“Cầu nguyện là tôn vinh lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa.” [ ]
Thật sự là khi một ai đó dành giờ để cầu nguyện một cách tự do, yêu mến và vui vẻ thì đó là một dấu hiệu cho thấy ân sủng đang hoạt động nơi cuộc đời của người ấy. Như Đức Giêsu đã nói, “chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai phái tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,44). Thăng tiến trong việc cầu nguyện không phải là điều mà người ta có thể đạt được tự sức mình, có thể nói như vậy, nhưng đó là chiến thắng của ân sủng của Thiên Chúa trên cái tôi ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân. Vì thế, sự thực là nếu ai đó cầu nguyện thường xuyên, trung thành, yêu mến và kiên trì thì đó là những dấu hiệu cho thấy chiến thắng của ân sủng và làm vinh danh Thiên Chúa.
Cầu nguyện là một trong những gia sản vĩ đại mà người Do Thái để lại cho chúng ta nơi Hội Thánh. Toàn bộ Cựu Ước và cụ thể là các Thánh vịnh là một lời chứng sống động về mối tương quan sâu sắc đã tồn tại giữa Dân được tuyển chọn với Gia-vê Thiên Chúa. Thế nhưng, trong số họ, có một số người đã để cho mối tương quan giữa Thiên Chúa với mình bị hủy hoại đi bởi Cái Tôi. Chính Đức Giê-su đã cảnh báo chúng ta về lối cầu nguyện của những người Pha-ri-sêu cũng như những điều ưa thích của họ, “họ thích cầu nguyện dài dòng… đừng làm như họ” (Mt 6,1-6). Dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế là một ví dụ khác nảy ra trong đầu chúng ta (Lc 18,11-14). Rõ ràng là lối cầu nguyện của những người chỉ biết quy hướng về chính mình thì không thể làm vinh danh Thiên Chúa được.
Có một ý nghĩa khác mà qua đó việc cầu nguyện của chúng ta sẽ làm vinh danh Thiên Chúa. Khi việc cầu nguyện này được thực hiện bởi một người đang trong tình trạng tuyệt vọng, một tình trạng mà không ai có thể đến để giúp đỡ được, và Chúa đáp lại lời cầu nguyện của họ, bấy giờ rõ ràng là câu trả lời chỉ phát xuất từ một mình Thiên Chúa. Vì thế, chỉ đến với một mình Thiên Chúa thì người ta mới đạt đến vinh quang. Do đó, khi chúng ta cầu nguyện với ý thức sâu sắc về sự bất lực của mình, thì việc cầu nguyện ấy sẽ hoàn toàn được chấp nhận cũng như sẽ đem lại danh dự và vinh quang cho Thiên Chúa. Hơn thế, khi câu trả lời của Thiên Chúa hoàn toàn vượt ra khỏi những nỗ lực của chúng ta, lòng trung thành, tình yêu của chúng ta,… và Ngài sẽ tiếp tục chúc phúc cho chúng ta mặc cho những thất bại của chúng ta, thì sự bao dung của tình yêu Thiên Chúa sẽ đem lại cho Ngài vinh quang tột bậc.
Vinh quang chính là nét tinh túy tự bản chất của một người nào đó được nhận ra qua hành động. Do đó khi một ngôi sao bóng đá dẫn bóng trên sân cỏ và ghi một bàn thắng dường như là khó có thể thực hiện được, chúng ta được chứng kiến kỹ thuật dắt bóng của anh; nhìn vào kỹ năng ấy qua việc ghi bàn thắng tuyệt đẹp, chúng ta ‘tôn vinh’ anh. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn vào cũng một con người đang nỗ lực để ghi điểm trong trận đấu bóng rổ hay tại sân golf, chúng ta lại không làm chứng cho vinh quang của anh cũng như là không tôn vinh anh. Vì thế, trước khi thực sự tôn vinh Thiên Chúa, chúng ta cần làm chứng cho điểm nổi bật của Ngài được thể hiện qua hành động. Và điểm nổi bật của Thiên Chúa là gì? Đơn giản là Ngài đã hạ mình xuống để nâng những kẻ thấp hèn từ đống phân tro và đặt họ lên hàng khanh tướng. Khi chúng ta nhận ra cử chỉ này từ nơi Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ tôn vinh Ngài. Khi cầu nguyện, chúng ta đặt vào tâm trí tất cả những hành động tuyệt vời của Thiên Chúa mà chúng ta đã để ý trong suốt ngày sống và chúng ta cất cao tiếng hát tạ ơn, hoặc tôn vinh Thiên Chúa. Mỗi Thánh Lễ cũng mời gọi chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nhiều lần, như trong “kinh Vinh danh”, kinh “Thánh, Thánh, Thánh”, Vinh tụng ca và Đại Amen.