CHÚA NHẬT THỨ III MÙA CHAY NĂM C

Lc 13, 1-9

Phụng vụ Mùa Chay chúa nhật thứ nhất cho chúng ta biết về Cám Dỗ: Chúa  Giêsu bị cám dỗ, chúng ta, thân phận con người cũng luôn bị cám dỗ. Chúa nhật thứ hai nói về Vinh Quang Thiên Chúa và chúng ta cũng sẽ được thông phần vinh quang với Ngài. Chúa nhật thứ ba, giữa mùa chay hôm nay, phụng vụ giới thiệu cho chúng ta chủ đề Sám Hối. Phải sám hối để được cứu độ. Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ”(2 Cr 6,2b).

      Sám Hối  giúp chúng ta nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa, nhận ra sự bất toàn của con người, từ đó chúng ta cần xin ơn tha thứ.

      Tin Mừng Luca 13, 1-9 hôm nay cho chúng ta biết Nếu không sám hối thì sẽ chết hết. Người Do Thái kể lại cho Chúa Giêsu về hai biến cố: một là những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết trong đền thờ và hai là 18 người bị tháp Siloe đổ xuống, đè chết.

      Người đời vẫn cho rằng : ở hiền gặp lành, còn nghèo đói, bệnh tật, tai họa, là do ăn ở thất đức  hay ác giả ác báo. 

       Người Do Thái cũng tin rằng an lành, sức khỏe, sự sống là ân huệ Chúa thưởng cho người đạo đức, còn tai hoạ, bệnh tật, cái chết là hình phạt Chúa dành cho kẻ tội lỗi. Chứng kiến các nạn nhân bị thiệt mạng, những người kể lại cho Chúa Giêsu đều nghĩ rằng những nạn nhân ấy chết vì họ tội lỗi. Tội lỗi của họ hoặc của tổ tiên để lại.

      Nhưng như trong trình thuật người mù bẩm sinh, Chúa Giêsu giải thích rằng “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để các việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”.(Ga 9, 3). Người không khẳng      định rằng các  nạn nhân bị trừng phạt là vì tội lỗi.

     Người Do Thái cho rằng nạn nhân  trong hai biến cố trên là những người tội lỗi, nên bị Chúa phạt. Nhưng Chúa Giêsu lại không cho rằng họ là những người tội lỗi hơn những người còn đang sống. Chúa nói: “Không phải thế  thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.(Lc 13,5) Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến việc ăn năn trở lại.

      Định kiến trên kia nguy hiểm ở chỗ cho rằng người khác gian ác, tội lỗi, nên Chúa phạt họ, còn tôi, tôi đạo đức, vô tội nên được bình yên, vô sự. Nói cách khác: tôi bình yên, vô sự là vì tôi đạo đức, vô tội.Ta đang sống trong ảo tưởng. Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh rằng mọi người đều là tội nhân, nên cần phải sám hối ăn năn.

     Những người bị nạn đó trở thành tấm gương để người đang sống hôm nay thay đổi cách sống. Thiên Chúa yêu thương những người còn đang sống, nên dùng các biến cố đó như những tấm gương, để răn dạy.

      Linh mục Isidoro Bùi Văn Tăng đang làm giám đốc Caritas Giáo phận Long Xuyên. Ở tuổi 74, cha vẫn còn hăng say hoạt động. Chỉ hơn một tuần nằm bệnh viện, cha đã giã từ mọi người, để lại nhiều công trình dang dở.

      Cha Tôma Nguyễn Văn Thượng đã từng cộng tác với cha Phêrô Hoàng Văn Quy (RIP 2003) và cha Micae Hoàng Đức Oanh (trước khi ngài làm giám mục Kon Tum) tại giáo xứ Thăng Thiên, thành phố Pleiku, giáo phận Kon Tum, trong những ngày tháng khó khăn sau năm 1975.[Tình huynh đệ yêu thương tha thiết này đã khiến đức cha Oanh khóc nức nở,  như một em bé, trong giờ tẩm liệm cha Thượng].Vì đức cha Oanh lớn tuổi, lại bệnh tim, nên khi còn sống, cha Thượng đã cùng bàn bạc với một số cha khác, lên chương trình lễ an táng đức cha Oanh; nhưng rồi ý Chúa lại khác: trong lần tái phát đại dịch covid đầu tháng 3 năm 2022 này tại Kon Tum, sau 2 tuần nằm bệnh viện Pleiku và Chợ Rẫy, Sài Gòn, cha Thượng đã vĩnh viễn từ biệt mọi người.

      Cả hai sự ra đi vội vàng của 2 linh mục này đều làm cho nhiều người  hụt hẫng, ngỡ ngàng. Nhưng cũng là lời cảnh giác cho mọi người: hãy sẵn sàng.

      Những đau khổ, tai họa dù bất ngờ hay hiển nhiên xảy đến, bao giờ cũng là lời cảnh tỉnh, nhắc nhớ lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta. Lòng nhân hậu và tha thứ của Thiên Chúa chỉ có ý nghĩa, khi mỗi người biết khiêm tốn ăn năn sám hối về tội lỗi của mình.

     Lời mời gọi ấy luôn còn giá trị. Nhưng nhiều người vẫn dửng dưng và cho rằng: Đời còn dài, lo gì.  Thực tế đã cho thấy: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”: “Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến ( Lc 12,40).

     Vì thế, hãy tâm niệm lời thánh Phaolô: Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12);

      Lời Chúa hôm nay cho thấy mọi người đều phải Sám Hối: người tội lỗi, cũng như người được coi là đạo đức.

     Người tội lỗi phải từ bỏ con đường bất chính, người đạo đức phải sống yêu thương bác ái hơn. Vì, ngoài việc ăn chay, tránh tội, giáo lý của Chúa còn đòi buộc những điều tích cực hơn như lời thánh Giacôbê nhắc nhở: “Kẻ nào biết làm điều tốt mà không chịu làm thì mắc tội” (Gc 4,17). Người đời chỉ nói: kỷ sở bất dục vật thi ư nhân– điều mình không thích, thì đừng làm cho người khác- còn Chúa Giêsu lại dạy: Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta ( Mt 7,12)

      Mùa chay là mùa ân sủng. Người chủ vườn nhẫn nại và quảng đại cho cây vả thêm một năm nữa để hy vọng nó có thể sinh hoa trái. Mỗi Mùa Chay, Thiên Chúa cho chúng ta thêm cơ hội để đổi mới con người, làm nhiều việc lành bác ái. Chúng ta không biết mình sẽ ra đi về với Chúa khi nào. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để mỗi người kiểm điểm về cây vả đời mình. Thêm một cơ hội, thêm một kỳ hạn nữa. Điều quan trọng là mỗi người đã làm gì với cơ hội và với kỳ hạn đó ?

     Dụ ngôn cho thấy Thiên Chúa vẫn luôn nhân từ và kiên nhẫn đối với người tội lỗi.

     Chúa kêu gọi chúng ta Sám Hối, Nhưng, cấp thiết không kém, Chúa kêu gọi chúng ta sinh hoa kết trái tốt. Bởi vì: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa(x. Mt 3,10 ; Lc 3,9).

      Dụ ngôn cây vả ngắn gọn cho thấy Thiên Chúa rất yêu thương chúng ta. Thời gian là sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Sự nhẫn nại đó là lòng thương xót của Ngài. Thật vậy, Ngài phán “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Hãy trở lại, hãy từ bỏ đường lối xấu xa của các ngươi mà trở lại”. (Ed 33:11).

       Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết ăn năn sám hối, để chúng con được lãnh nhận ơn cứu độ của Chúa.

 Nguyễn Đức Lân