CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN – năm B

Bài 1

G 7,1-4.6-7; Mc 1,29-39

Chủ đề: Hãy đến phó thác cho Chúa, nhất là trong lúc bất hạnh,
khổ đau tưởng như tuyệt vọng.

* G 7,7: Ông Gióp nói “Lạy ĐỨC CHÚA Xin Ngài nhớ cho cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ”.

* Mc 1,32.34: người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Đức Giêsu – Người chữa lành họ.

Hôm nay, Chúa Nhật V B, Mùa Thường Niên, Lời Chúa đề cập đến một vấn đề muôn thuở của kiếp nhân sinh, thân phận làm người: nỗi khổ đau, bất hạnh của con người. Các bất hạnh ấy thể hiện qua các đớn đau về vật chất cũng như tinh thần như bệnh tật, những bất công, oan ức mà kiếp người phải hứng chịu. Khốn thay, khổ đau, bất hạnh là điều con người không cách nào tránh khỏi; Vậy vấn đề là con người phải có thái độ, phản ứng nào trước những thực tế tiêu cực ấy?

Lời Chúa hôm nay cũng cho ta thấy một số phản ứng, thái độ của con người. Thái độ trước tiên là BẤT LỰC: Sức người, tự mình không thể giải quyết được các vấn đề nêu trên; Thái độ thường thấy là kêu trách, than van như trường hợp ông Gióp trong bài đọc một; Và nếu không có niềm tin tôn giáo, con người có thể oán hận đời, thù nghịch với người; Còn đối với những ai có niềm tin thì việc chạy đến cậy dựa, kêu cứu, phó thác cho thần linh là điều thường thấy, như trong bài đọc Tin Mừng “người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Đức Giêsu” (Mc 1,32); Và Tin Mừng cho thấy, họ đã không thất vọng, Đức Giêsu đã chữa lành cho họ. Tuy nhiên đó chỉ mới là những phép lạ chữa lành phần xác, giá trị nhất thời, để rồi sau đó rồi cũng phải chết. Điều mà Tin Mừng hôm nay muốn gởi đến cho kẻ tin, đó là LỜI CHÚA: Lời Chúa là câu đáp rốt ráo cho vấn đề khổ đau bất hạnh. Đức Giêsu được Thiên Chúa gởi đến để làm công việc chính yếu đó; Chính vì thế, Người luôn cầu nguyện và RAO GIẢNG.

Bài đọc một nhấn mạnh tới thái độ của ông Gióp trước nỗi khổ đau về thể xác và tâm hồn mà ông đang phải gánh chịu. Chúng ta biết chuyện ông Gióp: ông là người công chính, luôn sống đẹp lòng Chúa. Tuy nhiên Thiên Chúa đã cho phép quỷ Satan thử thách ông: hủy diệt tất cả tài sản, con cái ông, thân xác ông lại bị ghẻ nhọt hành hạ … Tất cả nhằm cho Satan thấy, Gióp thật sự là ngay chính cả khi trong cơn thử thách. Nhưng cái khổ phần xác ấy chẳng ăn thua gì với cái khổ trong tâm hồn là hệ quả của những tai ương phần xác: từ bạn bè thân hữu, ai nấy đều cho rằng Gióp là kẻ tội lỗi nên mới bị Thiên Chúa giáng phạt một cách thê thảm như thế. Bệnh thể xác ngày đêm hành hạ ông, nỗi oan khiên làm ông tuyệt vọng vì không sao tự biện hộ cho mình được. Trong hoàn cảnh bi đát đó, bài một hôm nay ghi lại hai phản ứng của ông:

1. Thở than vì nỗi khổ: ông diễn tả nỗi khốn cùng qua ba hình ảnh: * đời người tại thế là THỜI KHỔ DỊCH. * là chuỗi ngày vất vả lao lung của KẺ LÀM THUÊ * là THÂN NÔ LỆ bị vắt kiệt lực mà không được chút quyền lợi nào. Từ đó ông rơi vào tâm trạng bi quan, hoang mang, bất ổn: – chiều thì mong mau sáng – sáng đến lại mong tới hoàng hôn – cả ngày chìm trong mê sảng – thấy đời qua mau không tia hy vọng. 

2. Phó thác, dâng tất cả lên Chúa cho dù không thấy hướng giải quyết nào: tình trạng trước mắt là vô vọng ông vẫn cậy tin “XIN CHÚA NHỚ CHO”.

Tin Mừng thuật lại một ngày hoạt động của Đức Giêsu nhằm cứu vớt dân làng Capharnaum khỏi những khổ đau về thể xác lẫn tâm hồn (phép lạ cho phần xác; Lời rao giảng cho tâm hồn).

Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu vào nhà ông Simon và Anrê, lúc ấy bà mẹ vợ ông Simon đang sốt nằm liệt. Các môn đệ cầu xin cho bà và Đức Giêsu đã chữa lành cho bà. XÁC LÀNH KÉO THEO HỒN MẠNH: Nhờ được cứu, từ chỗ là một người nằm liệt, vô dụng, còn là gánh nặng cho kẻ khác, bà đã trở nên NGƯỜI PHỤC VỤ CỘNG ĐOÀN THIÊN SAI gồm Đức Giêsu và môn đệ. Việc chữa lành cá nhân ấy đã khai mào cho NIỀM TIN của cả thành: dù trời sắp tối “người ta vẫn đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người …”.

Đáng tiếc là về phía nhân loại, người ta chỉ dừng lại ở cái trước mắt: CHỮA LÀNH VẬT CHẤT. Đối với Đức Giêsu, “phép lạ” không phải là điều Người chọn để làm câu đáp cho nỗi khổ đau, bất hạnh của con người. Điều Người muốn là đừng để tâm hồn con người bị khống chế, điều kiện hóa bởi khổ đau, bất hạnh. Trái lại phải biết tận dụng chúng khi phải đối đầu với khổ đau, bất hạnh, biến chúng thành phương thế nhận ra thánh ý Chúa. Điều Đức Giêsu muốn mang đến là LỜI CHÚA: “Thầy còn rao giảng ở đó nữa vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó. Vậy Lời Chúa mới là lời giải đáp cho nhân loại trước những khổ đau, bất hạnh của kiếp người. Hãy đến với Đức Giêsu với tất cả niềm cậy tin phó thác, thân thưa mọi sự lên Người, để Lời Người trở thành lời đáp, tiếng nói chung cuộc cho mọi sự trong cuộc đời chúng ta.

Bài 2

“Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon và Anrê … Người chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh và trừ nhiều quỷ … Rồi Người đi khắp miền Galilê, rao giảng … và trừ quỷ (Mc 1,29.34.39).

Tin Mừng hôm nay tiếp tục thuật lại những việc làm đầu tiên của Đức Giêsu trong giai đoạn khai mạc sứ vụ công khai của Người. Trong giai đoạn ngắn ngủi này, có thể nói được là Đức Giêsu gặt được những thành công nhất định: 

  • Việc rao giảng của Người phải nói là thuận lợi, phản ứng của người nghe tương đối tích cực: họ sửng sốt trước các lời rao giảng của Người, họ nhận thấy Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền (1,22), họ nhìn nhận giáo lý Người dạy là mới mẻ, quyền uy (1,27).

  • Việc mời gọi các môn đệ tiên khởi cũng phải nói là hết sức thuận lợi: chỉ một cái nhìn, một lời mời ngắn gọn thì những ai được gọi đều bỏ lại tất cả những gì họ đang có để đi theo Người (1,16-20).

  • Uy tín, quyền lực của Người càng được củng cố nhờ những việc làm vang dội: trừ quỷ, phép lạ, cho dù thời điểm lại là ngày Sabat, ngày cấm làm những việc ấy. Tất cả mọi người đều hân hoan đón nhận các việc làm của Người không hề thắc mắc, không chút chỉ trích, bắt lỗi.

Nói chung, đây là giai đoạn thành công trong sứ vụ của Đức Giêsu. Trích đoạn Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu đến nhà hai ông Simon và Anrê, vào nhà, Người chữa lành cho bà mẹ vợ của Simon. Và sau đó, ngay trước cửa ngôi nhà này, Đức Giêsu và môn đệ phải làm việc suốt ngày để chữa lành cho dân và giải thoát họ quyền lực của sự dữ. Ngôi nhà của Simon đã trở thành nơi đám dân khổ đau qui tụ lại và được chữa lành. Như vậy, qua ngày hôm sau, là ngày thứ nhất trong tuần, sự an bình, khỏe mạnh đã ngự trị trong thành Capharnaum nhờ sự có mặt của Đức Giêsu trong thành.

Sau một đêm nghỉ ngơi yên ổn, Đức Giêsu đón chào ngày mới bằng tâm tình cầu nguyện, gặp gỡ Cha; Trong khi đó đám đông đang háo hức chờ ngày mới với những hy vọng hưởng được nhiều phép lạ mới. Họ đi tìm Người, thế nhưng Đức Giêsu đã từ chối những khát vọng trần tục của họ; Người hé cho họ thấy sứ vụ chính yếu của Người: RAO GIẢNG và giải cứu con người khỏi quyền lực của ma quỷ (1,39).

A. CHỮA LÀNH MẸ VỢ SIMON

  • Lập tức ra khỏi hội đường, Đức Giêsu đi đến nhà hai ông Simon…

Với người Do Thái, hội đường là nơi linh thánh dành riêng để thờ phượng Chúa, lắng nghe Lời Người; Sabat là ngày của Chúa. Thế nhưng hôm đó, thần ô uế đã xâm nhập vào và làm chủ tình thế: lớn tiếng la lối. Cần phải nhờ Đức Giêsu đến khống chế và đuổi quỷ đi. Qua các chi tiết trên, phải chăng Marcô ngầm bảo rằng thời của hội đường, là nơi công chúng qui tụ đã dần thoái hóa, cần phải nhường chỗ cho cái mới đang tới trong Đức Giêsu. Thực vậy, vào cuối ngày Sabat, vào thời điểm chuyển tiếp qua ngày mới, ngày thứ nhất trong tuần (x.1,32: “chiều đến, khi mặt trời đã lặn”) thì “cả thành” đã đến qui tụ trước cửa nhà của Simon và Anrê (1,33). Vì thế cần phải “rời khỏi hội đường” để có thể sẵn sàng đón nhận cái mới. Cần ra khỏi đó như một “cuộc xuất hành” mới (x.Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật năm B, Mùa Thường Niên trang 78). “Cuộc xuất hành” này là khẩn cấp (so với Xh 12,33-34) nên Marcô mới viết “ngay lập tức ra khỏi hội đường” để tiến vào một vận hội mới:

Đức Giêsu cùng với tất cả các môn đệ vừa được Người gọi, đến NHÀ hai ông Simon và Anrê: cuộc di chuyển của cả một cộng đoàn mới, đến nhà của các thành viên trong cộng đoàn, chữa lành người nhà của họ; cho họ tham gia vào công cuộc của Người; ban tràn sinh lực cho người nhà của họ, vực dậy một bệnh nhân đang “nằm trên giường” – là gánh nặng cho kẻ khác – trở nên một con người đắc lực phục vụ cộng đoàn. Trong NHÀ này tất cả mọi người ở trong đó đều là người phục vụ: các môn đệ giới thiệu bệnh nhân – Đức Giêsu chữa lành – người được phục hồi cũng cộng tác vào công việc của nhóm.

Không dừng lại ở chuyện cá nhân, nội bộ gia đình, một khi đã có Đức Giêsu ngự đến cùng với môn đệ Người, thì ngôi nhà riêng đó cũng được đổi mới trở thành nơi qui tụ, đón tiếp “cả thành”, là nơi “cả thành” gặp được Đức Giêsu, được chữa lành, được giải cứu khỏi ách quỷ ma. Sự hiện diện của Đức Giêsu không chỉ hồi phục con người mà còn hồi phục môi trường, cơ chế … (Hội đường Do Thái cũng thoát ách quỷ; Nhà của Simon thành nơi đón tiếp, chữa lành …).

  • Nhà hai ông Simon và Anrê:

Như vậy, mặc dù chưa được gọi là NHÀ CỦA PHÊRÔ (ám chỉ Giáo Hội) như trong Mt 8,14, nhưng nơi đây đã là nơi mà các môn đệ lần đầu tham gia vào sứ vụ của Đức Giêsu qua vai trò trung gian chuyển cầu hữu hiệu cho người đang ở trong nhà đó. Rồi sau đó, theo Marcô, NHÀ còn là nơi Đức Giêsu sống thân tình với các môn đệ, cũng là nơi Người đào tạo riêng các ông (x.Mc 7,7; 9,28.33; 10/10). Trong một số trường hợp, NHÀ còn là nơi Đức Giêsu và các môn đệ đón tiếp đám đông, giảng dạy, chữa lành cho họ (x.Mc 1,32; 2,1-2; 3,20). Vậy những nét đặc thù của cộng đoàn Giáo hội đã được Marcô kín đáo tỏ bày trong thuật ngữ “NHÀ” của Simon và Anrê.

  • Tình trạng bên trong “NHÀ”: trước khi Đức Giêsu đến, bầu khí ảm đạm bao trùm: mẹ vợ Simon, đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Con người đang nằm dưới ách của sự dữ, khổ đau, bệnh tật. Căn nguyên là do con người phạm tội, bất tuân lệnh Chúa (x.St 3,1-19). Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương, tha thứ và hứa ban ơn hồi phục (St 3,15). Do đó, người Do Thái thường xem bệnh tật như là hình phạt của tội (x.Ga 9,2), nhất là bệnh sốt (x.Đnl 28,22; 32,34; Lv 26,16); Về sau người ta còn gán cảm sốt cho một con quỷ (Sđd trang 80). Như thế thì việc chữa sốt được xem như một cuộc giải phóng con người khỏi quỷ, khỏi khổ đau do những sai phạm luân lý, tội lỗi gây ra.

Và khi Đức Giêsu đến: sự sống, niềm vui, sự quan tâm đến nhau bừng lên trở lại. Các môn đệ bắt đầu ý thức vai trò trung gian của họ; họ nên nhạy cảm trước tình trạng bất hạnh của tha nhân, họ mau mắn chuyển cầu cho mẹ vợ của Simon. Họ thực sự là chủ nhà, họ mở lòng ra cho Đức Giêsu, họ trình bày vấn đề cho Người, mời Người chủ trì công việc trong nhà mình cho Người.

Chữa lành: đáp lại niềm tin cậy của môn đệ, Đức Giêsu can thiệp chữa lành như Người là chủ nhà: “tiến lên, cầm tay bà, Người cho bà chỗi dậy”. Việc chữa lành được diễn tả bằng động từ êgêirô = “làm chỗi dậy”, là động từ đặc biệt được dùng để ám chỉ sự phục sinh của Đức Giêsu. Như vậy qua phép lạ chữa khỏi sốt, Marcô kín đáo mặc khải dung mạo thần linh của Đức Giêsu: qua Người, Thiên Chúa đang thực hiện lời hứa tha tội, hồi phục nhân loại trong St 3,15. Điều đó hàm ý là Triều Đại Nước Thiên Chúa đã tới (x.Mt 12,28); Đức Giêsu chính là hiện thân của Thiên Chúa ở giữa loài người: Emmanuel. Thật vậy vì ngay sau đó, trong phép lạ chữa lành người bại liệt, Marcô nói rõ, thẳng thừng rằng Đức Giêsu có quyền tha tội (Mc 2,10-12).

Vậy mọi hoạt động của Đức Giêsu đều nhắm tới mục đích tối hậu là thông ban ân huệ phục sinh cho con người. Và nơi Người thông ban là NHÀ các môn đệ.

  • Hoa trái: “Cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”: hiểu cách đơn giản là nhờ Đức Giêsu can thiệp, bà hết sốt, hoàn toàn phục hồi sức lực đã có thể dọn bàn ăn đãi Đức Giêsu và môn đệ. Tuy nhiên trong văn mạch “một ngày mẫu” Đức Giêsu thi hành sứ vụ thiên sai thì “ngôi nhà” của Simon trước khi Đức Giêsu ngự đến chính là trần thế nơi nhân loại (mẹ vợ Simon là biểu tượng) đang sống trong cảnh tối tăm ảm đảm bị bệnh tật, quỷ ma khống chế, nằm liệt chờ chết. Nhưng khi Đức Giêsu và cộng đoàn thiên sai do Người thiết lập đến, thì một cuộc đổi đời tuyệt vời đã diễn ra:

Trước tiên là nhân loại ốm bệnh đã được cộng đoàn thiên sai quan tâm và giới thiệu lên Đức Giêsu, được Người chữa lành, hồi phục sinh lực và mau chóng chỗi dậy phục vụ Đấng Giải Cứu mình và cộng đoàn thiên sai.

Chính trong ngôi nhà trần thế – giờ đã có Đức Giêsu và cộng đoàn thiên sai hiện diện – nhân loại hồi sinh trở thành môn đệ Đức Giêsu, thành người phục vụ cộng đoàn; Đồng thời ngôi nhà của Simon trở thành trung tâm qui tụ tất cả những ai bất hạnh để họ có thể đến gặp Đức Giêsu ở đó và được chữa lành. Ngôi nhà của Simon giờ đây trở thành biểu tượng của Giáo Hội. Còn mẹ vợ của Simon là nhân loại được chữa lành, trở thành môn đệ phục vụ Đức Giêsu và Giáo Hội.

B. TÓM KẾT MỘT NGÀY HOẠT ĐỘNG MẪU (1,32-34)

  • “Chiều đến…người ta đem mọi kẻ ốm đau…” (1,32): đó là một ngày sabat, nhưng lại làm việc cật lực tới tối mịt (so với Mc 3,20: đến độ không có giờ để ăn); Tuy nhiên đó là một ngày đầy ý nghĩa: ngày qui tụ và giải cứu; Ngày thanh luyện cơ chế cũ: thanh tẩy, đuổi quỷ ô uế khỏi hội đường; Hồi phục ý nghĩa ngày sabat: ngày phục vụ, ngày chữa lành; Ngày hồi phục phẩm giá nhân loại: trừ khỏi quỷ ám, chữa lành; Ngày biến ngôi nhà nhân loại, ngôi nhà trái đất thành Giáo Hội là nơi cánh cửa luôn rộng mở đón mời những kẻ bất hạnh vào để hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa.

  • Cả thành xúm lại TRƯỚC CỬA: nơi đón tiếp đoàn người kéo đến để được chữa lành không còn là không gian khép kín của bốn bức tường hội đường hoặc nhà Simon nữa mà là TRƯỚC CỬA, không gian của cuộc thi ân giáng phúc đã mở rộng ra. Và thời điểm “chiều đến” cũng không cản trở được người ta đến với Đức Giêsu. Hình ảnh TRƯỚC CỬA mang tính biểu tượng: công trình của Đức Giêsu qua giai đoạn mới này mang TÍNH PHỔ QUÁT; Một thời điểm mới xuất hiện: ngày Sabat đã qua, bắt đầu một ngày mới, ngày thứ nhất trong tuần; Đối tượng được cứu vớt không chỉ là một người bị quỷ ám, một bà mẹ vợ của môn đệ nữa mà mở rộng ra cho tất cả mọi người đến với Đức Giêsu.

Tuy nhiên đây chỉ mới là thời điểm khai mạc, nên căn tính của Đức Giêsu còn đang tạm che dấu, chờ khi Thập Giá được giương cao xóa tan mọi hiểu lầm, lạm dụng về tước danh Mêsia, thì mới tỏ lộ trọn vẹn.

C. MỞ RA CHO NGÀY MỚI: ngày thứ nhất trong tuần:

  • “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt” của ngày thứ nhất trong tuần gợi lại cho ta thời điểm các phụ nữ và các môn đệ nhờ Đấng Phục Sinh tỏ mình đã nhận ra Chúa đã phục sinh. Và cuộc gặp gỡ ấy đã mở ra một vận hội mới: cộng đoàn thiên sai phải đi rao giảng Tin Mừng với sự đồng hành của Đấng Phục Sinh mọi ngày cho đến tận thế. 

“Ngày mẫu”, ngày bình an (1,21-34) đã xong giờ đây là một giai đoạn mới, giai đoạn của chiến đấu với sự cứng lòng của dân để loan Tin Mừng. Thực vậy mở đầu giai đoạn này – chỉ vài ngày sau thôi – cũng tại Capharnaum, cũng đám dân đó, cũng làm phép lạ, nhưng uy quyền thần linh của Người đã bị chối từ (2,7), Đức Giêsu cố gắng phân giải nhằm giúp họ tin (2,8-12). Tiếc thay mọi nỗ lực chiến đấu của Đức Giêsu và cộng đoàn thiên sai đều thất bại: lòng nhiệt thành của Người bị coi là “mất trí” (3,21); kết quả cuối cùng là Thập Giá; lạ lùng thay, đó lại là nơi quyền năng Thiên Chúa, dung mạo thần linh của Đức Giêsu được tỏ hiện trọn vẹn, được công nhận (x.Mc 15,39).

  • Để đạt được mục đích đó, việc đầu tiên của Đức Giêsu là CẦU NGUYỆN.

Frère Pierre Đình Long FSC