Đọc đoạn Tin Mừng Lc 6, 39-45, Chúa nhật thứ 8 Thường Niên Năm C hôm nay, có lẽ chúng ta cảm thấy khó hiểu, vì nội dung, cấu trúc có phần không chặt chẽ, dường như nói nhiều vấn đề khác nhau: trước hết Chúa Giêsu nói mù mà lại dắt mù, rồi Người nói đến cái xà trong mắt và cuối cùng Người lại nói chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.
Trước hết, Chúa nói mù mà lại dắt mù được sao?( Lc 6,39).
Mù là có đôi mắt thương tật, không thấy đường, không nhìn được. Trong năm giác quan, có lẽ thị giác là quan trọng nhất. Nó giúp ta nhìn thấy con người, vạn vật và tiếp xúc với thế giới xung quanh. Thế giới của người mù là một thế giới hoàn toàn tăm tối, là bóng đêm dày đặc. Đôi mắt đã chết thì các năng khiếu, nhận thức, hoạt động và mọi giao tiếp với người, với cảnh vật đều bị hạn chế. Cuộc đời gần như mất hết.
Người mù muốn di chuyển thường phải nhờ người mắt sáng dẫn đường. Ở những nước tiên tiến người ta huấn luyện chó để dẫn đường cho người mù. Không thể nào một người mù lại dẫn đường cho một người mù khác được. Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?(Lc 6,39). Lời này trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu nói với các môn đệ nhưng trong tin mừng Matthêu, Chúa nói với những người Pharisiêu. (Mt 15,14).
Mù về thể lý đã vậy, mù về tri thức, về tinh thần, về đạo đức mà dẫn dắt người khác, thì hậu quả còn tai hại khôn lường. Một người thầy thiếu kiến thức hoặc kiến thức sai lạc sẽ kéo theo nhiều thế hệ học sinh sai lạc.
Giáo sư Phan Như Ngọc, trường đại học Tổng hợp Hà Nội, sau khi trở lại Kitô giáo đã chia sẻ:
Tôi sinh ra và lớn lên trong lòng Miền Bắc… Suốt mười năm học trường phổ thông, tôi luôn luôn được dạy rằng vũ trụ này tự nhiên mà có, không có Ông Trời nào hết.
Rồi tôi vào học ngành Vật lý của Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Tôi phải học triết học duy vật một cách có hệ thống, trong đó sợi chỉ đỏ xuyên suốt là quan điểm vật chất có trước, vật chất đẻ ra ý thức, vật chất quyết định ý thức.
… Sau khi tốt nghiệp, tôi làm nghề dạy học. Tôi phải vừa dạy vật lý, vừa thông qua môn học này để giáo dục tư tưởng duy vật cho học sinh, sinh viên. Vì thực tâm tin ở sự đúng đắn của chủ nghĩa duy vật, nên tôi giảng dạy rất say sưa, không thấy gì gò bó cả. Mười ba năm dạy học là mười ba năm góp phần tuyên truyền cho chủ nghĩa vô thần chống Chúa… Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy xót xa ân hận vô cùng. Nếu linh hồn lớp đàn em tôi bị hư mất, thì chính tôi phải chịu một phần trách nhiệm. Tôi đã vô tình gây nên tội.
( Trích Niềm Hạnh Phúc Tuyệt Vời của giáo sư Phan Như Ngọc)
Tổ chức càng rộng lớn, người đứng đầu, người hướng dẫn càng cần có kiến thức (không phải chỉ là bằng cấp, bằng mua, bằng giả), tài đức, sáng suốt và khôn ngoan. Lãnh đạo càng cao mà làm sai thì hậu quả càng lớn.Trong đời sống cá nhân cũng như trong hoạt động của một tổ chức: sai một ly đi một dặm.
Một Luther, một Calvin, một Henri thứ VIII đã lôi kéo bao nhiêu người rời xa Giáo hội Công giáo Rôma. Một Hitler, một Mussolini đã làm thế giới đảo điên trong thế chiến thứ 2.
Môn đệ Chúa mà mù quáng thì sẽ dẫn người khác đến sai lầm trầm trọng.
Nhưng một tư tưởng, một định hướng đúng đắn, chính xác và sáng suốt có thể làm nên đại sự. Một lời khuyên trích trong Tin Mừng:“Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì” (Lc 9,25 ) của một người bạn là Ignatiô, đã làm cho Phanxicô xaviê, một giáo sư đại học danh tiếng đổi đời : từ bỏ tất cả để trở thành tu sĩ, linh mục và một nhà truyền giáo hăng say.
Người dẫn đường chỉ có thể dẫn dắt người khác khi có đôi mắt sáng.
Người đời thường nói con mắt là cửa sổ tâm hồn.(Có lẽ phải nói đó là cửa lớn, cửa ra vào).
Nhạc sĩ Xuân Hồng cũng viết:
Đôi mắt em là cửa ngõ Tâm Hồn
là bài thơ hay nhất
là lời ca không dứt
là tuyệt tác của thiên nhiên …
( Đôi Mắt. Xuân Hồng)
Nếu chúng ta nhìn đời bằng đôi mắt màu hồng thì cuộc đời hạnh phúc tươi vui. Nhưng nếu nhìn nhau bằng những đôi mắt hình viên đạn thì chúng ta chỉ thấy hận thù, đố kỵ.
Mắt nhìn cần phải sáng.
Ai đã từng đeo mắt kính, dẫu là kính cận hay kính lão, thì chỉ một vết dơ, một bụi mờ nhỏ trên mắt kính cũng làm ta khó chịu, không nhìn rõ sự vật được. Người lớn tuổi bị cườm mắt, bị đục thủy tinh thể còn phải phẫu thuật, đặt kính nội nhãn để nhìn rõ hơn.Vậy mà cả một cái xà trong mắt chúng ta, có khi chúng ta lại tưởng mình mắt sáng rồi đi soi mói người khác.
Đó là tại chúng ta chưa biết mình. Socrates, triết gia Hy Lạp, ông tổ của triết học Phương Tây luôn nói: Connais-toi, toi-même– Hãy biết chính mình bạn. Chúa Giêsu dạy: sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? (Lc 6,41).
Ca dao Việt Nam cũng nói lên điều này: Chân mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người.
Tin mừng Gioan đoạn 8,1-11 thuật lại chuyện các kinh sư và Pharisiêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ muốn kết án và ném đá chị theo luật Môisen. Nhưng khi Chúa Giêsu nói: Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi (Ga 8,7). Họ không biết mình, chỉ khi Chúa Giêsu nhắc bảo, họ mới nhận ra mình tội lỗi và đã bỏ đi.
Biết mình là điều khó. Thánh Augustinô thường cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.
Tâm lý chung của người đời là khắt khe, xét nét, soi mói và phóng đại những khuyết điểm của người khác còn những ưu điểm của họ thì nhiều khi bị bỏ quên hay chỉ đề cập thoáng qua. Chúng ta dễ dàng phê phán và lên án người khác. Ngược lại những thành công của ta, thì ta phô trương, phóng đại, tô màu còn những khuyết điểm, những thất bại của ta thì ta che giấu, hay tìm cách biện hộ, giảm khinh. Đó chính là lối sống giả hình, mà Chúa Giêsu thường chê trách.
Người có trách nhiệm hướng dẫn về phương diện tâm linh cần phải biết mình, phải có khả năng đích thực, có những kiến thức cần thiết, đầy đủ và lành mạnh về tâm linh. Cần có lòng nhiệt thành, có tình yêu bao la và đời sống yêu thương thích hợp, gương mẫu, phải có một đời sống tâm linh thật sự và sâu xa nữa.
Đức Thánh Cha Phaolô VI viết trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 41 như sau: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”. Như vậy, chúng ta có thể nghĩ rằng: nếu đời sống chứng nhân có tác dụng rất tốt trong việc loan báo Tin Mừng, thì ngược lại, không có gì nguy hại cho bằng đời sống phản Tin Mừng nơi người Kitô hữu!
Lời nói hay chỉ có tác động thoảng qua, còn gương sáng mới có tác dụng lôi cuốn đích thực.
Phải chăng đó chính là điều chúa Giêsu muốn dậy: Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.(Lc 6,45). Người muốn xét đoán hay hướng dẫn người khác thì phải có tấm lòng tốt mới có thể lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình.
Căn cứ vào hành động mà biết được con người
Cứ xem quả thì biết cây. Để biết một người tốt hay xấu, phải nhìn vào hành động của họ, chứ không chỉ nghe lời họ nói. Lời nói hay chỉ có thể chứng minh được sự thông minh, lanh lợi, khả năng suy nghĩ sâu xa của một người, chứ không nói lên được tính đạo đức, tình yêu thương, sự quảng đại, cao thượng, ngay thẳng, trong sáng, can đảm của họ.
Tóm lại, người mù không thể dẫn dắt người mù khác. Muốn hướng dẫn người khác, phải có mắt sáng. Muốn có mắt sáng, phải biết mình, phải trau dồi kiến thức, phải tu thân tích đức, phải là cây tốt, phải sinh quả tốt. Phải chăng đó chính là logic, là bố cục của đoạn Tin Mừng hôm nay.
Lạy Chúa, xin mở mắt con, để con biết Chúa, để con biết con và để con sống tình yêu thương của Chúa với tha nhân.
Nguyễn Đức Lân