LỄ MÂN CÔI

Cv 1,12-14; Gl 4,4-7; Lc 1,26-38
Chủ đề: Vai trò độc nhất của Đức Maria
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. 

* Lc 1,31-32: Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu… Người là Con Đấng Tối Cao.

* Cv 1,14: Tất cả mười một tông đồ đều đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện…cùng với bà Maria, Thân Mẫu Đức Giêsu.

* Gl 4,4-5: Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà… hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.

 Hôm nay 7/10, toàn thể Giáo Hội Việt Nam mừng kính lễ Mân Côi. Theo lịch công giáo thế giới, lễ Mân Côi được mừng vào ngày cố định 7/10. Và vì lễ Mân Côi chỉ ở vào bậc lễ NHỚ, nên nếu 7/10 rơi vào ngày Chúa Nhật thì năm đó, Giáo Hội toàn cầu không mừng lễ Mân Côi.

Tuy nhiên tại Việt Nam, việc sống đạo, tiếp xúc với Thiên Chúa và Đức Mẹ ngang qua chuỗi Mân Côi là một cách thể hiện đức tin bình dân, phổ biến, hiệu quả mang lại nhiều lợi ích mục vụ, củng cố đời sống thiêng liêng của tín hữu. Do đó, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, vì lợi ích ơn cứu độ cho dân Chúa, đã cho phép mừng lễ Mân Côi trọng thể; Và để thuận tiện cho tín hữu tham dự đông đảo lễ này nên đã dời việc mừng lễ Mân Côi cách long trọng vào ngày Chúa Nhật ngay trước hoặc sau ngày 7/10. Hội Đồng Giám  Mục Việt Nam đã đưa ra quyết định này vào khóa 4 của cuộc họp thường niên 1991, nhằm giúp tín hữu sống đạo tốt hơn với việc lần chuỗi Mân Côi.

Lễ Đức Mẹ Mân Côi do Đức Giáo Hoàng Piô V thiết lập vào năm 1572 để tạ ơn, tôn vinh Mẹ đã gìn giữ bảo vệ đoàn con cái, giúp Giáo Hội đẩy lui được cuộc xâm lăng của Hồi Giáo tại vịnh Lépantô vào ngày 7/10/1571, nhờ toàn thể tín hữu đã hiệp ý với Đức Giáo Hoàng khẩn cầu cùng Mẹ qua chuỗi Mân Côi. Do đó lúc mới được thiết lập, lễ này được gọi là “lễ Đức Mẹ thắng trận”, về sau mới đổi thành “lễ Đức Mẹ Mân Côi”. Qua việc thiết lập lễ này, Giáo Hội khích lệ tín hữu siêng năng dùng kinh Mân Côi như là một phương thế cầu nguyện thường xuyên, hữu hiệu nài xin lòng thương xót Chúa nhờ Mẹ Maria.

Ngoài việc khích lệ tín hữu lần hạt Mân Côi cá nhân, Giáo Hội cũng nhiệt liệt cổ võ việc lần hạt cộng đồng, gia đình, lối xóm để nói lên tình hiệp thông Kitô giáo và sống, thể hiện cách hữu hình mầu nhiệm “Nhiệm Thể Chúa Kitô”.

Lời kinh chủ yếu của chuỗi Mân Côi là KINH KÍNH MỪNG, gồm ba phần:

1/ Mở đầu là lời chào của thiên thần Gaprien nói với Mẹ lúc Truyền Tin gồm ba ý:

*Mừng vui lên: chúng ta thường đọc là “kính mừng”. Đây là lời chào quen thuộc trong Kinh Thánh; Mỗi khi lời chào này vang lên là dân Chúa hỉ hoan vui mừng vì giờ phút Thiên Chúa can thiệp mạnh để đưa lịch sử cứu độ lên một mực độ cao hơn đã tới (x.Xp 3,14; Dcr 9,9; Lc 1,14). Qua lời chào này, Thiên Chúa đã chọn Maria làm người cộng tác mật thiết, duy nhất vào công trình Chúa sắp thực hiện.

*Hỡi Đầy Ơn Phúc: khi chọn ai làm người cộng tác, Chúa đề nghị đưa người đó vào một vị trí, một thân phận mới, bằng cách ĐỔI TÊN, ban cho danh hiệu mới (đổi tên Abraham, Sara, Giacop…). Từ nay tên của Maria (có nghĩa là “giọt nước biển”, “sao Bắc Đẩu”, “người phụ nữ đáng kính, đáng ca ngợi”.. [Ban Tự Vựng Công Giáo “Từ điển Công Giáo]), trở thành “ĐẦY ƠN PHÚC” nghĩa là nơi Maria, ơn Chúa xâm chiếm hoàn toàn, nơi Maria, ý định, công trình của Thiên Chúa hoàn toàn được thể hiện. Như vậy với tên mới này, Thiên Chúa ngỏ ý với Maria sẽ dùng Mẹ để đưa công trình cứu độ của Chúa đến mức viên mãn (x.Gl 4,4).

* “Đức Chúa ở cùng Bà”: có Thiên Chúa ở cùng là một bảo đảm chắc chắn sứ mạng sẽ thành công. Thiên Chúa sai nhờ ai làm điều gì, Người đều hứa ở cùng người đó (x.St 28,15; 31,3; 46,4; Xh 3,12; Gs 1,5…)

Như vậy với Lời Chào mở đầu này, lịch sử cứu độ lật sang một trang mới. Lần này ý Chúa chắc chắn được thể hiện; Và người cộng tác viên được Chúa chọn cũng đáp trả trọn vẹn ý Chúa. Mỗi lần đọc lời kinh chào “Kính mừng…” này chúng ta đang cùng Thiên Chúa, cùng Đức Mẹ bước vào một bậc cao hơn của ơn cứu độ nơi ta, nơi Giáo Hội. Hãy như Mẹ, đáp lời “xin vâng” để ý Cha thể hiện.

2/ Tiếp theo là lời ca ngợi, chúc mừng của bà Ysave chào đón Mẹ khi Mẹ đến viếng thăm bà: “Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ…”, Lời này đã được dân Chúa dùng để ca khen hai nữ anh hùng của họ là bà Giaen (x.Tl 5,24) và bà Giuđitha ?(Gđt 13,18) vì hai bà đã được Thiên Chúa dùng để giết chết hai tướng giặc hùng mạnh, mà toàn thể binh đội Do Thái không thể làm nổi, để giải cứu dân Chúa khỏi ách ngoại bang. Vậy khi áp dụng lời chào này cho Maria, Luca muốn nói rằng Maria chính là người phụ nữ hoàn hảo nhất được Thiên Chúa chuẩn bị để hoàn tất kỳ công lớn nhất qua trung gian một người nữ như Chúa đã hứa (x.St 3,15). “Và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”: câu này đúng là áp dụng vào Đức Giêsu; Phối hợp với câu tiếp “bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi…” toàn bản văn cho thấy Đức Giêsu chính là Thiên Chúa. 

Như vậy Thiên Chúa đã đến viếng thăm dân Người! Giai đoạn chờ đợi đã qua. Giờ là giai đoạn mỗi người tín hữu được mời đồng hành với Thiên Chúa trong Đức Giêsu để đón nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hoàn tất cho nhân loại trở thành gia sản của từng người.

Để làm được điều đó chúng ta bắt chước Đức Mẹ: TIN VÀO LỜI THIÊN CHÚA “Em thật có phúc vì đã tin Thiên Chúa sẽ thực hiện điều Người đã nói” (x.Lc1,45).

3/ Phần ba, kết thúc Kinh Kính Mừng, là lời khẩn nài của Giáo Hội dâng lên Mẹ nhờ Mẹ chuyển cầu cho đoàn con tội lỗi, trong giờ phút hiện tại cũng như trong phút lâm chung của mỗi người.

*Mở đầu lời khẩn nài này, Giáo Hội nói lên niềm tin của mình vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa ngang qua lời tuyên xưng “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời”. MARIA LÀ MẸ THIÊN CHÚA (x.Lc 1,43): đó là ý định từ muôn đời của Thiên Chúa (x.St 3,15 bản Vulgata), chọn Mẹ làm cộng tác viên độc nhất vô nhị để Con Chúa mang lấy xác phàm nhân, và Mẹ đã đáp lại ý Chúa bằng cách tuyệt vời qua tiếng “xin vâng”. Mẹ đã để Thiên Chúa hoàn tất nơi Mẹ ý định của Người (Lc1,38), đáp lại, Thiên Chúa đã tôn vinh Mẹ trong dân Chúa ngay lúc vừa thụ thai Giêsu qua lời ca khen của Ysave và thái độ nhảy mừng của thai nhi Gioan “bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi …”(Lc1,43). “Em thật là có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với Em”(1,45). Vậy khi khẩn nài Mẹ với tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, chúng ta tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện cho ta những gì mà Mẹ chuyển cầu cho chúng ta.

* “Cầu cho chúng con là kẻ có tội” : lời cầu khiêm nhu, phó thác, không áp đặt mơ ước riêng tư của mình lên Đức Mẹ, mà chỉ nói lên thân phận mình là tội nhân bất xứng, và xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được như Mẹ là biết để cho Thiên Chúa hoàn tất nơi chúng ta ý định của Chúa, trong hiện tại và nhất là trong phút lâm chung.

Như vậy là trong 2 phần đầu của Kinh Kính Mừng, chúng ta chiêm ngắm, thờ phượng Chúa đã hoàn tất ý định cứu độ của Chúa nơi Mẹ; Trong phần 3, chúng ta, ý thức thân phận khốn cùng của mình, nài xin Mẹ chuyển cầu, để nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta bắt chước Mẹ để Thiên Chúa hoàn tất ơn cứu độ của Người nơi ta.Trong hai phần đầu, Đức Mẹ thay nhân loại đón nhận hồng ân tuyệt vời nhất của Thiên Chúa và trong phần ba, Đức Mẹ liên đới với phận người tội lỗi khẩn cầu cùng Chúa cho chúng ta.

Mỗi lần chúng ta đọc Kinh Kính Mừng, chúng ta giống như đứa con nắm lấy tay Mẹ để Mẹ dẫn chúng ta đến cùng Chúa, để được Mẹ vỗ về trấn an giúp ta bình tĩnh lắng nghe tiếng Chúa, rồi khích lệ chúng ta can đảm đáp xin vâng, sẵn sàng cộng tác hết lòng với Chúa để Chúa hoàn tất dự tính cứu độ của Chúa nơi ta, và qua ta, cho toàn thế giới.

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA CỦA LỄ MÂN CÔI

Cả ba bài đọc đồng quy về một điểm: Mầu Nhiệm Thiên Chúa tuyển chọn và vai trò độc nhất vô nhị của Đức Mẹ trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta nhìn chung công trình Thiên Chúa qua ba bài đọc theo dòng lịch sử:

1/ Tin Mừng: Lc 1,26-38, trình thuật Truyền Tin cho Maria. Maria được Chúa tuyển chọn từ ngàn xưa để thụ thai và sinh hạ Đấng Đạp Đầu Rắn (x.St 3,15). Khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa sai sứ thần đến bày tỏ ý định của Người cho Maria. Maria đã thay mặt nhân loại đón nhận hồng ân thiên sai: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời thần sứ nói” (1,38).

Con người bị đuổi khỏi Địa Đàng, nay Con Thiên Chúa đến nhập thể vào cung lòng của một người nữ trần gian. Trời đất lại giao hòa: Thiên Chúa và con người nên một trong cung lòng Trinh Nữ Maria. Một sự kết hợp, giao hòa vĩnh viễn.

2/ Cv 1,12-14: Sau khi Chúa thăng thiên, mười một tông đồ, mấy người phụ nữ, cùng với anh em của Đức Giêsu đã quây quần chung quanh Mẹ Maria đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện dọn lòng đón nhận Chúa Thánh Thần. Phần Maria đã đầy tràn Thánh Thần trong ngày truyền tin (x.Lc 1,35), nhưng Mẹ vẫn đồng hành với đoàn môn đệ, với Giáo Hội tiên khởi giúp họ đón nhận Chúa Thánh Thần.

Như vậy hai lần Cha trao ban hai ơn huệ chóp đỉnh của mầu nhiệm cứu độ là Ngôi Lời và Thánh Thần, thì Mẹ đều là người đại diện nhân loại đón nhận, khắc phục những hậu quả tai hại do tổ mẫu Eva gây ra và để cho Chúa, qua Mẹ, hoàn tất công trình sáng tạo, cứu độ của Người.

3/ Gl 4,4-7: Phaolô chiêm ngắm kỳ công cứu độ được Thiên Chúa thực hiện qua Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần trong tương quan với Luật và thân phận làm người của nhân loại: – Nhờ Đức Giêsu, chúng ra được chuộc ra khỏi ách của Luật và được ơn làm nghĩa tử (x.Gl 4,4-7).

  • Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta nhận ra và dám thể hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa ngay trong hiện tại qua việc dám gọi Thiên Chúa là “Ba ơi” “Abba” (4,6).

Như vậy ngay tại thế này, ngay trong thân phận còn vương tội lỗi, chúng ta đã là con Thiên Chúa. Để hoàn tất công trình tuyệt vời đó, Thiên Chúa cần sự cộng tác trọn vẹn của con người. Và người đảm nhận vai trò đó không ai khác hơn là Maria (x.4,4).

Như thế, trong công trình cứu độ của Thiên Chúa, trong mầu nhiệm tuyển chọn và đáp trả, Đức Maria đã được Thiên Chúa chọn vào một vai trò độc nhất vô nhị, và Mẹ đã làm ơn ấy thành của Mẹ qua việc phó thác để Thiên Chúa hoàn tất ý định của Người nơi Mẹ. 

Frère Pierre Đình Long FSC