“SIMON anh có yêu mến Thầy không? Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (21, 15-17).
“Hãy theo Thầy” (21, 19. 22).
Theo Tin mừng thứ tư, Ga 21,1-19 là lần thứ ba Đấng Phục Sinh hiện ra cho đoàn môn đệ. Nhưng số lượng của các ông lần này đã giảm sút: chỉ còn bảy người so với mười ở lần hiện ra thứ nhất và mười một ở lần thứ hai.
Chữ “hiện ra” trong tiếng việt làm ta có cảm giác rằng Đức Giêsu lúc thì có mặt với các môn đệ, lúc thì không: Người chỉ “hiện ra”cho các ông tiếp xúc trong chốc lát rồi sau đó bỏ đi để các ông ở lại một mình. Thật ra với biến cố phục sinh, từ nay, Đức Giêsu thật sự là Emmanuel thật sự: Người luôn luôn và vĩnh viễn là “Thiên – Chúa – ở – cùng – chúng – ta” trong mọi nơi, mọi lúc, mọi tình huống. Đấng Phục Sinh luôn đồng hành với chúng ta. Người hiện diện vô hình chứ không vắng mặt. Chẳng những Người ở bên ta mà còn ở TRONG TA. Các tu sĩ Dòng La san luôn xác tín điều đó qua lời chào chúc, nhắc nhở nhau: “Chúa Giêsu ngự trị lòng ta”-và đáp lại “luôn luôn”. Tuy nhiên nếu chỉ nhìn với cặp mắt xác phàm, chúng ta không thể nhận ra được Đấng Phục Sinh đang hiện diện với và trong ta. Để giúp chúng ta vượt qua cản trở đó, Chúa ban cho ta các DẤU CHỈ mà các giác quan phàm trần có thể cảm nhận được; Nhờ đó, với đức tin và tình yêu đối với Chúa, con người có thể nhận ra Đấng Phục Sinh đang hiện diện và hướng dẫn cuộc đời mình. Tin Mừng hôm nay là một minh họa:
Thật vậy, mặc dù được Đấng Phục Sinh hai lần hiện ra cho gặp và tiếp xúc bằng giác quan, nhưng dường như tình yêu và đức tin chưa bén rễ sâu trong tâm hồn các môn đệ: chắc là còn âu lo nên các ông lánh mặt khỏi Giêrusalem trở về lại quê hương mình. Trong tình trạng đó, bảy anh em theo lời đề xướng của Phêrô đã ra khơi đánh cá, chỉ với kinh nghiệm và sức riêng mình. Kết quả là thất bại ê chề! Họ đâu biết rằng Đấng Phục Sinh vẫn đang đồng hành dõi theo họ từng bước. Đấng Phục Sinh đã can thiệp giúp họ vượt qua thời khắc ngặt nghèo. Một DẤU CHỈ vĩ đại hiện ra trước mắt họ: mẻ các thành công cách diệu kỳ, vượt sức tưởng tượng. Trước DẤU CHỈ hữu hình ấy, sáu môn đệ khắc chưa kịp có phản ứng gì thì người thứ bảy nói với Phêrô: “CHÚA ĐÓ”. Đấng Phục Sinh không còn là “Thầy” của các ông nữa, mà là CHÚA, Đấng các ông phải tôn thờ. Người môn đệ đó là ai? Nhờ đâu mà ông nhận ra con người đứng trên bờ ra lệnh “thả lưới xuống bên phải thuyền” là “CHÚA”?
– Ông là “người môn đệ được Đức Giêsu thương mến” (21, 7)
– Ông là người đã TIN nhờ thấm nhuần, hiểu Lời Chúa (20, 8-9)
Như vậy nhờ cặp mắt ĐỨC TIN, với trái tim YÊU THƯƠNG, được LỜI CHÚA soi dẫn, người môn đệ Chúa yêu đã nhận ra Đấng Phục Sinh, nhận ra CHÚA.
Cùng một chiều hướng đó, phần tiếp theo Ga 21,15-19, Đấng Phục Sinh thiết lập Phêrô làm thủ lãnh Giáo Hội, làm mục tử canh giữ đàn chiên của CHÚA. Cái nền để Chúa dựa trên đó mà đặt Phêrô làm thủ lãnh là TÌNH YÊU, YÊU THẦY TRÊN HẾT. Ba lần CHÚA PHỤC SINH hỏi ông, và đều gọi ĐÍCH DANH CĂN CƯỚC: “này anh simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không…?”. Chúa muốn, và là điều kiện Chúa đòi, ông yêu Chúa hết lòng với cả con người thật, nguyên tuyền của ông.
Sau đó khi Phêrô muốn so sánh mình với người môn đệ Chúa yêu (21,21b) thì Chúa mời ông TIN, PHÓ THÁC: “phần anh, hãy theo Thầy” (21,22b). NHỜ YÊU THẦY, Tin nghe Lời Chúa mà Phêrô nên người mới.
Trong đời ta, DẤU CHỈ không thiếu! Làm sao có ĐỨC TIN và TÌNH YÊU để nhận ra Vị Chúa Phục Sinh đang hiện diện trong cuộc đời ta? Hãy bắt chước Phêrô và người môn đệ Chúa yêu: NGHE, TIN, THƯỜNG XUYÊN TIẾP XÚC VỚI LỜI CHÚA để Lời Chúa soi sáng hướng dẫn đời ta.
Frères Đình Long FSC