Ơn gọi: “Anh hãy theo tôi” (Lc 9,59a); để phục vụ: “…đi loan báo Triều đại Thiên Chúa” (9, 60b).
Có một câu nói vui mà tôi vẫn lâu lâu nghe được nơi miệng các “ông bà cố” có con đang tập tểnh bước vào đời tu: “cho nó đi tu thì không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”. Tuy chỉ là câu nói vui, nhưng nó cũng tỏ lộ ra phần nào cái tầm nhìn thuần túy phàm tục về đời tu cũng như về cũng như về động cơ và mục đích của đời tu. “Đi tu” là để được một cái gì đó tốt đẹp hơn cho bản thân người tu sĩ và qua tu sĩ đó gia đình thân tộc cũng được Chúa chúc lành. Điều đó không sai, nhưng đó không phải là cái cốt lõi của đời tu kitô giáo, nhất là công giáo. Theo đức tin công giáo thì cái mà người đời quen gọi là “đi tu” thì Giáo Hội Công Giáo gọi là “ơn gọi”. Nó không phát xuất từ thiện ý của con người, mà từ lời gọi mời của Thiên Chúa. Chúa gọi ai thì không nhắm trước tiên đến lịch sử cá nhân, gia tộc của người được gọi mà là lợi ích của cộng đồng nhân loại. Thật vậy, Chúa gọi ai là để người ấy hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và để phục vụ cho công cuộc của Chúa mà thôi. Ai theo Chúa thì cái trước tiên phải từ bỏ là chính bản thân mình, hay nói đúng hơn là bỏ đi những gì nơi bản thân mình làm cản trở ơn gọi cứu độ cho nhân loại: “ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Tiếp đó là không đi tìm tư lợi cho gia tộc mình: “ai yêu cha, mẹ, con cái hơn Thầy thì không xứng với Thầy” (x.Mt 10,37; Lc 14,26). Những tuyên bố trên của Đức Giêsu làm chúng ta khó chịu, có vẻ như ép uổng những ai muốn theo Chúa… Nhưng chúng ta cứ nhìn vào thực tại cuộc sống, ta sẽ thấy con đường Đức Giêsu đưa ra là một giải pháp tuyệt vời.
Ví dụ: CHUYỆN KẸT XE! Tại sao kẹt? Đơn giản vì ai cũng muốn dành phần hơn cho mình nên LẤN. Và lý luận: mình không lấn thì kẻ khác cũng lấn …(?). Lúc đó nếu có công an… thế là mọi người chịu nghe lời công an, chịu thiệt thòi một chút, nhường nhau một chút…thế là thông xe. Cá nhân chịu thiệt một chút, nhưng cả khối kẹt xe được giải tỏa.
Thế giới chúng ta đang bị quyền lợi cá nhân khống chế! Ai cũng muốn dành phần tiện nghi cho mình, kết quả là hỗn loạn. Đức Giêsu đến ổn định lại trật tự! Người mời một số người cộng tác, chịu thiệt thòi một chút về mặt cá nhân; gia tộc… để đưa nhân loại từng bước một về lại ổn định.
Các tông đồ mặc dù đã theo Chúa, nhưng chưa khắc phục được khía cạnh “đi tu” tìm quyền lợi cho mình, cho nhóm nên khi thấy không được đón tiếp thế là đòi biến làng Samari thành một Sôđôma mới. May mà lòng tôn trọng Thầy vẫn còn nên đã “xin phép” trước khi hành động: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?” (Lc 9,54b); chứ không như trước đó đã tự tiện ra tay hành động rồi mới về báo cáo lại sau: “…chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con đã cố ngăn cản…” (9,49). Đức Giêsu đã trách cứ những thái độ chỉ biết có quyền lợi riêng tư của mình, của nhóm như thế (9, 50.55).
Vậy “ơn gọi” là một hồng ân Chúa ban, gọi một số người mời họ sẵn sàng theo gương của Đức Giêsu, chịu thiệt thòi, chịu một số thua thiệt kể cả tới mạng sống nếu cần để góp công cùng Đức Giêsu giải cứu nhân loại khỏi “KẸT XE”, đưa nhân loại dần đến ổn định, trật tự. Các tông đồ được Đức Giêsu trực tiếp đào tạo mà còn rơi vào sai lầm chết người là quy mọi quyền lời về cho mình. Xin Thánh Thần soi sáng giúp mỗi tín hữu, nhất là những ai “đi tu”biết đáp lại “ƠN GỌI” Chúa ban sẵn sàng cho đi tất cả để phục vụ ơn cứu độ nhân loại như Chúa mong ước.
Frères Đình Long FSC