Năm 1973 có một người lính tên Hùng, thuộc sư đoàn I, quân đoàn I, được báo cáo là tử trận. Gia đình đã sang Nghĩa trang quân đội để nhận mộ. Gia đình đã mời cha đến làm phép mộ và cùng với thân nhân đã cầu nguyện. Hằng năm, nhiều dịp gia đình đến cầu nguyện và nhang khói tại mộ phần của anh.
Một đêm tháng 6 năm 1975 có tiếng gõ liên hồi tại cửa nhà anh: “Mẹ ơi, con Hùng đây”. Cả nhà chạy tán loạn. Về sau bà mẹ ra mở cửa. Anh ôm choàng lấy mẹ. Bà mẹ cũng hoảng sợ. Anh bị bắt làm tù binh, chứ không chết. Sau 1975 anh được tha và nay anh trở về. Mấy năm trước người ta đã báo cáo lầm, vì đã thu được tấm thẻ bài của anh tại mặt trận.
Tâm trạng của các môn đệ cũng giống như tâm trạng của gia đình người lính nói trên “…nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái…” (Ga 20,19). Rõ ràng Thầy đã chết thảm thiết, người ta đã chôn, tảng đá lớn đã lấp kin mộ.Vậy mà giờ Thầy lại đứng giữa đây, không gõ cửa và cũng chẳng ai mở cửa. Làm sao không hoảng sợ ?
Trước kia Chúa đã dặn dò các môn đệ vào nhà nào trước tiên anh em hãy chúc bình an cho họ. Nay gặp lại các môn đệ, hai lần Thầy chúc Bình an cho anh em (Ga 20,19.21).Điều các môn đệ đang thiếu, đang cần. Chính Chúa phục sinh đã đem lại bình an và niềm vui (Ga 20,20) cho các môn đệ.
Và cũng ngay khi phục sinh, Chúa Giê su đã sai các môn đệ tiếp tục sứ mệnh của Ngài, sứ mệnh Ngài đã lãnh nhận nơi Chúa Cha: Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em (Ga 20,21).Thế nhưng sau biến cố Tử nạn của Chúa, các môn đệ như người mất hồn và vì thế Chúa phải ban Thánh Thần: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (20,22).
Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, con người cũng chỉ là bụi đất. Chỉ khi Thiên Chúa thổi sinh khí vào lỗ mũi, con người mới trở nên sinh vật. (St 2,7). Nay, khi Chúa thổi hơi vào các môn đệ và nói Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (20,22), các môn đệ mới tìm lại hồn đã mất và mới trở nên mạnh dạn, mới ra đi rao giảng. Đây chính là cuộc tạo thành mới do Đức Ki tô phục sinh thực hiện nhờ Thánh Thần trong các môn đệ và qua các môn đệ. Các ông cũng được thông quyền ban sự sống cho những ai tin vào lời rao giảng của các ông: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ. (Ga 20,23). Đây chính là biểu hiện rõ nét của Lòng Chúa Thương Xót (CN hôm nay, CN thứ 2 PS, CN kính nhớ Lòng Chúa Thương Xót, do ĐGH Gioan-Phao lô II thiết lập). Trên thế giới, các quốc gia đều có án chung thân, nhiều nước còn giữ án tử hình, dầu can phạm có hối hận, van nài, hứa hẹn sửa mình; Nhưng trong nước Chúa, mọi tội nhân đều được ân xá, đều được trắng án, nếu biết hối lỗi ăn năn. Xem gương người trộm lành (Lc 23,40-41).Anh bị xã hội xử tử hình, nhưng Thiên Chúa tha bổng. Thiên Chúa đã phán : Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thắm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông. (Is 1,18).
Sứ mệnh của Chúa Giê su là ban ơn tha tội. Như Gioan Tẩy giả đã giới thiệu: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. (Ga 1,29).Các môn đệ cũng phải nối tiếp sứ mệnh đó: ra đi và ban ơn tha tội.
Khi Chúa Ki tô Phục Sinh hiện ra lần thứ nhất không có Tô ma. Các môn đệ khác kể lại, nhưng ông không tin.Thực ra cũng có nhiều người khác hoài nghi (Mc 16,11.13.14), nhưng Tô ma là người khẳng khái và thực nghiệm: Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.(Ga 20,25).
Tám ngày sau Chúa Ki tô Phục Sinh lại hiện ra với các môn đệ, lần này có Tô ma hiện diện. Cũng như lần trước, cửa đóng then cài, nhưng Chúa cũng đứng giữa các ông và nói Bình an cho anh em. Rồi Chúa đáp ứng những yêu sách của Tô ma.(Ga 20,27). Kể ra Chúa cũng nhân từ thật. Với các vua, quan hay lãnh tụ khác, những thách thức tương tự có khi phải trả giá bằng chính mạng sống mình.
Mỗi khi có ai đó nghi ngờ điều gì, người ta thường nói con cháu thánh Tô ma. Nhưng qua sự đa nghi của Tô ma, Chúa Giê su dạy chúng ta Vì thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin. (Ga 20,29). Thực thế, trong đời, có bao nhiêu điều không thấy, ta vẫn phải tin.
Nguyện xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con.
Nguyễn Đức Lân