Thứ 5 tuần thánh: Ga 13, 1-15
THÁNH THỂ – BỮA TIỆC CỦA PHỤC VỤ
Thánh lễ hôm nay chúng ta cử hành biến cố Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể biến đổi ta nên như Ngài. Đồng thời cũng mừng ngày Chúa Giêsu lập Bí Tích Truyền Chức Thánh để có những thừa tác viên tiếp tục Cử hành Thánh Lễ; và cùng nhau thực thi giới răn yêu thương như Thầy đã yêu.
Với những ý nghĩa trên, cách riêng là con cái của Cha Eymard thì làm sao chúng ta không nghĩ đến “ 1 BỮA TIỆC”. Cha Eymard nhắc nhớ chúng ta rằng: “mỗi ngày sống của chúng ta – là một bữa tiệc”. Chắc chắn rằng, Cha muốn nhắc đến tầm quan trọng của Bữa tiệc Thánh Thể trong đời sống của người tu sỹ Thánh Thể”.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay xoay quanh về Lễ Vượt Qua:
Bài Đọc 1: với chỉ thị về bữa ăn Vượt Qua, qua hình ảnh của “Con Chiên” và máu chiên là dấu hiệu thuộc về Thiên Chúa. Dòng máu chiên nói lên rằng: Thiên Chúa với con người mang chung một sự sống và cùng chung một dòng máu. Nếu như chiên vượt qua năm xưa đã đưa dân Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ/ đưa họ tới chỗ mang chung với Thiên Chúa một sự sống và cùng chung với Chúa một dòng máu/ thì hôm nay thịt chiên Vinh Quang là chính Chúa Giêsu sẽ đưa chúng ta vào trong Ngài và nên như Ngài.
Thiên Chúa là Tình Yêu, tình yêu ấy hôm nay hiện tỏ nơi . Ngài khẳng định với chúng ta: Cha ở trong tôi và Tôi ở trong Cha. Cha với Tôi là Một. Chính Ngài là tình yêu của Chúa Cha. Tình yêu ấy, hôm nay Chúa Giêsu hiến mình là “của ăn – của uống” nuôi dưỡng chúng ta qua việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể để ở với nhân loại mọi ngày cho đến tận thế.
Thưa Cộng đoàn: “Có khi ta đi ăn tiệc và gặp một MÓN ĂN KHÔNG ĐƯỢC NGON lắm, và ta định ra về. Nhưng khi đó, gia chủ giới thiệu: tiệc hôm nay chỉ toàn là “cây nhà lá vườn” của nhà tôi (rau nhà trồng; gà nhà nuôi; nho nhà trồng, hay za-ua nếp cẩm nhà làm…). Điều đơn giản ấy tức khắc làm cho “món ăn dở kia” bổng nhiên trở thành “QUÍ”; vì khi ấy, thực khách được tham dự vào đời sống (cùng với những công lao vất cả của gia chủ), được chia sẻ hành trình sống của gia chủ (cùng với Hoa màu ruộng đất). Cũng thế, một món quà mọn, được dâng tặng với cả tấm lòng thành, sẽ trở nên quí giá; và người nhận được món quà ấy, nếu có đủ tấm lòng, cũng sẽ đón nhận được tính cách quí giá ấy trong niềm vui”. Nơi đó, chính tấm lòng của con người được gởi vào các sản phẩm là điều quan trọng và đôi khi có thể làm cho các sản phẩm ấy trở nên TUYỆT ĐỐI.
Thưa Cộng đoàn, Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô trong Bài đọc 2 khẳng định cho họ là: mỗi lần ăn bánh và uống chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Lễ vượt qua này Thánh Phaolô không nhắc gì tới chiên mà tới BÁNH. Cầm bánh – cầm chén đây là Mình Thầy là Máu Thầy hiến dâng vì Anh em. Trong ngôn ngữ bình dân, chúng ta có thể nói: Đây là BÁNH xuất phát từ: “cây nhà là vườn” – trong Ba Ngôi Thiên Chúa và chính là Mình Thầy đây.
Như vậy, khi nói đến Bánh thì Chúa Giêsu cũng giới thiệu với chúng ta về “người làm bánh”. Người làm bánh – nguời ban tặng Bánh cho chúng ta là CHÚA CHA; CHÚA CON chính là bánh; và Sự nhào nặn trong tình yêu, “Lửa” nướng bánh thành lương thực cho chúng ta là CHÚA THÁNH THẦN.
Nơi bàn thờ này mỗi ngày, chúng ta chứng kiến Mầu Nhiệm đó. Chúa Cha bạn tặng Con của mình nơi tấm bánh chính là Chúa Giê-su Ki-tô, nhưng, để Bánh trở thành chính Chúa Giêsu Kitô, nơi những hoa mầu ruộng đất và lao công của con người, thì: Linh mục (In Persona Christi – là hiện thân của Chúa Kitô) kêu cầu Chúa Thánh Thần, xin Thánh Thần của Thiên Chúa đến “thánh hóa tấm bánh” đó để trở thành chính Chúa Giê-su. Và khi ấy: Chúng ta rước Thánh Thể là chúng ta được làm con của Chúa. Chúng ta mang chung với Chúa: một sự sống và chung một dòng máu. Trong sự sống và dòng máu đó Chúa Giêsu còn mời chúng ta hãy Phục Vụ như chính Ngài đã làm hôm nay.
Khi rửa chân cho các môn đệ thì ta thấy: Một Thiên Chúa hiện diện/ 1 Thiên Chúa cúi ngay dưới bàn chân của con người. Ngài cúi xuống đó, Ngài rửa chân cho chúng ta đó. Nhưng, Thưa Cộng đoàn, điều đó không nhấn đến việc hạ mình của Chúa Giêsu cho bằng nhấn mạnh đến việc: Chúa nâng chúng ta lên bằng Chúa. RỬA CHÂN là Chúa cúi xuống để rồi nâng chúng ta lên. Nghĩa là, Chúa đưa một đứa nô lệ không có tự do giờ đây lên hàng ông chủ: là nó có tự do. Như vậy, việc phục vụ phải làm Anh chị em/ làm cho cộng đoàn được tự do và tạo nên sự bình đẳng trong phẩm giá. Tình yêu phải tạo nên sự tự do – và là: được phục vụ; chứ không phải là bị phục vụ (khi nào chia việc mới làm).
Nơi bàn tiệc Thánh Thể chúng ta cùng nhau cử hành, chúng ta được đồng bàn với Chúa. Nghĩa là: Chúa nâng chúng ta lên bằng ông chủ/ bằng Chúa. Để rồi từ đó, chúng ta mới sống được sứ điệp của thượng Hội đồng Giám mục thế giới: đó là HIỆP HÀNH. Tất cả cùng dấn thân và không ai bị bỏ lại đằng sau. Hiệp hành trên nền tảng “mầu nhiệm Thánh Thể”. Vì sự thông hiệp của chúng ta với Mình và Máu Chúa Kitô, “nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì tất cả chúng ta đều chia sẻ cùng một tấm bánh” (1 Cr 10,17).
Thưa Cộng đoàn, mừng lễ hôm nay, chúng ta cùng tạ ơn Chúa vì chính Ngài đã hiến mình làm của ăn-của uống cho chúng ta nơi bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày. Bàn tiệc của Chúa sẽ đông vui hơn khi có càng nhiều thực khách đến tham dự. Để làm được điều đó Chúa mời gọi nổ lực của mỗi người chúng ta yêu thương nhau như Thầy đã yêu qua cung cách dấn thân phục vụ/ như THẦY. Cứ dấu chỉ đó thì chắc chắn: mọi người sẽ nhận ra – anh em là môn đệ Thầy; Và vinh quang Thánh Thể sẽ được hiện tỏ khắp trần gian!
Lm Giuse Nguyễn Tường Văn SSS