CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN C

Kn 9,13 -18 ; Lc 14,25 – 33

Chủ đề : Chúa tạo điều kiện đưa con người đi vào sự hiệp thông với mầu nhiệm Thánh Ý Chúa.

* Kn 9,17 : Ý định của Chúa, nào ai biết được… nếu Người chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gởi Thần Khí Thánh.

* Lc 14, 33 : Ai không từ bỏ hết những gì mình có thì không thể làm môn đệ Tôi được.

          Lời Chúa của Chúa Nhật XXIII Mùa Thường Niên mời gọi con người hiệp thông vào ý định yêu thương của Thiên Chúa, được biểu lộ qua việc Thiên Chúa cho con người, vốn là loài thọ tạo giới hạn mọi bề cả hồn lẫn xác, được dần dần khám phá ra và tham gia vào ý định thần linh, nhiệm mầu của Thiên Chúa. Người còn rộng ban các phương tiện dồi dào, hữu hiệu, tạo điều kiện thuận lợi giúp con người vượt qua được giới hạn phàm nhân để thể hiện đường lối, dự tính cứu độ Thiên Chúa và cuối cùng được nên môn đệ Chúa ngay ở thế này, và được cứu độ.

          Thánh Ý Chúa, tự thân, đã là một huyền nhiệm vượt quá tầm hiểu biết tự nhiên của nhân loại ! Thêm nữa do sa ngã, do phạm tội, các năng lực hồn xác Chúa ban cho con người cũng bị giới hạn, lệch lạc. Thiên Chúa thương, muốn hồi phục ! Thế nhưng cách thể hiện của Chúa luôn lạ kỳ, luôn đầy bất ngờ, thường làm đảo lộn tầm nhìn, bậc thang giá trị của con người vốn đã bị tội và các khuynh hướng xấu làm cho suy yếu, mất định hướng. Thế nên, tự sức mình nhân loại không thể khám phá ra dự tính Thiên Chúa trong thế giới, lẫn trong cuộc đời cá nhân từng người ; và dĩ nhiên việc thực thi ý Chúa lại càng xa vời hơn nữa. Nhưng dự tính của Thiên Chúa là bất biến, Người vẫn tìm ra được phương thức đưa nhân loại đến cùng đích mà Người đã định: Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại ĐỨC KHÔN NGOAN, THẦN KHÍ THÁNH CỦA NGƯỜI ; Rồi khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa sai chính Con Một  của Người là Ngôi Lời Thiên Chúa mặc xác phàm, đồng hành với nhân loại cho tới ngày Tận Thế (x. Mt 28,20b) để mặc khải, chỉnh sửa, chỉ dẫn đưa nhân loại tới đích.

          Bài đọc một trích từ sách Khôn Ngoan, là một suy niệm ngắn về đề tài nói trên : dự tính khôn ngoan, diệu huyền của Thiên Chúa, được tác giả trình bày dưới dạng một lời cầu nguyện, thưa trực tiếp cùng Thiên Chúa, do Salomon, vị vua khôn ngoan mẫu mực của người Do Thái, vì ý thức được giới hạn của  mình, nên đã nài xin Thiên Chúa, ban cho vua sự khôn ngoan, và thần khí của Chúa hầu nhận ra được ý định của Thiên Chúa, được hiệp thông với Chúa và được cứu độ (x. Kn 7,7 ; 8,21 ; 9,4), và ông đã truyền đạt kinh nghiệm đó cho hậu thế.

          Bài đọc 1 gồm 3 ý :

          * 9, 13-16 : trình bày khoảng cách, vực thẳm ngăn cách vô phương vượt qua được giữa năng lực giới hạn của con người và dự tính cao siêu của Thiên Chúa.

* 9,17 : nhưng Thiên Chúa đã đưa ra giải pháp khắc phục : ban Đức Khôn Ngoan và Thần Khí.

          * 9,18 : kết thúc bằng một lời khuyến dụ, đề nghị thái độ đáp trả phải có từ phía con người trước những gì đã được trình bày trên.

          Mở đầu bài đọc 1, câu 13 cho thấy dự tính cao sâu, huyền diệu của Chúa, tự sức con người không sao vươn tới : “nào có ai biết được ý Chúa ?…”. Nguyên do của sự vô tri ấy là vì trí tuệ con người giới hạn : “tư tưởng không sâu, lý luận không vững” ; và nhất là con người phải chết (9,14), và hậu quả của xác phàm yếu đuối đó khiến cho linh hồn ra nặng nề, trĩu xuống (9,15). Để kết thúc phần này, tác giả khẳng định một lần nữa rằng con người xác phàm hoàn toàn bất lực dò biết được dự tính của Thiên Chúa : ngay cả chuyện dưới đất, xác phàm cũng phải khổ cực để có thể hiểu được, huống hồ chi chuyện trên thượng giới làm sao hiểu thấu! (9,16).

          Phần thứ hai, tác giả cho thấy cách thức mà Thiên Chúa làm để cho con người có thể hiệp thông vào mầu nhiệm Thánh Ý Người : đó là Thiên Chúa ban cho con người Đức Khôn Ngoan và Thần Khí thánh của Người. Vào thời Cựu Ước, Mầu Nhiệm Ba Ngôi chưa được mặc khải, nên Đức Khôn Ngoan và Thần Khí được dân Cựu Ước hiểu là những ân huệ lớn lao nhất mà Thiên Chúa ban cho những ai người muốn chọn cho tham dự vào sứ mạng cứu độ của Người (x. Ds 16,17- 25 ; Tl 13,25 ; 1Sm 16,13 ; Kn 9,1- 6.9 -11).

          Chính vì thế, phần ba kết luận bằng một khuyến dụ mời con người chỉnh sửa đường lối, sống sao cho đẹp lòng Chúa để được ơn cứu độ (9,18).

          Như vậy để hiệp thông được với mầu nhiệm Thánh Ý Chúa, điều trước nhất là con người phải nhìn nhận rằng các suy tư cho dầu hợp lý nhất của mình cũng còn đầy giới hạn, tiếp đó là khiêm tốn nài xin Chúa ban Đức Khôn Ngoan và Thần Khí của Người cho mình. Bài đọc Tin Mừng chính là một minh họa rõ nét cho ý tưởng trên.

          Thật vậy, Đức Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem để hoàn thành Thánh Ý của Chúa Cha. Là phàm nhân, ai lường được ý Cha ? Ai dám nghĩ rằng phương thế cứu độ lại là Cây Thập Giá ? Trong khi đó, tất cả những kẻ theo Đức Giêsu, kể cả mười hai tông đồ, đều nuôi dưỡng trong đầu tham vọng được chiếm chỗ nhất trong Nước Chúa (x. Lc 9,46 ; 14,7). Vì thế Đức Giêsu phải chỉnh sửa họ : chỉnh sửa các tông đồ (x. Lc 9,46-50) ; chỉnh sửa nhóm thủ lãnh, biệt phái nhân một bữa ăn (tuần trước Lc 14,7-11). Và hôm nay đối tượng mà Đức Giêsu nhắm tới là đám đông. Tất cả cùng một bài học.

  1. Trước tiên là bài học “TỪ BỎ” : cách nói trong Lc 14,26 gây sốc cho chúng ta: ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu thì phải dứt bỏ những gì mà trước giờ chúng ta vẫn hằng gắn bó, vốn là lẽ sống của chúng ta: cha mẹ, vợ con… kể cả mạng sống mình. Nhưng “dứt bỏ” là gì ?

          “Dứt bỏ” không có nghĩa là cắt đứt, hủy diệt mọi tương quan vốn cũng là do Chúa tạo nên, nhưng mà là NHƯỜNG BƯỚC trước một mối tương quan mới, vừa được thiết lập nhằm giúp nhân loại sống, tồn tại và vĩnh tồn. Đó là quy luật Chúa đã đặt để trong cong trình sáng tạo : “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình” (St 2,24), để tạo thành một cộng đồng sự sống mới giúp nhân loại tồn tại và phát triển.

  1. Chọn tương quan mới : Lc 14,27 cho thấy bước tiếp theo-sau khi đã dọn trống cõi lòng mình bằng “từ bỏ”-là mở lòng đón nhận sự khôn ngoan và thần khí của Thiên Chúa để dám bước theo Đức Giêsu trên con đường thập giá.

          Đó là hai điều mà Đức Giêsu cảnh tỉnh cho những người ùn ùn đi theo Người (14,25).

          Vậy Lc 14,26-27 chỉ muốn nói ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu thì trong lòng trí họ, Đức Giêsu phải chiếm vị trí số MỘT, vị trí trước kia chỉ dành cho Thiên Chúa (x. Đnl 6,5).

          Đó là đòi buộc nền dẫn vào sự sống mới, sự hiệp thông với Thiên Chúa. Đòi buộc nhưng không cưỡng ép! Qua sống bên Mỹ, phải biết tiếng Mỹ, đó là điều buộc ; nhưng không ÉP, không biết tiếng Mỹ cũng chẳng chết ai, tuy nhiên người ấy sẽ không thể hiệp thông trọn vẹn với cuộc sống Mỹ. Không dứt bỏ, không vác thập giá thì không hiệp thông được với thánh ý Thiên Chúa, có thể vẫn lê lết theo Đức Giêsu, nhưng không trở nên môn đệ Người được. Thế thôi ! Và Đức Giêsu làm rõ tư tưởng của Người bằng hai dụ ngôn: một người sắp xây nhà mới, và một ông vua sắp đi giao chiến với kẻ địch. Điều quan trọng là phải có tầm nhìn, biết mình biết ta để chọn lựa, quyết định chiến lược thích hợp. Vậy rút lại là : CÓ THỰC TÂM muốn theo Đức Giêsu hay không ? Và có biết được là theo Người sẽ được gì hay không ?

          Đó là sứ điệp mà Đức Giêsu muốn gửi tới đám đông đang lẽo đẽo theo Người với bao ý đồ, dự tính riêng tư. Còn đối với kitô hữu chúng ta, sứ điệp là: có muốn làm môn đệ Đức Giêsu không ? Có muốn hiệp thông với mầu nhiệm thánh ý Chúa không ?

          Nếu muốn thì phải làm một cuộc đổi mới : trong mọi tương quan, liên hệ của cuộc đời mình, Đức Giêsu phải chiếm vị trí số Một, vị trí chỉ được dành cho Thiên Chúa mà thôi !

Frères Đình Long FSC