Cái thuở ban đầu….

CÁI THUỞ BAN ĐẦU

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”
Hồ Dzếnh
Vừa rời ghế giảng đường, tôi đã phải bước ngay lên bục giảng. Tuổi 23, chập chững vào đời, ngu ngơ, dại khờ.Một buổi trưa cuối mùa hè 1974, chuyến bay Air Vietnam từ Sài gòn thả tôi xuống chảo lửa Phú Bổn. Một cơn mưa nhỏ vừa đổ xuống thị trấn càng làm cho phi đạo trong phi trường và đường phố, đặc biệt là đường Trần Hưng Đạo, bốc hơi nóng hừng hực.Thị trấn không có một loại xe công cộng nào: không có xe buýt, không có xe lam, không có xích lô…May mắn, có một chiếc xe jeep nhà binh đi qua, tôi xin quá giang về nhà thờ. Người sĩ quan trẻ nhìn tôi soi mói:
– Anh về đây công tác?
– Phải, tôi về đây dạy học.
– Anh phạm lỗi gì mà phải đổi về đây?
– Không, tôi mới ra trường và về dạy ở trường của nhà thờ.
– Trường Thăng Tiến?
– Đúng vậy.( Đúng là ở “một nơi ai cũng quen nhau”).Sau này tôi mới biết Phú Bổn là một thung lũng, có giòng sông Ayun Pa, chung quanh là núi. Đất cát cằn cỗi. Mùa hè nóng khủng khiếp, có những năm nhiệt độ lên đến 39,400C, các mặt bàn gỗ bong lên, rịn dầu ra.Trường Thăng Tiến là trung học tư thục – tư thục nhưng lại miễn phí, học sinh chỉ đóng niên liễm. Trường được thành lập năm 1969 do cha Bùi Đức Vượng. Đầu tiên do cha phó xứ Nguyễn Hoa Viên làm hiệu trưởng với sự cộng tác của các thày ICM -Dòng Tận Hiến của cha Việt Anh. Về sau có các thày của giáo phận. Năm 1973 thày Đỗ Viết Đại (sau làm Linh mục tại giáo phận Xuân Lộc) giúp xứ, làm giám học, dưới thời cha Phạm Thiên Trường làm cha xứ, cha Nguyễn Hoàng Sơn làm hiệu trưởng. Năm sau, 1974 tôi về giúp xứ thay thày Đại, có các thày Nguyễn Văn Ngô, Bùi Phương Hạc, Nguyễn Đức Ngọc, Nguyễn văn Lượng và cả bok thày Quý nữa. Có 2 thày bên quân đội, thày Liễn và thày Tâm cùng cộng tác. Thày Ngọc và thày Lượng dạy toán, lý, hóa.Thày Hạc dạy Anh văn lớp 9.Thày Liễn dạy Công dân giáo dục, thày Tâm dạy Anh văn lớp7, lớp 8.Ngoài công việc Giám học và Giám thị, tôi dạy Việt văn lớp 9, Anh văn lớp 6. Thày Ngô phụ trách Ký túc xá và dạy toán lớp 9. Cha Sơn đã xin được giấy phép mở đệ nhị cấp ( cấp 3) nên học kỳ 2 tôi còn dạy thêm tiếng pháp cho lớp 9, chuẩn bị các em lên lớp 10 phải học sinh ngữ 2. Nghe nói năm trước có một xơ và một cô- cô Hai-cùng tham gia giảng dạy. Tiếc rằng năm nay chẳng có bóng hồng nào.Cơ sở trường có hình chữ U.Từ cổng lớn đi vào, qua một sân đá banh rộng là một dẫy nhà dài, nằm ngang. Phòng chính giữa là văn phòng nhà trường, các phòng 2 bên là các lớp học.Cánh trái có thư viện với hơn 2000 đầu sách, cánh phải là ký túc xá cho gần 100 nam sinh Jơrai và Sédang.(Nữ sinh đã có ký túc xá của các xơ Saint Paul –tỉnh dòng Đà Nẵng). Phía sau các lớp học là một sân rộng nữa. Về sau, cha Trường cho đào làm hồ cá, vừa lấy cảnh đẹp, vừa lấy không gian mát mẻ, vừa làm kinh tế, có cá cho các em nội trú ăn.Thày Ngô ở bên Ký túc xá để đồng hành với các em. Các thày Hạc, Ngọc, Lượng và tôi ở bên phía Thư viện. Phòng của tôi quay ra hồ cá phía sau, rất nên thơ.

Tôi ngạc nhiên . Các em lớp 6 rồi, mặc đồng phục áo dài trắng chỉnh tề,tha thướt, thế nhưng khi trời mưa, sau giờ học, các em gởi sách vở và quần áo vào phòng thày, vô tư tắm mưa hoặc tắm hồ. Tự nhiên như tại giếng nước đầu làng. Có khi có cả các em trai nữa, vui vẻ, “thiêng liêng, sáng láng” như trong vườn địa đàng. Không biết tại các em ngây thơ , đơn sơ hay tại các em theo thói quen của người dân tộc nơi đây.

Người dân tộc thường tắm sông, tắm suối. Nhà họ đâu có nhà tắm , nhà vệ sinh. Họ lấy nước sông, nước suối, chứa trong trái bầu khô, gùi về nhà, chỉ để ăn, để uống, không dùng rửa hay giặt. Tắm sông cũng có nghĩa là ‘tắm tiên”. Già trẻ, lớn bé, nam nữ đều tắm tiên. Chỉ dùng 2 tay để che chỗ cần che. Trên đường, phụ nữ đi bán bưởi, bán đu đủ hay bán mướp…vui như trẩy hội, cũng chẳng hề e thẹn, ngượng ngùng. Gặp các thày, các em bé khoanh tay : chào thày! Và để hở ra.

Chiều thứ năm hoặc Chúa nhật nghỉ học, các thày thường dẫn các em đi tắm sông. Cũng có khi cha Sơn cùng đi. Cha tổ chức cho các em chạy đua trên bờ sông. Xếp hàng ngang. Một, hai, ba… chạy. Thế là em nào em nấy vung tay tít mù, chạy băng băng, quên mọi sự…

Đầu năm các thày phải đến các buôn làng dân tộc chiêu sinh. Các em hỏi: “Anh tao đi lính có tiền, tao đi học có tiền không?”. Về học rồi, lâu lâu “nhớ rừng” lại về làng uống rượu, quên cả lối về trường. Bắt tội các thày lại phải đi tìm và dắt về.

Môn Sinh hoạt học đường do thày Ngọc hướng dẫn và thực hành. Thỉnh thoảng cắm trại trong sân trường hoặc dã ngoại. Những dịp đặc biệt có thi đấu thể thao giữa các lớp. Dịp lễ Giáng Sinh 1974 đó trường tổ chức văn nghệ lớn : diễn kịch Mai Hoa Công Chúa.
Mở đầu buổi diễn văn nghệ là bản hợp ca Ave Maria 4 bè của Hải Linh. Chúng tôi mất gần 2 tháng để tập. Thày Ngô, thày Ngọc, thày Tâm và tôi , mỗi người tập một bè, những tuần cuối cùng mới ráp lại và do tôi đánh nhịp.
Kế tiếp là vở Mai Hoa Công Chúa.
Có các vai: Công Chúa Mai Hoa : Hồng, lớp 9.
Vua Lê Thế Tông : An, lớp 9.
Nhũ mẫu : Hà, lớp 8
Trịnh Tùng : Nam, lớp 9
Ngọc Hải : Phối, lớp 8
Giáo sĩ : tôi, thày Lân ( Vì không có học sinh
nào đủ lớn hoặc đủ đạo mạo để thủ vai này).

Mai Hoa Công Chúa là một vở kịch lớn, lấy bối cảnh truyền giáo tại Việt Nam thế kỷ XVI, thời vua Lê ,chúa Trịnh.

Công chúa Mai Hoa (Maria Flora) là con của Hoàng đế Lê Anh Tông (1556-1573) và là chị gái của Hoàng đế Lê Thế Tông (1573-1599)’của Đại Việt. Khi vua cha chạy trốn vào Nghệ An và bị Trịnh Tùng đuổi theo bắt và giết chết, lúc 42 tuổi (1573), Lê Thế Tông là con lên ngôi. Vì vua em này lên ngôi lúc 7 tuổi, nên công chúa Mai Hoa được cử làm nhiếp chính cho đến khi vua Lê Thế Tông trưởng thành, chính thức tiếp nhận ngôi vị của triều Lê. Vì phải cáng đáng việc quốc gia đại sự, vì trách nhiệm với nhà Lê, nên đến ngoài 30 tuổi, công chúa vẫn chưa nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình.

Bà là người rất yêu tôn giáo. Thời gian nhiếp chính, một trong những mong muốn của bà là chấn hưng tôn giáo.

Bị ảnh hưởng bởi cha mình là Hoàng đế Lê Anh Tông – một người rất có cảm tình với Công giáo, bà đã nhiều lần sai người mang thư sang tận Ấn Độ, Ma Cao mời các giáo sĩ vào truyền đạo . Trong số các giáo sĩ đến Việt Nam có giáo sĩ Pedro Ordonez de Cevallos .Giáo sĩ đến kinh đô An Trường – Thanh Hóa năm 1590.

Ngày cha Pedro yết kiến vua Lê Thế Tông đúng vào dịp 24/12/1590. Vua Lê có nói với cha Pedro: “Ngài hãy đi gặp công chúa Ngọc Hoa, chị gái ta. Công chúa rất thích nghe những sự tích tôn giáo. Công chúa Ngọc Hoa là người ta yêu kính như mẹ. Vì vậy ngài đừng làm điều gì phật lòng công chúa, sẽ khiến ta nổi giận”.

Công chúa tiếp cha Pedro vào ngày 28/12/1590 với nghi lễ trang trọng. Công chúa thấy giáo sĩ đẹp trai, ngỏ ý muốn kết tóc xe duyên nhưng Pedro trả lời rằng ông là linh mục Công giáo nên phải giữ luật độc thân.

Ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên, công chúa đã coi cha Pedro là một người bạn thân tình. Khi chia tay, công chúa nói: “Mỗi ngày, cha hãy vào cung thăm ta một lần và trò chuyện với ta”.

Tuy biết luật lệ tôn giáo là thế, nhưng sau một thời gian gặp gỡ, tình cảm của công chúa dành cho cha Pedro ngày càng sâu đậm, khiến bà đã gạt bỏ mọi quy định thông thường của luật lệ phong kiến và luật lệ tôn giáo, ngỏ lời cầu hôn với cha :
“Thầy hãy ở lại đây kết bạn với tôi và truyền đạo ở xứ sở này, đừng về cố hương nữa. Thực tình tôi ngỏ ý cùng thầy, là vì tôi rất quý mến thầy ngay khi được gặp thầy, vì thầy tỏ ra lịch thiệp, thông minh, trang nhã. Tôi thực lòng muốn kết hôn cùng thầy. Tôi nhất định chọn thầy làm chồng tôi”.

Không chỉ ngỏ lời với cha Pedro, công chúa còn ngỏ ý với vua Lê Thế Tông và nhờ vua tác thành. Rất yêu quý người chị gái của mình, vua Lê đã gọi cha Pedro vào và nói: “Ta rất muốn chúng ta sẽ trở thành một gia đình”.

Việc công chúa ngỏ lời cầu hôn với cha Pedro khiến ông vô cùng khó xử. Nhưng cha Pedro vẫn quyết từ chối thịnh tình ấy. Cả 3 lần được công chúa ngỏ lời, ông đều nói: “Tôi đã khấn luật linh mục sống cuộc đời độc thân. Xin công chúa hiểu cho điều đó”. Có một số người đồng hành khuyên cha Pedro hãy chấp nhận lời cầu hôn của công chúa, để lợi dụng mối quan hệ này tạo điều kiện cho các giáo sĩ sau này vào truyền đạo. Nhưng cha Pedro không đồng ý. Ông không cho phép mình lỗi lời khấn nguyện với Thiên Chúa.

Tuy vẫn ngày ngày vào trò chuyện với công chúa, nhưng cha Pedro cũng làm cho công chúa hiểu được những quy tắc của một linh mục. Ông kể về Chúa cho công chúa nghe mỗi ngày và lấy ảnh tượng Chúa ra tặng công chúa. Dần dần, công chúa hiểu và không còn bắt ép cha Pedro cưới mình nữa.

Một ngày, bà gọi cha Pedro đến, nước mắt lưng tròng: “Tôi đã thưa ý định của tôi với thầy và tôi vẫn yêu thầy. Nhưng nếu thầy thấy luật Chúa đã dạy giáo sĩ không được lấy vợ thì thôi, ta không nên cưỡng luật Chúa. Thầy không thể kết bạn đời với tôi, nhưng tôi xin được kết bạn đạo với thầy và xin nhập đạo để cùng thờ phụng Chúa như thầy. Từ nay chúng ta không nói chuyện đời nữa, chỉ nói chuyện đạo mà thôi”.
Quyết định theo đạo của công chúa đã đến tai chúa Trịnh Tùng. Chúa Trịnh cho rằng đó là âm mưu của nhà Hậu Lê muốn lợi dụng các thế lực bên ngoài để lấy lại quyền lực.Thêm vào đó, Ngọc Hải, con chúa Trịnh, rất yêu công chúa Mai Hoa. Ba lần cầu hôn đều bị từ chối. Chúa Trịnh rất giận dữ, bằng thủ đoạn của mình, chúa Trịnh đã tịch biên tài sản và yêu cầu trục xuất cha Pedro.

Biết mình sắp phải rời khỏi Việt Nam, cha Pedro đã nhanh chóng truyền đạo cho công chúa và những cung nữ trong cung. Cha đã rửa tội cho công chúa và đặt tên thánh cho công chúa là Maria. Từ đó người ta gọi công chúa là công chúa Mai Hoa. Lễ rửa tội cho công chúa diễn ra ngày 22 tháng 5 năm 1591.

Sau khi nhập đạo, công chúa Mai Hoa xin vua Lê một khu đất để thiết lập tại kinh đô An Trường, Vạn Lai Sách (nay là xã Phúc Lập, bên bờ tả ngạn sông Chu, phía dưới đập Bái Thượng, Thanh Hóa) một nữ tu viện Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 26 tháng 7 năm 1591, có 51 chị dòng, và làm bề trên tại đó cho đến chết. Ở khu đất cố đô An Trường này vẫn còn có những địa danh như Giếng Gia Tô, Xóm Gia Tô và một chỗ gọi là Nền Thờ, có lẽ để nhớ ơn công chúa. Tại đây cũng có ba miếu thờ bà mà các tín đồ thường chỉ cúng hoa chứ không cúng xôi thịt.

Cha Pedro chính là người cử hành thánh lễ đầu tiên ở đây, trước khi ông bị đưa ra cửa Bạng và trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam nửa tháng sau đó. Công chúa Mai Hoa sống trong tu viện đến cuối đời, vừa thờ phụng Chúa, vừa ấp ủ mối tình riêng không thành với vị giáo sĩ người Tây Ban Nha mà bà đã đem lòng thương nhớ.

Nhờ ảnh hưởng tốt lành của công chúa Mai Hoa, khoảng 100 người trong hoàng tộc và phi tần cung nữ đã theo đạo. Cũng nhờ công chúa Mai Hoa, bà thân mẫu chúa Nguyễn, em trai, em gái của chúa Nguyễn, và cả bà Thái Hậu (mẹ của công chúa Mai Hoa) đều đã được linh mục Da Costa rửa tội.

Khi diễn trên sân khấu, các diễn viên thường quá chú ý để thuộc lời thoại mà quên diễn đạt tâm tình của nhân vật hoặc do kỹ thuật âm thanh, micro chuyển qua chuyển lại làm lời thoại không rõ. Để tránh 2 khuyết điểm này cha Sơn và tôi đã tổ chức từng bước: Trước hết cha đánh máy cho mỗi diễn viên một bản kịch đầy đủ để các em đọc và hiểu rõ cốt truyện, sau đó các em phải tìm hiểu kỹ lời thoại của mình. Khi đã hiểu rõ vai của mình, tất cả mới ngồi lại, cầm giấy mà đọc lời thoại. Cha Sơn và tôi làm đạo diễn, tập các em đọc diễn cảm, bộc lộ được tâm tình của nhân vật. Cuối cùng mới thu âm vào băng cassette. Câu nào diễn không đạt phải thu âm lại. Sau đó cứ mở băng và diễn hoặc mấp máy lời thoại theo.

Trên sân khấu, khán giả không thấy micro treo lủng lẳng hay chuyền qua chuyền lại cũng không hề nghe tiếng micro hú.Nhưng âm thanh và lời thoại rất rõ ràng , diễn cảm.
Cha Sơn phải ra Pleiku mượn trang phục và đạo cụ. Việc lắp đặt và trang trí sân khấu do thày Hạc và thày Ngọc đảm nhiệm.

Buổi văn nghệ được diễn 2 đêm: Đêm thứ nhất dành cho các phụ huynh và học sinh các lớp. Vào cửa tự do. Đêm thứ hai dành cho quan khách và các khách mời. Không biết buổi văn nghệ âm vang cỡ nào, nhưng sau đó ông trưởng ty y tế tỉnh đề nghị với cha hiệu trưởng là mời ra hội trường tỉnh diễn lại vở kịch này để gây quĩ Cây mùa xuân chiến sĩ vào dịp tết. Nhưng cha Sơn không nhận lời, không hiểu vì cha ngại chạm đến vấn đề tiền bạc hay tại Thăng Tiến “chảnh”.

Thế rồi, đầu tháng ba năm 1975 chiến sự Tây nguyên bùng nổ. Nhiều gia đình quân nhân , công chức di tản về Sài gòn hay đi các tỉnh khác. Lớp học rời rạc. Cha Sơn quyết định cấp học bạ cho các học sinh và kết thúc niên học sớm. Chúng tôi phải làm 3 ngày , 3 đêm mới xong học bạ cho các em. Lấy điểm học kỳ I, cộng điểm các tháng trong năm, dựa vào 2 kết quả này, cấy điểm học kỳ II để cho ra kết quả học tập cả năm. Cha ra thông báo ở trường, báo trên nhà thờ để phụ huynh và học sinh nào cần học bạ để đi học các trường khác thì có sẵn hồ sơ. Nhưng cũng còn nhiều học sinh chưa lãnh, cha giao hết cho tôi, cùng với những hồ sơ liên quan của trường, kể cả con dấu trường, sau khi đã làm giấy ủy quyền hiệu trưởng cho tôi. Tôi thực sự lo lắng ôm 2 thùng carton giấy tờ và hồ sơ để di tản, đi theo xe be của một gia đình làm xưởng cưa . Đi đến Phú Túc, chiếc xe rơi bánh xe trước ra, tôi đành bỏ của chạy lấy người. Tay không, chạy bộ với đoàn người theo tỉnh lộ 7 về Tuy Hòa.

Đầu tháng tư tôi về đến nhà. Gia đình đang chuẩn bị xin lễ cầu hồn cho tôi.

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” đã qua đi gần nửa thế kỷ.Tưởng như chìm vào quên lãng. Không kể lại, biết có còn dịp không? Không viết ra, sợ đến lúc không viết đươc. Nên, viết lại để các bạn ở “Một nơi mọi người đều quen nhau” “còn một chút gì để nhớ để quên”.

Nguyễn Đức Lân