CHÚA NHẬT LỄ LÁ – NĂM A

Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14-27,66

Chủ đề: TỰ NGUYỆN CHỌN ĐI ĐƯỜNG THẬP GIÁ THEO Ý CHÚA.

* Is 50,6c.7c: ĐỨC CHÚA đã mở tai tôi…Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc, phỉ nhổ…Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.

* Mt 26,39b: Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Nhưng xin đừng theo Ý con mà xin theo Ý Cha.

Hôm nay Lễ Lá, bắt đầu Tuần Thánh. Phụng vụ mời ta chiêm ngắm hai chiều kích của Mầu Nhiệm Vượt Qua (Thập giá và Phục Sinh) của Đức Giêsu: vinh quang và khổ nạn biểu lộ qua hai nghi thức:

  1. KIỆU LÁ: cử hành ngoài nhà thờ gồm làm phép lá – Phụng vụ Lời Chúa (chỉ đọc Tin Mừng Matthêu cho năm A; Maccô năm B; Luca năm C. Nội dung đều nói về việc Đức Giêsu vào Giêrusalem và được dân chúng đón rước như Đấng Mêsia, vị Thiên Sai của Chúa) – và kiệu lá.

Đây là nghi thức ĐẦY Ý NGHĨA khai mạc Tuần Thánh nhằm nhắc nhở, khích lệ dân Chúa rằng ĐIỂM ĐẾN của Tuần Thánh, vốn bị bao phủ bởi bầu khí u buồn, là VINH QUANG PHỤC SINH; còn khổ đau, cái chết chỉ là “CỬA KHẨU” phải bước qua để vào cuộc sống mới.

  1. THÁNH LỄ: cử hành bên trong Nhà Thờ. Các bài đọc đều hướng về Thập Giá của Đức Giêsu. Bài đọc một và hai dùng chung cho cả chu kỳ ba năm ABC; còn Tin Mừng thay đổi: Matthêu năm A, Maccô năm B, Luca năm C.

Bài đọc một là bài ca thứ ba nói về Người Tôi Trung trích từ Is 50. Mở đầu bản văn cho thấy Thiên Chúa đã có một dự tính đối với Người Tôi Trung: Chúa muốn Người Tôi Trung trở nên một môn đệ ngôn sứ, đào tạo Người Tôi Trung để Người Tôi Trung “biết lựa lời nâng đỡ những ai kiệt sức” (c.4).

Trước dự tính của Thiên Chúa đối với mình, Người Tôi Trung đã đáp trả lại bằng thái độ LẮNG NGHE: không cưỡng lại lệnh Chúa, không rút lui (c.5). Người Tôi Trung đã sẵn sàng đón nhận mọi chống đối, ác ý từ phía những người chống đối: chịu đánh đòn, chịu giật râu, chịu phỉ nhổ (c.6) để hoàn tất sứ mạng Thiên Chúa trao. Người Tôi Trung dám TỰ NGUYỆN đón nhận ý Chúa như vậy là vì tin tưởng mình được Thiên Chúa hộ phù (c.7).

Như vậy số phận của Người Tôi Trung là kết quả của ba yếu tố đan chéo vào nhau: ý định của Thiên Chúa – sự tự nguyện, ý thức đón nhận ý Chúa của Người Tôi Trung – và ác ý từ phía những người chống đối.

Ba yếu tố trên cũng được nhắc lại trong bài đọc hai: thơ Phaolô gởi giáo đoàn Pl 2,6-11. Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa (c.6), nhưng Người đã TỰ NGUYỆN “mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân (c.7) “vâng lời” theo Ý CHA (c.8), chấp nhận phận con người phải chết, mà là một cái chết như tội nhân trên thập tự do ÁC Ý của những NGƯỜI CHỐNG ĐỐI gây ra (c.8).Qua cách sống ấy, Đức Giêsu đã “tôn vinh Thiên Chúa Cha” và được Cha siêu tôn “Đức Giêsu là CHÚA”, với quyền CHÚA bao trùm cả hoàn vũ: đất, trời lẫn âm phủ (cc.9-11) khi nghe tên Giêsu đều sấp mình bái thờ.

Trong bài Thương Khó, chúng ta chỉ kể ra vài chi tiết chính:

  • Thập giá là Ý CHA được thấy rõ nét trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong Vườn Cây Dầu, được Matthêu lập lại tới ba lần (26,39.42.44): “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này.Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (c.39).

  • Tình yêu TỰ NGUYỆN của Đức Giêsu đạt tới đỉnh điểm trong việc Đức Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Đức Giêsu đã cử hành trước Mầu Nhiệm Thập giá hiến tế của Người đồng thời làm biến đổi hẳn ý nghĩa của Thập giá: – dấu chỉ của hận thù tội lỗi trở thành dấu chỉ của tình yêu tột cùng – cây chết chóc trở thành Bàn Tiệc Trường Sinh, thành Chén Cứu Độ.

  • Các chi tiết ác ý con người thì nhiều, nhưng chóp đỉnh chính là thái độ khước từ quyết liệt của Dân được biểu lộ qua câu nói liều mạng, dám đem cả vận mạng dân tộc mọi thời của họ ra, để đổi lại việc giết cho kỳ được Đức Giêsu: “máu của hắn cứ đổ xuống đầu CHÚNG TÔI VÀ CON CHÁU CHÚNG TÔI” (27,25).

Tuy nhiên ác ý ấy đã được Ý CHA, TÌNH YÊU của Đức Giêsu, qua bí tích Thánh Thể đã biến thành NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ CHO MUÔN NGƯỜI: “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (26,28).

Ác ý của kẻ dữ vẫn còn đó, nhưng Tình Yêu và quyền năng của Ba Ngôi Thiên Chúa đã vô hiệu hóa nọc độc của Tử Thần, biến Thập Giá thành lộ trình dẫn tới Phục Sinh. Phần còn lại đối với tín hữu là có dám tin, rồi tự nguyện đồng hành với Đức Giêsu phục sinh trên đường Thập Giá của Người?

Trong niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta hãy can đảm bước vào lộ trình Thập Giá yêu thương của TUẦN THÁNH.

Frère Pierre Đình Long FSC