CHÚA NHẬT MÙA VỌNG III – năm A

“Cứ về thuật lại cho Gioan những điều mắt thấy tai nghe… và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.” (Mt 11,4 – 6)

      Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật vui, Chúa Nhật “hồng”, vì chủ tế được chọn mặc áo lễ màu hồng thay tím, để biểu lộ niềm vui. Nhưng đó là niềm vui nào ? Theo lẽ thường của kiếp nhân sinh, niềm vui của một người đang mong đợi là thấy những gì mình khát mong được đáp trả như ý. Vậy niềm vui của Mùa Vọng Kitô giáo là niềm vui thấy Chúa đang ở cận kề chúng ta, đang cùng chúng ta đảm nhận cuộc sống hiện tại.

      Trong Tin Mừng Chúa Nhật III A Mùa Vọng, rõ ràng là Đức Giêsu, Đấng muôn dân mong đợi đã đến rồi. Người đang ở giữa cộng đoàn dân Chúa với những lời nói, việc làm ứng nghiệm lời ngôn sứ ; Với các dấu lạ được Người thể hiện công khai, củng cố cho lời giảng dạy của Người “Nước Trời đã đến rồi” (Mt 4,17b), “Người chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn, tật nguyền trong dân” (4,23b). Tuy nhiên những lời Người giảng dạy đòi buộc người nghe phải hoán cải, thay đổi cái nhìn của mình cho phù hợp với sứ điệp mà Người mang tới. Nếu không có được sự hoán cải nội tâm này, thì những phép lạ do Đức Giêsu thực hiện có nguy cơ trở thành những cơn cám dỗ nguy hại. Đó là người ta đến với Đức Giêsu chỉ để hưởng ích lợi vật chất trước mắt của phép lạ mà không nhận ra được ý nghĩa mà Chúa muốn gởi đến qua các dấu lạ đó. Nếu không sám hối, thay đổi não trạng một cách chân thật thì con người và sứ điệp của Đức Giêsu, thay vì mang lại niềm vui, có thể trở thành cớ vấp phạm đến độ không còn nhận ra Người là Đấng Mêsia của Thiên Chúa. Niềm vui mà Chúa Nhật III A Mùa Vọng mang tới là niềm vui CÓ CHÚA ; biết Chúa ở cùng, sẵn sàng đón nhận sứ điệp của Người và điều chỉnh mọi khát vọng của mình theo sứ điệp đó : Hãy sám hối (mêtanoêitê : 4,17b) và Tin vào Tin Mừng.

      Thật vậy, đó chính là trường hợp của Gioan Tẩy Giả mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến. Niềm vui của Chúa Nhật III A Mùa Vọng được Tin Mừng mở đầu bằng một sự kiện buồn: cảnh tù đày bất công của Gioan Tẩy Giả. Gioan bị tù vì đã can đảm sống công chính, dám ngăn cản Herode cướp vợ của anh mình (x.Mt 14,3 – 4). Thực tế phũ phàng ấy ngược hẳn với những gì Gioan đã xác tín và loan báo về thời đại của Đấng Mêsia; ông mạnh mẽ loan báo Đấng Mêsia sắp tới là một Thẩm Phán công minh, nghiêm khắc sẽ thực thi công lý, thẳng tay trừng trị kẻ gian ác. Thế nhưng bạo vương Hêrôđê vẫn tự do phạm tội, sống an nhàn, còn ông lại bị tù tội.

      Lúc đó, Đức Giêsu đã xuất hiện và công khai thi hành sứ vụ ở giữa dân Do Thái rồi. Uy tín của Người càng ngày càng tăng với những lời giảng dạy đầy uy quyền vượt xa các kinh sư, biệt phái (x.Mt 7,29) và nhất là Người đã làm những phép lạ lớn lao (x.Matthêu chương 8 và 9). Thế nhưng chưa thấy có dấu hiệu nào tỏ lộ Người là vị Thẩm Phán nghiêm khắc như Gioan đã loan báo (xem Tin Mừng tuần trước). Trái lại, Người có vẻ gì đó bất thường : thi ân cho dân ngoại, lại còn chê bai dân Chúa (x.Mt 8.5 – 13) ; Ăn nói có vẻ phạm thượng (9,3) ; La cà với các tội nhân, bọn thu thuế, lại còn nhận một tên trong bọn làm môn đệ nữa chứ (9, 9-10) ; Người có dáng vẻ không đạo đức, dường như thờ ơ trong việc ngóng chờ Đấng Mêsia : không ăn chay (9,14 – 17) đến nỗi các biệt phái cho rằng Người bởi tướng quỷ Beelzeboul mà tới (9,34 ; 10,24 – 25) ; Và rồi còn công khai tuyên bố rằng Người đến đem chia rẽ, gây chiến tranh (10,34 – 36).

      Với nỗi oan ức của bản thân, với những tin tức thu thập được về Đức Giêsu, ngược hẳn với những gì ông rao giảng, Gioan đâm ra hoang mang không biết Đức Giêsu có phải là Đấng Mêsia không ? Chính vì thế, dù bị tù ông vẫn sai hai môn đệ đến gặp Đức Giêsu thỉnh ý Người. Điều tuyệt vời nơi Gioan là dù âu lo, nghi hoặc nhưng ông đã đến thỉnh ý Đức Giêsu ; vẫn trung tín với Lề Luật : sai hai môn đệ để chứng của hai người là đáng tin cậy. Các thái độ ấy cho thấy sự ngay chính, khiêm tốn và sẵn sàng từ bỏ ý riêng của ông trong tương quan với Đức Giêsu. Chao đảo là vì một mặt ông vẫn còn tin vào Đức Giêsu, mặt khác ông cũng tin rằng sứ mạng và nội dung mà ông ra giảng là đến từ Thiên Chúa. Chính trong cái thế dằng co tối tăm như vậy, sự công chính của Gioan mới nổi bật lên : ông không tuyệt vọng, cũng không tự tiện quyết đoán ; ông muốn đặt mình vào đúng vị trí mà Thiên Chúa muốn cho ông, nên đã sai môn đệ đến gặp Đức Giêsu nhờ Người soi dẫn. Trong tương quan với Đức Giêsu, thay vì lấy mình làm chuẩn mực để quyết định, Gioan đã chọn con đường làm người môn đệ.

      Câu đáp của Đức Giêsu là mời gọi Gioan chiêm nghiệm lại lời Kinh Thánh, lời ngôn sứ rồi so sánh với những việc Đức Giêsu đã và đang làm : các anh cứ về và thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe “mù được thấy, què đi được…” (x.Mt 11,4 – 5). Câu đáp của Đức Giêsu hàm ý rằng lời ngôn sứ đã ứng nghiệm, vậy Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia. Tuy vậy để nhận ra căn tính Mêsia trong một con người có những nét đặc thù gây nên cớ vấp phạm như Gioan đã nghe nói thật không dễ. Vì thế Đức Giêsu công bố một mối phúc mới “phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (11,6). Gioan đã rao giảng, mời gọi người ta sám hối. Giờ đây Đức Giêsu mời ông hãy sám hối, bỏ cái nhìn cũ mà ông đã xác tín để đón nhận Đức Giêsu như Người đang tỏ bày.

      Thật vậy, tất cả những ai theo Chúa đều phải có một lúc làm một quyết định từ bỏ tận căn, làm một chọn lựa xương máu trong đức tin : đó là từ bỏ một lý tưởng mà trước giờ mình vẫn hằng cho là đúng và đã đem cả sinh mạng của mình ra bền tâm theo đuổi… để CHỌN LẤY CHÍNH CHÚA. Đây là sự từ bỏ rốt ráo trong bóng tối của đức tin, của sự phó thác : Abraham đã chấp nhận hiến tế Isaac ; Đức Mẹ nhận cưu mang “Ngôi – Lời – nhập – thể” ; Giuse nhận đón Maria và Hài Nhi trong dạ Mẹ không phải con mình về nhà mình. Giờ đây Gioan phải thực hiện nơi bản thân mình điều mà ông rao giảng. Tuy nhiên, ở đây, đòi hỏi triệt để hơn : “hoán cải”, “sám hối” không chỉ bỏ điều xấu mà còn là phải bỏ ngay cả lý tưởng tốt đẹp đã từng là lẽ sống của đời mình để chỉ còn chọn một mình Đức Giêsu mà thôi.

      Vậy niềm vui của Mùa Vọng là niềm vui biết rõ Chúa đang ở giữa chúng ta ; niềm vui của sự sẵn sàng từ bỏ mọi sự, để mở rộng tâm hồn đón nhận Đức Giêsu làm Cứu Chúa của đời mình, làm Cứu Tinh của nhân loại. Niềm vui luôn luôn có Chúa ở cùng, vì Người chính là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Frère Pierre Đình Long FSC