Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 11 ngày 28

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

… Thiên Chúa đang dạy cho chúng ta một bài học hay đó là: chúng ta chẳng nhận  được  bất cứ thứ gì qua việc nóng giận hay quả quyết một cách dứt khoát. Chúng ta hãy cố gắng  ngắm  nhìn Chúa chúng ta trong mọi tình cảnh khó khăn này, và yêu thích sự ôn hòa hơn là bạo lực, kiên nhẫn hơn là cọc cằn  thô lỗ.” [ gửi cho Michael Chanuet, 2/1867].

Khi đời  sống của một người nào đó được hướng dẫn bởi hai nhân đức nền tảng này: đức tin và đức mến, bấy giờ những lời đáp trả với những ình cảnh trong đời sống của họ sẽ khác (thánh) so với những người khác. Người ấy không sợ bị khống chế trong mọi tình cảnh xung quanh mình. Đối với  nhiều  người, việc không làm chủ được tình thế hoàn toàn là điều không thể chịu đựng nổi và có thể đưa đến sợ hãi và căng thẳng. Nhưng người  tôn thờ thì tin rằng cuộc đời của họ được gìn giữ an toàn trong lòng bàn tay Chúa, và vì thế họ sẽ vô sự và được che chở. Người ấy không cần bực bội nóng giận hay rối loạn. Đơn giản là sự  nóng giận cho thấy chúng ta bực bội vì không làm chủ được tình thế!

Đức tin của người ấy mách bảo cho người ấy rằng: “Hỡi ai nương tựa Đấng Tối Cao và núp bóng Đấng quyền năng tuyệt  đối, hãy thưa với Chúa rằng: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn lũy chở che, con tin tưởng vào Ngài.” Chính Chúa gìn giữ bạn khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc. Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ. Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày, cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa. Dù tả hữu có ngàn người quỵ ngã, dù hai bên có chết cả vạn người, riêng phần bạn, tuyệt nhiên không hề hấn. Mở mắt coi, bạn liền thấy rõ thế nào là số phận bọn ác nhân. Vì bạn có Chúa làm nơi trú ẩn, có Đấng Tối Cao làm chỗ nương thân. Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và  tai ương không bén mảng tới nhà, bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá. Bạn có thể giẫm lên hùm thiêng rắn độc, đạp nát đầu sư tử khủng long. Chúa phán: “Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì. Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại, lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên. Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự, cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy và hưởng ơn cứu độ Ta ban.”” (Tv 91,1-16)

Khi người tôn thờ nhận ra rằng Thiên Chúa đang ở xung quanh mình, như người mục tử canh giữ, thì người ấy có thể trải qua ngày sống của mình một cách bình an vô sự. Vì “Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Israel, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề. Ngày sáu khắc, vầng ô không tác họa, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi. Chúa gìn giữ bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.” (Tv 121, 3- 8). Với nền tảng này, người tôn thờ có thể phản ứng một cách bình tĩnh, nói nhỏ nhẹ và sống bình an. Cuộc đời họ thực sự là một chiếc đèn báo trong đêm tối, mời gọi người khác dừng lại và suy nghĩ vì sao cần phải chịu đựng những đau khổ không cần  thiết trong cuộc đời mình khi bến bờ bình an và tình yêu đang ở ngay trong tầm tay!

Khi Chúa chúng ta nắm giữ được một người nào đó, ít là qua việc Hiệp lễ, Người sẽ để lại một ký ức không thể gột sạch được  và một dấu vết về con đường Người đã đi qua: nó giống như một vương quốc đã được chinh phục, nơi mà Đức Giê-su đã cai trị ít nhất là vài ngày.” (gửi cho Bá tước de Fraguier,  tháng 2/1866)

 Trong suốt hành trình sứ vụ công khai của Đức Giê-su, chúng ta thấy rằng khi một người nào đó được đưa vào mối tương giao với Người, thì ngay lập tức nảy sinh một mối dây bằng hữu thân thiết. Cụ thể, chúng ta nhận thấy điều này khi Phi-líp- phê, sau khi gặp Đức Giê-su, đã quay trở về ngôi làng của mình và kể  cho  người  bạn hữu của mình là Nathanaen về Đức Giê-su. Thậm chí, ông đã giới thiệu Nathanaen với Đức Giê-su và khi mối tương giao được thiết lập, chúng ta thấy Đức Giê-su đã tiếp đón ông. Khi những lời nhận xét của Đức Giê-su xuyên thấu tận đáy lòng của Nathanael, thì chúng để lại một ký ức không thể gột sạch được và Nathanael đã trở lại, mặc dù không được đề cập nhiều lắm trong Tin Mừng, nhưng có lẽ điều đó cho thấy rằng không có điều gì quá sốc hay vượt quá điều bình thường cả!

Chúng ta thấy chuyện xảy ra tương tự với những người khác, một trường hợp đáng chú ý đó là dân làng Samari, nơi mà người phụ nữ đã kêu gọi. Chính bà đã quay trở lại ngôi làng và nói với mọi người rằng bà đã gặp một con người phi thường, người đã nói với bà về mọi chuyện liên quan đến cuộc đời của bà… dân làng đổ xô đến với Đức Giê-su nhưng sau khi họ dành thời giờ ở lại với Người, họ đã nói với người phụ nữ ‘Bây giờ chúng tôi tin không phải vì những lời bà nói với chúng tôi, nhưng vì chúng tôi đã chứng kiến tận mắt!’ (Ga 4,4-42). Và điều này cũng xảy ra trong cuộc đời chúng ta. Trong hoạt động tông đồ của chúng ta nhằm  đưa người khác đến với Đức Giê-su, tất cả những gì chúng ta cần làm đó là làm cho họ liên đới với Người, có thể qua một lời cầu nguyện, hay một dấu chứng mà chúng ta thể hiện với lòng hăng hái. Khi người ta đã cảm nếm được sự nhân lành và lòng thương xót của Đức Giê-su, chúng ta có thể an tâm để họ ở lại trong tình thân hữu của Đức Giê-su. Người sẽ làm tất cả!

Tuy nhiên, chúng ta không được phép tưởng tượng rằng sự lôi cuốn này của Đức Giê-su sẽ xuất hiện mỗi khi chúng ta đem một ai đó đến với Người. Trong những lúc ấy, có thể xuất hiện một sự thay đổi vô hình nơi con người mà chúng ta đem đến với Người, thế nhưng chúng ta không cần phải lo lắng về điều đó. Tất cả những gì Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta đó là dành cho Người một cơ hội và nếu đúng như vậy thì Người sẽ không bao giờ ép buộc người ta bằng bất cứ giá nào, nhưng chúng ta có thể đoan chắc rằng Người có cách riêng để lôi kéo những đứa con yêu dấu của Thiên Chúa trở về với Chúa Cha. Người có thể chờ đợi và tấn công vào lúc thích hợp nhất, nói chung là lúc khẩn cấp đối với người ấy. Vì kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng chúng ta có thể bị tổn thương vì tình yêu khi chúng ta cần đến nó hay gặp rắc rối về chuyện gì đó. Khi nhận ra Chúa để ý đến những nhu cầu của chúng ta một cách rộng lượng và thấu suốt, chính chúng ta sẽ muốn trở về với Người hết lần này đến lần nọ và trước khi chúng ta biết điều gì đang thực sự xảy ra, chính chúng ta sẽ chiếm được tình yêu tuyệt vời của Người.

Tình yêu này sẽ ngày càng chín mùi nếu sau đó chúng ta có thể trở thành những sứ giả cho tình yêu của Người khi làm chứng trước mặt người khác. Vả lại, tất cả những gì chúng ta cần làm đó là đem những ứng sinh có triển vọng bước vào mối tương giao  với Thiên Chúa và dâng mọi sự cho Người. Và chu kỳ sẽ bắt đầu trở lại. Không gì dễ hơn việc trở thành một tông đồ của tình yêu dành cho Đức Giê-su! Vì qua việc giúp người khác đến với Đức Giê-su, chính chúng ta sẽ tiến lại gần Người hơn bao giờ hết.