NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG HỒNG PHÚC LINH MỤC GIUSE BÙI ĐỨC VƯỢNG
1.Đại chủng viện và chức Linh Mục 1950-1958
Con là Thượng Tế đời đời. Tv 110,4.
Năm 1950 thày Giuse Bùi Đức Vượng gia nhập Giáo hoàng chủng viện thánh Alberto tại Nam Định. Sau khi kết thúc chương trình triết học, thày giúp xứ tại tiểu chủng viện Mỹ Đức, Thái Bình.
Năm 1954, chiến tranh lan rộng. Cùng với một số đại chủng sinh khác, thày Vượng sang Hongkong học chương trình thần học 4 năm tại học viện Đa Minh Á châu, Rosahill.
Năm 1958 thày về lại Việt Nam và ngày 27 tháng bẩy, chịu chức Linh mục tại nhà thờ Vườn Xoài, giáo phận Sài gòn, do đức cha Phê rô Phạm Ngọc Chi trao ban.
2.Về Kontum. Cha xứ Sùng Lễ 1958-1960
Hãy ra vùng ngoại biên… (ĐTC Phan xi cô)
Ngày nay chúng ta nghe Đức Thánh cha Phanxicô nói nhiều về việc “ra vùng ngoại biên”. Nhưng ngay từ năm 1958 tân linh mục Giuse Bùi Đức Vượng, sau khi chịu chức và tạ ơn 2 tuần, đã vội vã về Kontum, không phải “ra ngoại biên” mà ra tận biên giới. Cha về làm cha xứ ở dinh điền Sùng Lễ, gần biên giới Việt-Lào. Ở miền Tây Nam bộ, người di cư được định cư tại các kênh đào 1,2,3…và A,B,C…Tại miền Đông, tại các trại định cư Tam Hiệp, Hố Nai, Gia Kiệm…Trên vùng Cao nguyên, di dân được định cư tại các dinh điền, giống như các làng quê mới. Sùng Lễ là một trong 27 dinh điền đó trên tỉnh Pleiku. Từ Pleiku đến Sùng Lễ khoảng cách chừng 40 km, nhưng dinh điền rất hoang vu, hẻo lánh. Cha là cha xứ tiên khởi, cha đã xây nhà thờ đầu tiên, nhỏ, nhưng khá khang trang
Cha Giáo Tiểu chủng viện + Quản lý Địa Phận 1960-1963
Thiên Chúa đã đặt tôi làm tông đồ và thày dạy. 2 Tm 1,11.
Năm 1960 cha Hoàng Phú Bảo lên làm cha sở Sùng Lễ.
Cha Bùi Đức Vượng được đức cha Paul Seitz chuyển về làm giáo sư tại tiểu chủng viện thừa sai Kontum dưới thời cha Alexi Phạm văn Lộc làm bề trên . Ban giáo sư lúc đó có cha Lê Quang Trinh, cha Trần Trí Tuệ, cha Trần Ngọc Quỳnh, cha Trần Thái Hiệp, cha Trần Vĩnh Đồng và các thày giúp xứ. Phía các cha Pháp có cha Faugère, cha Lange… Cuối năm 1963 cha Jacques, quản lý địa phận, về Pháp nghỉ, cha phải sang thay cha Jacques.
Cha xứ Phú Bổn. 1963-1972
Hãy chăn chiên của thày. Ga 21,16.
Tỉnh Phú Bổn được thành lập năm 1962. Đồ án quy hoạch do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Nhưng, bên cạnh trung tâm truyền giáo cho người Jrai, do cha Jacques Dournes thành lập năm 1955, Giáo xứ Phú Bổn, dành cho người Kinh, đã được thành lập từ năm 1961. Lúc đầu do cha Henri Radelet – cha Gia-(MEP- Hội thừa sai Pari) làm cha xứ. Cuối năm 1963 giáo xứ cần phát triển mạnh, cha Bùi Đức Vượng được sai về làm cha xứ. Cha đã sửa sang nhà thờ, nhà xứ. Cha đã mở trường trung học, trường Thăng Tiến, mở thư viện và ký túc xá nam cho khoảng 100 em Jrai và Sé dang. Cả tỉnh Phú Bổn một mình cha đảm trách người Kinh. Các giáo họ Phú Túc, Phú Cần cách giáo xứ Phú Bổn 50- 60 km. Thuần Mẫn, Phú Thiện cách xa 20 km . Gần nhất, các giáo họ Quý Đức, Tín Lập cũng xa từ 5 đến 7 km.
Bốn cha phó đã từng cộng tác với cha: cha Đa minh Nguyễn văn Tri, cha Đa minh Đinh hữu Lộc, cha GB Đinh văn Thám, cha GB Nguyễn hoa Viên.
5.Du học ở Bỉ. 1972-1974
Gió muốn thổi đi đâu thì thổi. Ga 3,8.
Năm 1973, Đức cha Paul Seitz gọi cha đi học cập nhật hóa Thần học tại Bỉ trong một năm gọi là Année Académique, chuyên ngành mục vụ tại học viện Saint André. Sau đó, cha xin chuyển về học viện của các cha Dòng Tên tại Bruxelles (vì học viện St André cũng là thành phần của học viện Bruxelles) với chuyên ngành Mục vụ Xã hội. Mới được mấy tháng thì đức cha Paul Seitz gọi gấp về Việt Nam, cuối tháng 8-1974.
Giám Đốc Trung Chủng Viện Kontum tại Đà Lạt. 1974-1975
Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki tô. 1Cr 11,1.
Năm 1974, sau khi du học ở Bỉ về, cha được đức cha Seitz đưa lên thay cha Trần Thanh Chung, làm giám đốc Trung chủng viện Thừa sai Kontum tại Đà Lạt, gồm 4 lớp lớn chương trình Pháp: 3e, 2nde, 1ere và Terminale ở số 1 đường Thống Nhất, ngay cạnh bờ Hồ Xuân Hương. Ngôi nhà này trước kia là dưỡng đường của bác sĩ Sohier, người Pháp. (Hiện nay là khách sạn công đoàn, công ty du lịch Đà Lạt).
Giám đốc Đại chủng viện Kontum. 1975-1976
Người đương thời, nếu có nghe thày dạy, thì bởi vì chính thày dạy cũng là nhân chứng.( Tông huấn LBTM 41, ĐGH Phao lô VI).
Sau biến cố tháng tư 1975, các Đại chủng viện giáo tỉnh đều đóng cửa. Các giám mục đều qui tụ chủng sinh về giáo phận mình và lập Đại chủng viên riêng. Giáo phận Kontum cũng theo phương thức đó. Đức cha Seitz, trước khi bị truc xuất về Pháp, đã đặt cha Vượng làm giám đốc Đại chủng viện gồm cả ban Thần học và ban Triết học. Ban giáo sư gồm cha Nguyễn Vân Đông, cha Đỗ Hiệu, cha Phạm Hữu Thế, cha Bùi Thủ, cha Nguyễn Thanh Liên và cha Nguyễn Hoàng Sơn cùng với 2 sư huynh La San và mấy giáo sư ngoại trú.
8.Tù Cải tạo. 1976-1988.
Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới. Ed 36,26.
Tháng 6 năm 1976 cha bị bắt tại Đại chủng viện Kontum; cùng ngày đó cha Trần Sơn Nam bị bắt tại Pleiku. Sau đó, đại chủng viện bị đóng cửa, các chủng sinh bị trả về nguyên quán. 12 năm cha đi trong sa mạc. 12 năm tinh luyện. Chúa đã tạo cho cha một trái tim mới. (Ez 36,26). Một trái tim cảm nhận thân phận con người mềm yếu. Một trái tim cảm thông và yêu mến người nghèo khó, bé nhỏ và yếu đuối. Đó là trái tim mục tử, trái tim người cha, trái tim bao dung, cần thiết cho sứ vụ trọng đại về sau.
Giúp các Dì Nữ Tỳ Thánh Thể. 1988-2013
Ơn của thày đủ cho con. 2 Cr 12,9.
Năm 1988, ra khỏi tù, cha được chỉ định cư trú tại trụ sở giáo phận Thái Bình tại Thị Nghè, Sài gòn. Nhưng cha vẫn qua lại phụ cha già cố Micae Hoàng Đức Tụng, giúp các dì Tu hội Đức Mẹ Thánh Thể. Khi cha cố Micae già yếu, tu hội được trao lại cho cha. Khó khăn ngập tràn, tu hội còn ngổn ngang trăm bề. Không biết khi Chúa trao tu hội cho cha, qua cha già cố Micae và đức cha Nguyễn Minh Nhật, giám mục giáo phận Xuân Lộc, cha có thưa như Đức Maria: “Việc ấy xảy đến thế nào được, vì con không biết về nữ tu”.
Một linh mục chỉ lo truyền giáo và giáo dục chủng sinh, giờ lại phải huấn luyện các nữ tu! Từng bước, cha củng cố, huấn luyện và đào tạo các chị. Rồi, với sự giúp đỡ đặc biệt của đức cha Alexi Phạm văn Lộc, giám mục giáo phận Kontum lúc đó, năm 1993, tu hội được chính thức sát nhập vào dòng Nữ Tỳ Thánh Thể quốc tế tại Rôma
*Nghỉ dưỡng tại cộng đoàn Hoàng Mai, Xóm Mới, Sài Gòn 2013-2020.
Tôi đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. 2 Tm 4,7.
Gần 90 tuổi, trí khôn vẫn minh mẫn, sáng suốt, giọng nói vẫn dõng dạc, âm vang, Cha vẫn luôn là bóng mát tươi xanh, là chỗ dựa vững chắc cho cả hội dòng.
Những dịp đặc biệt cha vẫn về lại giáo phận mẹ Kontum hoặc đi thăm các cộng đoàn khác nhau của hội dòng.
Cha vẫn khởi xướng cho các chị học viện, trú tại cộng đoàn Hoàng Mai, để đi học Thần học tại trung tâm mục vụ Sài gòn. Thỉnh thoảng còn tổ chức giao lưu với các tu sĩ trẻ, để trao đổi, đào sâu kinh thánh, thần học và tu đức.
Hưu dưỡng tại nhà hưu các linh mục Kontum. 2020…
Nunc dimittis servum tuum…(Giờ đây xin cha thương cho tôi tớ Chúa được về…),
Năm 1988, ngay từ khi ra khỏi tù, cha đã mong muốn trở về giáo phận mẹ, Đại Chủng Viện Kon Tum, nơi cha đã bị bắt năm 1976. Nhưng không được phép, cha buộc lòng phải sống xa giáo phận và luôn mang tâm trạng:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
Tuy bận rộn và đau yếu nhưng cha vẫn luôn cố gắng mỗi năm về giáo phận ít là một lần, đặc biệt trong những dịp mùa chay hoặc giáng sinh.
Công việc trong hội dòng Nữ Tỳ Thánh Thể coi như ổn định. Cha trao tất cả lại cho các dì. Lúc này cha có thể nói như Chúa Giê-su: Consumatum est- Mọi việc đã hoàn tất, và cha muốn nghỉ hưu.
Năm 2020 dịch Covid bùng nổ khắp nơi, kể cả nhà hưu các cha trên Kontum, nhưng cha nhất quyết đòi lên giáo phận. Thân nhân và con cháu can ngăn, nói chờ khi dịch bệnh ổn định, sẽ đưa cha lên, nhưng cha nhất định đi. Cha nói: Nếu không ai đi, cha đi một mình, và cuối cùng gia đình đã phải chiều ý cha, để đưa cha lên nhà hưu.Thân nhân có phần e ngại, nhưng cha lại rất vui sướng và hạnh phúc như cá gặp nước. Cha muốn sống những năm tháng cuối đời trong vòng tay yêu dấu của mẹ giáo phận, để cùng chia sẻ với các cha già khác và dùng thời giờ để cầu nguyện.