Chúa Nhật XIII Thường Niên (Mt 10, 37-42)
Tin Mừng hôm nay, là phần kết luận của chương 10, “Bài giảng về những Sứ Mệnh Truyền Giáo”. Đây là những hướng dẫn của Chúa Giêsu ban cho các tông đồ trước khi sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng.
Sau khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã ban quyền hành và sai họ ra đi thi hành mục vụ trong cánh đồng truyền giáo. Người ta chỉ thị cho họ phải chấp nhận cuộc sống hy sinh, khó nghèo, làm việc vất vả, gặp nhiều thử thách, bị bắt bớ hành hạ và bị giết chết. Đứng trước viễn tượng đó Người đã khuyên họ không nên vì sợ hãi mà thiếu lòng tự trọng, rồi mang mặc cảm tự ti làm hủy diệt nhân cách con người. Bởi, tuy không được tôn trọng trước mặt người đời, nhưng trước mặt Thiên Chúa họ rất quan trọng. Đây chính là Tin Mừng đối với các tông đồ.
“Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy”. “Vì Thầy” cũng chính là “Vì anh em”. Biết bao lần, Chúa Giêsu đã đồng hóa mình với tha nhân. Đó là sợi chỉ hồng xuyên suốt các Tin mừng. Người tuyên bố:”Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy”. Đến ngày phán xét, Người cũng sẽ nói với mỗi người chúng ta: “Mỗi lần các ngươi làm cho một người nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy”.
Thực ra, khi kêu gọi môn đệ “theo Thầy” và “liều mất mạng sống mình vì Thầy”, Đức Giêsu không có ý thổi phồng cái tôi của mình. Hi sinh cái tôi để đánh đổi lấy một cái tôi khác, dù cái tôi này có vĩ đại tới đâu, cũng chỉ là chuyện “đánh bùn sang ao”. Chính Đức Giêsu cũng phải hi sinh cái tôi để làm theo thánh ý Chúa Cha. “Thực vậy, Đức Kitô đã không chiều theo sở thích của mình.” (Rm 15, 3) Trong vườn Cây Dầu, Người đã “xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mt 26, 39) Ý Cha đã thực thi hoàn toàn trong cái chết của Chúa Giêsu. Như vậy, Người đã từ bỏ chính mình. Muốn “theo Thầy”, môn đệ cũng “phải từ bỏ chính mình.” (Lc 9, 23)
Xét cho cùng, khi sống kiếp phàm trần, Chúac Giêsu cũng chấp nhận chỉ một mình Chúa Cha mới là nguyên ủy tuyệt đối. Từ lời nói tới việc làm, Chúa Giêsu luôn qui hướng về Chúa Cha (Ga 14, 10). Bởi đấy, nếu “vì yêu mến Thầy” (Ga 16, 27) mà anh em đã “liều mất mạng sống mình vì Thầy” (Mt 10, 39) thì “chính Chúa Cha sẽ yêu mến anh em.” (Ga 16, 27) Nơi đỉnh cao tình yêu đó, con người có thể vượt lên trên tất cả để đạt tới “một cái gì tuyệt đối, tột đỉnh và nền tảng.”
Như thế, “theo Thầy” không có nghĩa là đi từ hư vô này sang hư vô khác, nhưng tới một hiện hữu tuyệt đối là chính Thiên Chúa. Thực vậy, “ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.” (Mt 10, 40) Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: “Tôi và Chúa Cha là một.” (Ga 10, 30) Không những Người hiệp nhất với Chúa Cha, nhưng còn đồng hóa với các môn đệ (Mt 10, 40) và người nghèo (Mt 26, 40). Như vậy, khi “theo Thầy”, người môn đệ biết mình theo ai và phải làm gì.
“Ai tìm mạng sống mình, sẽ mất. Ai đành mất mạng sống mình, sẽ gặp lại”. Đó là nghịch lý của Kitô giáo. Nhưng đó cũng là chân lý của cuộc đời. Thật thế, tất cả những ai miệt mài trong tiền của, danh lợi, chức quyền, lạc thú riêng mình, thì rồi cũng chỉ chuốc lấy đắng cay, chua xót, muộn phiền mà thôi.
Trái lại, một cuộc sống tiêu hao vì người khác sẽ luôn là một cuộc sống tràn đầy, sung mãn. Chính trong phục vụ chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Chính qua những cử chỉ yêu thương chúng ta mới tìm được bản thân mình. Đó là chính là ý nghĩa của “Kinh Hòa Bình” mà chúng ta vẫn thường hát: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…”
Con đường của Chúa Giêsu cũng là con đường dành cho mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể hiểu được thế nào là mất hoặc tìm được sự sống khi chúng ta ngước mắt nhìn lên Chúa Giêsu. Ai nghĩ rằng, chỉ có cuộc sống trần thế là quan trọng hơn cả, thì kẻ đó sẽ tìm đủ mọi phương tiện để chiếm hữu của cải và tìm cách hưởng thụ, nhưng kẻ đó sẽ phải đối diện với cái chết với hai bàn tay trắng. Tất cả đều phải để lại khi đã xuôi tay. Kẻ đó không hiểu đâu là ý nghĩa của cuộc sống con người. Ý nghĩa của cuộc sống con người chính là: Thiên Chúa là khởi nguyên, là trung điểm và tận cùng của cuộc sống con người.
Do đó, ai đặt Thiên Chúa vào địa vị cao trọng nhất trong cuộc sống, kẻ đó hiểu giá trị đích thực của đời sống. Kẻ đó am hiểu những gì Thiên Chúa sẽ trọng đãi đối với kẻ mến yêu Ngài. Cho nên, dầu sống hay chết, dù sống an ninh hay trong nguy hiểm, tất cả đều nằm trong vòng tay đầy yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Ai sống như thế, kẻ đó tìm được sự sống.
Theo Chúa là một cuộc đấu tranh để đạt tới hạnh phúc viên mãn,vĩnh cửu, bất diệt. Ngay sau những lời nhắc nhở chúng con về việc tôn nhận Chúa là Đấng tuyệt đối, Người cũng cho thấy cái giá phải trả khi theo Chúa:”Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” . Thập giá ở đây chính là chiến thắng sự giằng co giữa thế trần và Nước Trời, phải biết gạt bỏ tình cảm , ý riêng của mình, từ bỏ những tình cảm gia đình, những sở thích, nhu cầu của bản thân, hội nhóm để đi theo con đường Chúa đi, Lời Chúa dạy qua Tin Mừng.
Đức Kitô cũng đã trải qua đau thương, Người đã chiến đấu và chiến thắng trước những cám dỗ của ma quỉ. Chính Chúa đã vác Thập giá tiến đến đồi Sọ và sẵn sàng đổ máu mình ra làm chứng cho sự thật, tình yêu. Cuối cùng Người đã chiến thắng sự chết, Người đã Phục sinh vinh hiển và lên trời.
Ta thấy trong đời sống thường ngày, người Kitô hữu bị giằng co giữa một bên là tình cảm gia đình, bên kia là đòi hỏi của Chúa; hoặc một bên là quyến rũ của tiền tài, danh vọng, sống buông thả, một bên là sự trung thành với lý tưởng Kitô giáo. Trong những trường hợp giằng co như vậy, chúng ta sẽ chọn thế nào và phải làm gì? Trang Tin Mừng hôm nay soi sáng và hướng dẫn chúng ta hãy chọn đúng và thực hành đúng.
Huệ Minh