ĐỨC GIÊ-SU và CON ĐƯỜNG “TẤM BÁNH BẺ RA”

ĐỨC GIÊ-SU
CẦU NGUYỆN TRONG VƯỜN DẦU

« Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự,
xin cất chén này xa con … »
(Mc 14, 32-42)

  1. Các môn đệ và « Giờ Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi »

« Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu ». Chúng ta hãy nhớ lại Tv 136 mà Đức Giê-su và các môn đệ đã hát để kết thúc Bữa Ăn Vượt Qua.

  • Theo Thánh Vịnh 136, sáng tạo và lịch sử đều hướng tới ân huệ: “Người ban BÁNH cho tất cả chúng sinh. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Cuộc đời và từng ngày sống của chúng ta cũng đều dệt nên bởi hai chiều kích “sáng tạo và lịch sử”.
  • Trong Bữa Ăn Vượt Qua, Đức Giê-su cầm lấy BÁNH và nói: “Đây là mình Thầy, anh em hãy cầm lấy mà ăn” – “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

Giờ đây, Đức Giê-su bắt đầu đi vào con đường thực sự trở nên BÁNH cho các môn đệ, cho Giáo Hội, cho từng người chúng ta và cho cả nhân loại – “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Tuy nhiên, con đường thực sự trở nên BÁNH cho chúng ta là, cũng chính là con đường “Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi”, như Người nói trong Bữa Tiệc Ly: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: Vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”.

Chúng ta hãy tự hỏi: Tại sao Con Người lại phải bị nộp vào tay phường tội lỗi? Người bị nộp vào tay phường tội lỗi như thế nào?

*  *  *

Ông Phêrô đã nổi bật trong lời cam kết đến hai lần: Khi Chúa báo trước tất cả các môn đệ sẽ vấp ngã vì Chúa, Phêrô thưa: “Ngay cả khi mọi người vấp ngã vì Thầy, phần con, con sẽ không bao giờ vấp ngã” (c. 29). Và khi Chúa nói một cách chính xác với Phêrô rằng ông sẽ chối Chúa đến ba lần ngay đêm hôm ấy trước khi gà gáy, Phêrô nói với Chúa: “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy” (c. 31).

Các môn đệ khác cũng vậy: trong bữa tiệc ly, nghe lời Thầy và đón nhận bánh và rượu Thầy trao, nhưng dường như các môn đệ chẳng hiểu gì; họ cùng theo Chúa đến núi Ôliu và họ được Chúa báo trước rằng họ sẽ vấp ngã tất cả vì Chúa; nhưng cùng với Phêrô, họ tuyên hứa với Thầy là sẽ không bao giờ chối bỏ Thầy. “Con sẽ không chối Thầy, dù có phải chết với Thầy. Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy”. Họ dựa vào lời mình hơn là lời Chúa.

Cần phải cương quyết như thánh Phê-rô, nhưng trong trường hợp này, ông Phê-rô như đụng đến giới hạn của mình mà không biết, nhưng Chúa lại biết rõ. Tôi đã có bao giờ vấp ngã chưa, khi đối diện với con đường thực sự trở nên tấm bánh của Chúa Giê-su hay khi đối diện với lời mời gọi để cho Chúa Giê-su trở nên bánh, trong đời sống đức tin và nhất là trong đời sống thánh hiến của tôi? Tôi có kinh nghiệm chối Đức Giê-su, như ông Phê-rô chưa? Nghĩa là, không giữ lời hứa hay không sống và hành xử như người không thuộc về Đức Ki-tô.

Để theo Chúa đến cùng trên con đường của Chúa, chúng ta không thể duy ý chí và dựa vào sức mình được, nhưng còn phải dựa vào lòng trung tín và lòng thương xót của Chúa. Giáo Hội được xây dựng « Đá Tảng Phê-rô », nhưng « Tảng Đá Phê-rô » lại dựa vào lòng thương xót.

*  *  *

Không ai có thể đứng vững trước « Giờ Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi » sắp đến, chỉ có một mình Đức Giêsu có thể đối đầu được thôi, vì trong cuộc Thương khó, Kẻ Nghịch chính là Sự Dữ hành động nơi những con người cụ thể, và vì đó là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, như lời Kinh Thánh đã chép: “Ta sẽ đánh người chăn chiên và chiên sẽ tan tác”. 

Vì thế, Ngài đón nhận tất cả, bao dung tất cả và còn hứa qui tụ các môn đệ, qui tụ tất cả chúng ta lại, sau khi đã Vượt Qua và chiến thắng Sự Dữ và Sự Chết.

  1. Đối diện với « Giờ Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi », Đức Giê-su hãi hùng xao xuyến

Đối diện với « Giờ Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi », nghĩa là Giờ Người đi vào con đường ban Bánh là chính thịt Người, con đường ban Rượu là chính máu Người :

Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. 34 Người nói với các ông:
Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.”

Trong thời gian cầu nguyện ngắn ngủi này, trong những ngày chiêm ngắm mầu nhiệm thương khó và trong suốt cuộc đời chúng ta, chúng ta hãy ước ao và xin Chúa cho chúng ta cảm nếm được một chút cảm xúc “hãi hùng xao xuyến” và “nỗi buồn đến chết được” trong tâm hồn của Người. Tôi đã từng có kinh nghiệm này chưa? Và để cảm, chúng ta hãy xin Người hiểu được một chút tại sao? Điều gì đang chờ đón Người, khiến Ngài hãi hùng xao xuyến và buồn đến chết được?

Như thế, với kinh nghiệm Vườn Dầu, Đức Giê-su đã chia sẻ thân phận của loài người và của mỗi người chúng ta một cách tận cùng: Ngài không chỉ chia sẻ cái chết, nhưng còn sự sợ hãi trước cái chết; không chỉ sự sợ hãi trước cái chết do thân phận hay do tai họa, nhưng là cái chết do sự thù ghét; thù ghét không chỉ của con người, nhưng của Xatan. 

*  *  *

Vì thế, Ngài muốn đi cầu nguyện một mình với Cha, vì đó là Giờ và Chén chỉ dành cho một mình Người, nhưng Người lại ước ao có sự hiện diện của các môn đệ : cả nhóm xa xa, ba người khác gần hơn ; và Ngài ước ao họ lưu lại và tỉnh thức cùng với mình. Vậy, chúng ta hãy sống giờ canh thức này với Chúa, như lòng Chúa mong ước.

Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, chắc chắn có nhiều biến cố làm chúng ta “hãi hùng xao xuyến”, tất cả như để chuẩn bị cho biến cố « Giệt-sê-ma-ni » của đời mình. Đức Giê-su đã sống và đã vượt qua biến cố khủng khiếp này ; vì thế, Ngài thông cảm với hết mọi biến cố đau buồn trong cuộc đời chúng ta và nhất là biến cố cuối cùng của cuộc đời (x. Dt 4, 15-16). Xin cho chúng ta sống những thời điểm này như Thầy Giê-su đã sống, hay đúng hơn, chúng xin Thầy sống trong chúng ta.

  1. Đối diện với « Giờ Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi », Đức Giê-su cầu nguyện : « Áp-ba, Cha ơi… »

« Ngài đi xa hơn một chút ». Ngài muốn một mình đối thoại với Cha, bởi vì Giờ này là Giờ chỉ dành cho một mình Ngài. « Ngài ngã, hay sấp mình xuống đất », thay vì quì xuống theo lời tường thuật của Tin Mừng Luca, hoặc phủ phục theo Tin Mừng Mát-thêu. 

Tình huống này hoàn toàn khớp với tâm trạng của Ngài, đó là Ngài đang « buồn đến chết được ». 

(Người) cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. 36 Người nói: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.”

Đến Giờ Người phải uống chén, “chén” đặc biệt đến độ làm Người hãi hùng xao xuyến, làm cho Người buồn đến chết được. Chắc chắn, Ngài đã cảm được điều này, khi hỏi hai môn đệ Gioan và Gia-cô-bê: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mc 10, 38). Chính vì vậy, Người xin cho mình qua khỏi giờ ấy, Người xin với Chúa Cha: “Xin cất chén này xa con”. 

Tuy nhiên, lẽ sống của Người, lương thực của Người, sứ mạng của Người, lý do hiện hữu của Người, tình yêu của Người và một cách sâu xa hạnh phúc và niềm vui của Người là không phải làm điều Người muốn, nhưng làm điều Chúa Cha muốn. Tương tự đối với chúng ta, chúng ta “được dựng nên để ca tụng Chúa”. Vậy chén mà Chúa Cha muốn cho Đức Giê-su, Con của Người, uống là chén gì?

*  *  *

Với thân xác mỏng manh của Con Thiên Chúa nhập thể, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Người của Thiên Chúa Cha, một khuôn mặt đã bị hiểu lệch lạc, bị bóp méo, ngay từ nguồn gốc sự sống (x. St 3), nhưng không phải bằng những kì công lớn lao, hay những phép lạ cả thể; bởi vì lịch sử Dân Do Thái và cuộc đời của Đức Giê-su cho thấy rằng, những kì công lớn lao và những phép lạ cả thể không những không mang lại lòng tin, nhưng còn khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, ngoài ra còn bị Sự Dữ xen vào khơi dậy những cách hiểu và hành động lệch lạc

Vì thế, theo ý Cha, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Người của Thiên Chúa Cha, và đó cũng chính là căn tính thần linh của Người, theo một cách khác, “một cách điên rồ và sỉ nhục”, nhưng lại là sức mạnh và sự khôn ngoan thần linh, qua việc:

  • Đối diện với chính Sự Dữ biểu dương sức mạnh bạo lực ở mức độ tuyệt đối và dưới mọi hình thức, không phải bằng sức mạnh bạo lực lớn hơn, nhưng bằng sự hiền lành tuyệt đối của Con Thiên Chúa, để chiến thắng sự dữ và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ  và tất cả những gì liên quan đến sự dữ (x. Tv 8; hình ảnh Con Chiên và bầy sói dữ).
  • Gánh lấy mọi “bệnh hoạn tật nguyền” của con người, nghĩa là mang vào mình, trong sự thinh lặng không lên án, mọi hành vi tội lỗi của những con người cụ thể trong cuộc Thương Khó, qua đó mang vào mình mọi tội lỗi của loài người và từng người cách trọn vẹn.
  • Và nhận vào mình thân phận đau khổ và phải chết của loài người chúng ta, không phải với sự phản kháng và thái độ kêu trách, nhưng bằng lời nguyện tín thác: “Cha ơi, con xin phó sự sống của con trong tay Cha” (Tv 31, 6).

Như thế, không phải vì tội của tôi làm cho Chúa bị bắt, bị kết án, chịu sỉ nhục và chịu khổ hình đến chết; hay không phải vì tội của tôi mà Chúa để cho mình “bị phạt” theo Lề Luật, thay cho tôi. Đó không phải là tâm tình và cách hành động của Thiên Chúa, nhưng ngược lại… (tương quan giữa Luật và Tội trong Rm 7, 7-13)

Vậy, tôi được mời gọi nhận ra nơi “CHÉN” của Đức Giê-su, nghĩa là nơi những gì Đức Người mang lấy trong cuộc Thương Khó, có chính bản thân tôi, như tôi là, nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối, tội lỗi; tôi hiện diện cách trọn vẹn, được đón nhận cách trọn vẹn và được bao dung cách trọn vẹn trên đôi vai của Đức Giê-su, trong ánh mắt của Đức Giê-su, trong trái tim của Đức Giê-su.

*  *  *

Ba lần đến nói chuyện với Cha, Đức Giê-su chỉ nhắc đi nhắc lại cùng một lời cầu nguyện: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” Ba lần cầu nguyện với Cha, trong cùng một tư thế, với cùng những lời nói và tâm tình, nhưng ba lần trở lại với các môn đệ, Ngài lại phản ứng theo những cách khác nhau. 

Lần thứ nhất, Ngài nói với ông Simon Phê-rô như trách móc : « Si-mon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao? Trong lúc này, những gì Đức Giêsu chờ đợi nơi người môn đệ thật không nhiều : tỉnh thức một giờ thôi, để đồng hành với Thầy. 

Và qua sự giới hạn này của Phê-rô, Người mời gọi các môn đệ, là những người đi theo Người: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối ». Vậy cám dỗ đang xẩy đến cho Đức Giê-su và cho các môn đệ trong vườn Ghết-sê-ma-ni là gì? Cám dỗ của người môn đệ đi theo Đức Giê-su thuộc mọi thời là gì? Đâu là tâm tình và cách sống “canh thức và cầu nguyện” mà Đức Giê-su muốn chúng ta mang lấy và thực hiện để không “sa chước cám dỗ”.

Trở lại sau lần cầu nguyện thứ hai, Ngài chẳng nói gì, chỉ có tác giả Tin Mừng nói: “Người thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người”. Các môn đệ và cả những môn đệ thân tín nhất của Đức Giê-su thật “xa cách” với tâm tình Thầy của mình đang cảm nhận và với những gì Người sắp trải qua. Loài người và từng người chúng ta cũng như vậy.

Và vào lần thứ ba, Ngài như nói với họ với những lời đầy thương cảm :

Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi.
Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi.
Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!

Như thế, Ngài đã sẵn sàng gánh vác hết tất cả, thay cho các môn đệ, thay cho những con người giới hạn, mỏng dòn và yếu đuối, thay cho những con người tội lỗi, thay cho cả loài người và cho mỗi người chúng ta, như Người nói trong bữa tiệc lý : « Đây là Máu Thầy, Máu đổ ra cho muôn người » (Mc 14, 24).

*  *  *

Giờ đã đến, Ngài sẽ từ từ đi vào trong thinh lặng, và sự thinh lặng này cứ càng ngày càng lớn ; Ngài chỉ nói một vài lần trong những tình huống đặc biệt nghiêm trọng

Nhưng đó là giờ nào hay giờ của ai? Đó là giờ của loài người, giờ của Satan; nhưng cũng là giờ « Thinh Lặng của Ngôi Lời », giờ của Thiên Chúa. Tất cả như hội tụ vào cũng một thời điểm này đây. Xin cho chúng ta nghe được sự thinh lặng của Ngôi Lời Nhập Thể, trong cuộc thương khó của Người.

*  *  *

Lạy Chúa Giê-su,

Chúng con tạ ơn Chúa đã chọn chúng con đi riêng ra với Chúa, trong giờ canh thức đêm nay, như xưa Chúa đã chọn đặc biệt ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan, đi riêng ra để tỉnh thức và cầu nguyện với Chúa trong Vườn Dầu. 

Chúng con thấy mình một cách sâu sa, cũng giống như ba môn đệ mê ngủ, khi đi theo Chúa trên con đường Vượt Qua, trong hành trình ơn gọi của chúng con. Xin Chúa thêm sức và thương xót chúng con.

Trong thời gian cầu nguyện và chiêm ngắm mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa trong thời gian tĩnh tâm đặc biệt này và trong Phụng Vụ Tuần Thánh hằng năm,

  • Xin khơi dậy nơi chúng con lòng ước ao cảm được phần nào sự hãi hùng xao xuyến của Chúa trong cuộc Thương Khó, và gắn bó sự hãi hùng và xao xuyến mà chúng con phải trải qua trong cuộc đời của chúng con, với sự hãi hùng xao xuyến của Chúa.
  • Xin khơi dậy nơi chúng con lòng ước ao hiểu được sâu sa nội dung “dài rộng cao sâu” của CHÉN mà Chúa mang lấy trong cuộc Thương Khó, để được Chúa thông ban sự tín thác, niềm hi vọng và lòng mến Thánh Giá của Chúa.
  • Và xin khơi dậy nơi chúng con lòng ước ao tỉnh thức và cầu nguyện cùng với Chúa, mọi ngày và suốt đời của chúng con, nhất là trong những ngày thử thách, đau khổ, khó khăn và bị cám dỗ, để chúng đi đến cùng CON ĐƯỜNG CỦA HẠT LÚA MÌ, CON ĐƯỜNG CỦA TẤM BÁNH, CON ĐƯỜNG CỦA MẦU NHIỆM VƯỢT, với lòng tin thác và sự bình an sâu thẳm của người con đối với Chúa Cha, như chính Chúa, CON DUY NHẤT và YÊU DẤU của Chúa Cha.

Người là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thủa muôn đời. Amen.

Tuần Thánh 2020
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc