, bao nhiêu loại người chẳng hiểu gì về Đấng Mêsia, vì họ quá dựa vào hiểu biết của họ; còn những tâm hồn tin tưởng chân thành lại thu được “mùa lúa” bội thu. Như Đức Maria, họ được thuyết phục bởi lời Chúa báo trước đã được thực hiện.

c/ Phải đóng vai giới thiệu Chúa Giáng Sinh cho người khác

Còn một vài ngày Mùa Vọng, Giáo hội muốn chúng ta tập và sống tâm tình tin tưởng, phó thác để mở ra và thu hút người khác thực thi chương trình của Chúa. Đức Maria đã sống trọn Mùa Vọng của Mẹ. Bà Isave như đã thấu hiểu rằng Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Trải qua Mùa Vọng, hỏi rằng người khác có nhận ra Chúa Kitô ở trong chúng ta qua mùa Giáng Sinh này không?

U.S.A

2. Sống tâm tình của Thánh Giuse

a/ Ơn gọi và đời sống Thánh Giuse là chương trình của Chúa

Từ khi vâng lời “đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20), Thánh Giuse hoàn toàn vâng phục để thực hiện những gì Chúa soi cho. “Đón nhận Maria về” là tiền đề cho việc thực thi chương trình của Chúa.

“Vì cuộc hôn phối của thánh Giuse và Đức Maria mà việc Chúa Giêsu Kitô sinh ra một cách đồng trinh ma quỷ không biết được. Thánh Giêrônimô thuộc thế kỷ IV giải nghĩa: Tại sao Chúa Giêsu không chỉ sinh ra bởi một trinh nữ mà bởi một người đã đính hôn? – Một cách đặc biệt, nhờ lịch sử của thánh Giuse mà lịch sử của Maria cũng được xác định; và cũng để Mẹ không bị ném đá như một người ngoại tình bởi người Do Thái” (Thánh Inhaxiô Antiokia). 

Như thế, ơn gọi và đời sống của Thánh Giuse hoàn toàn phù hợp với chương trình của Chúa. Ơn gọi và đời sống của chúng ta, chúng ta đã “định vị” như thế nào trong chương trình của Chúa? Không xác định hoặc chưa xác định được, thật khó để chúng ta hoạt động đúng ý Chúa.

Hãy chuẩn bị để Chúa Giáng Sinh hình thành trong hồn ta. Với Ngài, ta sẽ là nhân chứng của mầu nhiệm Giáng sinh.

b/ Yêu thương, gắn bó, kính phục

Mọi chuẩn bị đã sẵn sàng, chu đáo hết sức có thể. Việc phải đến đã đến. Mẹ Maria sinh hạ Chúa Giêsu.

“Giuse âu yếm ẵm bồng con Thiên Chúa, biểu hiện dưới hình dạng Hài Nhi với xiết bao cung kính, vì biết rõ Ngài là Thiên Chúa. Về hồng ân ấy, ông cảm tạ Thiên Chúa khôn cùng… Lúc nào ông cũng nửa mừng nửa sợ. Có lúc ông đã kêu lên: ‘Ai ngờ tôi được vinh dự lớn này là Con Đấng Tối Cao đã hóa thành con tôi!’” (Thánh Ephrem).

Hài Nhi thật dễ thương. Thánh Giuse cũng rất mãn nguyện trong lòng như thầm thì với những tâm tình yêu thương, gắn bó, kính phục.

Vì yêu thương mà Thánh Giuse cũng đã làm tất cả vì Maria và bây giờ lại thêm Chúa Hài Nhi. Gắn bó, vì dù không phải con ruột theo máu huyết, nhưng cũng là đối tượng mà Giuse đã phải chấp nhận mọi khó khăn thử thách từ khi “nhận Maria về”. Kính phục bởi vì: Hài Nhi bé bỏng này lại là Con Thiên Chúa.

Đời sống thiêng liêng của mỗi người chúng ta cũng cần có ba tâm tình đó của Thánh Cả. Nhìn kỹ lại: Đời sống và cách sống của ta, kể cả những người tận hiến, nhiều khi đã trở thành đơn điệu, thói quen (routine). Hãy cố đem tâm tình dạt dào kèm theo những công việc “gọi là” đạo đức thiêng liêng; kẻo không có được sự tiến bộ đâu.

c/ Tất cả vì tình yêu Giêsu

  • Trong biến cố Giáng sinh, không ai bằng Đức Maria khi chấp nhận lời “xin vâng” (Lc 1,38); kể từ lúc đó, tâm hồn và thân xác Mẹ “gắn chặt” lấy Hài Nhi đang lớn dần và sẽ ra đời. Ôi, Mẹ diễm phúc! Tình yêu của Mẹ dành hết cho Hài Nhi, hay nói cách khác: Hài Nhi là hạnh phúc của Mẹ.

  • Thánh Giuse cũng không kém. Ngài cũng đã làm tất cả những gì “phải làm” từ khi nhận Maria về (x.Mt 1,24). Thánh Giuse đón nhận Hài Nhi và Mẹ Người trong hạnh phúc. Tâm tình này đã được Đấng đáng kính Gioan Gerson tán tụng: “Nếu bà Isave được Mẹ Maria chào hỏi có một lần mà được ơn nói tiên tri, và Gioan con bà nhảy mừng trong dạ, thì Thánh Cả Giuse thường xuyên chung sống và chuyện vãn với Đức Mẹ, biết ông được an ủi, soi sáng đến chừng nào? Ai sẽ cho tôi nghe giọng du dương của Trinh Nữ hát thánh ca nơi lưu địa? Ai sẽ cho tôi ngắm bà bồng trên tay Đấng đẹp nhất loài người, hôn kính khi con cười, thảm não khi con khóc, rồi trao cho Giuse bồng bế vuốt ve?”. Tất cả chỉ vì yêu Hài Nhi. 

  • Cũng có thể học bài học từ đám mục đồng, chiên bò. Truyền thống làm máng cỏ – hang đá từ Thế kỷ XIII không thể thiếu đám mục đồng và mấy chú chiên bò. Chiên bò có biết gì đâu. Chúng đi vào hang theo lệnh của mục đồng. Mục đồng có tính toán gì đâu. Chúng tò mò theo dấu sao và bản đồng ca trên trời của các thiên thần. Mục đồng và chiên bò đến để cho hoạt cảnh Giáng sinh thêm sinh động. Dường như có một thúc đẩy âm thầm nào đó từ bên trong: đó là tình yêu muốn chúc mừng, an ủi Hài Nhi cô đơn.

Đức Maria, Thánh Giuse, đoàn mục đồng và đám chiên bò hiện diện khi Chúa sinh ra. Những con vật, những nhân vật âm thầm khiêm tốn được chứng kiến Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Hài Nhi là Con Thiên Chúa được ca đoàn thiên thần vang ca chúc tụng.

Con bò, con chiên chỉ đi theo lệnh vì là loài vật. Chúng ta là những con người, có người lại là người tận hiến cho Chúa. Chẳng lẽ tâm tình và cuộc sống của ta không diễn tả được tình yêu đáng phải có với Hài Nhi Giêsu? Chẳng lẽ chúng ta lại thua cả đám chiên lừa?

2. Suy nghĩ và cầu nguyện

  • Mùa Vọng: trải qua bốn tuần lễ, giờ đây sắp chứng kiến Thánh lễ Giáng sinh. Ta đã chuẩn bị thế nào và sẽ dự lễ Giáng sinh thế nào? Máng cỏ thiêng liêng được đan kết bằng những cỏ rơm “hy sinh, bác ái” ta đã chuẩn bị thế nào? Lễ, nhạc hoành tráng đấy. Nhưng coi chừng Chúa Hài Đồng vẫn thấy tẻ lạnh trước hồn chúng ta!

  • “Rồi cũng qua”. Dịp lễ trọng đại với Mùa Vọng, lễ Giáng Sinh rồi cũng qua. Có lẽ chúng ta phải lặp lại lời thánh Bênađô: “Chúa đến với mỗi người chúng ta” (ân sủng, giờ chết). Điều đó xem ra lại cần thiết và phải ứng dụng mỗi ngày. Chúa đã xuống thế, Chúa vào hồn ta, ta lại phải: “làm cho Chúa sinh ra với những người sống xung quanh ta”.

“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”
(Ga 1, 14)

“Chúa nhập thể cứu người
Ta nhập thế cứu đời”