Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (7,24-30).
Trong bài nói chuyện về “Tình yêu bài thuốc chinh phục cỏi lòng” tại trung tâm mục vụ Sài Gòn của Cha dòng SDB đã kể:
Một nữ tu làm hiệu trưởng trường mầm non của Nhà Dòng 10 năm: Giỏi chuyên môn và thành công ở nhiều lĩnh vực, ngày nọ Giáo Xứ có một số dự tòng rất đông nên cộng đoàn nhờ chị đảm nhận lớp giáo lý dự tòng. Thế nhưng chị không dạy được vì chị bỏ quên lâu rồi. Chuyên môn thì rất giỏi, nhưng cái đụng chạm đến chính bản chất và ơn gọi của người nữ tu thì lại quên lãng. Cứ tưởng làm việc trong nghành giáo dục thì lý tưởng ơn gọi của mình vẫn còn đó, nhưng nếu không ý thức và thánh hóa công việc ta làm chỉ là một công việc xã hội đơn thuần.
1.Các ngươi đi xem gì ở Sa Mạc?
Đó là câu Chúa Giêsu hỏi người Do Thái. Hỏi như vậy là Chúa muốn đi vào tận cõi lòng con người để khám phá cái sự thật ở đó. Hóa ra người ta có thể làm một việc bên ngoài với mục đích này, nhưng bên trong là một ngụ ý khác. Một thanh niên ngày nào cũng đi Lễ, nhưng đến khi lấy vợ rồi, vợ hỏi tại sao anh không đi Lễ nữa: Đi làm gì nữa, trước đậy anh đi Lễ là mong gặp em nay anh lấy được em làm vợ rồi thì đi làm gì?. Thế đấy, tưởng là tìm Chúa mà hóa ra tìm người, đúng hơn là tìm mình.
Tin mừng Gioan kể: Khi dân chúng náo nức tìm Chúa Giêsu tại Caphanaum Chúa bảo họ “… Các ngươi tìm Ta không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng các ngươi đã được ăn bánh no nê…” (6, 24-27).
+ Ai cũng biết đi tu là tìm Chúa, nhìn sâu vào cõi lòng, chúng ta có thực sự khao khát để gặp, biết và yêu mến Chúa, hay đang tìm một địa vị, một lối sống theo ý mình? Tôi đang thực sự tìm Chúa chưa?.
+ Nhìn vào công việc và biến cố hằng ngày, chúng ta tìm Thánh Ý Chúa hay ý mình, vinh danh Chúa hay khẳng định chính mình? Chúng ta có thực sự đặt Chúa là giá trị cao quý nhất và duy nhất hay chưa? Tôi tiếp xúc mọi người với tư cách là người môn đệ Chúa hay chỉ nhằm lợi dụng họ.
– Cho đến nay, sau nhiều năm sống đời dâng hiến, thực sự tôi đã dám lấy Chúa là tất cả ý nghĩa, hạnh phúc và hy vọng của đời tôi hay không? Hay niềm vui của tôi đặt trên thực tại trần thế bên ngoài như tiền bạc, thành công, lời khen…?
– Nhìn sâu vào cõi lòng vào cuộc sống hằng ngày, có lẽ Chúa chưa là đủ, là gia nghiệp duy nhất, mà cái gì khác đang là đối tượng tìm kiếm của chúng ta.
– Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta đến với người, khi ta đến gần người, luôn có cái gì đó phải bỏ đi: “Yêu mến Thiên Chúa là cởi bỏ và loại đi tất cả những gì không phải là Thiên Chúa” (Thánh Gioan Thánh Giá). Tình yêu với Chúa luôn đòi hỏi sự triệt để. Tính triệt để theo Tin Mừng là vì Chúa.
– Hay còn ẩn giấu trong lòng một ham muốn nào đó, một tham vọng ích kỷ, thì Chúa vẫn không thể hoàn toàn làm chủ cuộc đời ta và phủ lấp trên ta niềm vui của ngài. Nó như một bánh lái ẩn giấu dẫn con đường đi trật hướng: “Trật một ly đi một dặm, trật con toán bán con trâu…”.
1. Các chị tìm gì?
Tông huấn Vita Consecrata: “Qua các thời đại, luôn có những người nam và nữ sẵn sàng nghe tiếng gọi của Chúa Cha và được Thánh thần thúc đẩy, đã chọn con đường bước theo Chúa Giêsu Kitô (Sequela Christi) cách đặt biệt cách tự hiến với một con tim không chia sẻ (x.1Cr 7,34). Cả họ nữa, họ cũng từ bỏ mọi sự như các Tông Đồ, để ở với người và giống như người, ra tay phục vụ Thiên Chúa và anh chị em. Như thế họ góp phần vào việc biểu lộ màu nhiệm của Giáo Hội… và nhờ đó họ cũng góp phần vào canh tân xã hội” (Số 1). Giáo huấn cho chúng ta thấy bản chất và sứ mạng của đời sống Thánh Hiến.
Sống đời Thánh Hiến nhưng chúng ta có để Chúa Thánh Hiến mình hay thế lực trần gian làm chủ đời ta?. Có khi trong nhà Chúa mà lòng ta lại rất xa Chúa. Tại sao vậy?.
Cũng vậy, có thể hiện diện ở đây, có thể biết rõ mình đang tìm ai, tìm điều gì, nhưng rồi sức kéo của cải trần gian làm họ dần lãng quên cùng đích. Có khi cứ loay hoay việc đời, khát mong Chúa nhạt nhòa lúc nào không hay. Có khi loay hoay gặp gỡ người đời, lãng quên gặp Chúa, lòng mến Chúa dần băng giá.
2. Kết luận
Không tìm Chúa, con người sẽ lấy minh là Chúa. Tìm chính mình, con người chỉ thấy mình tột cùng nghèo nàn, lẩn quẩn với thú vui trần thế, dẫn tới sự chán trường trường, tuyệt vọng… Thời gian trôi qua không thể lấy lại được. Hãy yêu quý cuộc sống. Hãy làm cho mỗi ngày qua đi trở thành một ngày thật ý nghĩa bằng tình yêu với Chúa với mọi người.
Ôi lạy Chúa Giêsu, khi cái chết đến, thì ngoài Ngài ra, không còn gì là quan trọng nữa.
+ Câu gợi ý suy nghĩ và cầu nguyện:
1/ Tôi có cảm thấy Chúa không thể thiếu trong cuộc đời của tôi không?
2/ Hãy ngồi thinh lặng trước Chúa để thử xếp bậc thang theo giá trị ưu tiên trong đời tôi lúc này? Chúa ở hàng thứ mấy?
– Cha Phó xứ Bùi Thái.