Bài 1
Ed 17,22-24; Mc 4,26-34
Chủ đề: Mầu nhiệm Nước Trời tại thế: khởi đầu bé nhỏ, cuối cùng lớn nhất.
* Ed 17,23: Ta sẽ ngắt một chồi non…trồng nó trên núi cao… nó sẽ trở thành một cây hương bá huy hoàng. Muông chim đến nương mình bên nó.
* Mc 4,331-32: Hạt cải là loài nhỏ nhất…nhưng khi gieo rồi thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ… chim trời có thể làm tổ dưới bóng.
Chúng ta bước vào Chúa Nhật XI B Mùa Thường Niên. Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta chủ đề: tiến trình lớn lên của Nước Thiên Chúa trong trần thế này. Một khi đã chọn con đường làm người để cứu thế, thì “Ngôi Lời Thiên Chúa” nhập thể, hay “Nước Thiên Chúa” đều phải tuân theo định luật Sáng tạo: lớn lên tiệm tiến theo dòng thời gian, trưởng thành từng bước một. Bài đọc 1 lẫn Tin Mừng đều dùng hình ảnh về sự tăng trưởng của thực vật để diễn tả mầu nhiệm lớn dần từng bước của Nước Thiên Chúa trong trần thế này. Mọi thảo mộc đều khởi sự bằng một mầm sống nhỏ bé: một hạt giống, cây cải chẳng hạn, một chồi non nhỏ bé tỉa từ một cây to lớn, được đem ươm trồng; Rồi theo dòng thời gian, với sự chăm nom của chủ, mầm sống nhỏ xíu ban đầu sẽ lớn dần lên rồi thành cây hùng vĩ đến độ chim trời có thể đến trú ngụ dưới bóng của nó. Đó là những dụ ngôn chúng ta sẽ gặp thấy trong Lời Chúa hôm nay.
Bài đọc 1 kể lại công trình ĐỨC CHÚA sẽ hồi phục Israel, lúc đó đang khốn đốn trong chốn lưu đày. Ý tưởng hồi phục được diễn tả qua dụ ngôn về cây hương bá. Thiên Chúa lấy một chồi non từ cây hương bá cao chót vót. Rồi Người đem chồi non ấy trồng trên đỉnh núi cao của Israel, kiên trì chăm sóc… Chồi non ấy sẽ trổ cành, sinh trái thành một cây hương bá huy hoàng đến độ muông chim đến nương mình bên nó, ẩn thân dưới lá cành của nó. Dụ ngôn ấy nói về Israel:
Cây hương bá tượng trưng cho nhà Đavit. Do những tội của mình, nó sẽ bị phạt bẻ gãy ngọn và bị lưu đày Babylon (x.Ed 17,1-3). Sau thời gian sửa phạt ở đất lưu đày, Chúa tha thứ, hồi phục dân Người: từ cây hương bá Đavit đã bị gãy ngọn, Chúa cho đâm ra một chồi non; Người bứng lấy chồi ấy và đem trồng lại trên núi cao của Israel. Chi tiết đó ám chỉ việc dân Chúa được hồi hương. Rồi Người chăm sóc làm chồi non ấy trở thành một cây hương bá to mạnh, huy hoàng đến độ tất cả muôn dân đều phải đến nương náu ẩn mình dưới lá cành của cây hương bá đó. “Chồi non” đó là hình ảnh báo trước về Đấng Mêsia. Cây hương bá là biểu tượng của Nước Thiên Chúa, sẽ được Đấng Mêsia – Giêsu đem vào trong cõi nhân gian này. Chung cuộc cây hương bá lớn cao đầy hoa trái là một tiên báo về Giáo Hội. Cùng chủ đề, Đức Giêsu thuật lại qua một dụ ngôn khác trong Tin Mừng.
Điều được Edêkien loan báo trong bài đọc một đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu và Giáo Hội. Việc Đức Giêsu xuất hiện, rao giảng là bước khởi đầu nhỏ bé, là chồi non, là hạt giống Nước Thiên Chúa được gieo xuống. Thời gian cứ trôi qua, và hạt giống cứ mọc lên, rồi thành cây, rồi sinh trái. Cây này càng lớn thành nơi ẩn trú cho chư dân.
Thực ra, bài đọc Tin Mừng thuật lại hai dụ ngôn. Dụ ngôn 2 nói về hạt cải, lúc mới gieo là nhỏ nhất nhưng khi lớn lên nó có thể trở thành nơi chim trời đến làm tổ. Dụ ngôn này cùng ý với bài đọc 1.
Còn dụ ngôn 1 nhấn mạnh đến NỘI LỰC TỰ THÂN CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA. Hạt giống một khi đã được gieo xuống thì người gieo có thức hay ngủ thì hạt giống vẫn cứ âm thầm mọc, lớn lên, đươm hạt và cuối cùng sinh kết quả dồi dào. Sự lớn mạnh của Nước Thiên Chúa là chắc chắn, là vượt khỏi tầm kiểm soát của con người: “đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và lớn lên, bằng cách nào thì người ấy không biết… (nhưng rồi) cuối cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt” (Mc 4,27-28).
Nội dung sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật XI B chính là thực tại của Giáo Hội mà hôm nay chúng ta đang sống. Đó là sứ điệp của NIỀM HY VỌNG. Những khó khăn, cản trở từ bên ngoài chắc chắn không hủy diệt được nội lực của hạt giống Nước Thiên Chúa, không cản trở được sự tăng trưởng của Giáo Hội cho dù lắm khi mắt phàm không thấy được. Sứ điệp của niềm hy vọng:
-
Không nản chí, chùn bước trước những khó khăn, trì trệ hiện tại.
-
Tin Lời Chúa – Tin nội lực của Nước Thiên Chúa. Từ đó mỗi tín hữu sẽ là người gieo hạt giống. Gieo những hạt giống khiêm tốn, nhỏ bé của mình trong tin yêu, phó thác: chắc chắn Chúa sẽ cho vụ mùa tươi tốt.
Bài 2
“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày… thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên… Nước Thiên Chúa giống như hạt cải… là loại hạt nhỏ nhất lúc gieo…Nhưng khi mọc lên nó lớn… đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” (Mc 4,26.27.31.32).
Hôm nay là Chúa Nhật XI B Mùa Thường Niên. Công cuộc rao giảng công khai của Đức Giêsu đã diễn ra một thời gian rồi: Người đã thu nạp môn đệ, đã giảng dạy, đã làm một số phép lạ… và cũng đã đối đầu với những phản ứng khác nhau từ phía người nghe. Sau bước đầu thành công ngắn ngủi, “gió đổi chiều”:
-
Trong giai đoạn ngắn ban đầu (Mc 1,14-45), mọi sự như có vẻ ổn thỏa, thành công. Đức Giêsu làm phép lạ trừ quỷ, ngay giữa hội đường, vào ngày Sabat và được mọi người ủng hộ (1,21-28); Việc chữa lành được tiếp tục suốt ngày Sabat cho cả dân thành cho đến chiều tối, nghĩa là ngày Sabat đó là ngày Người tự do chữa lành cho dân: các nhà chú giải Kinh Thánh gọi đó là “một ngày mẫu của Đức Giêsu” (CGKPV “Kinh Thánh Tân Ước 2008 trang 195 nốt “n”); Và đối tượng được hưởng ngày hồng ân đó là đám đông dân chúng (lúc đó các kinh sư, biệt phái chưa xuất hiện công khai). Việc kêu gọi bốn môn đệ cũng diễn ra suôn sẻ (1,16-20).
-
Nhưng khi qua chương 2, với sự xuất hiện của các kinh sư (2,6) và biệt phái (2,16) thì tình hình đã khác hẳn đi: Đức Giêsu bị chỉ trích khi làm phép lạ (2,1-12); Việc kêu gọi môn đệ là ông Lêvi cũng là cớ để họ gây hấn với Đức Giêsu (2,13-17); Việc thực hành các việc đạo đức (2,18-22); Việc giữ các tập tục về ngày Sabat (2,23-28) đều được họ tận dụng khai thác để tranh luận bắt bẻ Người.
Và thật bất ngờ, chỉ trong một giai đoạn ngắn xung đột với nhau như vậy, Marcô đã đưa tới một kết luận khủng khiếp: sau phép lạ Đức Giêsu chữa người bị bại tay trong hội đường (3,1-5). Nhóm Pharisêu đã bộc lộ công khai lòng hận thù thái quá của họ so với phản ứng ủng hộ của đám đông trước phép lạ đầu tiên Đức Giêsu cũng đã làm giữa hội đường cũng trong một ngày Sabat (Mc 1,21-28): Nhóm Pharisêu đã lập tức bàn tính với Phe Hêrôđê (vốn là thù nghịch với Nhóm Pharisêu) để tìm cách giết Đức Giêsu (3,6).
-
Ngay cả thân nhân của Đức Giêsu cũng chống đối Người (3,20-21).
-
Những hành vi cứu độ của Người bị họ xuyên tạc thành hành động của quỷ vương Bêendêbun (3,22-35).
-
Chỉ còn đám đông là vẫn còn cứ bám theo Người, nhưng chắc cũng chỉ vì muốn hưởng tức thời các phép lạ mà thôi (3,10-11).
Chính giữa cảnh địch thù vây bủa, phong ba bão táp như thế, Đức Giêsu vẫn kiên trì đi gieo hạt giống Nước Trời: Đức Giêsu thiết lập Nhóm Mười Hai (3,12-19); Đưa ra những chuẩn mực mới thành lập “gia đình mới” dựa trên việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa (3,31-35).
Với bước khởi đầu nhỏ bé (chỉ có Nhóm Mười Hai, và một đám dân đen đến nghe Lời Chúa, trong khi đó chống đối tư bề) Đức Giêsu của Marcô bắt đầu trình bày nội dung chính của lời rao giảng: bằng dụ ngôn, Đức Giêsu dìu đưa đám đông và đoàn môn đệ nhỏ bé lần bước vào mầu nhiệm Nước Trời (4,1-34).
Bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật XI B Mùa Thường Niên là hai dụ ngôn cuối trích từ bài giảng bằng dụ ngôn theo Marcô. Tiếp ngay sau bài giảng là một loạt các phép lạ: làm chủ mãnh lực thiên nhiên (4,35-41); Trừ cả đạo binh quỷ (5,1-20); Chữa lành và phục sinh kẻ chết (5,21-43), được coi như là lời đáp trả đến từ Thiên Chúa để xác nhận và củng cố lời giảng dạy của Đức Giêsu.
Đối tượng chính mà lời rao giảng của Đức Giêsu nhắm tới là các môn đệ (x.4,10.13.21.24) (kể cả các phép lạ dù làm công khai nhưng cũng nhắm vào môn đệ như đối tượng chính), cho dù khởi đầu là Người nói chung cho tất cả đám đông (4,1). Qua chi tiết này (Mc 4,10-11), Marcô muốn gởi đến cho các môn đệ sứ điệp: một khi đã được chọn và được nghe Đức Giêsu giải thích rõ thêm về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, bổn phận các môn đệ là phải tiếp nối công trình của Đức Giêsu loan truyền mầu nhiệm đó cho mọi người, đón nhận mọi người vào cộng đoàn thiên sai của Nước Thiên Chúa như Đức Giêsu đã đón tiếp các môn đệ dạy dỗ, củng cố đức tin cho họ.
1/ Dụ ngôn thứ nhất (Mc 4,26-29)
Dụ ngôn này khích lệ các tín hữu hãy noi gương “người gieo giống” trong dụ ngôn mở đầu (4,3): can đảm ra đi gieo giống vì tin vào nội lực của hạt giống và tin rằng sẽ có vụ mùa phong nhiêu, bất chấp những diễn biến thuận hay bất lợi đến từ bên ngoài. Nội dung của dụ ngôn này được trình bày theo 3 nhịp. Việc Nước Thiên Chúa được gieo vào trần thế cũng sẽ diễn tiến ra như thế:
*Nhịp 1: có người đi gieo hạt giống xuống đất (4,26)
– Cội nguồn: Để có được vụ mùa, trước tiên là phải có “đất được cày bừa sẵn”, phải có hạt giống và phải có người đi gieo hạt. Đó là công trình sáng tạo của Thiên Chúa (St 1,1); Và “hạt giống sáng tạo” do chính Thiên Chúa gieo xuống đó đã tồn tại cho đến nay bất chấp mọi thăng trầm do tạo vật gây ra, và trong đức tin chúng ta biết chắc rằng “vụ mùa” sẽ là “Trời mới Đất mới”, mọi sự sẽ hoàn tất theo tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Đó là chiều kích “cội nguồn” của nhịp 1.
– Chiều kích lịch sử: công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa bị xáo trộn, tiến trình lớn lên, sinh hạt… bị chẫm trễ do các tiêu cực từ phía tạo vật gây nên. Thiên Chúa chỉnh sửa, khôi phục trong Đức Giêsu: khi đến thời đã định trong dòng lịch sử, Ngôi Lời giáng thế, làm “người gieo hạt giống Nước Thiên Chúa” vào trần gian, khai mở một giai đoạn mới trong dòng lịch sử cứu độ.
– Chiều kích hiện tại: áp dụng Mc 4,26 vào hiện tại, “người ra đi gieo hạt giống xuống đất” chính là Giáo Hội, là mỗi tín hữu chúng ta. Nhờ đó mà “hạt giống Nước Thiên Chúa” được tung gieo khắp nơi, đến được cho từng người và kéo dài cho đến tận thế. Vậy mỗi tín hữu, đến phiên mình đều phải góp phần vào việc thiết lập Nước Thiên Chúa tại thế.
*Nhịp 3: … cuối cùng, hạt giống “cũng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín NGƯỜI ẤY đem liềm hái ra gặt, vì đã ĐẾN MÙA” (4,28b.29). Tất cả 3 chiều kích ở “Nhịp 1” đều hướng về cùng đích đó. Dụ ngôn mời tín hữu hãy vững tin có “Trời mới Đất mới” nơi mà tình yêu sáng tạo và quan phòng của Thiên Chúa thống trị, mang lại vụ mùa bội thu tạo phúc cho toàn thể tạo vật cách vĩnh viễn. Niềm tin, trông cậy, hy vọng, phó thác vào “vụ mùa” này luôn là động cơ, mục đích, lý tưởng cho mọi hành động của các tín hữu Chúa Kitô tại thế này.
“NGƯỜI ẤY” = Thiên Chúa = Đức Giêsu. Đấng làm chủ dòng lịch sử, phán xét thế giới, quyết định ngày chung thẩm là Thiên Chúa, và Người trao quyền đó lại cho Đức Giêsu (x.Kh 5,1-5; 14, 14-20; Mt 28,18); Phần các môn đệ, tiếp tục công cuộc của Đức Giêsu, vào ngày đó cũng được thông phần vinh quang (x.Mt 19,28; Lc 22,28-30).
*Nhịp 2: “đêm hay ngày… hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên… rồi trổ đòng đòng” (4,27-28a): đó là khoảng thời gian từ Đức Giêsu thăng thiên cho tới Ngày Tận Thế, Khoảng thời gian Thiên Chúa và Đức Giêsu tiếp tục gieo hạt qua hoạt động cụ thể của Giáo Hội, tín hữu dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần.
Đây là giai đoạn hạt giống tự lớn lên rồi sinh hoa kết trái nhờ thu hút được dưỡng chất có sẵn trong đất đai theo như công trình sáng tạo của Thiên Chúa đã an bài. Dụ ngôn nhấn mạnh rằng yếu tố đưa vụ mùa đến thành công không nằm nơi sức người, không nằm trong tầm kiểm soát của người gieo (Mc 4,27). “Người gieo” ở nhịp này trong cụ thể là “Giáo Hội” và “tín hữu”.
Công trình gieo hạt, sức sống nội tại của hạt, dưỡng chất của đất đai, kết quả chung cuộc đều là công trình của Chúa, đều nằm trong dự tính của Người. Điều Thiên Chúa muốn con người cộng tác là “có người tiếp tục công trình gieo hạt” mà Thiên Chúa đã khởi công trong Sáng Tạo và trong Đức Giêsu Kitô.
Trong hiện tại “hạt giống” từ Thiên Chúa đã trổ sinh hoa trái trong chúng ta biến ta thành Kitô hữu, thì tới phiên mình, mình phải là người gieo giống. Ý nghĩa đó của dụ ngôn càng rõ hơn khi Ta nối kết với dụ ngôn đi trước: ngọn đèn một khi đã được thắp sáng lên rồi là phải đặt trên đế, phải tỏ lộ công khai điều đã được lãnh nhận (Mc 4,21-23).
2/ Dụ ngôn thứ hai (Mc 4,30-32):
Cũng nhằm khích lệ, củng cố các tín hữu kiên vững trong đức tin đã lãnh nhận của mình. Nhưng lần này bằng cách so sánh 2 tình trạng của Nước Trời:
-
Lúc hạt mới gieo xuống: là loại hạt NHỎ NHẤT (c.31)
-
Nhưng khi lớn lên: to lớn hơn mọi thứ rau đến độ chim trời có thể đến làm tổ dưới bóng (c.32).
Một lần nữa, Đức Giêsu mời các kẻ tin vào Người phải hiệp thông với đường lối làm việc của Chúa: luôn khởi đầu với số ít; tăng trưởng Từ Từ; và kết quả chung cuộc là lớn lao, chắc chắn:
-
Sáng tạo bắt đầu chỉ với Adam – Eva
-
Thanh luyện lại vũ trụ chỉ với Nôê
-
Bắt đầu lịch sử cứu độ với Abram
-
Cứu và nuôi dưỡng dân qua nạn đói với Giuse
-
Giải phóng khỏi nô lệ, khỏi diệt chủng với Môsê
Chúa mời gọi kẻ tin một khi gia nhập cộng đoàn Nước Thiên Chúa thì hãy phó thác đi theo đường lối Thiên Chúa, cho dù bước đầu là nhỏ bé, lao đao.
Xét về mặt lịch sử, có lẽ 2 dụ ngôn này vọng lại tình trạng thực tế của cộng đoàn Marcô tại Rôma, vào thời điểm sách Tin Mừng thứ ba được soạn thảo, tức là vào khoảng giữa năm 64 và 70 (x.Sđd trang 184 phần “Nơi và thời gian biên soạn”). Đây là giai đoạn bạo chúa Nêron vu oan, bách hại đạo Công Giáo tại Rôma, tương truyền là để chạy tội đã đốt thành Rôma để lấy hứng làm thơ, trước cơn thịnh nộ của dân thành Rôma (xem Quo vadis”).
Hạt giống Nước Thiên Chúa đã được Đức Giêsu gieo vào trần gian và vào lòng các tín hữu. Hạt giống ấy đang âm thầm lớn lên hướng về mùa gặt cánh chung. Trong hiện tại “hạt giống nhỏ bé” ban đầu đang dần là nơi “chim trời” đến cư ngụ… Mọi sự đang diễn tiến đúng theo mặc khải của Đức Giêsu. Dòng thời gian còn trôi! Lịch sử vũ trụ và nhân loại đang tiến về cùng đích “Trời Đất Mới”! Mỗi tín hữu, hãy cùng Giáo Hội vừa là “hạt giống”, vừa là “người gieo hạt” cố gắng góp phần vào vụ mùa cánh chung. Đừng để những tiêu cực của cuộc đời cản trở sự tăng trưởng Nước Trời trong tâm hồn ta, trong Giáo Hội và toàn vũ trụ. Trong hiện tại hãy chuẩn bị để dự hội “Ngày Mùa” của Chúa.
Frère Pierre Đình Long FSC