ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG

TỪ SILENT NIGHT HOLY NIGHT
ĐẾN ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG.

  • Francis Assisi Lê Đình Bảng.

  1. Hằng năm, cứ vào độ này, cả đất trời như nhuốm chút gì ủ dột, se se lạnh, rồi gia giá, rét run. Nhìn lá cây đã vàng úa, chanh mơ từ bao giờ; có nơi đã sớm ngả sang màu đỏ điều, vang chát, huyết dụ. Đẹp rực rỡ mà sầu muộn, nói theo ngôn ngữ phù thuỷ của Văn Cao là “buồn tàn Thu”. Trông thấp thoáng tranh sơn dầu Hoa Diên Vỹ của danh hoạ Van Gogh và Phái phố, Hà Nội xưa xa. Chẳng hiểu sao, lòng tôi – trong khoảnh khắc say hương say khói ấy, cứ dâng lên bâng khuâng nỗi nhớ cái khăn len quàng cổ còn thơm bàn tay con gái ai đan tặng hôm nào ngồi với nhau bên lò sưởi, ở một phố huyện ngoại ô miền núi. Thèm đến bồi hồi được sống lại cảm giác long hong, để quên hai tay trong túi quần, lững thững đi xuống những con dốc sương mù bay bay. Rõ ràng có một mùa đông hồi trai trẻ, đương yêu rất lãng mạn. Vâng, sự thật là có những không gian Giáng Sinh: nhỏ bé thôi, như góc phố toả lên mùi cà phê còn hun khói. Mà cũng có nơi chốn Giáng Sinh rộng lớn hơn, như thị xã Phan Rang mịt mù gió cát, ở phía đầu cầu Đạo Long; như tỉnh lỵ Kontum, Ban Mê bồng bềnh và Đà Lạt trăng mờ… Không gian vốn là bến đỗ cho một câu chuyện của hai người diễn ra, của em và của tôi, viết nên một truyện tình. Rồi chẳng ai hẹn hò, một hôm về ngang qua, dừng bước, nhung nhớ vẩn vơ. Nhớ và yêu một chỗ ngồi, một cái ghế mây, một ô cửa sổ mở ra cánh đồng bắp trổ cờ, váng vất lũ chuồn chuồn ngô chấp chới. Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng. Xếp tàn y lại để dành hương.(1) Không lẫn vào đâu được. Tôi nhớ rõ mồn một. Thơ, nhạc, cây guitar thùng, người yêu và Giáng Sinh, như một chuỗi liên kết. Một thời để nhớ, để yêu. Tất cả những dây tơ, bến bờ đầu mối ấy liền lạc chặt chẽ với nhau, không thể tách rời. Cái nọ xê dịch, gợi mở và đẩy đưa, lôi cuốn cái kia, dùng dằng như một dây chuyền cung ứng, hệt như một con tầu kéo theo nhiều toa đang lao về ga cuối, bát ngát, ràng buộc. Đừng khăn chia lìa gối. Thả đỉa ba ba, chớ bắt đàn bà, phải tội đàn ông.(2) Trẻ em, con cháu chúng ta ở làng quê xưa, sao vụng dại mà dễ thương đến thế?

  2. Ngày ấy, cái chùm cung bậc dặt dìu và âm giai thánh thót của bài thánh ca mùa Giáng Sinh, lần đầu, từ trời Âu xa lắc xa lơ cứ quấn lấy mỗi bước chân mình. Tội nghiệp chưa, không dứt ra được. Thì thôi, cứ để nó vướng vào. Nhẹ hơn sợi tơ trời ấy mà.

Silent Night, Holy Night…
Đêm Thánh Vô Cùng…
Đất với trời se chữ đồng….
Đêm nay, Chúa Con sinh ra…
 

Và bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa lũ lượt ùa về. Vướng vít trong từng chữ, từng lời, từng giai điệu cao vút mãi lên trời. Đâu đâu cũng thấy chan hoà cái “khí hậu Noel – Giáng Sinh”. Đậm đặc. Mượt mà. Quấn quýt. Chực chờ. Ẩn hiện. Thánh thiện. Mong manh. Không thể nào cầm lòng mà không hát thầm. Ôi, những mùa Giáng Sinh nồng nàn, ấm áp trong yên ả thanh bình. Những mùa Giáng Sinh trong bom rơi, đạn nổ, nằm trong hầm trú ẩn chất đầy bao cát ngay trong nhà mình. Những mùa Giáng Sinh về phép, cùng em lang thang bát phố Lê Lợi, Tự Do, Nguyễn Huệ của Sài gòn. Cũng có những mùa Giáng Sinh trong nỗi chết phập phồng, trong mất còn của tuổi thanh xuân, khởi đi suốt từ những thập niên dằng dặc 1963, mùa Hè đỏ lửa 1968-1972 và khi cuộc chiến khốc liệt, rồi dãy dụa, lụi tàn 1973-1974-1975. Chỉ ngần ấy thời gian thôi – trong hít thở no nê tự do, thanh bình và cả trong khắc khoải, chán chường, bầm dập, chết chóc của chiến tranh – đã hình thành một chủ đề bất hủ và kỳ diệu đến ngỡ ngàng của riêng một dòng nhạc được đặt tên là “những tình khúc Giáng Sinh”. Nó ngồi riêng một chiếu, vuông chiếu cạp điều, chẳng cần bắc bậc, sang trọng, kiêu kỳ. Phải thành thật nhìn nhận rằng, lịch sử âm nhạc Việt Nam đã mở sang một trang mới, đã thoát ly cả một quá khứ u ẩn, lê thê, đã khắc hoạ được một chương mới, một tập mới, một phong cách sáng tác mới. Đặc biệt, một nội dung hoàn toàn mới, rất tuyệt vời, chuyên chở được trọn vẹn, nguyên tuyền, từ dáng vẻ, sắc màu đến chiều sâu đức tin và lòng đạo, là căn cốt văn hoá của người Công giáo Việt Nam. Bởi thực tế là người ta đã hát, đã nói, đã viết, đã thuộc nằm lòng cả một thế giới cung bậc và ngôn từ, bước ra từ các tình khúc Giáng Sinh, để gặp gỡ, chuyện trò, hò hẹn, rung động, thay lời muốn nói. Phải chăng, ngôn ngữ là một trong những thành tố chủ lực, làm nên văn hoá của một dân tộc, đặt ngay vào chỗ này, mang ý nghĩa đúng đắn nhất?(3)

Lẽ tự nhiên, phải có tích, mới dịch nên hồ. Những bài tình ca Giáng Sinh mà tôi sắp nói đến dưới đây, không nhiều thì ít, không trực tiếp thì gián tiếp, đã chịu ảnh hưởng, đã được tích luỹ, được truyền cảm hứng từ những bài thánh ca, từ kinh sách, nguyện ngắm và từ ngay trong máu thịt cuộc sống rất đời thường, rất truyền thống của người Công giáo? Tôi tạm gọi đây là “đêm Giáng Sinh của thánh ca Công giáo Việt Nam”. Bởi từ những dò dẫm, khai phá này, tuôn chảy miệt mài những ngọn triều non bạc. Làm sao tôi quên những bài thánh ca Giáng Sinh đã gióng lên hồi chuông đánh thức các thế hệ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em tôi ở mảnh đất thân yêu này ngay từ buổi bình minh của thế kỷ trước? Rất sớm, trước cả sự ra đời của nền tân nhạc Việt Nam, dễ đến hơn cả chục năm.(4) Tạ ơn Chúa vô vàn, đã thương ban cho dân tộc bé bỏng, mà cam phận điêu linh này có được một gia tài quý báu hơn cả trân châu vàng ngọc, đó là tiếng nói giàu nhạc tính, sính vần điệu của thi ca. Hễ cứ thở ra cửa miệng thì đã là thơ, là nhạc. Bẩm sinh đã là thi sĩ natus poeta. Chắc hẳn, cứ trộm nghĩ, hơn hai ngàn năm trước, ngôn ngữ cổ xưa Aramaic của Chúa Giêsu cũng giàu vần điệu thi ca và nhạc tính như thế? Còn nhớ một lần, giữa nơi công hội là những nhạc sĩ trong Uỷ Ban Thánh nhạc Việt Nam, chính tai tôi được nghe Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà – với tư cách Chủ tịch Uỷ Ban Thánh Nhạc Việt Nam –  tâm tình: “Năm xưa, Chúa Giêsu đã đọc thánh vịnh, đã ngâm thánh vịnh, theo truyền thống và thi ca của dân tộc Do Thái; đến độ bậc thánh tiến sĩ Augustino đã phải thốt lên, Người là vị ca sĩ kỳ tài, diễn đạt thánh vịnh một cách tuyệt hảo/Iste cantator psalmorum!”(5). Chỉ cần nghe thoáng, là tứ xứ thập phương nhất tề oà vỡ, là nhất loạt bùng lên. Một dàn đồng ca. Một đại ban hợp xướng. Muôn người như một. Uno ore, uno corde. Oremus cantando, cantemus orando. Hát là cầu nguyện: Nửa Đêm Mầng Chúa Ra Đời (1911, Phaolô Đạt); Trời Ơi, Hãy Kịp Rưới Sương (1928, Nguyễn Linh Kinh); Hang Bê Lem (1945, Hải Linh); Đêm Bình An (Ngô Duy Linh); Trời Cao (1947, Duy Tân); Cao Cung Lên (1946, Hoài Đức); Kìa Trông Huy Hoàng (1947, Nguyễn Khắc Xuyên và Hoài Đức); Chúa Thương Loài Người (1946, Tâm Bảo); Tiếng Hát Thiên Thần (Hoàng Diệp); Loài Người Ơi (Văn Thiều); Tìm Ánh Sáng (Phương Linh); Ngày Ấy, Muôn Sao Sáng (Vinh Hạnh); Trời Gieo Sương Xuống (Hoàng Kim); Dâng Thơ Nhi (Viết Chung); Ánh Sáng Bừng Lên (Kim Long); Quỳ Bên Máng Cỏ (Hải Triều)… Còn nhiều, còn bao nhiêu nữa của các nhạc đoàn, của nhóm này nhóm nọ, vang lên rộn rã khắp ba miền đất nước: Lê Bảo Tịnh (Hà Nội); Sao Mai (Bùi Chu); Ca Thánh (Phát Diệm); Thiên Cung (Hải Phòng); Tiếng Chuông Nam (Thanh Hoá); Minh Nhạc (Bắc Ninh); Mẫu Tâm (Thái Bình); Phan Văn Minh (Sài gòn – Vĩnh Long) v.v… Từ khúc dạo đầu thánh thiêng ấy, Giáng Sinh – trong tâm thức và cả trong ngồn ngộn thực tế đời sống mồ hôi nước mắt của người Việt mình –  không còn là một khái niệm trừu tượng, một ý tưởng viễn mơ, xa lạ nữa. Trái lại, tất cả đã thấm nhập thật sâu vào tận tim máu và hồn cốt của giới văn nghệ sĩ, bất kể lương, giáo, có đạo hoặc không có đạo. Nói theo cách nói của tác giả Thi Nhân Việt Nam thì “điều ấy chúng tỏ rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại”…(6), thành những kiệt tác về chủ đề Giáng Sinh, để rồi lần lượt xuất hiện, phơi bày ra dưới đủ mọi hình thức và thể loại diễn đạt của văn hoá nghệ thuật. Từ truyện ngắn, tiểu thuyết, đến thi ca, hội hoạ, sân khấu, kịch nghệ; từ điêu khắc, đến phim ảnh, cải lương… Bát ngát, bao la, trùng trùng điệp điệp. Nếu chỉ tính riêng trong lĩnh vực âm nhạc thì đã có cả một hàng hàng lớp lớp, một đội ngũ đông đảo các nhạc sĩ, hàng chục, hàng trăm nhạc phẩm viết về Giáng Sinh có giá trị và ấn tượng đến không ngờ. Thậm chí, đã có ít nhiều “lấn sân”, nghĩa là đạo và đời, sân khấu biểu diễn và sàn hát phụng vụ, thánh ca và tình ca vấn vít, không rõ biên cương, trong một số trường hợp cao trào, ngẫu hứng nào đấy. Dường như, tôi có cảm tưởng, những nhà nghệ sĩ của âm thanh đã tỏ ra nhạy bén hơn ai hết để nắm bắt đề tài, cảm hứng và họ đã có ngay hàng loạt những tình khúc ghi đấu, để đời. Vâng, tình yêu của lứa đôi, từ ấy, cũng như đã được chắp thêm đôi cánh của loài chim phượng hoàng để bay lên, bay lên cao hơn, xa hơn, đến một điểm hẹn mới hơn, một gặp gỡ tình tứ lãng mạn, thắm thiết hơn, thăng hoa hơn, nhân đức hơn: Giáo đường, Hang đá Bê Lem, đi lễ nửa đêm, tiếng chuông rộn rã, ngôi sao, mùa Đông tuyết rơi, cây thông băng giá, cỗ xe có bầy tuần lộc kéo chạy như bay trong bão tuyết, cái bánh kem hai ba tầng, Ông già Noel hoặc tấm thiệp chúc mừng, với những dòng chữ kim tuyến óng ánh, lung linh… Khác, khác hẳn khuôn mẫu những truyện tình bi luỵ, cũ mòn và ước lệ trước đây. Có người còn mạnh miệng bảo, chỉ một bước ngắn thật ngắn nữa thôi, là họ đi vào lễ lạy nhà thờ nhà thánh cùng với con chiên Chúa cho mà coi. Ở đây, trong khuôn khổ một bài viết nhỏ, xin mời độc giả cùng tôi nhớ lại – dù thời  gian đã đi qua gần 50 năm, tính từ 1975 – một lần trong đời, ai nấy trong chúng ta cũng đã từng mở miệng hát hoặc nghe qua các băng dĩa, với các giọng ca vàng không thể nào quên, như: Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Hà Thanh, Thanh Thuý, Thanh Lan, Giao Linh, Hoàng Oanh, Uyên Phương, Sĩ Phú, Duy Trác… Đây chỉ là một số bài tình ca Giáng Sinh của người Việt mình, mà trí nhớ tản mạn của tôi lúc này chỉ còn tơ lơ mơ những: Giáo Đường Im Bóng (Nguyễn Thiện Tơ); Chiều Bên Giáo Đường (Lê Trọng Nguyễn); Mừng Chúa Ra Đời (Tạ Thanh Tùng); Nửa Đêm Khấn Hứa (Tuấn Hải); Màu Xanh Noel (Hoài Phương); Tà Áo Đêm Noel (Tuấn Lê – Hoài Linh); Lá Thư Trần Thế (Hoài Linh); Mùa Hoa Tuyết (Xuân Điềm); Lời Con Xin Chúa (Lê Kim Khánh); Dư Âm Mùa Giáng Sinh (Ngân Giang); Hai Mùa Noel (Đài Phương Trang); Niềm Tin (Anh Bằng); Trời Chưa Muốn Sáng (Trần Thiện Thanh) và đặc biệt, hiện tượng Bài Thánh Ca Buồn của Nguyên Vũ (1972) mà theo tác giả, cũng là để ngợi ca bài thánh ca Giáng Sinh bất hủ Silent Night Holy Night của F.Gruber và J.Mohr năm xưa. Riêng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, ngạc nhiên chưa? Chẳng biết, có phải là người cùng chung đức tin với chúng ta hay chăng? Tôi ngờ rằng chưa, chưa đâu, nhưng đã xích lại thật gần, ngay bên bờ giếng thánh. Gần lắm, vì ca từ của ông luôn đầy ắp chất Công giáo. Tôi nhắc lại “chất Công giáo”, chứ không chỉ phơn phớt màu mè riêu cua, gọi là “chạy qua hàng đạo” đâu nhé. Một thứ ngôn từ xác tín hơn cả người Công giáo nữa. Tự dưng, tôi nghĩ tới một số không ít bài thánh ca với những lời ca xem ra rất hời hợt, viển vông, mộng mị, gò ép, non nớt đến tội nghiệp đẩu đâu. Tôi lại nghĩ tới dụ ngôn về người Samaritano trên đường đi thành Jerico và lời Chúa cảnh báo rất ư là nghiêm khắc “khắp Đông, Tây vào cả nước thiên đàng/Con cái Chúa ra người dưng, nước lã!”. Đây, thật bình tâm, ta đọc thử một vài câu chữ của người nhạc sĩ ngoại đạo mà tài hoa ấy để làm bằng:

một mùa sao sáng, đêm noel Chúa sinh ra đời…
…Quỳ lạy Mẹ Maria,
lòng Mẹ từ bi bao la…
…mà niềm tin vẫn thắm trên môi…
…Lớp lớp đoàn chiên quyết sáng danh Chúa trên trời cao…

                                                                        (Mùa Sao Sáng)

…một trời sao sáng ngời. Thiên Chúa sinh ra đời…
Mang tình yêu thương tới khắp nơi trần thế…
Con quỳ xin Chúa…
Muôn lời ngợi ca Chúa Giáng Sinh trần gian…

                                                            (Đêm Thánh Huy Hoàng)…

Ông là nhạc sĩ – theo tìm hiểu của tôi – đã có hẳn một “sự nghiệp” về chủ đề Giáng Sinh thuộc vào hạng phong phú và đa dạng nhất, so với các nhạc sĩ cùng thời. Rất dễ nhận ra Ông là một nghệ sĩ vừa tài hoa, lại vừa nghiêm túc, có chọn lựa, có nghiên cứu cẩn trọng từng từ ngữ Công giáo, một phạm trù tương đối không dễ dàng tiếp cận. Nói chung, bài nào của tác giả “Chiều Mưa Biên Giới” cũng chạm được vào tần số trái tim của người yêu nhạc, yêu đạo, khó tính nhất. Tôi muốn nhấn mạnh đến một khía cạnh khác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Đó là cách đặt tên cho các tình khúc Giáng Sinh của mình: Rất nhà đạo. Rất nhà thờ. Rất kinh sách, rất nguyện cầu. Xin được kể ra đây vài ba thí dụ: Ave Maria; Đêm Thánh Vô Cùng (lời Việt của Nguyễn Văn Đông); Mùa Sao Sáng; Đêm Thánh Huy Hoàng; Hồi Chuông Nửa Đêm; Bóng Nhỏ Giáo Đường; Tình Người Ngoại Đạo; Xin Chúa Thấu Lòng Con (cùng dưới bút danh Phượng Linh)… Hỏi chứ, ngay đến chính chúng ta là đạo gốc, đạo dòng, cũng chỉ ngần ấy chữ nghĩa thôi, có hơn gì? Đừng cậy dựa vào tín lý hay thần học mà… khống chế, lên án, ném đá Ông, tội chết!

Ngoài các tác giả và tác phẩm kể trên, còn nhiều, tôi không dám lạm bàn. Chẳng hạn trường hợp của Anh Bằng, của Đan Thọ, của Nguyễn Đức Quang và đặc biệt của nhạc sĩ thiên tài Phạm Duy trong những tình khúc phổ thơ có rất nhiều cung bậc và tình tiết Công giáo. Chẳng hạn: Chuyện Tình Buồn, thơ của Phạm Văn Bình; thơ của Nguyễn Tất Nhiên; thơ của Vũ Hữu Định và thơ trong tập Chuyện Chúng Mình của Nhất Tuấn…(7)

  1. Trở lại với bài thánh ca Silent Night Holy Night.

Nói đến Silent Night Holy Night là nói đến một ngôi làng nhỏ bé, xinh xinh Oberndorf, bên dòng sông Salzach, nước Áo. Ở đây, cũng có một ngôi nhà nguyện nhỏ, mang tên Nikolaus – Kirche. Cả hai, tình cờ thôi, được coi như chiếc nôi ra đời của bài thánh ca lịch sử mang tên Silent Night Holy Night. Chuyện kể rằng, năm 1817, tu sĩ Joseph Franciscus Mohr (1792-1848) ở đâu chuyển về đây để giúp xứ. Tháng 12.1818, nhà thờ Oberndorf cử hành trọng thể lễ đêm mừng Chúa Giáng Sinh. Cây đàn organ đột nhiên bị hư, không kịp sửa. Mohr cùng bạn là Franz Xaver Gruber (1787-1863) – người phụ trách hát lễ – vội đem bài thơ bằng tiếng Đức của Mohr ra biên tập hoà âm cho ca đoàn hát bằng đàn guitar.

Stille Nacht, heili Nacht
Alles schlaft:einsam wacht
Nur das traute hochheilige Paar
Holder Knabe im lockigen Haar…
Christ, der Retter, ist da

Chúa ôi, sau đêm hát thánh ca có một không hai ấy, cả nhà nguyện Oberndorf như vỡ oà. Họ ngất ngây hạnh phúc, như chưa bao giờ được sống với nhau giây phút thánh thiêng ấy, diệu kỳ ấy. Ngày nay, ai có dịp đến châu Âu, ghé thăm Áo quốc, không thể không dừng lại Oberndorf. Để được nghe kể tiếp những giai thoại xung quanh bài thánh ca bất hủ này. Một trận lụt năm nào đã tàn phá bình địa ngôi nhà nguyện cũ, và chính trên cái nền ấy, đã mọc lên một nhà nguyện mới. Gần bên hông nhà nguyện, toạ lạc hai bức tượng bán thân của Franz Xaver Gruber và Josephus Franciscus Mohr, đôi bạn đồng tác giả, cây đàn guitar thùng cùng bài thánh ca có đầy đủ nốt nhạc, một lưu dấu tưởng niệm.

Năm 1859, bản tiếng Anh Silent Night Holy Night của Đức Cha John Freeman Young (Giám mục giáo phận Florida, Hoa Kỳ) mới chính thức ra đời. Bài thánh ca, như một phép mầu, lại tiếp tục lan toả sang khắp các quốc gia Âu châu, vượt qua mọi biên giới, chủng tộc, màu da, rào cản. Thậm chí, gần 100 năm sau, chính xác là vào những năm mới xảy ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914), giữa mặt trận còn mịt mù khói thuốc súng, binh lính Anh Pháp Đức vốn là thù địch, trong khoảnh khắc hưu chiến, đã cùng nhau hát vang:

Silent Night Holy Night
All is calm, all is bright
…Sleep in heavenly peace…

Đến nay, tính ra đã có đến trên dưới 150 nước trên hành tinh cùng hát bài thánh ca Giáng Sinh này, nhưng bằng mỗi một ngôn ngữ văn tự riêng của mình. Thật là một con số kỷ lục, tuyệt vời, xứng đáng được xếp vào hạng mục bài ca hay nhất của mọi thời đại.

Còn ở đất nước, dân tộc Việt Nam ta thì sao?
Chẳng ai biết rõ ràng chính xác bài Silent Nighf Holy Night đã du nhập Việt Nam trong hoàn cảnh nào. Cứ lẽ thường thì nó đã theo chân các nhà truyền giáo, như bao sự kiện đức tin, văn hoá khác. Nhưng chỉ biết rằng, ngay những năm tháng mới ra đời của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh (1945-1946) ở Hà Nội, liên tiếp hàng chục tập Cung Thánh đã được in ấn, phát hành rộng rãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu ca hát cầu nguyện của dân Chúa khắp nơi. Cụ thể là:

– CungThánh 1: về Thánh lễ.
– Cung Thánh 2: về Đức Mẹ,
– Cung Thánh 3: về Giáng Sinh.

Chắc hẳn, trong ấy đã có Đêm Thánh Vô Cùng, lời Việt  đầu tiên của người nhạc sĩ sáng lập viên nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh: Hùng Lân (1922-1986). Cùng với những tên tuổi và công sức của một tập thể tài hoa, như Tâm Bảo, Thiên Phụng, Duy Tân, Hoài Đức, Nguyễn Khắc Xuyên, Hùng Thái Hoan, Vĩnh Phước, Trần Đình Nam… Những tập Cung Thánh này cùng với hàng loạt ấn phẩm sau cuộc di cư vào Nam năm 1954, ở Sài gòn, đã trở thành lời ca nguyện  sốt sắng đi suốt cuộc sống đức tin của người tín hữu Công giáo Việt Nam(8).Trong sổ tay “Ký Ức Văn Hoá Lễ Hội Công Giáo Việt Nam” của tôi còn ghi những dòng này: “Đêm Giáng Sinh năm 1953 và những ngày tháng cuối cùng tạm cư rất bồn chồn âu lo ở con phố Sinh Từ, Hà Nội. Mẹ con chúng tôi cùng đi lễ nửa đêm ở nhà thờ chính toà và lần đầu tiên trong đời của một thiếu niên từ tỉnh lẻ Thái Bình sơ tán về, tôi được nghe ca đoàn hát. Rõ từng lời bài thánh ca Đêm Thánh Vô Cùng.”

Đêm thánh vô cùng. Giây phút tưng bừng
Đất với trời se chữ đồng
Đêm nay,
Chúa Con thần thánh tôn thờ
Ơn châu báu không bờ bến
Biết tìm kiếm của chi đền…
Ôi, Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn
Nhấp chén phiền, vương phong trần
Than ôi, Chúa thương người đến quên mình
Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành
Nhớ rằng Chúa đang đền bù…
Tinh tú trên trời, sông núi trên đời
Với thánh thần mau kết lời
Sao hoá công đã khéo an bài
Sai Con hiến thân để cứu nhân loại
Hang chiên, máng rêu tạm trú
Bốn bề tuyết sương mịt mù…

Những mùa Giáng Sinh sau này ở Sài gòn, tuy có được nghe, được thấy một số bản lời Việt khác của Hoàng Kim (1970), của Nguyễn Văn Đông (1972) và của Hội Thánh Tin Lành (1972)…

Nhưng, nói gì thì nói, hát gì thì hát. Hễ cứ mỗi mùa Giáng Sinh, ở bất cứ đâu, chỉ một mình Hùng Lân thôi, không ai chen chân vào được chốn mê cung dạt dào của Gruber, của Mohr và của Hùng Lân. Họ là những tinh tuyết chiết xuất ra từ sữa và mật ong của đền thánh Sion. Đã được chưng cất thành rượu bồ đào, đựng trong cái bình sứ cổ. Như vò rượu diên yến tiến tửu nhà vua phải rót vào cái cốc bằng ngọc lưu ly, phải được dung chứa trong bầu da quý. Không có gì khác được. Từng chữ, từng lời, từng hình tượng, từng ý tứ gửi gắm, chuyên chở. Như đổ khuôn, vừa vặn mà không vương vãi, dư thừa, rớt rơi. Tôi muốn mời mọi người nhẩm đọc, đọc thật chậm và ngẫm ngợi ngôn từ của Hùng Lân một lần nữa. Đặc biệt, ở tận đáy sâu kỳ cùng của những chuỗi từ “se chữ đồng/ơn châu báu không bờ bến/cam nếm cơ hàn/nhắp chén phiền…”. Không dễ gì mà có được những:

Đất với trời se chữ đồng…
Ơn châu báu không bờ bến…
Biết tìm kiếm của chi đền…
….ôi Chúa thiên đàng,
cam nếm cơ hàn…
Nhắp chén phiền
…”

Được biết, nhạc sĩ Hùng Lân, ngoài 900 ca khúc đóng góp vào 16 tập Cung Thánh của nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh từ 1945 đến 1974, trong thời gian cuối đời (1975-1986), trong di cảo, còn để lại 80 bài phổ nhạc các Thánh Vịnh: Ca Vang Lời Chúa, Xuân Thiêng, La Joie với bút hiệu hoàn toàn mới là Nam Hoa.

Trong một bài nghiên cứu, tôi còn đọc được quan niệm rất kinh điển của Hùng Lân:
Thánh ca Công giáo cần phải mặc lấy cái đĩnh đạc, thuần khiết, thoát tục, sốt sắng của nhạc bình ca… Thánh ca rất nên ứng dụng kỹ thuật hoà âm, đối âm, theo cảm quan riêng của từng dân tộc, cho khỏi mất gốc, lai căng… Thánh ca còn phải mang những sắc thái, những âm hưởng độc đáo phù hợp với ngôn ngữ, với phong tục, văn hoá của từng miền, từng xứ. Nhà soạn nhạc nào cũng làm như vậy: từ Mozart, Bach đến Franck, Bruckner… Phần lời ca trong những bản thánh ca còn đem lại nhiều ưu tư khác cho những ai ước mong tìm được sự hài hoà giữa nhạc và lời, sự sang trọng, nghiêm chỉnh, xứng đáng. Khi lời Chúa được đem ra phổ nhạc, không khí và sức mạnh cầu nguyện khi những điệu hát đó được cất lên.” (Ca Từ Và Âm Nhạc Trong Thánh Ca, 1980).

————————————————————————————————————–

Chú thích.

  • Thơ của vua Tự Đức (1847-1883), một vị vua hay chữ và giỏi thi phú.
  • Lời bài hát đồng dao của trẻ em làng quê Việt Nam.
  • Theo nhạc sĩ Trần Quang Hải, Kiếp Hoa, Bông Cúc Vàng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên là ca khúc đầu tiên của tân nhạc Việt Nam, ra đời năm 1938. Trong khi bài Nửa Đêm Mầng Chúa của Phaolô Đạt đã được hát vang tại các nhà thờ họ đạo của Nam bộ, Sài gòn năm 1911-1912.
  • Tham khảo. Công Giáo với Văn Hoá Việt Nam, biên khảo của Lê Đình Bảng, bản thảo, 2000 và Văn Học Công giáo Việt Nam – Những Chặng Đường của Lê Đình Bảng, nxb Từ Điển Bách Khoa, 2010.
  • Hát Thánh vịnh xong, Chúa Giêsu và các môn đệ lên núi Ô liu (Mc 14,30). Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Hoà, 24.5.2009. Thánh Nhạc Thánh Ca Việt Nam. Một Thuở Một Thời của Lê Đình Bảng. Sẽ xuất bản.
  • Hoài Thanh – Hoài Chân. Thi Nhân Việt Nam, nxb Văn Học, Hà Nội, 1988.
  • Nhà Thờ/Tiếng Chuông Giáo Đường Trong Thơ & Nhạc. Bản thảo của Lê Đình Bảng,
  • Nhạc sĩ Hùng Lân (Phêrô Hoàng Văn Hương). Xin tham khảo Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công giáo Việt Nam – Miền Thơ Trong Thánh Nhạc Thánh Ca của Lê Đình Bảng, nxb Tôn Giáo, 2009, trang 304-340. Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc năm 1972 với tác phẩm biên khảo: Tìm Hiểu Dân Ca Việt Nam. Các bài viết của Lê Đình Bảng về nhạc sĩ Hùng Lân, đăng trên các báo: Hát Lên Mừng Chúa, Hương Trầm, Phụ Nữ HCM.
75 năm nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh (1945-2022) của Lê Đình Bảng, 2022.
Lễ Giỗ lần thứ 36 nhạc sĩ Phêrô Hùng Lân (17.9.1986-17.9.2022)
tại nhà thờ Phanxicô Đakao, quận 1, Sài gòn.