“Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời…thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,54.55).
Lễ Mình Máu Chúa Kitô là lễ trọng mừng kính Bí Tích Thánh Thể. Qua lễ này, Giáo hội tuyên xưng cách long trọng qua một nghi thức phụng vụ, đức tin của mình vào Bí Tích Thánh Thể: “Trong Bí Tích Thánh Thể cực thánh, nghĩa là trong tấm bánh mà mắt phàm nhân loại đang thấy trước mắt, Mình và Máu cùng với linh hồn và thần tính của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô…hiện diện một cách đích thực, thật sự và theo bản thể” (x.GLHTCG 1374). Bí Tích Thánh Thể được Đức Giêsu thiết lập vào thứ năm Tuần Thánh, do đó có nơi cử hành lễ này vào thứ năm sau lễ Chúa Ba Ngôi; còn nơi nào lễ Mình Máu Thánh không được coi là lễ nghỉ làm việc thì cử hành vào Chúa Nhật sau Lễ Ba Ngôi. Lễ này còn được gọi là “Lễ – Thiên – Chúa” (la Fête – Dieu). Lần đầu tiên được cử hành ở giáo phận Liège (Pháp) vào năm 1246. Rồi đến 11/8/1264, Đức Giáo Hoàng Urbanô IV qua Tông Sắc Transiturus mở rộng việc mừng lễ này cho toàn thế giới (x.Théo trang 921c).
Bí Tích Thánh Thể là sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa được Đức Giêsu thể hiện ra bằng những phương thế rất con người, từ những chất liệu vật chất của trần gian: bánh, rượu, ăn, uống…để người có thể thực sự hiệp nhất nên một với từng người trong chúng ta và liên kết tất cả chúng ta thành Nhiệm Thể của Người. Quả thật trong thân phận con người, không có phương thức nào làm cho hai đối thể khác nhau được hòa hợp nên một với nhau như việc ĂN, UỐNG. Do những tiêu cực phát xuất từ cuộc sống đã bị tội khống chế của chúng ta, nên người đời lắm khi có cái nhìn xấu về chuyện ăn uống. Tuy nhiên khi sáng tạo vũ hoàn, trong ý của Thiên Chúa: ăn là nguồn sống, ăn uống là kết thân, là để lớn lên, là để đạt tầm mức trưởng thành…vì thế Chúa mới ban cho cây Trường Sinh để nhờ đó cái ăn không đưa con người tới bệnh, lão, chết mà nhờ ăn trái Trường Sinh nên con người sẽ sống mãi. Tiếc thay, con người không thèm ăn trái Trường Sinh, lại đi ăn trái Cấm, con người đòi hiểu biết thiện ác NHƯ THIÊN CHÚA và biết NGAY TỨC KHẮC chỉ nhờ ĂN (St 3,5).
Điều con người đòi cướp từ tay Thiên Chúa thì Thiên Chúa sai Đức Giêsu đến tặng miễn phí: cũng bằng phương thức ăn và uống; thức ăn là sản phẩm từ đất đai do Chúa tạo ra. Tuy nhiên có một điều khác cơ bản: không có kết quả ảo tưởng NGAY TỨC KHẮC. Để có được tấm bánh, ly rượu Mình Máu Đức Kitô, Thiên Chúa đi TỪNG BƯỚC MỘT theo cách thức LÀM NGƯỜI:
-
Trong công trình Sáng Tạo, Thiên Chúa cho đất đai có sức sống làm cho cây cối (cũng do Chúa) tạo ra với các qui luật kèm theo) được sinh hoa kết trái.
-
Chúa cho con người sức lao động để khai thác thiên nhiên theo ý Chúa.
-
Chúa dùng Luật, Ngôn Sứ dần dần dạy dỗ chuẩn bị tâm hồn con người, giúp con người xác tín: con người sống không là do cái vật chất cơm bánh đâu mà cội nguồn là do Lời Chúa. Chúa chuẩn bị tâm hồn cho con người trước suốt thời Cựu Ước, bằng Lời Chúa.
-
Rồi đến Đức Giêsu: phép lạ nhân bánh. Người ta tưởng rằng mình sống là nhờ bánh mì; Thực ra là nhờ Lời của Đức Giêsu. Vì thế khi dân Do Thái tìm Đức Giêsu để mong được có bánh mì ăn tiếp thì Đức Giêsu từ chối nhưng Người mời họ TIN vào Lời Người (x.Ga 6,29.68.69).
Chính trong bối cảnh chung của toàn bộ lịch sử cứu độ trên mà Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể (Nhất Lãm), còn trong Tin Mừng Gioan thì thuật lại chương sáu cũng trong khung cảnh Lễ Vượt Qua Do Thái (x.Ga 6,4).
Theo Nhất Lãm, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể. Khía cạnh mà Nhất Lãm nhấn mạnh là GIAO ƯỚC; chi tiết “ăn” chỉ được nói thoáng qua; khía cạnh lưu truyền nghi thức được lưu ý (x.Lc 22,19b) “làm để nhớ đến Thầy”; Đối tượng trực tiếp mà Đức Giêsu nhắm tới chỉ là Nhóm Mười Hai, để trao cho các ông quyền thừa kế (x.Mc 14,22-24; Mt 26,26-29; Lc 22, 19-20).
Còn trong Tin Mừng Gioan, đối tượng trực tiếp bản văn nói đến là “người Do Thái”, và đối tượng được Chúa mời ăn là “Ai”, nghĩa là mở rộng ra cho mọi người, mọi thời, mọi nơi. Kết quả là đám đông đã từ chối lời mời của Đức Giêsu vì họ không tin. Gioan chương sáu không nói trực tiếp đến Bí Tích Thánh Thể nhưng các chi tiết rõ ràng là gợi lại Bí Tích cực trọng này. Còn thứ năm Tiệc Ly, đối tượng chỉ còn là số môn đệ ít ỏi, thân tín, Đức Giêsu không nói về nghi thức Thánh Thể mà Người nói đến Ý NGHĨA của Thánh Thể: các bài diễn từ trong bữa Tiệc Ly cho thấy khát vọng của Đức Giêsu: Cha – Thầy – môn đệ nên một nhờ Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu sẽ gởi đến.
-
Đức Giêsu sẽ xin Cha ban Thần Khí cho môn đệ. Thần Khí sẽ ở luôn mãi giữa môn đệ và ở trong môn đệ (x.Ga 14,15-17).
-
Đức Giêsu báo trước là SẼ có một ngày Cha – Thầy và môn đệ ở trong nhau (14,20).
-
Đức Giêsu ao ước môn đệ đáp lời (Trong bữa Tiệc ly) thay vì từ chối như đám đông (ở chương sáu): “hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em…” (x.Ga 15,4).
Vấn đề là bằng cách nào để sự nên một ấy được thể hiện? ĂN! Những yếu tố phàm trần đã được Đức Giêsu, bằng quyền năng và tình yêu của một vị Thiên Chúa, biến thành phương thế hữu hiệu để nhân loại nhờ đó được thông hiệp vào sự sống của Thiên Chúa.
Thật vậy trong lãnh vực trần thế: nhờ ĂN, NHAI, UỐNG mà lương thực và người ăn nên một. Nên một theo nghĩa đen luôn chứ không chỉ theo nghĩa biểu tượng như “nên một xương một thịt” trong đời sống vợ chồng. Nếu được ăn vào mà lương thực không TIÊU (hóa) thành xương thịt người ăn sẽ TIÊU (tùng).
Trong Bí Tích Thánh Thể còn có một biến đổi đặc biệt nữa là: khi lương thực (Mình Máu Đức Kitô) được người ăn (tín hữu) đón nhận hài hòa, nên một thì lương thực sẽ từng bước một thánh hóa người ăn trở thành hoàn thiện dần dần giống như Đức Giêsu: sức sống thần linh của Mình Máu Thánh Đức Giêsu thấm dần vào trong nhân tính phải chết của chúng ta, dần dần hình thành trong chúng ta một mầm sống thần linh; Mầm sống ấy lớn lên mỗi ngày nhờ Thánh Thể và Lời Chúa, để rồi khi thân xác phải chết của chúng ta bị mục nát trong lòng đất thì Mầm Sống Thần Linh vẫn tồn tại, và đến ngày tận thế, Mầm Sống ấy trổ sinh hoa trái trường sinh là sự sống đời đời.
Với tầm nhìn chung đó chúng ta đọc lại Ga 6,51-58. Điều lấn cấn của đoạn Tin Mừng này nằm ở chỗ: – Phần Đức Giêsu, Người khẳng định bằng cách lập đi lập lại (gần như trong cả đoạn này, chỉ trừ câu 52, trong câu nào cũng đều có ý Đức Giêsu khẳng định phải ĂN Người) là phải ăn thịt và uống máu Người. – Còn người Do Thái, kể cả các môn đệ thì cho rằng điều đó không thể có được, và lời Đức Giêsu chướng tai (x.6,52.60).
Vậy vấn đề là nằm ở chỗ phải hiểu “Thịt Máu” như thế nào? Đọc thật cẩn thận, kỹ bản văn, chúng ta rút ra được các điều sau:
-
Đức Giêsu không chỉ nói điều mặc khải trên cho đám dân Do Thái đang ở trước mặt người mà thôi, nhưng mở rộng ra cho mọi người qua cách nói “AI”.
-
Cái sự sống đời đời mà Đức Giêsu hứa ban là chuyện tương lai: “SẼ” (x.câu 54,57,58) Người không nói điều ấy xảy ra NGAY TỨC KHẮC lúc Người đang nói. Đám người nghe lại hiểu là chuyện phải diễn ra ngay lập tức như họ được ăn ngay bánh no nê như hôm trước.
-
Nếu điều đó diễn ra ngay trước mắt thì quả thật là quá tàn bạo: ăn thịt người, uống máu con người! Điều đó Luật cấm! Hơn nữa đó là điều phi lý: làm sao thân xác trước mắt của Đức Giêsu có thể nuôi cả đám đông được, làm sao nuôi tất cả mọi người, mọi thời _“AI”_được.
-
Vậy chữ “SẼ”, Đức Giêsu nói ở đây hướng điều Đức Giêsu sẽ ban về một thực tại tương lai. Cái tương lai mà Đức Giêsu hướng tới chính là hiến tế Thập Giá và Phục Sinh. Với một thân thể giống như chúng ta, Đức Giêsu đã tự hiến làm lễ vật thay cho nhân loại.
Mà theo tinh thần của Luật Do Thái, người dâng lễ vật cho thần linh phải thông hiệp vào lễ hiến tế bằng cách ăn một phần lễ hiến tế để hưởng được ơn ích do thần linh ban tặng (x.Lv 3,1-17 và chú thích “V” của CGKPV “Ngũ Thư” bản dịch để học hỏi. 2010).
-
Vậy hi tế Đức Giêsu muốn ban tặng làm của ăn cho chúng ta không phải là một xác chết mà là nhân tính phục sinh được tôn vinh là Chúa gồm có Mình, Máu, linh hồn và thần tính của Người (GLHTCG 1374). Thứ lương thực đó mới nuôi dưỡng được toàn thể nhân loại mọi thời, kết hiệp con người với Thiên Chúa và với nhau tạo thành Nhiệm Thể Đức Kitô. Nhưng nhân tính phục sinh của Đức Giêsu, chúng ta đâu có thấy, tiếp xúc?
Để giúp nhân loại mọi thời vượt qua cản trở trên, Đức Giêsu trước khi hiến tế thứ sáu, đã lập Bí Tích Thánh Thể. Việc làm đó của Người thật sự hữu hiệu, thành sự nhờ biến cố Người phục sinh và tôn vinh là CHÚA.
Vậy mừng lễ Mình Máu Thánh không là lễ mừng chỉ cho cá nhân Đức Giêsu mà là lễ mừng nhân tính của nhân loại chúng ta được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi, qua Đức Giêsu đang hiện diện đích thực trong “tấm bánh” và cũng mừng toàn thể nhân lọai được kết hợp với Cha – Con – Thánh Thần. Trong “Tấm Bánh”, Thiên (thiên tính Đức Giêsu) _ Địa (hoa màu ruộng đất) _ Nhân (nhân tính Đức Giêsu) nên một. Thiên – Địa – Nhân hiệp nhất. Mỗi lần rước lễ là mầm sống thần linh được thông chia, thấm vào nhân tính của từng người chúng ta, để rồi khi xác thể phàm hèn phải hư nát, thì sức sống thần linh vẫn tồn tại trong nhân tính mỗi người, chờ ngày cánh chung, sức sống ấy trổ sinh hoa trái là sự sống đời đời, sự sống thần linh nơi chúng ta.
Frère Pierre Đình Long FSC