Bài 1
1V 19,4-8; Ga 6,41-51
Chủ đề: Sức mạnh, sinh lực của bánh Thiên Chúa trao ban
* 1V 19,8 : nhờ lương thực Chúa ban bổ dưỡng, Elia đi suốt 40 ngày đêm tới núi của Thiên Chúa
* Ga 6,51: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.
Tiếp tục chủ đề BÁNH TỪ TRỜI, Lương thực thần linh ban cho ai ăn có được sự sống đời đời, Chúa Nhật XIX B nhấn mạnh tới sinh lực, hiệu năng tuyệt vời của loại bánh thần linh mà Thiên Chúa thương ban cho nhân loại: chỉ với hai chiếc bánh và hai hũ nước do thiên sứ của Chúa mang tới mà Elia đã đủ sức đi suốt 40 ngày đêm, vượt sa mạc để về lại NÚI CHÚA, gặp được Chúa, kín múc nguồn sinh lực và tiếp tục sứ mạng Chúa trao ban; Trong Tin Mừng, Đức Giêsu tiếp tục khẳng định với đám đông người Do Thái đang xầm xì phản đối Người rằng Người chính là BÁNH TRƯỜNG SINH, Bánh đó chính là THỊT của Người, ai ăn sẽ có được sự sống đời đời.
Một điều mà ai nấy trong chúng ta đều tin đó là con người sống được nhờ có lương thực; Và sống dồi dào an mạnh hay sống èo uột ốm đau cũng là do lương thực: thức ăn ô nhiễm, hư hoại, tẩm hóa chất…, ăn vào gây ra đủ thứ bệnh đang là đề tài “ NÓNG” trong xã hội chúng ta hiện nay. Thức ăn thay vì mang lại sức khỏe, sinh lực để làm việc hiệu quả, thì lại mang đến ốm đau, tật bệnh . Có được một lương thực lành mạnh để sống khỏe đã là quý, là một mơ ước của con người hôm nay và mọi thời, nói chi đến một thứ lương thực: chỉ cần ăn ít mà lại đem lại sức bổ dưỡng lâu dài, nhất là sống trường sinh thì sức người không sao dám nghĩ tới. Thế nhưng, đó lại là thứ lương thực mà Thiên Chúa muốn trao ban cho con người. Tuy nhiên, phần con người có đủ lòng tín thác để tin và đón nhận hay không?
Bài đọc một thuật lại cuộc hành trình vượt sa mạc của Elia về Núi của Chúa là Khoreb (tên khác của núi Sinai). Cuộc hành trình kéo dài suốt 40 ngày đêm, nhưng Elia đã vượt qua dễ dàng nhờ LƯƠNG THỰC do thiên sứ Chúa mang đến. Một thứ lương thực do Chúa thương ban, tràn đầy sinh lực giúp Elia có đủ sức mạnh thể xác và nhất là lấy lại được dũng khí của một ngôn sứ của Chúa để hoàn tất được sứ mạng Chúa trao ban.
Thật vậy, Elia đang rơi vào tâm trạng tuyệt vọng: ông nỗ lực bảo vệ Danh Dự Chúa, chiến đấu diệt trừ 450 ngôn sứ của thần Baal trên núi Các men (x.1V 18,20 -40); nhưng rồi ông bị hoàng hậu Ideven – vốn là tư tế của nữ thần Asfurté, vợ của thần Baal – truy sát. Ông phải tạm lánh mặt! Ông không trốn chạy, vì nơi ông tìm đến là Núi của Chúa, nơi Chúa đã ban lề Luật, sinh lực cho Dân, cho tổ tiên ông. Và ông đã lên đường, tiến vào sa mạc.
Tuy nhiên chỉ mới đi được một ngày đường, cái đói, mệt, đường xa đã bào mòn sinh lực, dũng khí phàm nhân của ông, làm ông ngã lòng. Ông buông xuôi, nằm vật ra và xin Chúa cho ông được chết, vì với sức phàm nhân, tự mình ông không kham nổi sứ mạng Chúa trao (x.1V 19,4). Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương can thiệp trợ lực ông: Chúa sai thiên sứ hai lần từ trời xuống mang cho ông hai cái bánh và hai hũ nước, thúc dục ông “dậy mà ăn” (19,5-7). Nhờ sinh lực ấy, ông đi tới núi Chúa.
Tổ tiên Elia xưa lưu lại 40 năm sa mạc, được Chúa nuôi bằng Manna và nước từ tảng đá vọt ra, nay Elia làm lại cuộc hành trình của Dân Chúa , nhưng là để TRỞ VỀ NGUỒN là Núi Chúa từ đó gặp được Chúa, rút lấy sinh lực mới, tiếp tục sứ vụ.
Với chúng ta ngày nay, hai tấm bánh và nước chính là LỜI CHÚA và BÍ TÍCH, đặc biệt là THÁNH THỂ.
Cùng một chủ đề, Tin Mừng tiếp tục diễn từ về Bánh Trường sinh qua đó, Đức Giêsu xác nhận rằng “ hai tấm bánh và nước” trong bài đọc một chính là Lời Chúa và Thánh Thể. Thật vậy, đáp lại lời xầm xì và phản đối của người Do Thái, Đức Giêsu mặc khải: “…có lời chép trong sách ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ; Vậy phàm ai NGHE và đón nhận GIÁO HUẤN của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi” (Ga 6,45). Đó là LỜI CHÚA, là tấm bánh thứ nhất. Rồi Đức Giêsu mặc khải tiếp. “Tôi là bánh trường sinh (c.48)…là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng là chính Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (c.51). Đó là tấm bánh thứ hai, THÁNH THỂ. Tất cả đều là ân huệ của Cha (c.44) nhằm giúp con người vượt thắng được những yếu hèn, thất vọng hoàn tất được sứ mạng Chúa trao. Hãy bắt chước Elia, bám vào Chúa, chỗi dậy, tin vào Lời Chúa và ăn bánh thần linh. Và một khi đã được lương thực thần linh là Lời Chúa và bí tích, đặc biệt là Thánh Thể phục hồi thì hãy tiếp tục sứ mạng với sinh lực mới, thần linh mà Chúa vừa thương trao tặng.
Bài 2
Người Do Thái xầm xì…vì Đức Giêsu đã nói “chính tôi là bánh từ trời xuống”… Đức Giêsu bảo họ: “các ông đừng có xầm xì với nhau!…Chẳng ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha…không lôi kéo người ấy…Chính tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,41.43.44.51).
Chúa Nhật XIX B Mùa Thường Niên tiếp tục loạt chủ đề nói về lương thực. Lời Chúa XIX B nhấn mạnh đến sức mạnh thần linh diệu kỳ của thứ lương thực mà Thiên Chúa ban cho kẻ tin. Thật vậy, chỉ với hai cái bánh và nước do thiên sứ của Yavê đem tới, Elia đã được vực dậy và đủ sức đi một mạch suốt 40 ngày đêm để tới được núi Khoreb là núi của Thiên Chúa. Còn trong Tin Mừng, Đức Giêsu công bố cho người Do Thái: Người chính là bánh hằng sống từ trời xuống. Bánh này có năng lực mang lại sự sống đời đời cho những ai tin, đón nhận và ăn bánh đó. Điều trổi vượt của bánh do Đức Giêsu ban cho là tầm cỡ vũ hoàn của Nó: không chỉ nuôi một cá nhân Elia trong 40 ngày đêm, đủ sinh lực vượt một đoạn sa mạc dài để tới núi Chúa; không chỉ nuôi một dân tộc trong 40 năm hoàn tất chặng đường lữ hành tôi luyện để về tới Đất Hứa; mà là nuôi toàn thể nhân loại vượt qua được phận người phải chết đạt tới sự sống trường sinh vĩnh cửu.
BÀI ĐỌC MỘT: 1V 19,4-8
là một minh họa tỏ tường hé lộ ra cho con người nếm cảm được sự sống thần linh tuyệt vời của loại bánh từ trời do thiên sứ Yavê mang tới. Thật vậy bài đọc một phân đoạn kể lại cuộc chiến đấu giữa hai lực lượng không cân sức: một bên là ngôn sứ Elia đơn độc, còn bên kia là cả lực lượng tôn giáo và chính trị đang bỏ Yavê chạy theo Baal. Thực ra cũng có lúc Elia thắng thế nhưng rồi rốt cuộc ông cũng đành phải đầu hàng bỏ chạy trong thất vọng. Bài đọc một hôm nay là trích phần đầu của tích truyện Elia – dù đã thắng và giết 450 ngôn sứ Baal (1V 18,22.40) – đã phải trốn chạy trước lời hăm dọa của nữ hoàng Ideven (1V 19,2-3).
Đọc lại sách Các Vua, những chiến thắng mà Elia đạt được trước khi tháo chạy, mặc dù cũng là do Chúa giúp, nhưng các thắng lợi ấy đều phát xuất từ những trợ giúp của “ngoại lực” bên ngoài: hạn hán (1V 17,1); thắng các ngôn sứ Baal…Những trợ lực từ bên ngoài luôn mang tính cục bộ, đáp ứng tùy theo từng nhu cầu cụ thể trước mắt…Khi tình huống qua đi thì quyền lực sự dữ vẫn còn đó và chúng tìm cách báo thù (xem lời thề của Ideven: 1V 19,2) và rốt cuộc, Elia cũng phải bỏ chạy.
May mà Elia vẫn luôn xác tín mình là người được Chúa chọn, được Chúa “lôi kéo” (so với mặc khải của Đức Giêsu trong Ga 6,44). Nên trong lúc tuyệt vọng, ông chạy về với Thiên Chúa để bày tỏ nguồn cơn cho Người.
Bài đọc một trích đoạn mở đầu của cuộc hành trình Elia chạy về Khoreb, núi của Chúa tránh cuộc truy sát của hoàng hậu Ideven. Đường xa, sức kiệt, “nội lực” không được bồi dưỡng, Elia nằm vật ra ở dọc đường và xin Chúa cho ông được chết (1V 19,4). Chi tiết này cho thấy nếu chỉ với nội lực tự thân – dù Elia rất nhiệt thành đối với Yavê và công cuộc của Người: x.1V 19,10 – thì ông không đủ sức đương đầu trường kỳ với các mãnh lực sự dữ. Ông đã phải thất bại! Cần phải có nội lực thần linh tiếp sức. “Nhận ra mình bất lực” dường như là một kinh nghiệm thiết yếu mà những ai được Chúa chọn đều phải trải qua để đích thực trở nên người của Chúa chân chính: Môsê (x.Ds 11,14-15); Phaolô (2 Cr 12,7-10).
Và Thiên Chúa đã thông truyền nội lực thần linh cho Elia ngang qua hai tấm bánh lạ lùng do Thiên Sứ của Yavê mang đến (1 V19,5b-8a). Đây quả là bánh từ trời ban xuống, mang đến một sức sống thần linh diệu kỳ. Bời vì chỉ ăn một lần mà ông đã được vực dậy và đủ sức lực đi luôn một mạch suốt 40 đêm ngày đến được Khoreb, núi của Chúa. Sau đó, ông được gặp Chúa, tỏ hết mọi sự cho Chúa (1V 19,9-14). Đáp lại lời than thở của Elia, Yavê không cho ông chết mà đưa ông về lại với sứ mạng: hãy đi con đường cũ mà về lại “nơi chiến đấu”, nhưng lần này là để làm những việc mà Yavê Thiên Chúa đã mặc khải cho (1V 19,15-21).
Bài đọc một dừng lại ở câu 8: “rồi nhờ lương thực ấy bổ dưỡng ông đi suốt 40 ngày, 40 đêm tới Khoreb…”. Vậy sứ điệp trọng tâm mà bài đọc một nhắm tới là sức sống thần linh của tấm bánh do Thiên Sứ của Yavê mang tới. Sứ điệp này dọn đường cho mặc khải trong Tin Mừng của Đức Giêsu: tôi là bánh hằng sống từ trời xuống ban cho thế nhân sự sống đời đời.
TIN MỪNG Ga 6,41-51
Tin Mừng Chúa Nhật XIX B Mùa Thường Niên là đoạn văn tiếp theo không liên tục với Tin Mừng tuần trước. Trong trích đoạn của Chúa Nhật XVIII B, với bầu khí còn tương đối thuận lợi, người Do Thái đang còn thán phục Đức Giêsu vì phép lạ nhân bánh, họ đang háo hức đi tìm Người với biết bao hậu ý. Đối với họ, Đức Giêsu là “cái kho” ơn huệ để họ lạm dụng theo ý họ, chứ không phải là Đấng mà Thiên Chúa gởi đến họ phải vâng phục. Họ không hề tin vào Người (x.Ga 2,23-24). Và Đức Giêsu phải nói trắng ra sự thực mong thức tỉnh họ (6,26), rồi dạy bảo họ biết các việc họ phải làm (6,27-29), đồng thời cũng tỏ cho họ thấy điều mà Người muốn mang đến cho họ và mong họ mở lòng đón nhận (6,35). Đức Giêsu đang từng bước một dìu họ can đảm từ bỏ dần sự sống tạm, chóng qua, bỏ dần thứ “lương thực mau hư nát” đang hiện diện cụ thể trước mắt để hướng lòng về sự sống đời đời đã được dọn sẵn cho họ (6,40), bằng cách trong hiện tại hãy tin vào Người, đón nhận “lương thực mang lại phúc trường sinh” do Người cung cấp và đó cũng chính là bản thân của Người (6,35).
Trích đoạn tiếp ngay sau là 6,36-40 không đề cập trực tiếp đến chủ để “bánh” nữa mà chuyển sang “mối tương quan” bộ ba giữa Đức Giêsu – Cha – và môn đệ. Đó có thể xem là lời giải thích của Đức Giêsu mở ra cho đám đông về những gì Người tuyên bố ở 6,35: những gì Người làm không phát xuất từ ý riêng của Người, nhưng “Người từ trời xuống” là để làm theo ý Cha mà thôi (6,38). Ý Cha là ban cho những ai tin vào Người (Đức Giêsu) sự sống đời đời ngay bây giờ và sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết (6,40). Ý nghĩa lưỡng diện của 6,40 (sự sống đời đời được ban cho ngay bây giờ ở đời này dù xác thân con người vẫn còn phải chết (ám chỉ Thánh Thể); Rồi mầm sống đời đời do Thánh Thể gieo sẵn vào xác phải chết của chúng ta sẽ trổ sinh lớn lên trong ta, cho ta sống lại trong ngày sau hết) đã làm cho đám đông thắc mắc, nẩy sinh ra vấn nạn ở 6,41-42. Rồi trong thế liên hoàn, các vấn nạn càng ngày nẩy sinh cho đến hết Ga 6.
Tin Mừng của Chúa Nhật XIX B hôm nay chỉ trích đọc một vấn nạn liên quan đến cội nguồn của Đức Giêsu. Đức Giêsu tuyên bố “Người là bánh TỪ TRỜI xuống” (6,41), còn người Do Thái nói rằng Người cũng chỉ là phàm nhân có cội rễ gia tộc bình thường như mọi người khác (6,42). Để hiểu được các mặc khải mà Đức Giêsu sắp tỏ bày, vấn đề cốt lõi là phải TIN vào Người: tin vào căn tính thần linh của Người được tỏ lộ trong đoạn trước 6,37-40, tiếc thay họ đã không tin (6,36), không tin “Người từ trời xuống” (6,38a), không tin các việc Người làm là do Chúa Cha sai phái (6,38b).
-
Người Do Thái xầm xì…
Trong Ga 6,22-40 số người kéo nhau đi tìm Đức Giêsu vẫn còn chút nể phục Người vì vừa được ăn bánh. Trong chương 6, Tin Mừng còn gọi họ bằng danh từ chung chung là “đám đông” (câu 22.24), họ còn đối thoại, tìm hiểu ý muốn của Người.
Đến câu 41, “họ” không còn ám chỉ “đám đông” nữa mà là “NGƯỜI DO THÁI” , và thái độ của “họ” đối với Đức Giêsu không còn cởi mở, đối thoại nữa mà là “xầm xì” chống đối, nói lén sau lưng với một chút khinh bỉ về cội nguồn, lý lịch của Người mà họ cho rằng đã biết quá rõ (c.42).
Trong Tin Mừng Gioan từ “người Do Thái” luôn mang một ý nghĩa xấu, ám chỉ hạng người Do Thái cứng lòng, tìm chống đối Đức Giêsu (x.5,10.16.18; 7,1.35.52…). Còn những người Do Thái chân chính thì được gọi là Israel (x.1,47.49).
Thái độ “xầm xì” làm nhớ lại hành vi chống đối Thiên Chúa, không tin vào sứ mạng thần linh của Môsê thời xuất hành của tổ tiên họ (x.Xh 16,7-12; 17,3; Ds 11,1; 14,27-29; 17,5.6.10) (Paroles sur le chemin B.p.375). Nhóm Do Thái hôm nay, cũng như cha ông họ, cũng đã bày tỏ một sự bất tín như thế đối với nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu.
-
Vì Đức Giêsu đã nói “chính tôi là BÁNH, là CÁI TỪ TRỜI XUỐNG”:
Xác quyết trên gồm hai ý: Đức Giêsu là bánh, Đức Giêsu là CÁI xuống từ trời (dịch sát theo bản Hy lạp). Người Do Thái phản đối xác quyết thứ hai. Và lý chứng họ đưa ra để phản kháng lời mặc khải của Đức Giêsu chính là cái CỘI NGUỒN NHÂN TÍNH của Người.
Ông này không phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? (6,42) lý lịch, dòng tộc của Người, họ nắm rõ trong tay. Nhưng đó chỉ là cội nguồn nhân loại, còn cái mà Người muốn mặc khải để cứu họ thì họ lại không biết (x.Ga 7,27- 29).
Tại sao chỉ nói đến Giuse mà không nói tới tên Maria? Có lẽ ở đâyTin Mừng Gioan muốn nhấn mạnh tới khía cạnh nhân tính của Đức Giêsu. Vì khi nói đến Maria thì đức tin truyền thống thường nghĩ ngay đến mầu nhiệm trinh thai và khía cạnh thiên tính nơi Đức Giêsu được đề cao. Trong khi đó, điều mà Tin Mừng Gioan muốn hé lộ ra và mời người Do Thái hãy tin: đó là con người Giêsu (nhân tính) đúng như họ đã biết ĐÍCH THỰC là ĐẤNG TỪ TRỜI XUỐNG. Đó là một tín điều cơ bản của đức tin kitô giáo: Đức Giêsu là con người thật, xét theo huyết thống , Người là dân Do Thái (Dt 7,14; Rm 9, 5b) thuộc dòng tộc Đavít đúng như truyền thống Kinh Thánh nhờ vai trò khiêm tốn của Giuse (x. Mt 1,1 -16.21); Chính con người có nguồn gốc nhân loại như người Do Thái đã biết đó, thì trong dự tính của Thiên Chúa, cũng chính là Thiên Chúa (x.Rm 9,5c). Và dự tính của Thiên Chúa còn tuyệt vời hơn nữa là ai tin nhận “vị Thiên Chúa – Người” đó thì cùng được thông hưởng quyền làm “Con Thiên Chúa” với Người (x.Ga 1,12); Họ được biến đổi tận căn: “Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của một người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,13). Hóa ra, điều mà người Do Thái đang “xầm xì” về Đức Giêsu lại là điều mà Thiên Chúa, trong Đức Giêsu, muốn thực thi, thông ban cho toàn thể nhân loại .
Vậy Tin Mừng Gioan, qua sự cứng tin của người Do Thái ở đây, mời các tín hữu hãy tin vào Đức Giêsu. Tin điều gì? Tin vào những gì mà Đức Giêsu sắp mặc khải tiếp theo sau.
2/ ĐỨC GIÊSU trả lời (Ga 6, 43 – 51)
* Đừng xầm xì với nhau nữa ( c.43) : vấn đề ở đây không phải là tranh luận, mà là phải mở lớn mắt ra để quan sát, để thấy, rồi hoán cải và tin.
* Chẳng ai đến được với tôi nếu Chúa Cha…không lôi kéo…(c.44) chúng ta thường hiểu câu trên cách đơn giản rằng: như vậy những người Do Thái ở đây chưa tin là vì họ chưa được Cha lôi kéo đến với Đức Giêsu. Không phải vậy đâu! Rõ ràng là qua các phép lạ Đức Giêsu đã làm và nhất là phép lạ nhân bánh, đám đông đã được Thiên Chúa lôi kéo đến với Đức Giêsu rồi. Họ đã bỏ mọi sự đi theo Người vào hoang địa, đã đích thân được hưởng no nê bánh từ phép lạ của Đức Giêsu rồi mà (6,2.24.25). Thiên Chúa đâu có bỏ rơi họ, Đức Giêsu cũng đâu có xua đuổi, loại trừ họ dù biết rõ tâm ý tiêu cực của họ (6,26.27). Người còn mời gọi họ, chỉ đường cho họ hoán cải, hiểu cho đúng ý nghĩa việc làm của Người chứ đừng để cho các đam mê trần tục “xỏ mũi” họ.
Họ đang hiện diện trước mặt Đức Giêsu đó thôi! Họ đang được Cha qui tụ, và Đức Giêsu đang cố gắng dẫn họ vào con đường sống. Tuy nhiên Thiên Chúa không áp đặt, Đức Giêsu chỉ gọi mời, thúc dục nhưng vẫn tôn trọng tự do của họ.
* 6,45-47: Đức Giêsu cố thuyết phục người Do Thái hãy tin Người:
Trước tiên Người nhắc lại dự tính của Thiên Chúa ngang qua một lời ngôn sứ: “hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ” (x.Is 54,13). Câu đó hàm ý Chúa hứa với đám dân đang lưu đày Babylon là Chúa sẽ tha thứ, phục hồi họ. Bằng cách nào? Ban cho họ con tim mới, Luật mới, khắc Luật Chúa vào tim họ nhờ vậy họ không cần phải dạy bảo nhau nữa (x.Gr 31,31-34; Ed 36,25-39) (câu 45).
Tuy nhiên trong phận phàm nhân tội lỗi, con người đâu thể trực tiếp gặp gỡ Thiên Chúa được; cần có Đấng Trung Gian đến từ Thiên Chúa, đã thấy Thiên Chúa nói lại ý Chúa cho dân. Chi tiết này gợi lại vai trò trung gian của Môsê giữa Thiên Chúa và Israel (x.Xh 20,18-21; Đnl 5,23-31).
Như vậy ngang qua phép lạ nhân bánh, phép lạ đi trên mặt Biển Hồ, ngang qua lời ngôn sứ và những kinh nghiệm của tổ tiên thời Xuất Hành, Đức Giêsu đang cố mời người Do Thái khám phá ra Người là Môsê mới, là Đấng từ Thiên Chúa mà đến, là Đấng đã thấy Thiên Chúa, và mời họ tin vào Người. Mời họ vượt qua cái dáng bề ngoài “con ông Giusu” để tin nhận Người là Đấng “từ trời xuống”.
* 6,48-51 mời họ đi sâu hơn vào huyền nhiệm căn tính của Người: từ đầu bài diễn từ cho tới đây, Ga 6,22-47 đã đề cập đến chủ đề lương thực, được trình bày dưới hai cái nhìn khác nhau, một của đám đông và một của Đức Giêsu:
– Người Do Thái đi tìm bánh mau hư nát, còn Đức Giêsu khuyên họ hãy đi tìm bánh trường sinh và chính Người sẽ ban cho họ bánh đó (c.27). Đức Giêsu mời họ tin điều Người nói đó (c.29).
– Người Do Thái không tin. Họ đòi dấu lạ. Họ thách thức Đức Giêsu bằng cách đưa ra dấu lạ bánh Manna thời Xuất Hành mà họ gọi đó là “bánh bởi trời” (c.31). Đức Giêsu trả lời bằng một câu gồm hai vế song đối (c.32):
không phải MôsêĐà cho (thì quá khứ) các ôngbánh bởi trời |
mà chính Cha tôiCHO (thì hiện tại) các ôngbánh bởi trời, bánh thứ thiệt |