SUY NỆM MÙA VỌNG IV – năm A

 “Này ông Giuse, con cháu Đavit đừng ngại đón Maria vợ ông về… Và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu.” (Mt 1,20 – 21)

Hôm nay là Chúa Nhật cuối của Mùa Vọng. Ngày giáng sinh đã gần kề. Tin Mừng đưa chúng ta về lại thời điểm cận kề với biến cố giáng sinh. Nội dung bài đọc Tin Mừng cả ba năm ABC đều quy về sự kiện Ngôi Lời nhập thể vào cung lòng Trinh Nữ Maria ; đồng thời cũng cho thấy những phản ứng của con người trước biến cố đó :

  • Năm A : Phản ứng của Giuse khi biết Maria thụ thai.
  • Năm B : Phản ứng của Maria trước ý định của Thiên Chúa được tỏ bày qua lời của Thần Sứ truyền tin.
  • Năm C : Phản ứng của thai nhi Gioan và của bà mẹ là Ysave trước sự kiện Đức Maria và Thai Nhi đến thăm bà Ysave.

Trong năm A, Tin Mừng mời chúng ta suy niệm về thái độ của Giuse trước dự tính lạ lùng của Thiên Chúa ; đồng thời ngang qua biến cố truyền tin cho Giuse, một vài nét dung mạo của Đấng Mêsia cũng được tỏ lộ.

Mở đầu, Tin Mừng năm A giới thiệu cha mẹ của Đức Giêsu Kitô và tình trạng Người nhập thể vào lòng mẹ như thế nào. Qua tên “Giêsu Kitô”, Matthêu công bố Giêsu là Đấng Mêsia (“Kitô” là chuyển ngữ hy lạp của “Mêsia” trong tiếng Do Thái). Mẹ Người là Maria đã thụ thai Người bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Mẹ Người và Giuse đích thật là vợ chồng theo đúng luật vì đã đính hôn với nhau. Và theo tập tục Do Thái, sau khi đính hôn hai người có quyền có con với nhau. Do đó Tin Mừng cho thấy rằng cả làng quê Nadaret chẳng ai ngạc nhiên hay xầm xì gì với nhau khi thấy Maria có thai. Tất cả đều chung vui với đôi vợ chồng trẻ đã sớm có con, vốn được coi là phúc lành của Chúa.

Tiếp theo là phản ứng của Giuse trước “tin vui” đó (?!) (1,19) : nhưng đối với Giuse thì đó không hề là “tin vui” mà là một tin kinh hoàng : lẽ nào Maria, vợ ông lại bội phản, ngoại tình? Vì ông biết chắc rằng Hài Nhi trong cung lòng vợ không phải là con của ông. Phải xử trí sao đây ? Theo văn mạch thì cho tới lúc này, Giuse chưa biết Thai Nhi là do Chúa Thánh Thần (1,20c). Và ông đã lấy một quyết định khá lạ lùng mà lý do là vì ông là người công chính và không muốn tố giác Maria nên ông định tâm bỏ bà cách kín đáo.

Sự công chính của Giuse có lẽ nằm ở chỗ ông đã tự ý chọn tạm lãnh nhận mọi trách nhiệm và hậu quả trước mắt của sự việc Maria đang mang thai, nhờ đó Maria và Hài Nhi sẽ được bình an trong tình làng nghĩa xóm ít ra là trong một thời gian. Vì khi ông âm thầm bỏ Maria thì làng xóm vẫn cứ tưởng Hài Nhi là con của ông thì họ sẽ trách ông và đùm bọc Maria. Dự tính đó, ít ra có thể làm được, tạm yên ổn trong giai đoạn này.

Thật vậy đây còn trong giai đoạn hai ông bà chưa về chung sống dù Maria đã có thai, do đó việc ở riêng còn hoàn toàn hợp tình hợp lý, sẽ không bị dư luận dị nghị. Về phần cá nhân, chắc chắn Giuse tin Maria là người đoan chính ; do đó trong khi chưa hiểu được căn nguyên của sự việc thì không phải vội nại đến lề luật để tố cáo Maria khi chưa trực diện đối thoại nghe Maria biện minh (x.Ga 7,51). Cần bình tâm đừng vội để ghen tương, dục tình xỏ mũi ; chắc là Giuse phải cầu nguyện nhiều dù bản văn không nói, để chờ ý Chúa. Và bản văn cho thấy dự tính đó chỉ mới chớm nở trong ý của Giuse thôi. Thiên Chúa muốn Giuse phải bộc lộ hết suy tư của mình để rồi Người can thiệp đúng lúc mời ông (cũng như đã mời Maria) bỏ đi dự tính riêng tư của mình và đón nhận dự tính thần linh của Chúa.

Chúa mời Giuse bỏ đi cái tính toán mang tính đối phó, bất toàn, nhất thời do ông nghĩ ra, chấp nhận để cho Thiên Chúa thực hiện nơi ông dự tính của Chúa bằng cách can thiệp đúng lúc mặc khải cho ông sự thật về việc Maria thụ thai : “Này Giuse, CON CHÁU ĐAVIT, đừng ngại đón Maria VỢ ÔNG về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Điểm mà Tin Mừng nhấn mạnh là GIUSE CON CHÁU ĐAVIT và Maria là VỢ GIUSE ; Như vậy Chúa mời Giuse trong tư cách là người thừa kế Đavit nhận vợ và Hài Nhi trong lòng vợ về NHÀ mình và như thế là trước mặt làng xóm và LUẬT, Hài Nhi của Maria sẽ là người THỪA KẾ hợp pháp nhà Đavit và như thế là mọi lời Thiên Chúa đoan hứa, giao ước với Abraham và với Đavit được Chúa hoàn tất nơi Hài Nhi này nhờ LUẬT (Đừng quên rằng đối với dân Do Thái, yếu tố để được hưởng ân lộc của tổ phụ Abraham là giao ước cắt bì, chứ không phải là do Abraham sinh ra theo xác thịt : x.St17,14). Vậy LUẬT luôn có vai trò quan trọng không hủy bỏ được, vì nhờ LUẬT mà Giêsu chính thức là người thừa kế Đavit ; Giuse chính là người cộng tác DUY NHẤT trong lãnh vực này giúp LUẬT hoàn thành được sứ mạng lịch sử của nó qua việc Giuse đón Maria VỢ ÔNG về NHÀ mình.

Sứ mạng cao trọng Chúa trao cho Giuse là LÀM CHA HÀI NHI theo luật bằng cách đặt tên cho Hài Nhi là GIÊSU. Tên này là do Thiên Chúa đặt, nó nói lên dự tính của Thiên Chúa : Giêsu = “ĐỨC CHÚA cứu độ”, điều mà Chúa muốn cứu là cứu DÂN NGƯỜI khỏi TỘI LỖI CỦA HỌ. Tội lỗi cắt đứt mọi tương giao giữa con người với Thiên Chúa, khiến con người trốn chạy Thiên Chúa (x.St 3,8) ; Giêsu được Chúa sai đến tìm đưa lại con người về với Thiên Chúa. Đó là sứ mạng chính yếu của Người.

Hậu quả của tội là con người trốn Thiên Chúa, bị đuổi khỏi vườn Eden, từ đó sống trong tình trạng xa cách Thiên Chúa ; Giờ đây Thiên Chúa khắc phục hậu quả đó bằng cách sai Giêsu đi đến tận nơi con người đang bị án phạt, biến nơi đó thành chốn “Thiên – Chúa – ở – cùng – chúng – ta” (Mt 1,23). Để gặp lại được Thiên Chúa, nối kết tình thân, con người không cần về lại vườn Eden nữa vì từ nay Thiên Chúa đã vĩnh viễn ở cùng chúng ta ngay trong xác phàm nhân loại.

Chúa mời Giuse và Maria cho Chúa “MƯỢN” con người của hai Đấng để hoàn tất dự tính thần linh “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, ngay giữa lòng nhân loại tội lỗi. Nhờ lời đáp “xin vâng” của Maria và Giuse, dự tính cứu độ của Thiên Chúa đã trở thành con người Giêsu sống động giữa thế trần tội lỗi và thế trần tội lỗi, lòng người gian trá được tình yêu Chúa đổi mới thành NGAI TÒA của Thiên Chúa.

Công trình tuyệt vời ấy, Thiên Chúa vẫn tiếp tục nơi từng con người các tín hữu. Mỗi tín hữu phải là một Maria, một Giuse trong môi trường mình đang sống, để Đấng Emmanuel luôn là một thực tại sống động cho thế giới hôm nay.

Frère Pierre Đình Long FSC