ĐEM VỀ LẠI VỚI ÂN SỦNG
“Ai có thể hiểu được thì hiểu”.
Kính thưa Anh Chị em,
Ngày nay, khi nói đến hôn nhân, một số người trẻ thường dè bỉu và coi những người vợ người chồng thuỷ chung thuộc về một loài nào đó mà nay đã tuyệt chủng. Vậy mà Lời Chúa hôm nay nói một điều ngược lại, chưa tuyệt chủng; con người vẫn thuỷ chung vì Thiên Chúa luôn là Đấng chung thuỷ. Bài đọc Êzêkiel nói đến hôn ước của Chúa Trời với nàng kiều Israel; Tin Mừng nói đến hôn ước của người nam người nữ bắt nguồn từ ý định của Chúa Trời, vì thế ‘loài thuỷ chung’ này không thể tuyệt chủng.
Cũng như ngôn sứ Hôsê, Êzêkiel cho thấy lẽ ra Israel đã tuyệt chủng từ lâu nếu Thiên Chúa không thương xót khi nàng quên mất mình là ai, đến từ đâu và phải làm gì; bởi lẽ, Israel đã bội phản Đấng đã cưới nàng, cũng là Đấng nhặt nàng từ ngoài đồng về, mặc cho nàng phẩm phục, đeo xuyến vào tay, đeo kiềng vào cổ; đội cho nàng vương miện vàng để nàng nên lộng lẫy kiều diễm mà dâm bôn, chạy theo thần ngoại. Thế nhưng, cũng như Hôsê, Êzêkiel kết thúc ngụ ngôn của mình thật đẹp, Thiên Chúa đã tha thứ hết. Sau khi làm cho nàng tô hô, ê hề và bẽ mặt với tội lỗi mình, Người lại xót thương để tái lập một giao ước mới, “Ta sẽ nhớ lại giao ước đã lập với ngươi từ thuở ngươi còn thanh xuân. Ta sẽ thiết lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu khi Ta tha thứ cho ngươi tất cả mọi việc ngươi làm”; Thánh Vịnh đáp ca hôm nay cũng bộc lộ một tâm tình hân hoan, “Giờ đây cơn giận đã nguôi rồi, và Chúa lại ban niềm an ủi”. Hãy đọc lại bài Êzêkiel hôm nay một lần nữa, chúng ta sẽ thấy sự thuỷ chung tuyệt vời của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay tường thuật việc người biệt phái đến thách thức Chúa Giêsu khi họ nại đến chứng từ Môisen cho phép rẫy vợ để biện minh cho việc không cần chung thuỷ. Chúa Giêsu giải thích cho họ, việc Môisen cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời; cho phép khác với truyền dạy. Ngài đến hoàn chỉnh lề luật và nhắc lại ý muốn trọn vẹn khởi thuỷ của Thiên Chúa, “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly”. Ngài không đưa ra một luật mới nào nhưng chỉ đem ý nghĩa của hôn nhân về lại với ân sủng trong ý định ban đầu của Thiên Chúa; đồng thời mời gọi những ai sống đời đôi bạn nhận ra ân sủng của Người qua bí tích. Từ đó, người nam người nữ trở nên những con người mới, những con người được biến đổi bởi ân sủng để nên những con cái thánh thiện tốt lành của Người. Ân sủng của Thiên Chúa làm cho hôn nhân Kitô giáo trở nên sống động và tươi mới và đó là điều mới mẻ, đầy tràn hy vọng và niềm vui mà các đôi bạn Kitô hữu có thể mang đến cho thế giới tục luỵ hôm nay.
Trong kiệt tác Chú Bé Hoàng Tử, Saint Exupéry viết về một đoá hồng cưng duy nhất trên hành tinh nhỏ bé của cậu. Cậu rất mực yêu quý đoá hồng. Cậu chăm sóc, nâng niu dẫu không phải lúc nào đoá hồng cũng làm cậu vui; vì hoa hay nũng nịu, chuyên làm dáng và khá kiêu kỳ. Ngày kia, cậu phải đi xa, đôi bạn sụt sùi nói lời ly biệt. Cậu đi từ hành tinh này đến hành tinh khác, và càng hiểu biết, cậu càng hối hận khi phải để lại cánh hoa yêu thương ở quê nhà. Thế nhưng, vừa đặt chân xuống trái đất, cậu bỗng giật mình khi thấy cả ngàn đoá hồng trong một khu vườn đầy hoa; tất cả vẫy chào cậu với những khuôn mặt xinh tươi hớn hở. Cậu đau khổ vô cùng vì có lần đoá hoa quê nhà bảo cậu rằng, ‘Cô là độc nhất vô nhị của loài hoa trong vũ trụ’; nhưng nay, mới chỉ một khu vườn mà đã có hàng ngàn cánh hoa. Cậu thầm nghĩ, “Trông thấy cảnh này, chắc cô ta ngượng lắm. Cô ta sẽ ho thật to và giả chết để bớt xấu hổ; còn mình, buộc phải làm ra vẻ chăm sóc hơn, nếu không, cô sẽ chết thật”. Cậu lại nghĩ, “Trước đây, với chỉ một bông hồng, mình tưởng mình giàu có như một ông hoàng, nhưng ôi thôi giờ đây…”. Và nằm trên cỏ, cậu khóc nức nở.
Anh Chị em,
Cậu bé hoàng tử nằm khóc nức nở vì hụt hẫng, người Kitô hữu cũng khóc nức nở vì biết rằng, Thiên Chúa ban ân sủng để con cái Người vui hưởng hạnh phúc trong hôn nhân; đồng thời, chính ân sủng Chúa giúp họ đủ sức vượt qua sóng gió trong đời đôi bạn. Dù ở đấng bậc nào, ân sủng Chúa vẫn làm cho chúng ta trở nên những con người mới. Vì thế, người trẻ hôm nay có thể xem thuỷ chung tựa hồ chuyện cổ tích nhưng với chúng ta thì không. Và nếu ơn gọi tận hiến trong đời linh mục tu sĩ đã là một mầu nhiệm thì ơn gọi sống đời hôn nhân lại càng là một mầu nhiệm thánh.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa là Đấng thuỷ chung, xin cho con đừng mang tiếng bội bạc trong bậc sống của mình”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)