CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN C

Hc 3, 17-18.20.28-29; Lc 14, 1.7-14

Chủ đề: Khiêm nhường trong ứng xử và hoa trái của khiêm nhường.

* Hc 3, 18. 20: càng làm lớn, con càng phải tự hạ. Con sẽ được đẹp lòng ĐỨC CHÚA… ĐỨC CHÚA được tôn vinh nơi những kẻ khiêm nhường.

* Lc 14, 7.11: Đức Giêsu thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ … “ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

          Lời Chúa của Chúa Nhật XXII thường niên mời gọi chúng ta suy tư về chủ đề ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG. Các bản văn phục vụ hôm nay trình bày đức khiêm nhường không bằng những khái niệm lý thuyết, trừu tượng, nhưng đưa ra những cung cách ứng xử cụ thể tùy theo từng trường hợp xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Bài đọc 1 trình bày hai trường hợp:

1/ phải cử xử khiêm nhường, nhũn nhặn, khi ta được thành công hoàn tất được các dự tính,
2/ Lại càng phải khiêm tốn khi đang ở vị trí cao sang.

Còn Tin Mừng đề cập đến hai trường hợp còn cụ thể hơn nữa:

1/ phải cư xử thế nào trong một bữa tiệc mà mình được tham dự.
2/ Và trong trường hợp ta là chủ đứng ra tổ chức tiệc.

          Vậy hai bài đọc hôm nay nhấn mạnh hơn đến khía cạnh ứng xử nhân bản của đức khiêm nhường; khía cạnh tương quan với Thiên Chúa – con người thọ tạo mọn hèn phải tự khiêm, tự hạ trước Thiên Chúa tạo hóa toàn năng – tạm gác qua lúc khác. Kèm theo khía cạnh sống tình người với nhau dưới góc nhìn của đức khiêm nhường. Lời Chúa cũng nêu lên những lời cảnh cáo cho hạng người kiêu ngạo, “mục hạ vô nhân”; Đồng thời cũng nêu lên những hoa trái tốt đẹp do cách ứng xử khiêm nhường sẽ đem lại cho những ai khiêm tốn.

Bài đọc 1 trích từ sách Huấn Ca, là cuốn sách thuộc thể loại sách khôn ngoan được viết vào thời đế quốc Hy-Lạp làm bá chủ Cận Đông, trong giai đoạn các hoàng đế còn đối xử tử tế với dân Do Thái. Chính trong bầu khí tương đối dễ thở ấy mà các người Do Thái tâm huyết với đạo giáo tổ tiên, với dân tộc, đã linh cảm thấy cái nguy cơ dân mình sẽ bị đồng hóa theo lối sống, văn hóa của đế quốc hùng cường, nhiều tham vọng. Để bảo vệ tôn giáo và tinh thần dân tộc, sách Huấn Ca đã được viết ra. Sách này cần thiết cho những người Do Thái muốn giữ nguyên căn tính của mình giữa một thế giới đang biến chuyển mau chóng… Dù bị bao sức ép, lôi cuốn từ những bên trong lẫn bên ngoài, người dân của Chúa cũng không được phép đầu hàng trước tròa lưu hy lạp hóa (x. CGKPV “các sách Giáo Huấn”, ấn bản 1997, trang 609). Tác giả ao ước chia sẽ những kinh nghiệm khôn ngoan của mình “cho những ai thích học hỏi… để nhờ thế mà sống phù hợp với lề luật (x. Lời tựa Huấn Ca câu 12-14).

      Bài đọc 1 đề ra hai trường hợp cụ thể phải sống khiêm nhường:

      1. “hãy hoàn thành việc của con cách nhũn nhặn” (Hc 3,14).
      2. và “càng làm lớn, con phải càng tự hạ” (Hc 3,18).

          Hai câu này bao trùm cả cuộc sống: dạy khi nỗ lực làm việc; và khi đã thành công có được địa vị. phải khiêm nhường suốt đời, trong mọi tình huống! và phần thưởng mà người khiêm nhường sẽ vui hưởng là:

1.     “được yêu mến hơn cả người hào phóng” (c.17b): trong tiếng hipri, “người hào phóng là người tặng quà” (sđd 619 x); Đó là người quảng đại, thích giúp đỡ kẻ khác, thường làm việc đạo đức… Mọi người đều yêu mến hạng người này! Hc 3,17b khẳng định “người khiêm nhường” được yêu mến hơn nhiều. Như vậy, “khiêm nhường” có tác động tốt trên cách ứng xử của con người hơn cả các việc đạo đức bên ngoài.

2. “được đẹp lòng ĐỨC CHÚA (c.18b): đối với người Do Thái, Thiên Chúa là Đấng Cao Cả nhưng thích cúi xuống với các thọ tạo của người; Ai mọn hèn khiêm hạ sẽ được Chúa nâng lên, thi ân giáng phúc (x. Tv 113,4-8; Cn 3,34). Trái lại “kẻ kiêu ngạo lâm cảnh khốn cùng thì vô phương cứu chữa” vì sự xấu xa ăn sâu trong nó (x. Hc 3, 28; Cn 14, 3); Chúa ghê tợm kẻ kiêu căng, trừng phạt chúng (x. Cn 16, 5; 15,25a). chắc chắn sụp đổ! (X. Cn 16, 18).

          Với Đức Giêsu, khiêm nhường là thuộc tính của Người và Người muốn môn đệ phải học hỏi (x. Mt 11,29b); Do đó khiêm nhường trở thành nhân đức tin mừng có năng lực biến những hành vi đạo đức nhân bản trở nên những hành vi có giá trị công đức đáng được Cha ân thưởng (x. Mt 6, 4.6.18).

         Chủ đề khiêm nhường càng được Tin Mừng đề cập đến ngang qua hai lời giảng dạy của Đức Giêsu. Đối tượng mà bài dụ ngôn nhắm tới là những khách được mời. Chủ tiệc là một thủ lãnh; khách được mời phải là những bậc đồng liêu thế giá, là kinh sư, biệt phái thông luật; Ngày dự tiệc lại là ngày Sabat; Và Luca nói rõ: họ mời Đức Giêsu là để DÒ XÉT Người (14, 1). Họ là những người địa vị cao, biết bao đời là các thầy dạy luật. Thế mà giờ đây, giữa bàn tiệc, dù đã rình rập, họ cũng không bắt bẻ gì được Đức Giêsu khi Người công khai chữa lành một người bị phù thủng trong ngày Sabat (14, 2-6). Và ngay sau đó, Đức Giêsu nói cho đám thực khách háo danh này, đang lăm le dành vào cỗ nhất (14, 7) bài dụ ngôn về khiêm nhường.  Đức Giêsu muốn cảnh tỉnh và mời họ đổi thái độ.

          “Bữa Tiệc” trong bài dụ ngôn này ám chỉ bữa tiệc Nước Trời đang được dọn ra cho mọi người. Đấng dọn đãi bữa tiệc này là Thiên Chúa. Các thủ lãnh, kinh sư, biệt phái, cũng được mời. Họ đang là các bậc vị vọng của Do Thái giáo, nên nghĩ rằng họ xứng đáng được ngồi vào các cỗ nhất. Thế nhưng VỊ KHÁCH CAO TRỌNG hơn họ đã đến. Đó là Đức Giêsu với các giáo huấn mới mử của Người. Họ được mời gọi HÃY KHIÊM TỐN trao lại uy quyền tối thượng trên dân Chúa lại cho Người (việc chữa lành bệnh ngay giữa bàn tiệc, trong ngày Sabat là một minh họa), và cho Giáo Hội của Người. Vậy để hưởng trọn vinh phúc danh dự trong Nước Trời thì HÃY KHIÊM TỐN: đừng tự cao chọn cỗ nhất, hãy tự khiêm chọn chỗ chót, để được Chúa tôn vinh. Đây không phải là lời khuyên sống giả hình hoặc sống thờ ơ không phát triển tối đa tài năng Chúa ban cho mình, mà thật ra là lời khuyên noi gương Đức Kitô khiêm nhường thư thơ Pl 2, 6-11: Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã tự hạ mặc lấy thân rốt hết, dùng hết tài năng dấn thân cứu thế đến độ chết như tội nhân trên Thập Giá (chọn chỗ rốt hết), nên Thiên Chúa đã siêu tôn Người…

          Vậy điều Đức Giêsu muốn dạy là hãy nên khiêm tốn theo gương Người.

          Qua dụ ngôn hai, Đức Giêsu đặt người nghe vào vị trí chủ nhà dọn bữa ăn đãi khách. Đức Giêsu khuyên đừng mời bạn bè, bà con, lối xóm giàu có… vì họ có điều kiện để mời đáp trả. Trái lại hãy mời những người cùng khốn, không có gì đáp lại, để chính Thiên Chúa sẽ “đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”. Ý nghĩa luân lý nhân bản là: làm việc phúc đức trong khiêm tốn, không phô trương. Thế nhưng theo bài dụ ngôn thì ta tự hỏi: ở trần thế này, có bữa ăn nào có được giá trị đến độ được chính Thiên Chúa “đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”? hàm ý người đãi bữa ăn đó sẽ được sống lại và được Chúa thưởng.

           Rõ ràng dụ ngôn muốn ám chỉ đến THÁNH THỂ. Vậy đối tượng mà Đức Giêsu muốn gửi sứ điệp không chỉ vị thủ lãnh đang mời Người mà còn là toàn thể tín hữu kitô giáo: Bữa ăn Thánh Thể phải mở ra cho mọi người và mọi thực khách tham dự đều bình đẳng và anh em với nhau (x. 1Cr 11, 17-21). Vậy ở đây, khiêm nhường là thái độ mở rộng ơn cứu độ ra cho mọi người và coi nhau là anh em trong Đức Giêsu, theo gương Đức Giêsu.

8Frères Đình Long FSC