“Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con” (20, 28)
“PHÚC THAY AI KHÔNG THẤY MÀ TIN” (20, 29)
Trước biến cố bất ưng, có nguy cơ đe dọa sự tồn vong, an bình mà mình không thấy được hướng đối phó, con người thường bị rơi vào tâm trạng sợ hãi, trốn chạy. Tin Mừng của Chúa Nhật II A B C. Mùa Phục Sinh thuật lại hai lần Đấng Phục Sinh hiện ra cho Nhóm mười một môn đệ và ba lần trấn an họ bằng lời “CHÚC ANH EM ĐƯỢC BÌNH AN”. Họ đang sợ hãi người Do Thái và lẫn trốn rút lui vào phòng đóng kín cửa (20, 19. 26).
Sự sợ hãi, trốn chạy đã làm bọn họ như tê liệt, co cụm, không còn sinh khí…. May mắn là họ còn nối kết với nhau trong cộng đoàn. Tình cộng đoàn, lòng gắn bó với Thầy còn lại trong họ, đã giữ họ lại bên nhau. Và chính trong khung cảnh một cộng đoàn đang tụ họp đó, Đấng Phục Sinh đã hiện ra với họ. Tin Mừng Gioan nhấn mạnh đến CHỨNG TỪ CỘNG ĐOÀN của việc làm chứng cho Đấng Phục Sinh. Trong Tin Mừng Gioan chứng từ cộng đoàn của Nhóm môn đệđã được Người tuyển chọn là nền tảng vững chắc cho đức tin vào Mầu Nhiệm Phục Sinh. Chính Đấng Phục Sinh thiết lập cái nền đó khi Người nói với Tôma: “… Đừng cứng lòng nữa, nhưng HÃY TIN” (20, 27). Theo văn mạch “TIN” ở đây là tin vào lời chứng của mười môn đệ đã thầy Đấng Phục Sinh tám ngày trước hiện ra cho họ.
Đã đào tạo các ông nên “Cộng đoàn chứng nhân” không phải là “ CÁ NHÂN CHỨNG NHÂN” việc đầu tiên Đấng Phục Sinh làm cho họ là GIẢI PHÓNG CÁC ÔNG RA KHỎI SỢ HÃI THẬP GIÁ. Vì thế , trong những lần hiện ra cho “ Cộng – đoàn – chứng – nhân – nền – tảng” này, việc đầu tiên Đấng Phục Sinh làm là chúc: “BÌNH AN CHO ANH EM” (Ga20, 19.21.26, xem thêm Lc 24, 36). Nếu không chiến thắng được sợ hãi, không có được bình an nội tâm thì những ơn được sai đi, ơn Thánh Thần, ơn tha thứ hòa giải… sẽ không bám rễ được vào tâm hồn họ, khiến họ cứ co cụm lại “các cửa đều đóng kín” và như vậy thì mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu sẽ không có người rao giảng, không có chứng nhân thừa kế và không được lưu truyền (giống như các bà trong Mc1, 8: sợ quá rồi im lặng luôn); Và như thế nhân loại các thời đại về sau sẽ không còn có điều kiện để biết và tin vào mầu nhiệm Phục Sinh.
Phần thứ hai của Tin Mừng hôm nay cho thấy thực tế đáng sợ đó. Thực vậy, trong lần hiện ra đầu của Đấng Phục Sinh, không rõ vì lý do nào mà Tôma vắng mặt. Khi ông trở về, Nhóm Mười đã làm chứng “chúng tôi đã thấy Chúa”. Tôma không tin vào chứng từ đó ! TẠI SAO ông không tin?
Về phần Tôma. Ông là người thực nghiệm, cứng lòng tin. Đấng Phục Sinh đã nói với ông như thế về con người ông “đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (20, 27). Tuy nhiên lý do chính có lẽ nằm ở phía cộng đoàn Nhóm mười chứng nhân: ơn bình an Đấng Phục Sinh ban hai lần cho Nhóm, trong suốt tám ngày chưa bám dễ chút nào vào tâm lòng nhóm mười. Mọi sự vẫn như cũ: sợ hãi, cửa đóng kín (20, 26). Sự sợ hãi còn tồn tại nơi họ đã vô hiệu hóa lời chứng của họ.
Vì thế lần hiện ra tám ngày sau, có Tôma, lời đầu tiên của Đấng Phục Sinh vẫn là “bình an cho anh em”. Tiếp ngay sau là lời khiển trách Tôma “… đừng cứng lòng nữa” và mời tin “NHƯNG HÃY TIN” (20, 28). Văn mạch cho thấy “TIN” ở đây là tin vào lời chứng NỀN của Nhóm mười, Nhóm “cộng đoàn chứng nhân”. Vậy chính Đấng Phục Sinh đã thiết lập CÁI NỀN để mọi thời, mọi nơi, mọi người có thể an tâm dựa vào đó để biết và tin vào Mầu Nhiệm Phục Sinh. Và với tư cách là THIÊN CHÚA như Tôma tuyên tín (20,28b). Đấng Phục Sinh xác nhận lại nền tảng TÔNG TRUYỀN của đức tin vào Mầu Nhiệm Phục Sinh bằng MỐI PHÚC VỀ ĐỨC TIN: “ PHÚC THAY NHỮNG NGƯỜI KHÔNG THẤY MÀ TIN”.
Khi được Chúa Thánh Thần ngự xuống, hết sợ hãi, các tông đồmở tung cửa rao giảng về Đáng Phục Sinh và chỉ ngày đầu đã có ba ngàn tín hữu. Rồi cộng đoàn tín hữu tiên khởi đã là chứng nhân hữu hiện cho Đấng Phục Sinh nhờ đời sống CỘNG ĐOÀN không sợ hãi, không so đo tính toán, tất cả một lòng một trí hiệp nhất, yêu thương. Và Mầu Nhiệm Phục Sinh được thực hiện ngay trong cộng đoàn: Chúa cho cộng đoàn NGÀY càng đông số (Cv 2, 47; 4, 33b; 5,14).
Frères Đình Long FSC