Hôm nay Thứ Năm Thánh Lễ mở đầu Tam Nhật Thánh, Chị em cộng đoàn Nữ tỳ Thánh Thể đã nhận được một bài giảng sâu sắc đủ để chị em suy tư trong Tam nhật này. Xin chia sẻ với chị em các cộng đoàn để thêm chút lửa cho đêm Phục Sinh
LỜI MỞ ĐẦU THÁNH LỄ TIỆC LY:
Kính thưa quý sơ và cộng đoàn,
Chúng ta mới trải qua 40 ngày Chay Thánh. Giờ đây, chúng ta cùng nhau cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly này, và với Thánh Lễ Tiệc Ly này chúng ta bắt đầu bước vào Tam Nhật Vượt Qua.
Đây là ba ngày quan trọng nhất, là trung tâm, là cao điểm của cả năm phụng vụ. Đúng hơn, gọi là ba ngày nhưng chỉ là là một cử hành duy nhất, đó là Cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su Ki-tô, gồm cái chết và sự Phục Sinh của Người, để ban ơn cứu độ cho nhân loại chúng ta.
Khởi đầu Tam Nhật Vượt Qua với Thánh Lễ Tiệc Ly này, chúng ta được mời gọi hãy dõi theo và mặc lấy những tâm tư, những tâm tình của Chúa xưa khi Người bước vào cuộc Vượt Qua của Người, để có thể cử hành và sống Tam Nhật Vượt Qua này cách ý nghĩa nhất.
Và giờ đây để xứng đáng cử hành Thánh Lễ tiệc Ly này, chúng ta cùng nhau sám hối nhìn nhận tội lỗi của chúng ta trước tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
BÀI GIẢNG THÁNH LỄ TIỆC LY 01-04-2021
Thánh Lễ mà chúng ta cử hành giờ đây gọi là Thánh Lễ Tiệc Ly. Gọi là Thánh Lễ Tiệc Ly vì chúng ta tưởng niệm bữa ăn cuối cùng mà Chúa Giê-su đã dùng với các môn đệ trước khi Người từ biệt các ông để bắt đầu vào cuộc Thương Khó. Truyền thống vẫn cho rằng bữa ăn này của Chúa là vào chiều thứ năm, có thể vào đúng như giờ chúng ta đang cử hành Thánh Lễ giờ đây, rồi đến đêm hôm đó Người bị bắt, và Người chịu đóng đinh và chịu chết vào chiều Thứ Sáu ngày mai. Bữa Tiệc diễn ra trong bầu khí lễ Vượt Qua. Đây là ngày quan trọng nhất của người Do Thái được chính Thiên Chúa truyền dạy phải giữ để tưởng niệm biến cố Thiên Chúa giải thoát dân khỏi ách nô lệ Ai Cập như chúng ta vừa được nghe trong bài đọc 1 trích từ sách Xuất Hành: “ Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng ĐỨC CHÚA. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời.” (Xh 12,14)
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su đã tâm sự với các môn đệ nhiều điều. Người nói về mối tương quan giữa Người với Chúa Cha, về tình yêu của Chúa Cha đối với họ và về tình yêu mà họ phải có đối với nhau, rồi người cầu nguyện cho họ (x.Ga 14, 31; 17,26)…Ngoài ra, Người còn làm hai việc đặc biệt. Việc thứ nhất đó là việc Chúa lập Bí Tích Thánh Thể, và đồng thời với việc này Chúa cũng thiết lập Bí Tích Truyền Chức để có thừa tác viên cử hành Bí Tích ấy, việc làm này của Chúa chúng ta được nghe trong bài đọc 2 trích từ thư thứ nhất của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Côrintô: “23Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh,24 dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”25 Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (1Cr 11, 23-25) Những lời này của Chúa chúng ta đều được nghe lại mỗi khi Thánh Lễ được cử hành trong phần truyền phép.
Việc thứ hai đó là việc Chúa rửa chân cho các môn đệ mà chúng ta được nghe trong bài Tin Mừng trích từ Tin Mừng theo thánh Gioan. Việc rửa chân cho các môn đệ được tả rất tỉ mỉ, rành rọt, từng chi tiết. Chúa thực hiện việc rửa chân một cách trang trọng như cử hành một Bí Tích vậy: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.”
Kính thưa cộng đoàn,
Đó là hai việc đặc biệt mà Chúa đã làm trong bữa tiệc ly mà chúng ta cùng tưởng niệm hôm nay. Đến đây không biết quý cộng đoàn có tự hỏi là, vậy thì hai việc Chúa làm đó có liên quan gì với nhau không, hay chỉ là những việc đơn lẻ, rời rạc? Và nếu có liên quan thì việc đó ảnh hưởng gì đến việc sống đức tin của chúng ta hôm nay? Trong ít phút này, con muốn mời quý sơ và cộng đoàn chúng ta cùng suy niệm theo hướng thắc mắc đó.
Như vừa nói, Chúa Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly, cả bốn sách Tin Mừng đều tường thuật về bữa ăn này. Tuy nhiên chỉ có ba Tin Mừng nhất lãm kể lại chuyện Chúa lập Bí Tích Thánh Thể, còn Tin Mừng Gioan thì không. Thay vào đó thánh Gioan kể việc Chúa rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc đó. Chuyện rửa chân cho các môn đệ tưởng như không liên hệ gì đến Bí Tích Thánh Thể nhưng thực ra lại luôn được Giáo Hội đọc trong lăng kính Thánh Thể. Chính ý nghĩa của việc Chúa rửa chân cho các môn đệ cho thấy ý nghĩa về Bí Tích Thánh Thể trong quan niệm thần học của Tin Mừng Gioan. Trong ý nghĩa này, Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích tình yêu. Bí Tích Thánh Thể thể hiện tình yêu tự hiến của Chúa Giê-su, và từ đó Bí Tích Thánh Thể tạo nên khuôn mẫu cho tình yêu đó.
Thật vậy, Bí Tích Thánh Thể là quà tặng của Chúa Giê-su Ki-tô tự hiến chính mình. Với Bí Tích này, Người mạc khải cho con người tình yêu vô biên của Thiên Chúa, yêu cho đến cùng: “1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga13,1). Bí Tích kỳ diệu này bày tỏ tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa: “13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga15,13)
Tình yêu tự hiến của Chúa Giê-su được biểu lộ một cách cụ thể trong bữa ăn, khi Người rửa chân cho các môn đệ. Việc Chúa rửa chân cho các môn đệ này thể hiện là Người yêu thương họ đến cùng, nghĩa là yêu cho đến cuối đời, cho đến chết, và yêu cho đến mức độ cuối cùng của lòng mến. Không thể có một hành động nào có thể diễn tả tình yêu lớn hơn thế nữa.
Trước việc làm này của Chúa, ông Phê-rô không hiểu điều gì xảy ra, và phản ứng rất mạnh mẽ: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”… “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”. (Ga13,6,8). Chúng ta hiểu tại sao Phê-rô lại phản ứng mạnh mẽ như vậy. Chúng ta biết, ngày xưa người nghèo trong dân Do Thái thường đi chân không, còn những người khác khá giả hơn thì mới đi dép. Vì thế mà phải rửa chân cho sạch khi về nhà. Cũng vì thể mà các nghi lễ tiếp khách có việc rửa chân cho khách khi khách đến (x.St 18,4: Lc 7.44). Cử chỉ hiếu khách bình thường là chủ nhà đưa nước cho khách tự rửa chân khi vào nhà (x. 7,44). Một đầy tớ hoặc nô lệ có thể được giao nhiệm vụ này, hay môn đệ có thể rửa chân cho Thầy, nhưng không bao giờ có chuyện ngược lại. Hơn nữa, theo quan niệm người Do Thái lúc bấy giờ, rửa chân cho ai là làm một việc thấp hèn và do đó chỉ dành cho người ngoại bang mà thôi. Không ai có quyền bắt người Do Thái rửa chân cho mình, dù người Do thái ấy là nô lệ đi nữa. Ở đây đối với các môn đệ, Chúa Giê-su là Thầy, là Chúa, thế mà Người rửa chân cho các ông. Người đã làm cho các ông xúc động, sững sờ.
Trước sự sững sờ của các môn đệ và phản ứng của Phê-rô, lời đáp của Chúa Giê-su cho thấy ý nghĩa trọng yếu của hành vi yêu thương: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” (Ga 13,8). Đó chính là ý nghĩa của sự thông dự vào đời sống Thánh Thể, và vì thế, cử hành Thánh Thể là thực hành yêu thương, là làm sao để cuộc cử hành Thánh Thể biến đổi cuộc sống phù hợp với kiểu mẫu của tình yêu tự hiến đó: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga13,14).
Quả thực, lời tuyên bố của Chúa Giê-su: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13,15), theo nhiều nhà chú giải và thần học Thánh Kinh, thì câu nói này có liên hệ, có sự tương đương với mệnh lệnh hay lời kêu gọi của Chúa trong công thức thiết lập Thánh Thể như được tường thuật trong các Tin Mừng Nhất Lãm và trong thứ Phao-lô: “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Mt 26,26-29; Mc 14,22-24 ; Lc 22, 19-20; 1Cr 11, 23-25). Hon nữa trong câu nói, “như Thầy đã làm cho anh em” thì chữ “như” (kathos) ở đây không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa một tấm gương, một kiểu mẫu sống, nhưng đặc biệt là còn mang ý nghĩa nguyên nhân như một động lực khởi sự. Vì thế, câu nói : “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”, có thể diễn tả như là: Thầy đã làm điều này để thúc đẩy anh em và ban cho anh em quyền năng, nhờ đó mà anh em làm được điều Thầy đã làm.
Kính thưa quý sơ và cộng đoàn,
Như thế cử hành Thánh Thể đòi hỏi chúng ta phải sống những gì được cử hành, nghĩa là bước vào hành trình vượt qua, hòa mình vào dòng chảy tình yêu tự hiến của Chúa, ra khỏi chính mình như một cuộc xuất hành thiêng liêng, và cùng với Người dấn thân phục vụ mọi người. Yêu thương là cách thức diễn tả hữu hình, là sự thôi thúc của Thánh Thể, bởi vì: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16).
Thật vậy, việc rửa chân bổ túc cho Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Thánh Thể được cử hành trong nhà thờ. Việc rửa chân được thực hiện ngoài cuộc đời. Khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng, việc sống đạo không chỉ trong nhà thờ mà còn ngoài xà hội nữa. Bí Tích Thánh Thể hướng lòng chúng ta về Chúa. Việc rửa chân hướng lòng chúng ta về anh chị em mình. Khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa dạy chúng ta rằng, chỉ mến Chúa thôi thì chưa đủ, phải yêu người nữa mới trọn vẹn điều răn Chúa truyền. Bí Tích Thánh Thể được cử hành trên bàn thờ. Việc rửa chân được cử hành trên con người. Và, vì thế, khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giê-su còn dạy chúng ta rằng, con người chính là đền thờ, là bàn thờ của Chúa.
Chiêm ngắm Chúa rửa chân cho các môn đệ, chúng ta hiểu rằng, Thánh Lễ không kết thúc ở nhà thờ mà vẫn còn tiếp tục trong cuộc sống. Việc dự phần vào bàn tiệc của Chúa không thể tách rời khỏi bổn phận yêu thương anh chị em chung quanh chúng ta. Thánh Lễ ngoài cuộc đời cũng quan trọng không kém gì Thánh Lễ trong nhà thờ, nên cũng phải cử hành một cách trang nghiêm kính cẩn. Lễ vật dâng trên bàn thờ còn thiếu sót nếu chúng ta chưa dâng trong đền thờ thân xác con người lễ vật yêu mến phục vụ anh chị em mình. Cuộc kết hợp với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể chưa trọn vẹn nếu chúng ta không kết hợp với anh chị em mình trong tình yêu thương được biểu lộ trong sự phục vụ khiêm nhường. Việc giữ đạo khập khiễng nếu chúng ta chỉ tạo được mối liên hệ tốt với Chúa mà không có mối liên hệ với anh chị em. Chúng ta sẽ không thực hành ý Chúa nếu chúng ta chỉ thờ phượng Thiên Chúa mà không kính trọng con người. Trân trọng con người, quan tâm phục vụ anh chị em, đó là tất cả ý nghĩa của bài học rửa chân mà chúng ta sắp cử hành theo gương Chúa Giê-su Ki-tô và là Chúa của chúng ta.
Kính thưa quý sơ và cộng đoàn,
Tóm lại, Thánh Lễ Tiệc Ly chúng ta cử hành giờ đây mang nhiều ý nghĩa, tuy nhiên, vẫn còn có thể gói gọn trong một ý nghĩa và được diễn tả bằng một từ thôi, đó là Tình Yêu. Yêu là cúi xuống phục vụ như Chúa Giê-su là Đấng đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ. Có thứ phục vụ vì bắt buộc. Có thứ phục vụ vì yêu thương. Chẳng có ai có thể bắt buộcThiên Chúa phục vụ con người. Chính tình yêu đã thúc đẩy Người làm điều ấy.
Chúa đã yêu thương đến nỗi quỳ xuống phục vụ con người chúng ta, thì xin Chúa giúp chúng ta biết học gương Người để lại mà biết phục vụ Chúa trong anh chị em của chúng ta. Amen
Linh mục Đa minh Trần Đình Tuyền SSS