Đèn được đặt trên đế,
« để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng »
(Lc 8, 16-18)
- “ Chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện”
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, lời nói này Đức Giê-su chắc chắn đã làm chúng ta phải lưu ý:
Chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che dấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. (c. 17)
Đó là vì, lời này của Đức Giê-su thường được hiểu theo nghĩa luân lý ; theo đó, một ngày kia, vào lúc phán xét, mọi hành động, lời nói và tư tưởng của từng người, vốn đa phần vẫn còn được che dấu, tất cả sẽ được đem ra ánh sáng, được phơi bày trước mặt Thiên Chúa và mọi người.
Vì thế, lời này của Đức Giê-su làm cho chúng ta lo sợ, hơn là mang lại bình an, tin tưởng và hi vọng. Bởi lẽ, tội lỗi đủ loại của mình vừa nhiều và vừa thầm kín, một ngày kia sẽ bị đưa ra ánh sáng, được công bố cho mọi người đều biết. lúc ấy thật là xấu hổ !
- Cây đèn và Lời Chúa
Tuy nhiên, hiểu lời nói này của Chúa như thế, là không phù hợp với những gì Ngài nói trước đó và sau đó. Thật vậy, ngay trước đó, trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su dùng hình ảnh cây đèn được thắp sáng, phải được để ở trên giá, được đặt hay treo ở trên cao để mọi người xem thấy và soi sáng cho cả nhà.
Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. (c. 16)
Thế mà, ánh sáng là hình ảnh của Lời Chúa : Ngôi Lời là ánh sáng, thánh Gioan nói như thế. Thánh Luca tường thuật lại lời của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe như sau : « Chẳng có ai đốt đèn… » ; nhưng thánh Mác-cô lại kể : « Đèn đến… » (Mc 4, 21-25), « Đèn » là hình ảnh nói về Đức Ki-tô, Ngài là Ngôi Lời, là Ánh Sáng ban sự sống, đến với chúng ta.
Và sau đó, Đức Giê-su nói : « Hãy để ý tới cách thức anh em nghe » (c. 18), nghĩa là đến cách thức chúng ta lắng nghe Lời của Đức Giê-su, vốn là Lời mặc khải cho chúng ta những điều kín ẩn về Thiên Chúa.
Do đó, điều bí ẩn, điều được ẩn dấu (chứ không phải là điều bị che dấu) chính là những mầu nhiệm kín ẩn của Thiên Chúa, sẽ tất yếu được hiển hiện, được biết và được bừng sáng (thay vì bị đưa ra ánh sáng). Và những mầu nhiệm này ngay bây giờ đã và đang được bày tỏ cho chúng ta nơi Lời của Đức Giê-su và nơi ngôi vị của Người rồi. Thực vậy, thánh Phao-lô nói :
Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật. (Ep 3, 9 ; và Rm 16, 25 ; Col 1, 25-27)
- « Mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thủa »
Như thế, mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thủa nơi Thiên Chúa, nhưng nay được hiển hiện, được đưa ra ánh sáng, được bày tỏ, được công bố và loan báo, chính là « Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Ki-tô ». Thực vậy, nơi Đức Ki-tô, khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa được bày tỏ cho chúng ta trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, và nơi Ngài, không có gì tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Vậy, theo lời mời gọi của Đức Giê-su, chúng ta hãy để ý tới cách thức chúng ta nghe Lời của Người và cách thức chúng ta đón nhận chính Người nơi bí tích Thánh Thể, để cho Lời của Ngài và chính ngôi vị của Ngài được gieo vào lòng chúng ta như gieo vào đất tốt, lớn lên và sinh hoa kết quả dồi dào, vì như lời Ngài nói : « Ai đã có, thì sẽ được cho thêm ».
* * *
Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su mời gọi chúng ta chú ý đến cách thức chúng ta lắng nghe : « Hãy để ý tới cách thức anh em nghe » ; và ngang qua đôi tai, Người cũng mời gọi chúng ta chú ý đến cách thức chúng ta sử dụng « ngũ quan » : mắt, tai, mũi, lưỡi và tay, khởi đi ơn gọi Người đặt để nơi chúng, khi ban cho chúng ta.
Thực vậy, đôi mắt của chúng ta được dựng nên, có ơn gọi không phải là nhìn thấy những điều hữu hình, nhưng là nhận ra những thực tại vô hình : ngôi vị, tình yêu, tình bạn, sự hiện diện qua các dấu chỉ, quà tặng, ân huệ Thiên Chúa, sự hiện diện sáng tạo của Thiên Chúa nơi mọi sự :
Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, Lẫy lừng thay Danh Chúa trên khắp cả địa cầu (Tv 8, 2).
Đôi tai của chúng ta được ban cho, có ơn gọi không phải là nghe âm thanh, nhưng là nghe ra ý nghĩa, sự hài hòa của âm thanh, giai điệu, kết cấu của âm thanh, nghe ra Ngôi Lời trong mọi sự, vì « Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành » (Ga 1, 3 và St 1) :
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm. (Tv 19, 2)
Trên đời này có một điều vô hình, nhưng ngũ quan có thể tri nhận được, nghĩa là nhìn, nghe, ngửi, nếm và đụng. Đó là Tình Yêu ; và Thiên Chúa là Tình Yêu ; tình yêu con người phản ánh tình yêu Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong tình yêu của con người, Vì “ở đâu có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa hiện diện” (Ubi caritas et amor, Deus ibi est).
Như thế, đối tượng đích thật của Ngũ Quan là những thực tại vô hình; chính vì vậy, chúng ta có thể “áp dụng ngũ quan” vào việc cầu nguyện với Lời Chúa, vì trong cách cầu nguyện này, chúng ta cũng được mời gọi hiểu và cảm nếm “những thực tại vô hình”. Và điều chúng ta cảm nhận là thực tại, là sự thật nhưng thuộc bình diện vô hình, chứ không phải là ảo tưởng hay là sản phẩm của trí tưởng tưởng. Như thế, chúng ta cũng có thể chiêm ngắm mầu nhiệm Thánh Thể bằng ngũ quan. Tương tự như Sáng Tạo, bản văn Kinh Thánh ẩn chứa Ngôi-Lời; vì thế, mỗi người chúng ta được mời gọi đích thân “thưởng nếm”, nghĩa là “áp dụng ngũ quan” khi cầu nguyện.
* * *
Hơn nữa, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta trở thành ánh sáng, thành muối, thành men, như chính Ngài (x. Mt 5, 13-16). Hay đúng hơn, chúng ta để cho ánh sáng của Ngài tỏ hiện nơi con người chúng ta ; nhất là lòng thương xót tỏ hiện và chói người nơi con người giới hạn và tội lỗi của chúng ta, như thánh nữ Tê-rê-xa nói :
Vậy thì quả thực, Lạy Chúa, ở nơi ai
Lòng Thương Xót của Chúa
có thể chói ngời hơn ở nơi con?
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc