LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA – năm C

Bài 1

Is 40,1-5.9-11; Tt 2,11-14; 3,4-7; Lc 3,15-16.21-22
Chủ đề: Thiên Chúa tỏ mình qua thân phận phàm nhân

* Is 40,9b-10a: Kìa Thiên Chúa các ngươi! Kìa ĐỨC CHÚA quang lâm hùng dũng.

* Lc 3,21-22: Đức Giêsu cũng chịu phép rửa… và Thánh Thần ngự xuống trên Người… và có tiếng từ trời phán: “Con là con yêu dấu của Cha”.

Hôm nay Phụng vụ mừng biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan tại sông Giodan. Trong chu kỳ phụng vụ, lễ này được coi như là bản lề giữa hai Mùa: Giáng Sinh và Thường Niên I trước Mùa Chay. Lễ này chấm dứt Mùa Giáng Sinh và mở ra cho Mùa Thường Niên; chấm dứt giai đoạn Đức Giêsu sống ẩn dật tại Nadaret, và bắt đầu giai đoạn hoạt động rao giảng công khai. Lời Chúa của lễ này tiếp tục đề cập đến chủ đề của Mùa Giáng Sinh: Thiên Chúa tỏ mình. Đối tượng chính lần này được Chúa tỏ mình là Số Sót Lại của Israel: họ đang chân tâm sám hối chờ đón Chúa đến viếng thăm và bày tỏ vinh quang thần linh của Người cho họ. Thật vậy trong chu kỳ Mùa Giáng Sinh, việc Đức Giêsu xuất hiện tại sông Giođan chịu phép rửa là một trong ba biến cố Thiên Chúa bày tỏ vinh quang của Người cho nhân loại ngang qua con người Giêsu:

  • Lễ Hiển Linh, Chúa tỏ mình cho toàn nhân loại mà các hiền sĩ là đại diện.

  • Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa: Chúa tỏ mình cho số sót lại của Israel.

  • Chúa Nhật II Mùa Thường niên: Chúa tỏ mình cho các môn đệ của Chúa là cộng đoàn thiên sai thời cánh chung: rõ nét nhất là ở năm C qua “Tiệc cưới Cana”.

Trong biến cố mừng kính hôm nay, yếu tố Thiên Chúa sử dụng để bày tỏ vinh quang thần linh là LÒNG KHOAN DUNG, THỨ THA của Chúa. Chính tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đã thúc đẩy con người can đảm thành thật nhận ra điều sai trái của mình để rồi sám hối ăn năn, nhờ đó vận mạng con người nên tươi sáng. Chóp đỉnh của tình yêu tha thứ của Thiên Chúa là cho Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể làm người, đảm nhận luôn mọi hậu quả của tội lỗi con người, cúi đầu nhận phép rửa sám hối như một tội nhân, nhờ vậy “TRỜI MỞ RA”: Trần gian thiên quốc giao hòa lại với nhau. Chính khi được tha thứ, sám hối ăn năn, dân Chúa nhận ra quyền năng Thiên Chúa và công bố quyền năng Thiên Chúa cho nhân loại.

Thiên Chúa là Tình Yêu! Cách biểu lộ quyền năng của tình yêu tuyệt vời nhất là tha thứ, hồi phục rồi nâng cao.

Trong bài đọc 1 tha thứ cho dân qua sấm ngôn Chúa truyền cho Isaia phải công bố cho dân đang lưu đày Tin Vui họ sắp được cứu thoát: “Thời phục dịch của thành đã mãn”, “tội của thành đã đền xong”; “Chúa đã phạt thành gấp hai lần tội phạm” là những cách nói ám chỉ thời xét phạt đã qua, giờ đây là thời tha thứ và hồi phục. “Tha thứ”, “hồi phục” là phần của Thiên Chúa: chắc chắn Chúa sẽ đến với uy quyền trong tay để tập trung lại đàn chiên Dân Chúa rồi đích thân Chúa chăn dắt chăm lo. Để cho dự tính tha thứ, hồi phục đó của Thiên Chúa được nở hoa nơi Dân Chúa thì Dân Chúa phải mở lòng, chuẩn bị đón nhận hồng ân. PHẢI HOÁN CẢI: lấp lũng sâu, bạt núi đồi, sửa lại đường lối cho ngay thẳng… Lúc đó cuộc sống của Dân thật sự là nơi Chúa tỏ hiện vinh quang (40,5a); Nhờ đó Dân hoàn tất được sứ mạng, ơn gọi của mình là làm trung gian để cho chư dân, “mọi người phàm cũng sẽ thấy” (40,5b) vinh quang của Thiên Chúa. Như vậy qua tha thứ, Thiên Chúa đã hồi phục phẩm tính, ơn gọi của Dân Chúa.

Còn phần Thiên Chúa NÂNG CAO sẽ được biểu lộ rõ trong bài đọc Tin Mừng: Thật vậy, chính trong biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan, Thiên Chúa đã tha thứ, hồi phục và nâng cao nhân loại trong con người của Đức Giêsu:

*THA THỨ: dù vô tội, nhưng Đức Giêsu đảm nhận nơi bản thân mình toàn bộ tội phạm của nhân loại qua việc để cho Gioan làm phép rửa thống hối thì ngay tức khắc “TRỜI MỞ RA”. Đó là dấu chỉ Thiên Chúa thứ tha, mở lại cửa Vườn Địa Đàng xưa đóng kín vì tội Adam.

*HỒI PHỤC: “Và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới dạng chim bồ câu”. Thánh Thần và chim câu là hai hình ảnh gợi lên sự hoàn chỉnh và hồi phục công cuộc sáng tạo: Nhờ “hơi thở” của Thiên Chúa, cục đất Adam trở nên con người; “Bồ câu” báo cho Nôê biết lụt hồng thủy đã chấm dứt. Thời phục hồi vạn vật bắt đầu.

*NÂNG CAO: cuối cùng có tiếng từ trời phán “Con là con yêu dấu của Cha”. Sau khi tha thứ, hồi phục, Thiên Chúa đưa công trình sáng tạo tới chỗ hoàn tất: con người được làm con Thiên Chúa.

TÓM: số còn sót lại của Israel có thể xem là biểu tượng của nhân loại sám hối về lại với Thiên Chúa. Họ được thứ tha, hồi phục và được nhận làm con Thiên Chúa (x. Ga 1,12).

Và điều tuyệt vời hơn cả nơi biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa là việc cả Ba Ngôi Thiên Chúa đồng hiện diện giữa dân Người, những con người đang chân tâm nhận lỗi của mình và mở lòng ra cho Thiên Chúa. Việc can đảm nhận trách nhiệm, thú nhận tội lỗi chẳng những không đưa con người tới án phạt, trái lại đó còn là bước mở đầu đưa con người vào tương quan thâm sâu với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Bài 2

Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa (3,16b). Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa (3,21a) … Và có tiếng từ trời phán rằng: “Con là con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về con” (3,22b).

Hôm nay chúng ta bước vào Chúa Nhật I C Mùa Thường Niên, tuy nhiên ta vẫn quen gọi là lễ “Chúa Giêsu Chịu phép rửa”. Chủ đề của phụng vụ Lời Chúa trong lễ này vẫn là Đức Giêsu tỏ mình, hiển linh. Đối tượng được nhấn mạnh lần này là dân Do Thái, đặc biệt những người đang thật lòng sám hối, dọn đường chờ Đấng Mêsia đến: họ nghe Và tin lời rao giảng của Gioan nên tới xin ông làm phép rửa. Nhưng phương tiện Chúa dùng để tỏ mình không còn là HÀI NHI Giêsu nữa, mà là một thanh niên trạc ba mươi tuổi đang hòa lẫn giữa đám đông được Gioan nhắc đến trong Chúa Nhật II và III C Mùa Vọng. Đó là “Đấng mạnh thế hơn Gioan”, “Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa”. Đấng được loan báo đó, hôm nay xuất hiện. Điều bất ngờ là Người xuất hiện không trong tư cách một Thẩm Phán nghiêm khắc như Gioan đã loan báo (Lc 3,9.17; Mt 3,10.12) mà trong thân phận như một tội nhân đến cùng với đám đông chịu phép rửa sám hối của Gioan (Lc 3,21).

Chúa làm như thế có ý nghĩa gì? Mục đích nào? Để có thể đến gần được với con người; giúp họ nhận ra thực trạng trước mắt của họ; nhờ vậy họ sẽ được Chúa cứu trong tư cách là “hình ảnh Thiên Chúa” nghĩa là con người tự do, ý thức việc mình làm, đảm nhận hậu quả việc mình làm với tinh thần trách nhiệm. Thật vậy, trong sách Sáng Thế, sau khi sa ngã, con người đã biến chất: “hình ảnh của Thiên Chúa”, “cộng tác viên của nhau” mờ nhạt dần và dung mạo “cánh tay nối dài của Rắn”, “kẻ trốn trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau” trở nên vết hằn trong tâm khảm con người. Con người sợ hãi, trốn chạy Thiên Chúa, dối gạt Chúa, đổ lỗi cho Chúa, cho kẻ khác, không nhận trách nhiệm. Tội thì không chối được vì sự kiện khách quan là việc ăn trái cấm là bị bắt quả tang. Thiên Chúa hiện đến là để chặn đứng mưu đồ của Rắn, để bênh vực giải cứu con người: trong ý định Thiên Chúa là thứ tha (x. St 3,15). Tiếc thay hai nguyên tổ đã không đón nhận được ngay tại chỗ ơn tha thứ (giống như tên trộm lành – Dakêu…) là vì đã không nhận thực trạng sai trái trước mắt của mình… Thiên Chúa không thể chữa lành, tha thứ nếu con người không nhận lỗi, không nhận mình có bệnh (x. Mt 9,12; Lc 5,30-31).

Thế là con người phải rời bỏ Vườn Địa Đàng, xa cách Thiên Chúa vì sợ hãi Thiên Chúa thánh thiện, chân thật. Con người ra đi trong tình trạng:

  • Tội thì không chối được vì sự kiện là rành rành trước mắt

  • Nhưng trách nhiệm, nhận mình “chịu như thế này là đáng” thì không nhận.

  • Mà lại đổ lỗi cho Thiên Chúa, cho người khác, cho con Rắn.

  • Nhưng hậu quả của tội thì đương nhiên phải chịu, mà phương tiện khắc phục Chúa mang tới thì né tránh…

Trước tình trạng bị đát như thế, Chúa hứa ban tặng “Đấng Đạp Đầu Rắn”. Nhưng vấn đề là “đạp đầu Rắn” bằng cách nào?

Lời Chúa hôm nay sẽ cho lời đáp: tất cả những gì con người khước từ; Tất cả những gì con người trốn chạy, chối bỏ; tất cả những trách nhiệm mà con người muốn phủi tay “bán cái” qua kẻ khác; tất cả những hậu quả dành cho tội phạm… thì “Đấng Đạp Đầu Rắn” đó nhận hết làm của mình… Và cho dù bản thân Người vô tội, Người vẫn muốn đón nhận nhân loại tỗi lỗi làm của Người; Người không né tránh, loại trừ như Adam đã làm đối với Eva. Và thật bất ngờ:

  • Khi Adam và vợ chối tội thì nhận lãnh án phạt

  • Còn khi Đức Giêsu gánh nhận tội lỗi như một tội nhân thì chẳng những được tha thứ mà còn được tôn vinh.

  • Khi hai nguyên tổ trốn né trách nhiệm, đổ lỗi loại trừ nhau thì cửa Vườn Địa Đàng đóng lại, con người phải tạm lìa xa Chúa…

  • Còn khi Đức Giêsu đảm nhận mọi hậu quả và chịu phép rửa như một tội nhân thì “Trời mở ra”, mọi ngăn cách được xóa bỏ, Trời đất giao hòa; Và tuyệt vời hơn cả là cả Ba Ngôi Thiên Chúa đồng hiện diện với đám phàm nhân tội lỗi, biến nơi đau thương buồn sầu sám hối tội tình trở thành nơi cả Ba Ngôi Thiên Chúa tỏ mình và mở ra cho những ai thành tâm thống hối con đường được trở nên con Thiên Chúa.

Vậy qua việc Đức Giêsu chịu phép rửa, Thiên Chúa đã biểu lộ dung mạo thần linh qua con đường tha thứ. Con người phạm lỗi và chịu nhiều hậu quả: phải rời Địa Đàng, phải lìa xa Chúa, thì Thiên Chúa cũng đã, tới thời tới buổi, rời khỏi thiên cung để đi tìm con người, kết thân, nên một với phận người giúp nhận ra sự thật về con người về Thiên Chúa và đưa con người về lại với tình yêu bao la của Thiên Chúa: nhờ Đức Giêsu, nhân loại được hội nhập vào vòng yêu thương, hiệp nhất với Ba Ngôi Thiên Chúa.

BÀI ĐỌC I: Is 40,1-5.9-11

Bài đọc I trích từ phần đầu của sách ngôn sứ Isaia đệ nhị (từ chương 40 đến 55 của sách Isaia): trong lúc dân Chúa phải chịu lưu đày ở Babylon do tội nợ của mình gây ra, không biết đến bao giờ mới thoát được cảnh cùng khốn này, thì Thiên Chúa đã sai ngôn sứ đến an ủi dân, báo cho dân biết rằng án phạt không là tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa; án phạt chỉ là lời cảnh tỉnh đánh thức dân tỉnh ngộ, ra khỏi sai lầm và cứu họ.

Bài đọc I là trích lời Chúa sai bảo ngôn sứ đến loan tin vui cho dân lưu đày: Chúa đã tha thứ, Chúa đã đoái nhận lòng thống hối, đền bù của dân và Chúa sắp đến để hồi phục dân. Chúa sắp tỏ mình ra, sắp tỏ vinh quang, quyền uy của Chúa cho dân không trong tư cách là một vị Thiên Chúa Thẩm Phán nghiêm khắc, mà trong tư cách là Thiên Chúa nhân hậu thứ tha, như một mục tử đi tìm con chiên lạc không để trách phạt mà để chữa lành, phục hồi.

Tuy nhiên Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người, nên Chúa cũng mong rằng con người sẽ mở rộng cõi lòng đón tiếp Chúa khi Chúa đến tỏ mình, viếng thăm; Có như thế thì ơn tha thứ, lòng khoan dung của Chúa mới sinh hoa kết trái tốt đẹp nơi con người, mang lại ơn ích cứu độ thực sự cho dân. Vì thế Thiên Chúa cũng cần đến sự đáp trả cộng tác của con người. Phần Chúa, Người luôn trung tín biểu lộ vinh quang! Nhưng chỉ những ai nhận ra lỗi phạm, sám hối, đón nhận thì vinh quang đó mới rạng ngời trên họ. Đó cũng là chủ đề của bài Tin Mừng: Đức Giêsu tỏ mình cho tuyển dân đang sám hối qua biến cố chịu phép rửa.

Bài đọc I có thể chia làm ba phần:

1/ Thiên Chúa biểu lộ tình yêu tha thứ (40,1-2)

Thiên Chúa sai ngôn sứ đến gặp dân đang trong cảnh lưu đày loan báo cho họ tin vui mừng hi vọng đến từ Thiên Chúa: ơn tha thứ sắp đến; được diễn tả: 

*“Hãy an ủi, an ủi dân Ta” (c.1)

“Dân Ta”: Chúa nói với ngôn sứ rằng đám dân bị đánh phạt, lưu đày là “Dân Chúa”. Khi giận dỗi thì Chúa gọi Israel là “dân người” dân của Môsê (Xh 32,7); khi nghiêm khắc sửa dạy thì gọi là dân cứng đầu cứng cổ (Xh 32,9), hoặc là nòi phản loạn (Nkm 9,17; Is 1,28) quân chống Chúa (Is 1,24). Cách nói “dân Ta” hàm ý Thiên Chúa đã tha thứ. Đó cũng là lời đáp cho dân đang thất vọng vì lưu đày: Chúa không hề bỏ dân; Dân luôn là dân của Chúa.

“An ủi” = dịch sát theo bản Hipri là “làm cho thở phào nhẹ nhõm” (TOB, l’A. T Is 40,1 “r”). Cách nói diễn tả tâm trạng nhẹ nhõm của một ai đó vừa trút được một gánh nặng từng làm cho mình hằng khắc khoải, lo âu. Cụ thể trước mắt là Chúa sắp cứu dân khỏi cảnh nô lệ lưu đày sắp được giải thoát và hồi hương.

*Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giêrusalem (c.2a): giọng nói không còn mang cung điệu ngăm đe, trách phạt nữa mà là “ngọt ngào khuyên bảo”: giai đoạn nghiêm huấn, sửa dạy đã qua; giờ đây khai mở thời tha thứ, xót thương, chuẩn bị sống lại thời ân tình nhuần thấm.

*Thời phục dịch… đã mãn, tội của thành đã đền xong, vì thành đã bị tay Yavê giáng phạt gấp hai lần tội phạm (c.2b): ngôn ngữ vay mượn từ pháp lý quân đội: Giêrusalem đã phải phục dịch như một tên lính thuê hoặc một người nô lệ, và đã “bị phạt gấp đôi” như một tên trộm cắp (Xh 22,3) (CGKPV – “Các sách ngôn sứ”. Is 40,2b “i”). Cách nói hàm ý giai đoạn đền bù tội phạm đã xong. Giêrusalem sẽ được giải phóng trở về lại cuộc sống ân tình với Thiên Chúa.

Theo nghĩa rộng, “thời phục dịch” là thời gian con người sống trên trần gian, tạm xa lìa Thiên Chúa, phải lao lung vất vả (x. G 7,1), vì phạm tội bị đuổi khỏi Eđen lao động cực khổ. Thời đó đã qua, nay Thiên Chúa thứ tha cho sống lại trong tình nghĩa với Người.

Thật vậy với biến cố Đức Giêsu đảm nhận phận người tội lỗi, chịu phép rửa giống như mọi hối nhân, số phận nhân loại lật qua trang mới vì đó là thời điểm nhân loại lỗi lầm nhận ra dung mạo yêu thương của Thiên Chúa đối với mình:

  • Việc phải thú tội thay vì là bước đầu cho một vụ án đưa đến kết tội

  • Thì thật ra đó chỉ là điều kiện cần thiết phải làm để mở rộng cửa tâm hồn quét sạch mọi uế nhơ để dọn lòng đón ơn tha thứ của Chúa.

Và còn hơn thế nữa: nhờ Đức Giêsu chịu phép rửa mà cửa trời mở ra, nhân loại đón nhận tràn đầy Thần Khí và được Chúa Cha nhận là con. Trong Lc 15, đứa con hoang đàng rơi vào tình thế buộc lòng phải nhận tội và nó cứ ngỡ rằng số phận làm tôi đòi nô lệ là phần đã “an bài” cho nó rồi; Ngờ đâu, lúc nó công khai thú tội (vì thực ra nó đã là tội nhân ngay lúc nảy sinh ra ý tưởng đòi cha chia gia tài, nhưng nó không biết đó thôi) thì đó là lúc nó nhận ra và đón nhận trọn vẹn tình Cha – chính lúc nó nhận tội, Cha ngay tức khắc hồi phục cho nó quyền làm con. Thời phục dịch đã qua, thời làm con mở đầu. Vấn đề là ta có ở mãi trong tình trạng ân sủng ấy hay không mà thôi.

2/ Sứ điệp cho dân (40,3-5)

Phần Chúa là đã đến thời Chúa thứ tha, nhưng Chúa không ép buộc, Chúa chờ mong một sự đáp trả từ phía con người.

*Hãy mở một con đường cho Yavê: bạt núi đồi, lấp lũng sâu… hình ảnh vay mượn từ việc một dân làng được vua đến viếng thăm nên phải chuẩn bị đường phố cách cật lực để đón vua. Chắc hẳn là dân rất vui và hãnh diện được vua viếng thăm.

Áp dụng vào tình trạng dân Chúa đang thất vọng, oán trách Chúa vì bị lưu đày, thì đây là lời mời thay đổi não trạng, mời dân thay đổi tầm nhìn về Thiên Chúa của mình: thay vì sợ hãi, trốn chạy, giận hờn… thì giờ đây lại vui mừng, háo hức chuẩn bị đón Chúa đến.

*Trong hoang địa: sa mạc hoang địa là nơi cằn cỗi, hoang vu, không có sự sống, là nơi cản trở sự giao lưu, hiệp thông, ngăn chận sự sống, sự phát triển. Con đường đi là phương tiện để nối kết, hiệp thông, tạo nên sinh lực.

Như vậy “mở một con đường trong sa mạc” tức là làm một cuộc hoán cải tận căn: những gì gây chia rẽ, ngăn cản hiệp thông, thống nhất, những bức tường cách trở phải được dẹp đi và biến đổi thành kết hiệp, thành các con đường, các cây cầu đưa tới hiệp nhất. Nhờ có sự giao lưu, hiệp nhất do con người tạo nên mà hoang địa khô cằn, chết chóc sẽ trở thành ruộng vườn trù phú (Is 35,1-3). Đó chính là sứ vụ mà Thiên Chúa trao ban cho con người khi tạo dựng (St 2,4b-5) và cũng là lời hứa phục hồi khi thời Mêsia tới (Is 35,5-8: đặc biệt câu 8).

Vậy Is 40,3-5 là lời mời chân tâm hoán cải, nỗ lực tối đa để đón Chúa đến, sẵn sàng nghe lời Người. Và phải ý thức rằng chính Chúa mới là Đấng hướng dẫn chúng ta canh tân đổi mới đích thực. Còn nếu tự hoán cải theo kiểu nhân trần của mình thì sẽ có nguy cơ rơi vào vụ luật, thờ Chúa trên môi miệng… như các kinh sư biệt phái.

*Ngoài ra “trong hoang địa” còn gợi lên giai đoạn Thiên Chúa đào tạo, huấn luyện dân Chúa để tẩy rửa các vết tích nô lệ nơi họ, trước khi ban cho họ Giao Ước và sau đó là Đất Hứa. Vậy đây là giai đoạn chiến đấu. Đón Chúa đến để cùng Chúa chiến đấu chứ không phải để ỷ lại vào quyền năng, tình yêu của Chúa mà buông thả, hưởng thụ. Đây chưa phải là lúc nghỉ ngơi mà là bước vào giai đoạn chiến đấu mới, với vũ khí mới là LỜI CHÚA: giai đoạn dân Chúa CÓ LUẬT và bắt đầu sống THEO LUẬT để được vào ĐẤT HỨA.

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu bắt đầu xuất hiện công khai và rao giảng. Giai đoạn mới bắt đầu: phải thay thế mớ lề luật hỗn độn bằng LỜI Đức Giêsu. Tất cả “nợ nần” của chúng ta, Đức Giêsu nhận trả cả vốn lẫn lời (chịu phép rửa, chịu đóng đinh) để thay thế lại giấy nợ lề luật bằng nén vàng Lời Chúa. Phần chúng ta, dọn một con đường trong hoang địa là làm cho đồng vốn Chúa trao được sinh lợi.

3/ Sứ diệp cho “kẻ loan báo tin mừng” (40,9-11)

*Với các kẻ được Chúa sai đi loan báo tin mừng (cách chung) và với vị ngôn sứ (cách riêng), Chúa ra lệnh: “phải trèo lên núi cao”, “phải nói thật mạnh”, “đừng sợ” … Mệnh lệnh qua các cách nói trên hàm ý rằng kẻ nhận được sứ điệp tin mừng của Chúa phải công khai công bố, phải mạnh mẽ rao giảng bất chấp mọi chống đối bách hại. Mệnh lệnh trên cũng hàm ý có Thiên Chúa đồng hành bên cạnh “Kìa Thiên Chúa các ngươi!”. Có Chúa bên cạnh ủng hộ, nâng đỡ thì sợ gì nữa. Đừng đem chôn đi nén bạc đã lãnh nhận! không thể giữ riêng Tin Mừng cho mình được!

*Phải loan báo những gì?

Được Chúa mặc khải cho biết Thánh Ý Người, giờ đây kẻ được chọn phải loan báo cho dân biết, giảng dạy cho dân hiểu đúng, cung cấp phương tiện và thúc đẩy dân thực thi lời Chúa mời gọi “mở ra cho Yavê một con đường, trong hoang địa” như đã được đề cập đến ở phần 2/ trên. Cụ thể:

  • Câu 9: “đừng sợ” trước thực tế còn đen tối (dân còn đang lưu đày), cứ can đảm nói cho dân nghe sứ điệp niềm vui, hy vọng, đừng sợ những phản ứng tiêu cực chống đối có thể có của dân (nhớ lại xem phản ứng của dân đối với Môsê). Tin vui đó là Yavê đang có mặt giữa dân trong cảnh khốn cùng.

  • Câu 10: Chúa đến không để tính sổ, xét phạt mà là để tha: Người mang theo “bên cạnh Người, này công lao lập được”, Người đặt để “trước mặt Người, đây sự nghiệp làm nên”. Vậy Chúa đến để ân thưởng! Đọc lại kinh nghiệm lịch sử dân Chúa để hiểu sứ điệp câu 10 này:

  • Thời xuất hành, dân nô lệ 400 năm không một xu dính túi. Nhưng lúc Chúa đến giải cứu thì họ ra đi bạc vàng, tài sản đồ sộ (x. Xh 11,2-3; 12,35-36). Như vậy 400 năm nô lệ của họ, đến thời Chúa can thiệp trở thành công lao của họ và người Ai Cập chỉ là kẻ giữ giùm tiền lương, giờ phải trao lại cho họ.

  • Thời hồi hương cũng vậy: lúc bị Babylon bắt đi đày, dân là đám nô lệ phục dịch không công bị bóc lột tận xương; Nhưng khi hồi hương thì dân lại được vua Ba Tư ưu ái cho quay về cố quốc như là dân Chúa, chẳng những thế còn được vua ủng hộ phương tiện xây lại Đền Thờ, xây lại tường thành Giêrusalem (x. Er 1,2-4; Nkm 2,7-8).

Như vậy bao nhiêu lao nhọc, cơ cực của thời nô lệ, lưu đày… thì đến thời tha thứ, mọi lao công đó được Chúa coi như là “công lao lập được”, được Chúa tích lũy, giữ giùm và giờ đây Chúa cho lại nguyên khối trở thành “sự nghiệp làm nên”.

Và lần xét xử này của Chúa không ai kháng cự lại được vì Chúa đến như “Đấng quang lâm hùng dũng tay nắm trọn chủ quyền” (Is 40,10 so với Mt 28,18).

Tuy nhiên xin nhắc lại, đây chưa là thời kỳ an nghỉ, nhưng là thời kỳ chiến đấu, lao động như một con người tự do: với những hoa trái của “công lao lập được”, “sự nghiệp làm nên” mà Chúa mang đến cho ta “làm vốn” thì bây giờ là thời phải dùng số vốn đó, nén bạc đó sao cho đúng đắn.

Trước kia vì là nô lệ nên bao công lao, nỗ lực đều bị bóc lột hết, và nợ càng chồng chất nợ. Nay được Chúa phục hồi, ban cho vốn thì vẫn lao động nhưng sẽ hưởng tất cả những gì mình làm nên. Đừng quên một trong những hạnh phúc mà Cựu Ước ca ngợi là được Chúa cho hưởng trọn vẹn vị ngọt của những thành quả do tay mình làm ra trong tâm tình tri ân Chúa (Tv 128,2).

Làm sao để đạt được hạnh phúc đó? Lời Chúa của hôm nay cho một câu đáp

  • Chân tâm hồi hướng nhận ra sai lỗi của mình

  • Thú nhận và can đảm đón nhận hậu quả trong tâm tình phó thác

  • Phó thác vào tình yêu quan phòng hồi phục của Chúa, để Thiên Chúa hoàn tất nơi ta những gì Chúa nói (gương Đức Maria)

  • Kiên trì trung tín tới cùng.

Tin Mừng minh họa cụ thể qua biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa:

TIN MỪNG: Lc 3,15-16.21-22

Tin Mừng của Chúa Nhật III C, Mùa Vọng (Lc 3,10-18) và Tin Mừng của lễ Đức Giêsu chịu phép rửa (Lc 3,15-22) có đoạn trùng lặp Lc 3,15-18 nói về sứ mạng của Gioan trong tương quan với Đấng Mêsia. Phần này chúng ta đã suy niệm trong Chúa Nhật III C Mùa Vọng. Vậy ở đây chỉ suy niệm Lc 3,21-22: Đức Giêsu chịu phép rửa.

Có thể nói đây là biến cố chấm dứt giai đoạn ẩn dật của Đức Giêsu. Nó cùng với trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa Lc 4,1-13 là hai mố cầu nối giai đoạn thơ ấu ẩn dật với giai đoạn sứ vụ công khai của Đức Giêsu bắt đầu từ Lc 4,14. Và thân cầu nối hai mố là bảng gia phả của Đức Giêsu theo Luca lên đến tận Thiên Chúa (Lc 3,23-38). Chính trong tư cách vừa là con cái dòng tộc nhân loại tội lỗi (Lc 3,23: con Giuse, ở đây Luca không nhấn tới chi tiết Đức Giêsu là con của “Maria – Đầy Ơn Phúc – luôn có Chúa ở cùng”) nhưng cũng đích thực là con của Thiên Chúa (Lc 3,38) mà Đức Giêsu đã xuất hiện công khai đảm nhận toàn bộ tội lỗi của nhân loại và hậu quả trên vai mình (chịu phép rửa); Và chính trong tư cách pháp nhân gánh hết tội nợ của tiền nhân mà Đức Giêsu đối đầu trực diện với Qủy trong cơn chiến đấu ở hoang địa. Chiến thắng của Người là chiến thắng của nhân loại tội lỗi nhưng đã được Tình Yêu Thiên Chúa thứ tha hồi phục nhờ “chịu phép rửa”, Đức Giêsu đã mở ra lại cửa trời và hồi phục cho nhân loại quyền làm con được tự do ra vào và ở lại trong nhà Cha. Nhưng Qủy chưa bỏ cuộc đâu, Nó còn ngăm đe “hãy đợi đấy” (Lc 4,13); Và như đã suy niệm trong bài đọc 1: đây chưa phải là thời điểm an nghỉ mà là thời điểm thực sự bắt đầu chiến đấu để tất cả những gì Đức Giêsu mang đến ban tặng thực sự trở thành bản chất vĩnh cửu nơi từng người chúng ta. Cuộc chiến của Adam tại Eđen, của Đức Giêsu trong hoang địa, giờ đây là của mỗi chúng ta.

1/ Đức Giêsu chịu phép rửa (3,21)

*Sự kiện chỉ được Luca mô tả trong nửa câu: “khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa” (câu 21a). Luca chỉ nói lên sự kiện Đức Giêsu có chịu phép rửa và chịu như bao người khác. Luca không nhắc tới nghi thức xuống nước rồi ra khỏi nước như trong Mt 3,16 và Mc 1,10; cũng chẳng đề cập đến tên của Gioan và việc ông này làm phép rửa Đức Giêsu: Mt 3,15b; Mc 1,9b.

Đức Giêsu chịu phép rửa như mọi người nghĩa là Người giống chúng ta mọi đàng. Luca trình bày Đức Giêsu như là người chịu phép rửa cuối cùng hàm ý rằng việc Đức Giêsu chịu phép rửa khép lại giai đoạn sám hối chờ mong. Bây giờ là giai đoạn gặp gỡ Thiên Chúa và đón nhận hoa trái của việc sám hối (Đức Giêsu cầu nguyện và được Chúa Cha tuyên nhận là con)

Điều Luca quan tâm không nằm ở nghi thức và tác nhân cử hành phép rửa, mà là thái độ chủ động của Đức Giêsu và lời đáp từ trời.

*“Đang khi Người cầu nguyện”: chi tiết này là nét riêng của Luca. Thật vậy Mt 4,16 và Mc 1,10 đều nói khi Đức Giêsu chịu phép rửa rồi, vừa lên khỏi nước thì trời mở ra… Trong St 3, Adam chối tội, cửa vườn Eden đóng lại, nhân loại bị đuổi đi; Giờ này Đức Giêsu đảm nhận trách nhiệm, gánh tội của tiền nhân, cửa trời mở ra. Hóa ra Thiên Chúa buộc con người phải nhận tội là để ý thức thân phận sai trái, nguy ngập của mình hầu mở lòng đón nhận ơn thứ tha, chữa lành của Chúa. Và Chúa đã phải kiên trì giáo dục, giải thích, chờ đợi… cho đến hôm nay mới được một con người dám lấy trách nhiệm đảm nhận toàn bộ tội khiên lẫn hậu quả nơi bản thân mình. Chỉ cần thế, Thiên Chúa lại mở rộng cửa trời để ai sẵn sàng bước vào theo con đường mà Đức Giêsu vừa làm thì được tha thứ, được nhận là con (chuyện ngụ ngôn đứa con hoang đàng và tên trộm lành trên Thập Giá là minh họa).

Riêng Luca, yếu tố mở được cửa trời là CẦU NGUYỆN. Cầu nguyện là đến với Chúa, gặp Chúa, giãi bày tất cả cơ sự cho Chúa… rồi chờ đợi quyết định của Người. Trong Eđen, Adam trốn Chúa, dối Chúa… nên mất tất cả; Giờ đây Đức Giêsu là hậu duệ (ngay sau đoạn này là “gia phả Đức Giêsu”: trước mắt mọi người và kể cả trước Chúa, “Người là con ông Giuse lên tới Adam”; Và Đức Giêsu cũng nhận như vậy khi nghe Mẹ Maria nói Giuse là “cha của con” Lc 2,48 rồi sau đó tuân phục Giuse như cha Lc 2,51). Người thay mặt tổ tiên đến gặp Thiên Chúa, cầu nguyện. Như vậy Luca, đi sâu vào huyền nhiệm của Thiên Chúa hơn, nhấn mạnh yếu tố nối kết lại đất trời chính là CON NGƯỜI GIÊSU.

Chính nhờ Đức Giêsu, Người nhận chúng ta là anh em, qua việc Người nhận Giuse làm cha của Người nên việc sám hối của nhân loại mới có được năng lực mở ra cửa trời cho thế giới.

*“thì trời mở ra” Marcô, Matthêu lẫn Luca đều giữ lại chi tiết này: trời mở ra. Trời đất lại thông thương với nhau, án lệnh “khóa vườn Eden” được tháo cởi; Từ nay đất lưu đày bên ngoài Vườn Eden trở thành lãnh địa của Thiên Chúa, nơi Thánh Thần Thiên Chúa ngự xuống, nơi Thiên Chúa nhận nhân loại làm con.

Chỉ trong mảnh đất đọa đày trần thế này mà ơn gọi làm “con Thiên Chúa” của nhân loại nhờ Đức Giêsu mới được tỏ rõ:

  • Bản thân Đức Giêsu được tỏ lộ là Kitô – Đức Chúa (Lc 2,11)

  • Đền thờ gỗ đá được Đức Giêsu nâng lên là “Nhà Cha của con” (Lc 2,49)

  • Thân xác Người là Đền Thờ (Ga 2,21), Thân xác tín hữu cũng là Đền Thờ Thiên Chúa (1Cr 3,16)

  • Chính ở thế trần này chúng ta mới gọi Chúa là Cha (Mt 6,9; Rm 8,15)

  • Ở thế này cho dù ta bất xứng, thê thảm cỡ nào Chúa vẫn nhận ta làm con (Lc 15,22-24; Mc 15,39…)

  • Và hạnh phúc chung cuộc của kiếp người là VỀ NHÀ CHA; GIA ĐÌNH SUM HỌP.

Đối với Matthêu và Marcô thì thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần hiện xuống là thị kiến riêng của Đức Giêsu. Còn đối với Lc 3,21b.22a dường như thị kiến là cho mọi người cùng hưởng. Như vậy con người của Đức Giêsu, nhất là lời CẦU NGUYỆN của Người trong tình trạng là một tội nhân lãnh án phạt trên Thập Giá: xin Cha tha cho chúng…” đúng là chiếc CHÌA KHÓA mở cửa Trời cho nhân loại, là máng chuyển Chúa Thánh Thần cho mọi kẻ tin.

2/ Cuộc thần hiện: Ba Ngôi tỏ mình, Hiển linh (3,22)

Ở đây Mầu Nhiệm về Thiên Chúa được tỏ lộ rõ hơn: không chỉ nói chung chung là Thiên Chúa tỏ mình mà là BA NGÔI tỏ mình.

Các chi tiết về “Thánh Thần ngự xuống như chim câu”, nội dung lời Chúa Cha xin xem bài Suy niệm “Đức Giêsu chịu phép rửa” năm B. Ở đây suy niệm khía cạnh Ba Ngôi của việc Thiên Chúa hiển linh. Nơi chốn Ba Ngôi tỏ mình lại là nơi SÁM HỐI, thú tội.

Đối với tầm nhìn của nhân loại tội lỗi thì “thú tội” là để kết án, nhận lấy quả báo (minh họa: thằng con hoang đàng trở về chỉ dám mong được đón nhận như một kẻ làm thuê); nhưng với Chúa thì chân tâm nhận ra tội mình thì TRẮNG ÁN.

Dung mạo đầu tiên mà cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng minh nhiên hiển linh, tỏ mình cách tường tận là Thiên Chúa THỨ THA, Thiên Chúa HỒI PHỤC, Thiên Chúa NÂNG CAO một Thiên Chúa chắc chắn sẽ hoàn tất chương trình yêu thương của Người. Theo Luca trước một đám đông đang chân tâm bày tỏ lòng sám hối, Thiên Chúa Ba Ngôi hiển linh:

Chúa không đòi hỏi công nghiệp của con người, nhưng chính Chúa đến mang theo ân thưởng, công nghiệp làm quà tặng cho con người (bài đọc 1). Công nghiệp của con người chính là mở lòng đón nhận tình yêu tha thứ nhưng không của Thiên Chúa. Chuyện tưởng chừng là đơn giản, nhưng Đức Giêsu phải nỗ lực đến chết để thuyết phục con người tin vào Tình Yêu đó của Thiên Chúa. Và một khi đã tin, con người không chỉ được tha mà còn được đưa vào hội nhập với sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa.

Tóm lại

Một khi đã phục hồi phẩm giá cho nhân tính rồi thì Thiên Chúa hiển linh đưa nhân loại vào trong Mầu Nhiệm cao siêu nhất của Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ mình là cộng đoàn có Ba Ngôi: Thánh Thần lấy hình bồ câu hiện xuống; Chúa Cha lên tiếng công khai xác nhận rằng con người vừa mới khiêm tốn đón nhận phép rửa và đang cầu nguyện đó là CHÍNH CON THIÊN CHÚA.

Với việc tự nguyện chịu phép rửa, chấp nhận phận làm người đến cùng, đảm nhận mọi hậu quả, Đức Giêsu đã đưa nhân tính vào trong cung lòng của Ba Ngôi. Nhờ đó, con người dù còn bị bóng đen tội lỗi vây bủa, thì con đường “được quyền làm con Thiên Chúa” (Ga 1,12) đã mở rộng thênh thang cho toàn nhân loại.

Qua việc Đức Giêsu tự xếp mình vào hàng tội nhân đang sám hối, Thiên Chúa giao hòa lại với nhân loại, đặc biệt là với “số sót lại” dám nhận ra điều sai trái của mình và thật lòng sám hối. Họ được Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ mình, được hưởng niềm vui được tha thứ, niềm vui được về lại với Thiên Chúa và nhất là niềm vui được Chúa nhận là CON. Vòng tay Ba Ngôi đã mở rộng, hãy can đảm trao phó tất cả cho Người trong tâm tình của người con hiếu thảo, tín thác tất cả cho Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC