*Ai muốn theo tôi phải từ bỏ (14, 26), vác Thập giá (14, 27)… ngồi xuống tính toán… (14, 28. 31).
Đức Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem để hoàn tất sứ vụ thiên sai mà Cha đã trao phó : đó là cứu độ nhân loại bằng con đường Thập Giá (x. Lc 9, 22). Và đường Thập Giá đó cũng là đường mà Đức Giêsu mời gọi những ai muốn theo Người phải bước đi (x, Lc 9, 23).
Dân chúng đang ùn ùn kéo theo Người ! Nhưng động cơ, mục đích của họ hoàn toàn ngược với đường Thập Giá của Đức Giêsu. Ích kỷ, vụ lợi, chỉ tìm lợi ích cho bản thân, phe nhóm …. Đó là điều họ đang tìm kiếm. Kể cả các môn đệ, Nhóm 12, và Đức Giêsu phải chỉnh sửa họ (x. Lc 9, 46. 49 – 55). Còn đối với đám đông, Đức Giêsu cảnh cáo “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào …” (x. Lc 13, 24). Và hôm nay, khi thấy có rất đông người cùng đi đường với mình, Đức Giêsu quay lại bảo họ: “ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26 -27). Lại một lời cảnh cáo, kèm lời mời vác Thập Giá được nói thẳng cho những ai muốn đi theo, muốn làm môn đệ Người. Đòi hỏi lần này xem ra hơi quá đáng và chẳng “đắc nhân tâm” chút nào !
Thực ra xét cho tận căn, đó không phải là một đòi hỏi mà là hồi phục một quy luật: qui luật sự sống và phát triển nhân loại đã được Cha thiết lập trong công trình sáng tạo; Đức Giêsu chỉ mở rộng thêm tầm nhìn của qui luật đó thôi. Thật vậy, ngay từ lúc mới dựng nên ông bà nguyên tổ, Thiên Chúa đã khắc ghi định luật “ từ bỏ cha mẹ” vào bản thân của nhân loại : “ bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình….” (x.St 2, 24), để tạo thành một cộng đồng sống mới làm nền tảng cho sự lưu truyền và phát triển sự sống. Vậy vấn đề ở đây không nằm ở chỗ từ bỏ mà là ĐỘNG CƠ, MỤC ĐÍCH của việc từ bỏ đó. St 2, 24 đã cho thấy động cơ và mục đích phải “lìa cha mẹ” là tạo nên những cộng đoàn mới duy trì, phát triển nhân loại. Và định luật “từ bỏ” đó, lẫn động cơ, mục đích vẫn còn giá trị cho đến nay. Thật vậy, chưa lập gia đình thì con cái ở chung với bố mẹ; nhưng khi có gia đình rồi thì một trong những mơ ước của cặp vợ chồng trẻ (và cả của cha mẹ hai bên) là có một tổ ấm để RA RIÊNG. Từ qui luật sống và nền tảng này, một hoa trái tốt đẹp đã nảy sinh, đó là “hi sinh mạng sống cho nhau”. Trong một xã hội lành mạnh, gia đình yêu thương nhau thì chuyện vợ chồng, cha mẹ,con cái, anh chị em sẵn sàng hi sinh mạng sống cho nhau là chuyện BÌNH THƯỜNG. Tiếc thay, kể từ khi hai nguyên tổ sa ngã, mọi tương quan tốt đẹp bị xáo trộn. Thiên Chúa hứa ra tay giúp con người hồi phục (x. St 3, 15). Đức Giê su chính là người đến thực hiện dự tính đó của Thiên Chúa.
Đức Giêsu tới hồi phục nhân loại bằng cách thiết lập một cộng đoàn thiên sai, dựa trên chất keo liên kết là “đường thập giá”; vì vậy việc phải tạm lìa bỏ các mối liến kết cũ để lập một liên kết mới cần thiết hơn cho sự sống, sự tồn vong của nhân loại là HỢP LÝ, PHẢI ĐẠO ( không bậc cha mẹ nào buộc con cái phải ở với mình cho tới chết không được đi lập gia đình). Vậy, vấn đề là phải thanh luyện động cơ, mục đích của việc đi theo Chúa.
Đức Giêsu lên Gierêsalem là để hoàn thành con đường thập giá, là để hiến dâng mạng sống mình để cứu nhân loại. Do đó tất cả những yếu tố nào cản trở con đướng cứu độ ấy, ta đều phải từ bỏ. Đức Giêsu đã từ bỏ thiên cung để nhập thế. Từ bỏ “địa vị ngang hang với Thiên Chúa” để nhập thể, đã từ bỏ Đức Mẹ, bà con ở Nadaret để ra đi thiết lập cộng đoàn thiên sai cứu độ. Do đó ai muốn theo Người phải hiểu ý nghĩa con đường Người đi. Vậy qua lời mời tưởng chừng là khắc khe, thực ra Đức Giêsu chỉ cho ta cách thức nên GIỐNG NGƯỜI, hồi phục lại định luật sự sống và đưa tới chóp đỉnh là làm nhân loại trở thành CON THIÊN CHÚA. Tạm bỏ một gia đình giới hạn, bất toàn để xây dựng một gia đình hoàn thiện, vĩnh cữu, hạnh phúc. Đó là ý nghĩa lời mời gọi của Đức Giêsu.
Đức Giêsu thấy người ta ùn ùn đi theo mình, nhưng Người đọc được tâm tư, động cơ, mục đích của họ (so với Ga 6, 24 -27). Nên người phải giúp họ chỉnh sửa nội tâm, thanh luyện động cơ và mục đích đi theo Người; đồng thời ý thức đường đi theo Người là đường Thập giá Cứu Độ hi sinh vì kẻ khác, vì cả nhân loại. Vì vậy cần phải BIẾT NGƯỜI, BIẾT TA, BIẾT VIỆC, BIẾT NHỮNG GÌ TA PHẢI ĐỐI PHÓ…. Để có thể suy xét, lượng sức mình mà có một quyết định thích hợp.
Đừng vì bất đồng hay vì có những cái nhìn sai lạc về con người của Đức Giêsu, về con đường Thập giá, kèm theo những động cơ, mục đích ích kỷ, lương tâm méo mó cuả mình…. mà theo Chúa. Chắc chắn sẽ bỏ cuộc và dĩ nhiên là sẽ có những hậu quả kèm theo. Đó chính là ý nghĩa hai dụ ngôn Chúa kể kèm theo lời mời “dứt bỏ” và “vác Thập Giá”. Hãy suy tính cẩn thận. hãy thành thực với chính mình, hãy không ngừng thanh luyện lương tâm, động cơ theo Chúa để một khi đã quyết tâm theo thì sẽ đi tới cùng.
Vợ hay chồng của tôi chắc chắn là không đòi buộc tôi phải cắt lìa liên hệ, loại bỏ cha mẹ tôi ra khỏi cuộc sống tôi ; “Người ấy” chỉ đề nghị, mời tôi tách lìa cha mẹ để cùng người ấy lập một cộng đồng sống mới vì lợi ích của dòng tộc (có con cháu nối dõi), vì lợi ích nhân loại và cũng là niềm vui cho cả cha mẹ tôi.
Đức Giêsu cũng vậy, Người mời tôi làm một sự CHỌN LỰA. Người mời những ai muốn theo Người hãy chân tâm nhìn thẳng sự thật như Người đã thẳng thắn trình bày để rồi cùng với Người, kể cả cùng với cha mẹ anh em tôi, tôi xây dựng, phục hồi nhân loại.
Frères Đình Long FSC