Chúa Nhật XIX Thường niên, Năm C

MÚA RÌU

Lc 12,32-48

       Trong những năm đi rao giảng, đã rất nhiều lần Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ: anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Thế nhưng, hình như các ông không hề quan tâm, thậm chí trong những giây phút cuối đời, Chúa Giêsu còn phải hỏi các môn đệ:

Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?” (Mt 26, 40).

       Ý nghĩa đầu tiên của tỉnh thức là chuẩn bị cho giờ chết.

     Nếu trong Tin Mừng chúa nhật trước, chúng ta nghe Chúa trách người phù hộ chỉ lo sắm sửa, thu tích của cải cho riêng mình là Đồ ngốc! Nội đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi. (Lc 12,20), thì hôm nay chúng ta nghe Chúa nhắc bảo: Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì con người sẽ đến. (Lc 12,40)

     Trận động đất và sóng thần cao 40m tại Nhật Bản lúc 2g chiều ngày 11/3/2011 đã giết chết hơn 16.000 người. Khi mọi người đang sinh hoạt bình thường.

      Người ta còn thuật lại trong một đám cưới nọ, họ nhà trai, đi xe 16 chỗ đi đón dâu, nhưng khi ngang qua đường rầy xe lửa, đã bị xe lửa tông chết, chỉ còn sót một người bị thương nặng.

     Cái chết đến không ai biết trước. Nó đến với bất cứ ai, với bất cứ lứa tuổi nào, vào bất cứ lúc nào.

      Cái chết sẽ chấm dứt công danh, sự nghiệp của mỗi người. Giầu nghèo gì cũng kết thúc bằng một nấm mồ hay một hũ tro cốt.

     Ai cũng biết hữu sinh tất hữu tử. Nhưng hình như người ta không ghi nhớ điều đó, hay ít ra, người ta cũng nghĩ: Còn lâu mới chết. Đời còn dài, không vội chi. Cứ ăn chơi cho đã. Gần chết, ăn năn hối lỗi cũng chưa muộn. 

     Chẳng ai biết giờ chết của mình lúc nào, nhưng chắc chắn giờ ấy sẽ đến. Người ta thường nghĩ là mình còn nhiều thời gian, còn lâu mới chết.

     Nhiều người cứ ăn chơi trác táng, cờ bạc, rượu chè, trai gái… sống bất chính, tham ô, bóc lột, thờ ơ trước nỗi khổ của anh em… Họ cho là mình còn trẻ, còn khỏe nên chưa thể chết được! Nhưng gần đây, có rất nhiều người trẻ đột quỵ, suy tim, ung thư, tai nạn giao thông, giã từ cuộc sống, khi còn nhiều ước mơ dang dở.  Lời nhắn nhủ tỉnh thức của Chúa vẫn luôn mang tính thời sự.

Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn….” (Lc 12,35).

     Châm ngôn của Hướng đạo sinh: Sắp sẵn.

     Có cha sở nọ đặt mô hình nấm mộ của mình trên bàn làm việc, có tấm bia đề tên thánh, tên gọi và năm sinh của ngài, nhưng còn để trống ngày chết. Có cha khác đặt trên giá sách của ngài một đầu lâu với hai hốc mắt sâu hoắm.

    Ít người suy gẫm về cái chết của mình, Càng rất ít người xem cái chết như bạn đồng hành. Người ta thường chỉ sống như sẽ không bao giờ phải chết.

    Sống khôn ngoan là sống tích cực giây phút hiện tại, cách hợp lý. Đừng dùng thời gian hiện tại để phạm tội, để lún sâu vào những đam mê mù quáng. Hãy sắm lấy  một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời. (Lc 12,33)

Hãy sống giây phút hiện tại như là giây phút cuối cùng của đời mình.

Sống đúng với ý nghĩa sinh ký tử quy- sống gửi thác về.

     Tỉnh thức là phải chuẩn bị để đối diện với cái chết.

Nhưng tỉnh thức còn có nghĩa là hãy lo tìm nước Thiên Chúa bằng bác ái, yêu thương; là sám hối, canh tân; là sống theo Luật Chúa và sống theo Tin Mừng.

     Chúa muốn ta là người quản lý trung tín và khôn ngoan.

(Dựa theo Đức TGM Ngô Quang Kiệt)             

      Trung tín là phải biết sinh lợi những tài sản Chúa trao. Biết tôn trọng, phát triển thân xác và tâm hồn mình, biết phát huy các tài năng. Năm nén phải sinh lợi ra năm nén khác; Hai nén thành hai nén khác.

     Trung tín là biết chia sẻ. Chúa ban sức lực, tài năng không phải để ta ích kỷ vun quén cho riêng mình, nhưng để ta dùng mà phục vụ. Mọi người sống nhờ vào nhau, mọi người phải giúp đỡ nhau. Không ai là một hòn đảo. Các triết gia hiện sinh còn nói sống là sống với.

      Trung tín là không phản bội. Không dùng những khả năng Chúa ban để chống lại Chúa. Không dùng sức mạnh mà áp bức người khác. Không dùng tài năng, tiền bạc chỉ để phục vụ lợi nhuận riêng mình. Không dùng trí thông minh gieo rắc tư tưởng độc hại. Không dùng thân xác gây nên dịp tội. Nhưng dùng tất cả để phục vụ Chúa. Dùng tất cả để làm cho Chúa được yêu mến, được vinh danh hơn.

       Không những Chúa muốn ta trung tín, Người còn muốn ta là người quản lý khôn ngoan.

     Khôn ngoan là phải biết nhìn xa. Sự sống, tài năng, sức lực, trí thông minh Chúa chỉ ban cho ta một thời gian. Hãy dùng những thứ hay hư nát đó để mua được những giá trị vĩnh cửu, là Nước Trời. Nhiều lần Chúa Giêsu đã dạy ta: “Hãy dùng tiền của chóng qua ở đời này mà mua lấy bạn hữu. Để sau này họ sẽ đón rước ngươi vào chốn đời đời”. Hôm nay Người dạy: “Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá”(Lc 12,33). Để gây dựng kho tàng trần gian, ta phải hà tiện, ích kỷ, thu tích cho mình. Trái lại, để gây dựng kho tàng trên trời, ta phải biết cho đi. Càng cho đi lại càng giàu có. Càng phân phát lại càng dư thừa. Càng ban tặng lại càng phong phú.

      Khôn ngoan là phải tỉnh thức. Cuộc đời sống gởi mau qua. Chúa lại hay đến bất ngờ. Nên ta phải tỉnh thức đợi chờ. Đợi chờ không phải là thụ động ngồi đó khoanh tay. Đợi chờ là phải tích cực làm việc. Thắt lưng vào, thắp đèn lên để làm việc như giữa ban ngày. Để phục vụ không bao giờ ngừng, để luôn sẵn sàng yêu thương, mở lòng đón Chúa, đón anh chị em, là hiện thân của Chúa, đang đến với mình hằng ngày. Dù Chúa có đến lúc nào, Chúa cũng thấy ta đang “thắt lưng”, phục vụ. Dù có bất ngờ như kẻ trộm, Chúa cũng thấy quản lý đang phục vụ anh em, phân phát lúa thóc cho họ.

     Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn tỉnh thức đợi chờ Chúa. Xin cho chúng con luôn biết trung tín và khôn ngoan.

Nguyễn Đức Lân