Bài 1
Chủ đề: Điều răn đứng hàng đầu
– Đnl 6,4-5: Nghe đây hỡi Israel! … Hãy yêu mến Yave, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ hết sức.
– Mc 12,30-31: Ngươi phải yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi … và yêu mến người thân cận như chính mình.
Con người là loài thọ tạo duy nhất được Thiên Chúa dựng nên “theo hình ảnh Chúa” (St 1,26-27) và thân xác con người chỉ trở thành sinh vật nhờ “HỒN” là “hơi thở” của Thiên Chúa thổi vào (St 2,7); và Thiên Chúa cũng muốn con người sống thành cộng đoàn theo mẫu mực cộng đoàn thần linh Thiên Chúa Ba Ngôi (x. St 1,27b; 2,18). Và từ đó, con người chỉ thật sự hạnh phúc, trưởng thành khi sống thành cộng đoàn, thành xã hội yêu thương tương trợ lẫn nhau. Thế nhưng từ khi con người khước từ ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời mình thì cảnh khốn cùng đã ập đến bủa vây nhân loại; lòng ganh tỵ, sự hỗn độn đã thống trị, làm chia rẽ, gây khổ cho con người (x. St 4,6-16; 11,1-9); con người chụp ách nô lệ vào cổ nhau, có nguy cơ đưa nhau tới diệt vong (x. Xh 1,22; 11,4-6).
Để khắc phục hậu quả khốc hại trên, Thiên Chúa can thiệp giúp con người hồi phục: bước đầu tiên Thiên Chúa thực hiện là tạo nên một DÂN, được Chúa gọi là “dân riêng của Người” (Xh 19,4-6) ban cho họ lề luật là phương thế giúp họ bước đầu hồi phục dần dần “hình ảnh Thiên Chúa” nơi họ và về sau là cho cả nhân loại. Và Luật đã trở thành lẽ sống cho họ, Luật là hiện thân của Lời Chúa: Chúa ban cho họ “Mười lời” (Xh 20,1-17). Tiếc thay, qua dòng thời gian, dân đã biến mười lời của Chúa tràn đầy sinh lực thành ra một khối 613 điều khoản vô hồn (x. CGKPV “Tân Ước” 1994 trang 139 r) cào bằng như nhau đến độ không còn phân biệt điều nào là chính là phụ nữa. Và khối luật đã bị biến thái ấy trở thành gánh nặng cho dân, thành cớ cho các tay vụ luật bày trò tranh cãi. Đám người vụ luật chỉ còn thấy “cái xác” bên ngoài của luật mà không còn nhận ra đâu là “cái hồn” của luật. Đức Giê-su đã đến để khơi dậy lại “cái hồn” ấy cho chúng ta qua trích đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XXXI B mùa Thường Niên. Con người được Thiên Chúa dựng nên có xác, có hồn, nên những “cái xác” của Luật vẫn là cần thiết; nhưng cần hơn là “cái hồn”. Nhờ hồn mà những hành vi cụ thể của con người thực sự là một hành vi nhân linh, xứng đáng là loài thọ tạo “hình ảnh của Thiên Chúa”. Lời Chúa hôm nay cho ta thấy “cái hồn” của Lề Luật là gì?
Bài đọc 1 gồm 2 ý khá rõ: Đnl 6,2-3 là “cái xác”, là cái mà dân Chúa phải thể hiện ra bên ngoài và những phần thưởng cụ thể tương xứng với những gì dân làm được: “mọi ngày trong suốt cuộc đời, anh em cũng như con cháu phải… tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Yave… hãy nghe và hãy lo đem những điều ấy ra thực hành”; và phần thưởng sẽ là “anh em sẽ được sống lâu… sẽ được hạnh phúc và trở nên đông đảo trong Đất Hứa. Tóm lại là phải giữ “Mười lời”! Nhưng giữ luật với “cái hồn” nào? Như một cái máy robot? Hay như một nô lệ?
Phần hai của bài đọc 1 cho câu đáp: “cái hồn” của việc giữ luật là tin rằng Yave Thiên Chúa của dân là Yave duy nhất; giữ luật vì YÊU Chúa “hãy yêu mến Yave… hết lòng, hết dạ, hết sức anh em”. Vậy “cái hồn” của việc giữ luật cách triệt để nhưng cảm thấy nhẹ nhàng, chính là lòng tin, cậy, mến Thiên Chúa trên tất cả mọi sự.
Phần đòi hỏi của Thiên Chúa quả thật chỉ đơn sơ như thế! Nhưng đến thời Đức Giê-su thì mọi sự đã rối tung lên, đến độ hạng kinh sư thông luật cũng phải lúng túng. May thay, trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, một kinh sư đã khiêm tốn chân tâm đến thỉnh ý Đức Giê-su, ông không có ý “THỬ” Người như những đồng liêu khác. Chính vì thế, Đức Giê-su có cách đối xử rất trân trọng đối với ông: thay vì hỏi ngược lại (x. Mc 11,27-33; 12,13-17), Người trả lời thẳng vào câu hỏi. Ông kinh sư này đã biết lắng nghe và đón nhận lời của Đức Giê-su, ông được Người khen là đã gần Nước Thiên Chúa, là người khôn ngoan (Mc 12,34).
Điều mà ông kinh sư đầy thiện chí này muốn thật tâm tìm hiểu là: TRONG MỌI ĐIỀU RĂN, điều răn nào ĐỨNG HÀNG ĐẦU? Câu hỏi không chỉ giới hạn trong luật Mose như trong Mt 22,36 mà là cho “MỌI ĐIỀU RĂN” nghĩa là bao trùm mọi luật lệ của con người chứ không riêng gì cho người Do Thái; bởi vì Tin Mừng Macco được viết cho dân ngoại. Và chuẩn mực ông đặt ra là “ĐỨNG ĐẦU” chứ không phải là “lớn nhất” như trong Mattheu. “ĐỨNG ĐẦU” có thể hiểu là ở vị trí thứ nhất, vừa có thể hiểu là cái căn nguyên từ đó mà phát sinh ra các thứ khác. Vậy điều răn nào là cội nguồn của mọi luật lệ, làm cho mọi hành vi giữ luật thật sự có ý nghĩa? Đức Giê-su đã lấy lại “cái hồn” của luật Mose làm câu đáp “phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực ngươi”; và Người thêm “điều răn thứ hai là ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình”. Cái mới mẻ mà Đức Giê-su mang tới là nâng việc “yêu người” lên ngang tầm với “mến Chúa”. Với Đức Giê-su, giới răn kép “mến Chúa – yêu người” là giới răn đứng đầu, là cội nguồn của mọi giới luật: yêu thương là chu toàn lề luật (Rm 13,10b).
Bài 2
-
Thưa Thầy trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? (c. 28b) – … ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí ngôn và hết sức lực ngươi (c. 30) – và ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình (c.31a).
Lời Chúa của Chúa Nhật XXXI B Thường Niên mời gọi chúng ta suy niệm về một vấn đề tốn nhiều giấy mực của kiếp làm người: Luật và giữ Luật. Trong bài đọc 1, Mose dạy dân phải tuân giữ các chỉ thị và mệnh lệnh của Chúa; còn trong Tin Mừng, một kinh sư đến hỏi Đức Giê-su về giới luật nào là giới luật đứng hàng đầu.
Trong thân phận con người, khi đề cập đến luật, đến vấn đề tuân giữ luật thì đa phần chúng ta dễ có một phản ứng tiêu cực: cho luật là gò bó, ràng buộc, mất tự do; còn giữ luật là một gánh nặng, một cái ách đè trên vai, một “vòng kim cô” chụp lên đầu chúng ta. Tuy nhiên trong thực tế, chỉ có những ai tự do mới có luật, mới thật sự giữ luật và được luật bảo vệ. Người nô lệ không có luật: họ bị đối xử tùy theo tính khí, cảm tính thất thường của chủ, của người thống trị họ, và họ không có quyền lợi, không có nhân phẩm vì không có luật lệ nào bảo vệ họ.
Còn con vật thì đương nhiên không có luật lệ, chúng chỉ sống theo bản năng, chẳng phân biệt tôn ti trật tự gì ráo. Chỉ có con người mới có lề luật, mới ý thức và biết giữ luật, đồng thời được hưởng những quyền lợi do luật mang đến cho mình. Thế thì tại sao, hiện giờ, nhiều người lại có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với luật và coi việc giữ luật như là một gánh nặng đe dọa làm suy giảm phẩm giá con người? Sách Sáng Thế gợi lên cho chúng ta một lời đáp: lệnh truyền yêu thương của Thiên Chúa (x. St 2,16-17) nhằm giúp con người nhận ra vị trí của mình trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa hầu giúp con người hạnh phúc thì đã bị Con Rắn ganh tỵ bóp méo, xuyên tạc thành một rào cản đố kỵ chặn đứng bước tiến hóa của con người (x. St 3,4-5). Tiếc thay con người đã tin vào lời xuyên tạc, đã nhập tâm điều dối trá đó (x. St 3,6). Kết quả là đổ vỡ tất cả. Tệ hơn nữa, khi bỏ qua một bên lệnh của Chúa thì con người lại tự tạo ra cho mình luật cá nhân, luật rừng: Cain giết Aben (St 4,8). Luật của Lamek (St 4,23), luật chạy theo các đam mê dục vọng thấp hèn (x. St 6,1-4), luật chạy theo các tham vọng, tự suy tôn mình (St 11, 1-9)… kết quả là phân tán, chẳng còn ai nghe ai, con người sống trong hỗn loạn, mạnh được yếu thua, mạnh ai nấy sống miễn sao quyền lợi của cá nhân, của phe nhóm mình được bảo đảm, tăng tiến là tốt. Thế là với những luật kiểu đó thì chiến tranh, bạo tàn, bất công, thủ đoạn, lách luật,… sẽ diễn ra, đó là chuyện đương nhiên.
Để khắc phục tình trạng hỗn loạn đó, có nguy cơ đưa nhân loại tới diệt vong, cần phải quy con người về lại một mối. Điểm quy tụ đó đã được Thiên Chúa đặt trong bản tính của con người: “con người là hình ảnh của Thiên Chúa”. Mà Thiên Chúa là tình yêu. Chỉ trong tình yêu nhân loại mới hiệp nhất, mới được cứu. Nhưng đó phải là Tình Yêu của Thiên Chúa. Nhìn nhận Tình Yêu Thiên Chúa là cội nguồn mọi sự. Phải từng bước xóa bỏ khỏi tâm thức nhân loại ý tưởng xuyên tạc Thiên Chúa của Con Rắn. Nhận ra Chúa là Tình Yêu và đáp trả lại Tình Yêu đó cũng bằng tình yêu chân thật: YÊU CHÚA. Mà đã yêu Chúa thì cũng yêu luôn “hình ảnh của Thiên Chúa”: YÊU NGƯỜI.
Ngay khi tổ tông vừa sa ngã, Thiên Chúa đã xây dựng ngay kế hoạch yêu thương đó và sẽ thực hiện trong Đức Ki-tô (x. St 3,15). Luật không còn là một gánh nặng, không còn là một cái ách không sao vác nổi nữa (Cv 15,10), nhưng trở thành con đường hồi hương, thành những nấc thang, những cột mốc cắm chặng định hướng giúp con người thẳng tiến đúng hướng đạt tới tầm vóc viên mãn của ơn gọi “hình ảnh của Thiên Chúa”, là “con Thiên Chúa” trong Đức Giê-su. Vấn đề còn lại là: luật đó là luật nào? Từng bước một, Thiên Chúa mặc khải dần và chỉ trong Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta mới có được lời đáp. Lời Chúa của Chúa Nhật XXXI B Thường Niên cho chúng ta một lời đáp:
-
Bước đầu trong Cựu Ước Chúa truyền: “hãy yêu mến Yave Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực của ngươi” (Đnl 6,5).
-
Đến thời Đức Giê-su, Người thêm “hết trí khôn” và “ngươi phải yêu mến đồng loại như chính mình” (Mc 12,30-31).
Bài đọc 1: Đnl 6,2-6
Sách Đệ Nhị Luật được trình bày như là kết quả của 3 bài diễn từ của Mose (x. Chúa Nhật 22B). Bài đọc 1 hôm nay trích phần đầu của bài diễn từ thứ hai. Đây là những lời khuyến thiện, Mose nhắc dân phải trung thành giữ Giao Ước (Đnl 6-11). Đó là điều kiện để được vào, được vĩnh cư và hạnh phúc trong Đất Hứa (x. Đnl 6,3.17-19; 7,11-15,…)
-
Lệnh truyền của Yave cho Israel: “Anh em cũng như con cháu anh em”. Đối tượng của lệnh truyền là Israel mọi thời. Hàm ý là toàn dân chẳng những là phải tuân giữ mà còn phải lưu truyền trung thực lại cho hậu thế. Vậy đây không phải là một điều khoản pháp lý mà là nguồn mạch sinh lực mọi thời của dân. Dân chỉ thực sự là dân Chúa khi họ còn để cho sinh lực, hồn sống này linh hoạt mọi hoạt động trong mọi tình huống của họ. Mất cái hồn sống này, dân chỉ còn là như một robot.
-
“Hãy kính sợ Yave, Thiên Chúa của anh em mọi ngày suốt cuộc đời…”
– “Kính sợ Yave” là thái độ căn bản của tín hữu tin vào Yave, chọn Người làm Thiên Chúa duy nhất mà mình thờ lạy (x.Gs 24,14) và thái độ tin ấy phải được biểu lộ ra trong cuộc sống. cụ thể là trong mọi tình huống của cuộc sống, người tín hữu đều tuân giữ tất cả chỉ thị, mệnh lệnh Chúa (x.6,2; 10,12-12; 11,1…), lắng nghe và đem ra thực hành (6,3).
– “Yave, Thiên Chúa của anh em”: đây chính là công thức mà Yave dùng để tỏ mình cho dân khi kết Giao Ước Sinai (x. Xh 20,2). Vậy nội dung của lệnh truyền chính là phải “kính sợ Thiên Chúa của Giao Ước” nghĩa là phải giữ đúng giao ước đã ký kết với Người.
Ở đây bản văn không viết là “kính sợ Thiên Chúa của CHA ÔNG anh em”mà viết “Thiên Chúa của ANH EM” nghĩa là nhấn mạnh tới tương giao trực tiếp giữa dân với Chúa hàm ý nhắc lại rằng dân, từng người đã đích thân ký kết với Thiên Chúa cách tự do, ý thức, biệt vị. Vậy giữ lệnh truyền không là một ép buộc đơn phương từ Thiên Chúa mà là một cam kết song phương tự do.
-
Yave, Thiên Chúa chúng ta là Yave độc nhất (c4)
Đó là lời tuyên xưng đức tin cơ bản của Israel. Lời đó được mở đầu bằng lệnh truyền: “hãy nghe hỡi Israel” = “Shơma Israel”. Công thức mở đầu long trọng ấy hàm ý rằng nội dung sắp truyền đạt là điều thiết yếu phải được tuân thủ cẩn thận. Chúng ta gặp lời dẫn “hãy (lắng) nghe, hỡi (các) con” này thường xuyên trong sách Cách Ngôn mở đầu lời của bậc cha ông khôn ngoan dạy cho con cái, học trò để chúng thành công, nên người và sống đẹp lòng Chúa (x. Cn 1,8; 4,1.10…). Điều quan trọng mà sách Đệ Nhị Luật sắp nói ở đây là đức tin cơ bản của Israel. Mose và toàn dân cũng tuyên xưng “Yave, Thiên Chúa của CHÚNG TA”.
Yave độc nhất”: đây là lời tuyên xưng độc thần của Israel. Sống trong bầu không khí đa thần, ban đầu Israel ngộ nhận rằng Yave cũng chỉ là một vị thần như các thần khác, chỉ làm chủ một vùng đất, một dân tộc. Đến sau lưu đày, dân Chúa mới ý thức rõ ràng rằng chỉ có một mình Yave là Thiên Chúa, là Thần Linh duy nhất, còn các thần khác chỉ là sản phẩm của trí tuệ, bàn tay phàm nhân bịa ra mà thôi. Đây là nền tảng của Giao Ước (x. Đnl 5,6-7; Xh 20,2), nghĩa là khi điều đó bị vi phạm thì Giao Ước bị phá hủy. Từ xác tín ấy, Đệ Nhị Luật đưa ra một hệ luận quan trọng về thái độ phải có đối với Yave.
-
Hãy yêu mên Yave, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức
Trong mối tương giao với Thiên Chúa, dân Chúa chỉ có một lòng “kính sợ” Chúa. “Kính sợ” gợi lên nét linh thánh, sự xa cách của Thiên Chúa trong tương quan với dân. Do đó việc tuân giữ lệnh truyền còn nặng tính giao ước pháp lý, từ đó, khía cạnh thưởng phạt được lưu tâm như đã thấy trong Đnl 6,3. Ở đây, trong Đnl 6,4-9 một tương quan mới được thiết lập: Hãy YÊU MẾN Yave. “Yêu mến” = “ ’ âhav = agapaô diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người và các tạo vật. Vậy khi Thiên Chúa truyền cho dân hãy “Yêu mến Yave” là Thiên Chúa “của anh em” là Thiên Chúa muốn ban tặng cho dân, cho từng người biệt vị chính tình yêu của Chúa, đồng thời qua đó, nâng cao con người lên bằng cách dạy họ phải yêu mến Chúa bằng cùng một Tình Yên mà Chúa đã yêu dân.
Vậy việc tuân giữ lệnh truyền của Chúa không còn nhắm vào bất kỳ một mục đích nào khác ngoài tình mến: nghĩa là giữ luật không nhằm để được một cái gì mà chỉ nhắm được gắn bó mật thiết với Thiên Chúa được nên một với Người như “Thiên Chúa (là) một”. Với lòng mến, khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người dần rút ngắn lại để cuối cùng đạt được chóp đỉnh là nhân tính và thiên tính đạt tới mức cả hai hoàn toàn được kết hiệp nên một trong Đức Giê-su. Nhờ Người, tất cả chúng ta được nên một với Thiên Chúa, thành con cái của Thiên Chúa. Đó mới là tinh thần thâm sâu của Luật, còn “mười giới răn” chỉ là cách thể hiện ra bên ngoài, chỉ mới là những đòi hỏi ở mức ứng dụng. Vậy cốt lõi là “Yêu mến Yave”:
– “Hết lòng hết dạ”: dịch sát là “với cả tấm lòng”, “bằng cả mạng sống”.
– “Hết sức”: là “bằng mọi khả năng”, sẵn sàng đem hết gia tài, sự nghiệp ra để đổi lấy (CGKPV “Ngũ Thư” 479 “u”).
Cách nói trên hàm ý việc yêu Chúa là nền tảng tất cả, phải vượt trên tất cả mọi sự: tiền của, sức lực, tài năng, mạng sống.
– Đặc nét của lệnh truyền: tính hiện tại “những điều tôi truyền cho anh em HÔM NAY… nhấn mạnh đến tính hiện tại của lệnh truyền. Yêu mến Thiên Chúa bằng tình yêu của chính Chúa luôn là hiện tại đối với dân Chúa.
– “Phải ghi lòng tạc dạ” nghĩa là phải được khắc sâu vào con tim, thành nguồn động lực thúc đẩy mọi tình cảm, hoạt động của toàn dân và của từng người dân. Luật “Yêu mến Yave duy nhất” không còn là một lệnh truyền từ bên ngoài áp đạt vào nữa mà là thành bản chất nội tâm của người tín hữu của Chúa.
Như vậy ngay từ Cựu Ước, lúc vừa thành lập dân Chúa, Chúa đã ban có giới luật nền – tiếc thay với yếu đuối con người và cát bụi thời gian, cái cốt lõi đã bị che phủ và nhân loại, dân Chúa đã lạc lối trong “ mê cung” do mình tạo ra. Đức Giê-su đã tới để khôi phục lại và sẽ HOÀN TẤT.
Tin Mừng Mc 12, 28b-34
Yave ban cho dân chỉ có “Mười lời” (Đnl 4,13; Xh 34,28b); Thế nhưng đến thời Đức Giê-su bộ luật Do Thái đã có đến 613 điều khoản gồm 248 điều phải giữ và 365 điều cấm, được các thầy rabbi thêm vào (CGKPV “Tân Ước” 1994, trang 218 nốt “t”). Và rồi điều đảo điên đã xảy ra khi người ta không phân biệt được luật nào chính, luật nào phụ đến độ coi rẻ luật Thiên Chúa mà đề cao các tập tục do con người bày ra (x. Mc 7, 8.13). Giữa một rừng các điều khoản như thế, điều nào là quan trọng nhất, nghĩa là có thể đặt làm nền tảng và cùng đích cho các điều khác. Các rabbi Do Thái đã không ngừng cố gắng đưa ra những lời đáp, chẳng hạn như: “luật cấm thờ ngẫu tượng”; hoặc “cấm đổ máu”, “cấm xúc phạm danh Thiên Chúa” … nhưng dường như việc thờ ngẫu tượng, loạn luân, giết người vẫn được coi là những lỗi nặng nề nhất. Do Thái giáo đã không thể thấy sự ưu đẳng của giới luật yêu thương, vì tất cả nền tu đức của nó, cũng như cuộc sống của nó bị một quan niệm duy luật tỉ mỉ thái quá ám ảnh (Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật B, MTN trang 558).
Tình trạng tôn giáo là như thế! Rồi về chính trị, người Do Thái đang bị quân Roma thống trị; Rồi tính tự hào, ngạo mạn của người Do Thái luôn cho mình là dân Chúa chọn nên trổi vượt hơn mọi dân…; Và từ sau lưu đầy, tình trạng dân cư, xã hội tại Palestin là hỗn hợp: dân lai, dân ngoại, dân Do Thái sống trộn lẫn với nhau. Tất cả thực tế ấy làm cho việc ứng dụng Luật vào đời sống cụ thể càng trở nên phức tạp: có nhiều lập trường khác nhau tùy cách hiểu, tùy quan điểm chính trị, tùy địa vị, tầng lớp xã hội, tùy quyền lợi… đang có của từng nhóm, từng người. Trước bối cảnh như vậy Đức Giê-su tiến vào Giê-ru-sa-lem và Người không che đậy căn tính Mesia của Người nữa. Lễ Vượt Qua lại sắp đến, đây là dịp tốt để các phe nhóm tôn giáo, chính trị, xã hội, và mọi thành phần dân Chúa đều qui tụ về Thánh Đô. Đó là dịp thuận lợi để các phe nhóm tôn giáo, chính trị, xã hội, và mọi thành phần dân Chúa đều qui tụ về Thánh Đô. Đó là dịp thuận lợi đề các phe nhóm trường phái tư tưởng, đạo đức… đụng độ nhau, tranh giành ảnh hưởng.
Phần Đức Giê-su, với sự xuất hiện đột ngột đầy ấn tượng: được dân chúng nô nức đón rước như Vua Mesia; đánh đuổi con buôn, thanh luyện Đền Thờ; rủa cây vả không trái khiến nó chết khô… đã lôi cuốn sự chú ý của mọi người và kéo theo các “mũi dùi” chống đối cũng tập trung vào Người. Hầu hết các thành phần dân Do Thái đều tiếp xúc trực tiếp với Đức Giê-su trong tuần lễ cuối cùng này: Thượng Tế, Kinh sư, Kỳ mục (11,27), Nhóm Pharisieu và Phe Herode (12,13), Nhóm Sadoc (12,18), dân chúng (11,8), con buôn (11,15). Và các cuộc tranh luận đã xảy ra liên quan đến những chủ đề lớn rất thực tế trong cuộc sống được đề cập đến, Một trong những chủ đề đó là: điều răn nào đứng hàng đầu.
Trước khi về nhà Cha, Đức Giê-su trong tư cách là Mesia, là Con đã cố gắng hết sức mình điều chỉnh lại những gì sai trái trong tầm nhìn của tôn giáo thời đó. Riêng vấn đề “điều răn đứng hàng đầu”, Người đã giải đáp tận căn, và đáp án của Người cũng được đại diện của Cựu Ước ủng hộ; Và với lời giải đáp đó mọi tranh luận, chất vấn cũng chấm dứt (12,34).
-
Thiện chí của một kinh sư (c.28a)
Ông kinh sư này đến hỏi Đức Giê-su với tất cả thiện chí muốn thật lòng tìm hiểu: ông đã nghe Đức Giê-su tranh luận với nhóm Sadoc, ông thấy Người đối đáp hay nên ông tìm đến để học hỏi.
So với Mt 22,34-35 và Lc 10,25 – Người thông luật hỏi để “THỬ” Đức Giê-su – Mc 12,28 làm nổi bật thiện ý chủa ông kinh sư: vì thấy Đức Giê-su đối đáp hay nghĩa là ông ta đánh giá sự kiện cách khách quan, không có hậu ý, không bị thành kiến bè phái chi phối. Ông thực sự muốn được Đức Giê-su soi sáng. Sự ngay lành thiện chí của ông còn lỗ rõ trong câu ông đáp lại lời dạy của Đức Giê-su (12,32.33) và được Người khen ngợi (12,34a).
-
Nội dung vấn nạn “điều răn nào đứng hàng đầu” (12,28c) so với Mt 22,36, Macco bỏ chi tiết “trong sách Luật Mose”: Mattheu viết cho dân Do Thái nên đăt ra vấn đề “ Lề Luật Mose”; Còn Macco viết cho tín hữu gốc dân ngoại nên không đề cập đến Luật Mose mà chỉ mặc cho câu hỏi của ông kinh sư một tính cách phổ quát hơn: “trong MỌI điều răn”. Cách nói “mọi” tổng quát đó hàm ý bao trùm tất cả mọi lề luật của con người chứ không riêng gì Lề Luật Mose.
Rồi tiêu chuẩn để lượng giá, Mattheu đưa ra là “lớn lao”, còn Macco nhấn mạnh yếu tố “thứ nhất của tất cả” = “đứng hàng đầu”. Rõ ràng nơi Macco, giới luật tình yêu được trình bày ở đây như một cái gì đó vượt trên tất cả mọi luật lệ khác.
“ĐỨNG ĐẦU” vừa có thể hiểu là “thứ nhất”, vừa có thể hiểu đó là “cái căn nguyên, từ đó mà phát sinh ra các thứ khác”. Nói cách khác, tất cả những thực hành khác chỉ có được giá trị đích thực khi được làm bởi động lực tình yêu, động lực của “điều răn thứ nhất của tất cả” này.
-
Lời đáp của Đức Giê-su: nhận ra tấm lòng thành của ông kinh sư, Đức Giê-su trả lời trực tiếp cho ông, không hỏi vặn lại. Lời đáp gồm 2 phần:
– Điều răn đứng đầu là…: phần này Đức Giê-su lặp lại lời kinh Shơma đã nói trong bài đọc 1. Tuy nhiên Đức Giê-su có thêm vào kinh Shoma một chi tiết: yêu Chúa “hết trí khôn” (không có trong Đnl 6,5).
Macco thêm vào có lẽ là để thích nghi với nền văn hóa Hy Lạp vốn đề cao lý trí. Đối với người Hy Lạp, lý trí có vai trò quyết định trong toàn bộ hiện hữu của một con người trong hiện tại lẫn hướng về tương lai.
Vậy điều răn đứng đầu là một xác tín đức tin: Yave là Thiên Chúa duy nhất. Xác tín ấy không dừng lại ở mức độ một tín điều giáo thuyết thuần lý mà phải được biến đổi ra lòng nhiệt thành thể hiện bằng hành vi cụ thể đức ái: thờ phượng, gắn bó, tuân phục, giữ các thánh chỉ, lệnh truyền… trong tương quan là một thọ tạo đối với Thiên Chúa duy nhất, là Đấng Sáng Tạo, Chủ Thể vũ trụ, Đấng điều khiển dòng lịch sử và đưa tất cả mọi sự đến chỗ hoàn tất theo Thánh Ý Người.
– Điều răn thứ hai là: “phải yêu mến tha nhân như chính mình”
* Tha nhân là ai? Là tất cả những ai cần đến sự trợ giúp của mình (x. Lc 10,30-37): dụ ngôn người Samaria nhân hậu). Việc yêu mến tha nhân như chính mình, Yave Thiên Chúa cũng đã dạy trong Cựu Ước (x. Lv 19,18.34). Tuy nhiên với Đức Giê-su, luật yêu tha nhân không chỉ dành cho người Do Thái nữa mà trở thành phổ quát cho mọi người. Đối với Đức Giê-su thì “tha nhân” bao gồm luôn cả kẻ thù (Mt 5,43). Như vậy không ai trong nhân loại bị loại trừ khỏi luật “yêu tha nhân” của Đức Giê-su. Chính tình yêu đó là dấu chứng giúp tín hữu thực sự là con cái Thiên Chúa (Mt 5,45) và đang tiến về mức hoàn thiện mà Cha mong đợi (Mt 5,48).
* Yêu như thế nào?: “Như chính mình”. Con người của tôi như thế nào thì tôi sẽ yêu tha nhân với trọn vẹn con người tôi thế ấy. Đây là một cách nói khác đi của: yêu hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực. Không nhấn mạnh đến các hành động tiểu tiết. Vấn đề là tạo tương quan bền vững: tôi yêu tha nhân trong tư cách “tôi là hình ảnh Chúa” và tôi cũng nhận ra và yêu người tôi yêu như người ấy “là hình ảnh Thiên Chúa”.
-
Nhận định khôn ngoan của ông kinh sư: (12,32-33)
– “Thưa Thầy hay lắm, Thầy nói rất đúng”: ông kinh sư thật sự vui mừng vì gặp được minh sư chỉ dạy đường ngay chính. Nhận định sáng suốt, khách quan cho thấy ông kinh sư này là người đầu thiện chí đi tìm sự thật. Ông tiếp thu tốt lời dạy của Đức Giê-su.
– “Thiên Chúa là Đấng duy nhất … (32b); Yêu mến Thiên Chúa… (c.33a) và yêu người thân cận… (c.33b): Đức Giê-su đưa ra hai điều răn rồi kết luận “chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn ấy” (c. 31b). Trong Macco, người kết nối hai giới răn thành một là ông kinh sư (c. 32b.33a).
– Và ông còn góp ý thêm “là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hi lễ” (c.33b). Việc dâng hi lễ tại Đền Thờ là một trong nhứng nét chính và đặc thù của đạo Yave, từ nay phải nhường bước cho việc mến Chúa, yêu người (ngược lại hoàn toàn với việc vụ luật coi thường cha mẹ, coi thường sự sống trong Mc 7,8-13).
Thực ra “mến Chúa yêu người” không phải là hai giới luật thực dụng và việc “mến Chúa yêu người” không miễn trừ cho ta việc phải giữ các giới răn khác, nhưng chúng là nền tảng cho việc giữ luật. Chúng là cái HỒN để mọi việc giữ luật thật sự là một hành vi nhân linh. Và trong tương quan với Chúa, đó là yếu tố để người khác nhận ra người giữ mọi luật là con Thiên Chúa.
-
Lời khen ngợi của Đức Giê-su (c.34): “ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!”. Như vậy về mặt lý thuyết, ông kinh sư này đã nẵm vững giáo lý của Đức Giê-su. Ông đã đặt chân đến ngưỡng cửa của Nước Trời. Vấn đề còn lại là can đảm bước vào. Vì giữa hiểu và thực hành vẫn còn một khoảng cách.
Điều ông hỏi Đức Giê-su là “điều răn nào ĐỨNG ĐẦU” nghĩa là có nhiều giới răn và trong đó có một cái vượt trổi… Đức Giê-su trả lời CHỈ CÓ MỘT GIỚI RĂN mà thôi: hãy yêu, tất cả mọi giới răn khác chỉ là một nét minh họa của Tình Yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân.
Lời khen này như là một lời mời gọi ông kinh sư, sau khi hiểu thì hãy theo Người trên con đường Người đi giống như anh mù Batime sau khi được sáng mắt.
“Mến Chúa yêu người” là thái độ thờ phượng đẹp lòng Chúa nhất
“Mến Chúa yêu người” là hồi phục phẩm giá con người “là hình ảnh Thiên Chúa”
“Mến Chúa yêu người” là cùng với Chúa nên một để hoàn tất công cuộc sáng tạo cứu chuộc của Chúa.
Frère Pierre Đình Long FSC