Trong bảy ngày cuối cùng Mùa Vọng, từ ngày 17-12 đến 24-12, Giáo Hội cử hành Phụng vụ “theo ngày”, với các bài đọc và lời nguyện riêng (trừ ngày Chúa Nhật vẫn giữ theo Tuần IV).
Nét đặc biệt của bảy ngày này là lời Tung Hô Tin Mừng.
Mỗi ngày, lời Tung Hô Tin Mừng hướng vào một tước hiệu của Đấng Cứu Thế -Đức Kitô, được các ngôn sứ, đặc biệt ngôn sứ Isaia, loan báo trong Cựu Ước.
Các lời Tung Hô Tin Mừng này giống với Điệp Ca của Thánh ca Tin Mừng “Magnificat” của Giờ Kinh Chiều bảy ngày nêu trên.
Cả bảy lời đều có điệp ngữ “XIN NGỰ ĐẾN”. Như một lời cầu xin chung trong cả bảy ngày.
BẢY LỜI TUNG HÔ TIN MỪNG
Ngày 17 tháng Mười Hai: Đấng Cứu Thế là ĐỨC THƯỢNG TRÍ (Đức Khôn Ngoan) của Đấng Tối Cao, qua lời Tung Hô Tin Mừng:
“Alleluia, Alleluia. Lạy Ðức Thượng Trí của Ðấng Tối Cao, Ngài an bài mọi sự cách mạnh mẽ và dịu dàng, xin hãy đến dạy dỗ chúng con con đường khôn ngoan. – Alleluia”.
Bản La Tinh:
“Sapientia Altissimi, fortiter suaviterque disponens omnia: veni ad docendum nos viam prudentiae”.
Tước hiệu Đức Thượng Trí (Đức Khôn Ngoan) đã được ngôn sứ Isaia (11:2) loan báo: “Thần khí Đức Chúa ĐỨC CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa”, và: “Những điều này cũng là do ĐỨC CHÚA các đạo binh. Kế hoạch sao nhiệm mầu, sự khôn ngoan thật là cao cả! (Is 28:29)
Nội dung suy niệm hướng vào Đức Kitô là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, nên ngày 17-12 được nhiều nơi gọi là Ngày SAPIENTIA (sự Khôn Ngoan).
Ngày 18 tháng Mười Hai: Đấng Cứu Thế là ĐẤNG THỦ LÃNH NHÀ ÍT-RA-EN:
Alleluia, alleluia. Lạy Ðấng Thủ Lãnh nhà Israel, Ngài đã ban lề luật cho Mô-sê trên núi Xi-nai, xin hãy đến mà ra tay cứu chuộc chúng con. – Alleluia.
Bản La Tinh của Lời Tung Hô Tin Mừng này là:
“Dux domus Israel, qui Moysi in Sina legem dedisti: veni ad redimendum nos in bracchio extento”.
Tước hiệu Ðấng Thủ Lãnh nhà Israel xuất hiện trong sách Isaia 11: 4-5, qua sự mô tả hoạt động và phẩm chất của Người:
“Người xét xử công minh
cho người thấp cổ bé miệng,
và phán quyết vô tư
bênh kẻ nghèo trong xứ sở.
Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở,
hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.
Đai thắt ngang lưng
là đức công chính,
giải buộc bên sườn
là đức tín thành”.
Đặc biệt, Is 33: 22 còn gợi lên Đức Kitô là Môsê mới và Đavít mới:
“Người là vị thẩm phán của chúng ta,
là nhà lập pháp của chúng ta,
là vua của chúng ta, chính Người sẽ cứu độ chúng ta”.
Nội dung suy niệm hướng vào Đức Kitô là Chúa, Đức Vua-Vị Thủ lĩnh, nên ngày 18-12 được nhiều nơi gọi là Ngày DUX (nghĩa là Thủ Lĩnh, có lúc gọi là ADONAI, nghĩa là Lạy Đức Chúa).
Ngày 19 tháng Mười Hai: Đấng Cứu Thế là GỐC GIÊ-SÊ:
“Alleluia, alleluia. Hỡi Gốc Giê-sê, Chúa đang đứng như báo hiệu của chư dân, xin hãy đến cứu thoát chúng con, và đừng trì hoãn nữa. – Alleluia”.
Bản La Tinh của Lời Tung Hô Tin Mừng này là:
“Radix Jesse, stans in signum populorum: veni ad liberandum nos, iam noli tardare”.
Tước hiệu Gốc Giê-sê xuất hiện trong Is 11: 1
“Từ gốc tổ Giê-sê,
sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,
từ cội rễ ấy,
sẽ mọc lên một mầm non”.
Nội dung suy niệm hướng vào Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa nhập thể trong dòng dõi vua Đavít, con của ông Giê-sê, nên ngày 19-12 được nhiều nơi gọi là Ngày RADIX (nghĩa là gốc rễ).
Ngày 20 tháng Mười Hai: Đấng Cứu Thế là CHÌA KHÓA ĐA-VÍT:
“Alleluia, alleluia. Lạy Chìa Khóa Đa-vít, Ngài mở cửa thiên quốc, xin hãy đến cứu thoát người bị xiềng xích, đang ngồi trong bóng tối tăm, khỏi cảnh ngục tù. – Alleluia”.
Bản La Tinh của Lời Tung Hô Tin Mừng này là:
“Clavis David, qui aperes portas aeterni Regni: veni et educ vinctum de domo carceris sedentem in tenebris”.
Tước hiệu Chìa Khóa Đa-vít xuất hiện trong Is 22:22, với loan báo về sứ vụ và thẩm quyền của Đấng Cứu Thế:
“Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó.
Nó mở ra thì không ai đóng được,
nó đóng lại thì không ai mở được”.
Nội dung suy niệm hướng vào Đức Giêsu Kitô, là Chìa Khóa Đavít, nên ngày 20-12 được nhiều nơi gọi là Ngày CLAVIS (nghĩa là chìa khóa).
Ngày 21 tháng Mười Hai: Đấng Cứu Thế là VẦNG ĐÔNG:
“Alleluia, alleluia. Lạy Vầng Đông, là ánh sáng muôn dân, và là mặt trời công chính, xin hãy đến chiếu soi những kẻ ngồi trong tối tăm, và trong bóng sự chết. – Alleluia”.
Bản La Tinh:
“O Oriens, splendor lucis aeternae, et sol justitiae: veni, et illumina sedentes in tenebris, et umbra mortis”.
Tước hiệu Vầng Đông xuất hiện trong Is 9:1:
“Dân đang lần bước giữa tối tăm
đã thấy một ánh sáng huy hoàng ;
đám người sống trong vùng bóng tối,
nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”.
Nội dung suy niệm hướng vào Đức Giêsu Kitô, là Vầng Đông, nên ngày 21-12 được nhiều nơi gọi là Ngày ORIENS (nghĩa là vầng đông).
Ngày 21-12 cũng là ngày đông chí, ngày ngắn nhất trong năm. Vì thế suy niệm Đấng Cứu Thế là ORIENS – VẦNG ĐÔNG, vào một ngày bóng tối phủ dài, rất ít ánh sáng, thật ý nghĩa!
Ngày 22 tháng Mười Hai: Đấng Cứu Thế là VUA MUÔN DÂN:
“Alleluia, alleluia. Lạy Vua Muôn Dân, và Đá Góc tòa nhà Hội Thánh, xin hãy đến cứu độ con người, mà Chúa đã tạo dựng bằng bùn đất. – Alleluia”.
Bản La Tinh:
“O Rex Gentium, et lapis angularis Ecclesiae: veni, et salva hominem quem de limo formasti”.
Tước hiệu Vua Muôn Dân xuất hiện trong Is 9:5:
“Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta,
một người con đã được ban tặng cho ta.
Người gánh vác quyền bính trên vai,
danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh,
người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình”.
Tước hiệu Vua Muôn Dân được Isaia diễn tả với nội dung phong phú, đa diện, bao trùm lịch sử, và vượt mọi ranh giới: Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, Người Cha muôn thuở và Hoàng Tử thái bình. Nội dung suy niệm hướng vào Đức Giêsu Kitô là Vua Muôn Dân, nên ngày 22-12 được nhiều nơi gọi là Ngày REX (nghĩa là vua).
Ngày 23 tháng Mười Hai: Đấng Cứu Thế là ĐỨC EMMANUEL, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta:
“Alleluia, alleluia. Lạy Đức Emmanuel, là Vua và là Đấng ban lề luật, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin hãy đến cứu độ chúng con. – Alleluia.
Bản La Tinh:
“O Emmanuel, Rex et legifer noster: veni ad salvandum nos, Domine, Deus noster”.
Tước hiệu Đức Emmanuel xuất hiện trong Is 7:14:
“Vì vậy, chính Chúa sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel”.
Tước hiệu Đức Emmanuel là tước hiệu thứ bảy, và tiêu biểu nhất cho sứ vụ Đức Kitô, như sau này được Tin Mừng Gioan cho thấy đây là tin mừng lớn lao cho loài người, và là sứ vụ loan báo của các môn đệ:
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” Ga 1:14).
Vì thế, ngày 23-12 mang một tên đặc sắc: Ngày EMMANUEL (nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta).
GỐC TÍCH LỊCH SỬ VÀ THÔNG ĐIỆP BẢY LỜI TUNG HÔ TIN MỪNG
Bảy lời Tung Hô Tin Mừng trên đây xuất hiện từ thế kỷ thứ 4 (hoăc thứ 5) tại Đan viện Biển Đức Fleury (nay là Đan viện Saint-Benoit-sur-Loire), Pháp.
Các đan sĩ viết bảy lời trên làm Tiền xướng/Điệp ca của Thánh ca Tin Mừng Magnificat của Giờ Kinh Chiều.
Tình cờ một đan sĩ nhận ra: nếu ghép các mẫu tự đầu của của các chữ đầu tiên -tước hiệu Đức Kitô- lại với nhau, từ ngày cuối trở về ngày đầu, sẽ thành một câu đầy ý nghĩa:
ERO CRAS
Nghĩa là: ngày mai (ero), Ta sẽ đến (cras).
NGÀY 23 |
EMMANUEL |
EMMANUEL |
E |
NGÀY 22 |
VUA |
REX |
R |
NGÀY 21 |
VẦNG ĐÔNG |
ORIENS |
O |
NGÀY 20 |
CHÌA KHÓA |
CLAVIS |
C |
NGÀY 19 |
GỐC GIÊSÊ |
RADIX JESSE |
R |
NGÀY 18 |
THỦ LÃNH |
ADONAI-DUX |
A |
NGÀY 17 |
THƯỢNG TRÍ |
SAPIENTIA |
S |
ERO CRAS: NGÀY MAI TA SẼ ĐẾN |