Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 12 ngày 11

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

“Khi đối xử với người trần thế, chúng ta phải dùng đến sự khôn ngoan của con rắn và nhân đức công bình.” [Gửi cho bà Lepage, tháng 10/1866]

Trong việc ứng xử với người khác, điều hữu ích đối với chúng ta đó là phải  nhớ rằng không phải mọi người đều hành xử theo nguyên lý của tình yêu Thiên Chúa, xem đó như là quy tắc nền tảng của cuộc sống. Chúa mời gọi chúng ta sống như những đứa con của Ngài, nhưng theo Tin Mừng chúng ta biết rằng mỗi người đều có tự do để đáp trả theo cách mình chọn lựa. Vì thế, người thanh niên giàu có đã tự do và ý thức chọn lựa để không bán  hết những gì mình có, cũng như không phân phát tiền của cho người nghèo và vác thập giá mà theo Chúa Giê-su mặc dù anh ta bày tỏ một khao khát có được sự sống đời đời và đã tuân giữ tất cả các giới răn ngay từ tấm bé.

Việc kinh doanh của con người đạt hiệu quả nhất khi chúng diễn ra ở thế bình đẳng. Vì vậy khi giao thiệp với ‘người trần thế’, rõ ràng trước hết người ta cần hiểu rõ vị trí của họ, chứ không phải tìm cách lừa dối hay lợi dụng họ, nhưng đơn giản là việc buôn bán này có thể tốt đẹp cho cả đôi bên. Do đó, nhu cầu cẩn trọng và khôn ngoan có thể giúp chúng ta chọn lựa những chọn lựa đúng đắn. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy linh mục và tu sĩ có lẽ dễ tự kiêu trong những vấn đề này vì họ đã thất bại trong việc thực hành sự cẩn trọng. Họ có khuynh hướng tin cậy bất kỳ người nào cũng như mọi người, và học được từ kinh nghiệm ít ỏi đó là: không phải ai cũng làm vì vinh quang Thiên Chúa cả đâu. Cái Tôi trong nhiều trường hợp là một sự chọn lựa ý thức mà người ta nhắm đến, mặc dù họ biết rằng nó sẽ không đem lại hạnh phúc cho họ trong một chặng đường dài. Thật thú vị khi nhận ra rằngtrong Tin Mừng, chúng ta thấy người thanh niên giàu có đã quyết định ‘bỏ đi với vẻ mặt buồn rầu’!

Tuy nhiên, về phần chúng ta, điều quan trọng cần đảm bảo đó là sự công bằng luôn được duy trì, không chỉ vì lợi ích của chúng ta, nhưng cũng vì lợi ích của người khác nữa. Ngày nay, hầu hết những người hiểu biết sẽ nói với chúng ta rằng cách tốt nhất trong việc giao tế với người khác chính là ‘đôi  bên cùng có lợi’, qua đó chúng ta tìm kiếm lợi ích cho người khác cũng như lợi ích cho chính mình. Không ai muốn phá hỏng sự nỗ lực ấy, mặc dù thật không dễ để thực hiện những giải pháp ‘đôi bên cùng có lợi’ một cách chân thành, chính xác là vì điều này cho thấy người ta sẽ tìm kiếm điều tốt cho người khác, không chỉ chúng ta cảm nhận được, nhưng người khác cũng nhận thấyđiều đó. Một ví dụ điển hình của giải pháp ‘đôi bên cùng có lợi’ này chính là cách mà Chúa Giê-su đã làm đối với trường hợp của người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội  ngoại tình. Sự khôn ngoan đã giúp Người đưa ra luật lệ (‘Ném đá bà, nhưng hãy để những ai không có tội ném trước!’) cũng như lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa (‘Này chị, không ai kế án chị sao? Tôi cũng không kết án chị, hãy đi và đừng phạm tội nữa!’ Ga 8,3-11).

Rõ ràng là sự công bình và lòng thương xót chỉ có thể  gặp được nơi Thiên Chúa và nơi những ai gần gũi Thiên Chúa, những ai mặc lấy tâm trí của Đức Ki-tô. Thái độ này là hoa trái của một đời sống Thánh Thể thực sự, nơi mà người ta tìm cách sống những giá trị Thánh Thể một cách chân thành trong suốt ngày sống. Ban đầu chúng ta có thể mắc sai lầm, nhưng dần dần qua sự hướng dẫn của Thánh Linh cũng như những nỗ lực kiên trì của chúng ta, chúng ta sẽ học được nghệ thuật của việc quân bình giữa sự công bình và lòng thương xót, và phân phát chúng bằng sự khôn ngoan.