CHÚA NHẬT V MÙA CHAY- năm C

Bài 1

Is 43,16-21; Ga 8,1-11

Chủ đềĐừng bám víu vào quá khứ nữa;
Hãy đón nhận hồng ân đổi mới Chúa đang ban tặng.

* Is 43,18-19: Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, … Này Ta sắp làm một việc mới.

* Ga 8,11b: Không ai lên án chị sao? … Tôi cũng vậy…! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.

Chúng ta bước vào giai đoạn cuối của Mùa Chay, Chúa Nhật V có thể nói là Chúa Nhật cuối vì tuần sau đã là TUẦN THÁNH với nghi thức mở đầu là LỄ LÁ. Suốt thời gian qua của Mùa Chay, Lời Chúa đã đồng hành chiến đấu cùng với chúng ta (Chúa Nhật I); cho chúng ta nếm cảm trước vinh quang phục sinh để can đảm vâng nghe và theo đến cùng con đường thập giá với con người Giêsu (Chúa Nhật II); mời chúng ta khám phá ra lòng thương xót của Thiên Chúa luôn kiên trì chờ ta hoán cải, bằng mọi giá giúp ta sinh hoa trái đẹp lòng Chúa (Chúa Nhật III); Và đỉnh cao của tình yêu thương xót là từng bước một, Chúa thức tỉnh chúng ta, dẫn chúng ta về lại Nhà Cha, vui mừng khôi phục quyền làm con của chúng ta trong hân hoan của một gia đình sum họp (Chúa Nhật IV). Và Lời Chúa của Chúa Nhật V gợi lên cho chúng ta một điều phải tránh để những gì Chúa thương ban thật sự trổ sinh hoa trái trong chúng ta. Lời khuyên đó tóm lại trong chữ “ĐỪNG”. “Đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước” (bài đọc 1); “hãy về đi và từ nay ĐỪNG phạm tội nữa” (Tin Mừng).

Lời Chúa mời chúng ta giã từ quá khứ, đừng tiếc nuối bám víu vào những gì đã qua, hoặc tự dày vò, thất vọng vì các lỗi lầm đã phạm, khiến cho cuộc sống đã được Chúa phục hồi trong hiện tại không được bình an thông suốt, ảnh hưởng đến tương lai.

Tóm lại, hiện tại “Tôi” đang là một tội nhân với những hậu quả không tốt đi kèm theo, nhưng là một tội nhân đã được Chúa tha thứ. Và Chúa đang có một dự định cho “Tôi”. Chúa mời “tôi” đừng nhốt mình trong quá khứ nữa mà hãy mở ra cho dự tính tương lai Chúa muốn cho “tôi”, để trong hiện tại “tôi” sống xứng đáng với ơn gọi Chúa muốn cho “tôi”.

Để hiểu rõ hơn chủ đề trên, nên nhìn lại Tin Mừng tuần trước: đứa con hoang đàng lúc quay về nhà Cha đã mang theo cả một dự án: nó phải thú tội, rồi nó tự kết án không đáng làm con nữa, rồi đưa luôn ra giải pháp xin được làm thợ công nhật cho Cha thôi. Nó không ngờ Cha đón nhận nó như người con. Áp dụng chủ đề hôm nay vào chuyện đứa con hoang đàng là: quên đi quá khứ, đón nhận tình cha trong hiện tại, và hướng về tương lai “Từ nay” đừng mặc cảm nữa, bỏ đi dự tính xin làm công của mình để sống xứng đáng như một người con hiếu thảo với Cha.

Bài đọc 1 trích từ sách Isaia 43, dân Chúa đang trong cảnh lưu đày, nhưng Chúa đã thứ tha và sai ngôn sứ đến “an ủi, an ủi dân Ta” (x. Is 40,1-2). Chúa cho dân thấy dự tính sáng tươi Chúa sắp làm cho dân: “Ta sắp làm một việc mới, việc đó đã manh nha rồi” (Is 43,19a). Và Chúa mời dân mở mắt ra mà nhìn (câu 19b). Chúa khuyên dân “ĐỪNG nhớ lại những chuyện ngày xưa …”. So với 43,1-2 thì “chuyện ngày xưa” tức là chuyện Chúa đã can thiệp nhấn chìm binh mã Pharaô trong biển Đỏ để cứu dân. Tại sao lạ vậy? Chúa muốn dân quên đi các kỳ công của Chúa sao? KHÔNG! Chúa muốn dân đừng so bì rồi trách Chúa, dựa vào quá khứ để nói rằng Chúa hết thương dân, trách Chúa sao không can thiệp như thuở xa xưa để cứu dân. Chúa bảo dân hãy bình tâm, mở mắt ra xem việc Chúa sắp làm: từ Babylon về ĐẤT HỨA đâu có biển, chỉ có sa mạc. Do đó việc Chúa làm sẽ là “mở một con đường giữa sa mạc” làm những nơi khô cháy thành mầu mỡ … (43,19). Vậy đừng hoài cổ để tiếc nuối than van nhưng hãy dọn mình – dù còn đang lưu đày – để đón kỳ công mới của Chúa.

Tin Mừng thuật lại chuyện một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chiếu theo Luật, chị ta phải bị ném đá. Các kinh sư, biệt phái lôi chị đến trước mặt Đức Giêsu hỏi ý kiến của Người với ác ý “nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 8,6a). Họ nhân danh Luật, nhưng họ làm sai Luật. Đức Giêsu vạch ra những sai lầm của họ theo tinh thần Luật Do Thái:

  • Họ đã xét xử và cho chị biện hộ chưa? (x.Ga 7,51)

  • Người đồng phạm đâu?

  • Họ lạm quyền khi tự tiện đưa ra án quyết mà không thông qua Công Hội

  • Và ai là nhân chứng: phải có hai người, cầm đá ném trước đi.

  • Họ đành rút lui! Đức Giêsu cũng đã cứu cả họ.

Riêng người phụ nữ. Chị ta đáng tội thật: chị không kháng án. Chỉ còn một mình chị đứng trước Đức Giêsu. Dù được khỏi chết, nhưng mặc cảm tội lỗi đeo bám chị. Thực tế, trước Thiên Chúa và trước Luật chị vẫn là tội nhân đáng chết. Đức Giêsu đã giải cứu chị khỏi quá khứ khủng khiếp đó: – Người tha tội: “Tôi không lên án chị đâu” – Người mời chị giã từ quá khứ: “TỪ NAY, ĐỪNG phạm tội nữa!” – và mời chị hướng về tương lai: “Thôi, chị cứ về đi”.

Thiên Chúa đã tha thứ tất cả, hồi phục tất cả. Chúa mong chờ chúng ta vượt qua những mặc cảm, gánh nặng do tội gây ra để sống trong hiện tại cái hạnh phúc của một người con, để rồi cúng với cha và anh em xây dựng một gia đình sum họp.

Bài 2

 Người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình … Thầy nghĩ sao? (cc. 4.5) … “Người sạch tội của các ông là người đầu tiên hãy ném vào bà này một viên đá đi” (c.7) … Đức Giêsu nói với người đàn bà: “… không ai lên án chị sao?” (c.10) … “Tôi cũng không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (c.11).

 Phụng vụ bước vào Chúa Nhật V C Mùa Chay. Chúng ta sắp đạt tới đỉnh của cuộc chiến đấu thiêng liêng theo năm C: tuần sau sẽ là Tuần Thánh, Tuần chiến đấu khốc liệt để làm thay đổi bộ mặt của Thập Giá: từ Thập Giá khổ hình thành Thập Giá cứu độ; cái chết của một tên tử tội lại trở thành biểu tượng của vinh quang thần linh.

Trong Chúa Nhật trước, IV C Mùa Chay, phụng vụ đã đưa chúng ta tới đích điểm của cuộc chiến đấu: chiến đấu để hồi phục quyền được làm “Dân Chúa” (bài 1); để hồi phục quyền làm con (Tin Mừng). Lời Chúa tuần trước đã cho chúng ta thấy: phần Thiên Chúa, Người đã sẵn sàng mọi sự, nhưng về phía con người, vẫn còn nhiều vướng mắc: dân Do Thái đã đặt chân vào Đất Hứa rồi mà vẫn còn ở trong tình trạng “đáng bị khai trừ” vì chưa cắt bì (bài 1); Còn trong Tin Mừng, hai cậu con đều lộ ra bộ mặt của những tên nô lệ. Và đặc biệt là bài đọc Tin Mừng chưa có đoạn kết: không biết là sau bữa tiệc mừng, cậu con thứ có nghiệm ra được tình cha để thật lòng sám hối, vĩnh viễn ở lại nhà cha và sống tốt lành như một người con hiếu thảo? Còn cậu cả, không biết có chịu vào nhà, đón nhận em, chung vui với cha, gia đình đoàn tụ?

Phần Chúa, mọi sự đã được phơi bày minh bạch: chóp đỉnh của Tuần Thánh là Đức Giêsu sẽ đón nhận Thập Giá là Ý Cha làm lý tưởng, lẽ sống cho cuộc đời Người: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34); “xin đừng cho ý Con thể hiện mà theo Ý Cha” (Lc 22,42b).

Còn phần phía con người? Chúng ta phải tiếp tục chiến đấu! Chiến đấu từ bỏ dự tính tức thời, đột xuất riêng của mình để đón nhận Tình Yêu từ đời đời của Cha đã dọn sẵn cho mình và cho mọi người. Hãy đón nhận cái hiện tại mà Cha đề nghị ban tặng (mặc áo, dép, nhẫn mới vào; Vào chung vui với cha). Hãy buông bỏ đi cái quá khứ đã từng biến chúng ta là con thành những tên nô lệ khờ dại mà không ngờ, không biết để sống lại tình cha con, anh em trong gia đình Thiên Chúa. Đó là chủ đề chính mà Lời Chúa của Chúa Nhật V C Mùa Chay mời chúng ta suy tư và nỗ lực chiến đấu để đạt tới đích:

*Can đảm giã từ quá khứ dù là huy hoàng hay tăm tối. Đừng tự cột mình vào quá khứ đó mà không nhận ra, làm hỏng cái dự tính tuyệt vời của Thiên Chúa trên ta trong hiện tại và tương lai:

– Bài đọc 1, Is 43,18: “các ngươi đừng nhớ lại những ngày xưa tháng cũ, chớ ngẫm nghĩ gì về những chuyện đã qua”.

– Tin Mừng: Ga 8,10b.11a: “không ai lên án chị sao?”. “Thưa Ngài, không ai cả”.

*Tha thứ không có nghĩa là bỏ qua sai lầm của quá khứ cho xong chuyện rồi cứ tiếp tục đường xưa “ngựa quen đường cũ”; Nhưng mà là phải nên mới theo đường lối Thiên Chúa.

– “Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi” (Is 43,19a), “Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta” (Is 43,21)

– “Tôi cũng không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA” (Ga 8,11).

Kể từ khi tổ tông sa ngã, nhân loại rơi vào trong bóng đêm lầm lạc, sợ hãi, thất vọng; thân phận khốn cùng bị quỷ ma khống chế. Thế là một cơn cám dỗ chết người đã ập xuống trên nhân loại chúng ta: Đó là thất vọng! Thực tại khổ đau tăm tối đã làm con người thất vọng về Thiên Chúa (Chúa là Thẩm Phán nghiêm khắc, là Đấng xét phạt); thất vọng về bản thân (đắc tội với Trời, với Cha, may lắm là được nhận làm thuê sống qua ngày); thất vọng về tha nhân (là kẻ cám dỗ, là kẻ đồng lõa lôi ta vào vũng tội).

Với mặc cảm tội lỗi như thế, nhân loại sợ hãi trốn xa Thiên Chúa; tự dày vò, kết án bản thân; rồi bù trừ, tranh dành vùi dập lẫn nhau xuống tận đáy bùn nhơ. Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta, khôi phục lại niềm hy vọng cậy trông nơi chúng ta. Về mặt xét xử và ban ơn cứu độ:

  • Nhân loại không có quyền xét xử nhau. Luật lệ và các biện pháp pháp lý chỉ giúp nhân loại biện phân phần nào sai đúng, và tạm có giải pháp ổn định trật tự chung.

  • Tự bản thân cũng không thể tùy tiện tự làm thẩm phán cho chính mình.

  • Đấng nói tiếng nói chung cuộc là Thiên Chúa. Tiếng nói chung cuộc của bài đọc Tin Mừng hôm nay là: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu”. Tuy nhiên để hồng ân tha thứ đó sinh hoa trái nơi tội nhân thì Đức Giêsu mời họ phải dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi: “Từ nay ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA!”

BÀI ĐỌC I: Is 43,16-21

Bài đọc 1 là một trích đoạn từ Isaia đệ nhị (Is 40 – 55). Dân Chúa đang ở trong tình trạng lưu đày ở Babylon. Trong cảnh khổ nhục, đau thương ấy, dân bị rơi vào cơn cám dỗ thất vọng tưởng rằng Chúa đã bỏ dân rồi. Họ nhớ lại những kỳ công của Chúa thời xuất hành ra khỏi Ai Cập, vượt hoang địa, về tới Đất Hứa đã được nghe cha ông kể lại. Nhớ lại để kêu than, trách móc, tiếc nuối: còn đâu những giây phút huy hoàng như thế nữa… Giờ đây, trước mắt chỉ còn lại tang tóc thương đau. Chính giữa bầu khí ảm đạm ấy, Isaia đệ nhị xuất hiện vực dậy lòng tin, niềm hy vọng trông cậy của dân. Ông cảnh tỉnh dân đừng nuối tiếc, đừng hoài cổ về những huy hoàng thời quá khứ nữa mà hãy mở to mắt ra để nhận ra những dấu chỉ cho thấy rằng Thiên Chúa sắp can thiệp ra tay cứu dân. Điều ấy đã manh nha rồi.

Sử dụng những hình ảnh biểu tượng truyền thống, sấm ngôn loan báo Chúa sắp ra tay cứu độ, giải thoát dân khỏi ách Babylon. Chúa sẽ gây dựng lại từ đám lưu đày đang nhụt chí này thành một dân, không phải là dân kêu ca trách móc, mà là một dân biết NGỢI KHEN THIÊN CHÚA.

1/ Thiên Chúa tỏ mình là Đấng đã thực hiện những kỳ công thời Xuất Hành:

Thời Xuất Hành, trước khi ra tay cứu dân khỏi Ai Cập, Thiên Chúa cũng đã làm việc trước tiên là tỏ mình cho Môsê như là một vị Thiên Chúa thân quen: Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacob. Vị Thiên Chúa của cha ông đã cứu dân khỏi Ai Cập, thì nay chính vị Thiên Chúa đã cứu dân khỏi Ai Cập đó sắp giải cứu dân khỏi ách Babylon. Như vậy chỉ có một Thiên Chúa, một dòng lịch sử cứu độ. Chính Yavê lên tiếng tỏ mình: “Đây là lời của Yavê”.

  • Yavê là Đấng đã vạch ra một con đường giữa đại dương… (c.16)

  • Yavê là Đấng tiêu diệt tướng dũng binh hùng của địch quân (c.17)

Hai câu 16-17 rõ ràng nhắc lại biến cố vượt Biển Đỏ. Nhưng bản văn không nhằm thuật lại các chi tiết của biến cố Vượt Biển mà là nhấn mạnh tới chính Thiên Chúa, nhằm củng cố đức tin của dân vào Người. Thiên Chúa làm chủ vũ trụ, làm chủ lịch sử, tất cả đều là công cụ trong tay Người để hoàn tất công trình cứu độ cho dân và cho mọi người nữa.

Vậy có thể coi đây là một lời tuyên xưng đức tin của ngôn sứ vào Thiên Chúa cứu độ; một mặc khải về Thiên Chúa trong tương quan với dân ngang qua những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện cho cha ông họ trong quá khứ. Mục đích là vực dậy lòng tin cậy của dân tín thác vào Chúa, nói cách khác là Chúa muốn giải phóng nội tâm của họ trước khi ra tay can thiệp bằng một biến cố lịch sử để cứu dân.

Trong nỗi tủi nhục lưu đày, không còn được công khai thờ phượng Yavê, dân luôn bị dằn vặt, ám ảnh bởi cơn cám dỗ rằng Thiên Chúa đã bỏ dân hoặc Yavê không hùng mạnh bằng Mơrôdak thần của dân Babylon. Do đó cần củng cố đức tin, giải phóng nội tâm của dân trước, nhằm chuẩn bị họ can đảm chiến đấu với sự thất vọng, nhu nhược nơi và của bản thân để đón nhận và sống tốt ơn giải cứu mà Chúa sắp ban tặng trong dòng lịch sử.

Trong Kinh Thánh mỗi lần nhắc lại Thiên Chúa là Đấng đã thực hiện cho tổ tiên những kỳ công trong quá khứ, thì đó luôn là bước khởi đầu cho lần can thiệp mới mà Thiên Chúa sắp thực hiện cho dân và đó cũng là một bảo đảm chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ mau chóng hoàn tất dự tính Chúa vừa hé mở ra cho dân. Một giai đoạn mới sắp hình thành, Thiên Chúa sắp đưa lịch sử cứu độ lên một tầm mức cao hơn (x. St 28,13; Xh 3,6; 19,4; Gs 24,1-13; Nkm 9,5b-37).

Như vậy, ở đây khi Thiên Chúa tỏ mình cho ngôn sứ và cho dân rằng Người là Đấng thực hiện các kỳ công trong thời Xuất Hành (câu 16 và 17) thì đó là dấu chỉ của một sứ điệp mới đầy hy vọng của Thiên Chúa gởi cho dân: một lần nữa, chính vị Thiên Chúa đó sắp can thiệp mạnh mẽ để nâng cao công trình cứu độ của Chúa lên một tầm mức cao hơn. Chúa khẳng định lại: dù thời cuộc có biến đổi, đa đoan; dù lòng người có bất trung, xảo quyệt thì Thiên Chúa vẫn luôn chỉ có một chương trình cứu độ và Người quyết theo đuổi cách tín trung dự tính đó của Người đến cùng.

2/ Thái độ phải có của dân trong hiện tại trước mặc khải đó của Thiên Chúa

*Đừng hoài cổ, đừng đắm chìm trong quá khứ: “đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước (câu 18). Lời khuyên đó mời và đòi dân Chúa hãy can đảm chiến đấu hướng về tương lai trong tín thác hy vọng vì Thiên Chúa sắp thực hiện kỳ công mới (c.19).

*Yavê tỏ mình là Đấng đã thực hiện các kỳ công trong quá khứ không nhằm khuyến khích dân sống tâm tình nệ cổ, bám víu, tiếc nuối vinh quang quá khứ, để rồi đưa tới hành vi sai trái, là so bì với những gì Chúa làm thuở xưa rồi trách Chúa “không còn ra tay nữa” (x. Tv 74,11; Tv 89,47); nhưng là nhằm củng cố đức tin, vực dậy lòng trông cậy. Từ đó thái độ phải có trong hiện tại là bình tâm lại, nghe lời ngôn sứ, mở mắt ra nhận thấy những dấu chỉ đang manh nha báo trước Thiên Chúa sắp làm một việc lớn.

3/ Kỳ công mới Chúa sắp thực hiện (43,19-21)

*“Này ta sắp làm một việc mới”: kỳ công Thiên Chúa gầy dựng lần này chẳng những là giải cứu Israel khỏi cảnh lưu đày, mà còn là đổi mới mọi sự tận căn như là một công cuộc tạo thành mới: từ thiên nhiên, cầm thú đến con người đều được tinh luyện nên hài hòa với nhau, để phục vụ con người như trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa khi sáng tạo vũ trụ nguyên thủy, để rồi điểm đến là tất cả cùng nhau dâng lời ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa. 

Công cuộc phục hồi này chỉ hoàn tất được trong Đức Giêsu.

*Việc đó manh nha rồi: phải chăng chi tiết đó ám chỉ đến tình hình lịch sử của Vùng Lưỡng Hà vào trước thời điểm dân Do Thái được vua Kyrus, Ba Tư cho hồi hương 538? Thật vậy: 560, Kyrus lên ngôi vua xứ Ba Tư; 555, ông chiếm cả đế quốc Mêđi; 546 chiếm Lydya (xem Nguyễn Thế Thuấn “Kinh Thánh” Bản đồ số 5: các đế quốc vào năm 550). Thế là Babylon lọt thỏm vào trong vòng vây của Kyrus. Đế quốc Ba Tư đang dần thành hình và đe dọa Babylon. Chắc là ngôn sứ Isaia đệ nhị đã đọc được ý Chúa qua dấu chỉ thời đại trên. Đến 538, Kyrus xóa sổ Babylon và cho dân Do Thái hồi hương.

*Công trình hồi phục: cứu dân khỏi ách Babylon và đưa về hồi hương được trình bày như một công trình sáng tạo mới:

Hồi phục thiên nhiên: mở đường cho nước chảy giữa sa mạc, khơi sông tại vùng đất khô cằn (câu 19dđ và 20cd). Hình ảnh “nước trào vọt giữa sa mạc” gợi lại yếu tố cơ bản trong cuộc sáng tạo (St 2,5b-6). Cuộc giải cứu được trình bày như một sáng tạo mới. Khi tổ tông sa ngã, thiên nhiên chống lại con người, nay thiên nhiên được đổi mới trở nên thân thiện, hỗ trợ lộ trình hồi hương của dân Chúa là để phục vụ dân Chúa, để cho việc hồi hương được dễ dàng. Dân không còn sợ thiếu nước như thời Xuất Hành. Đó là một chi tiết cho thấy kỳ công lần này lớn lao hơn lần trước.

Cũng nên biết rằng để đi từ Babylon về Giêrusalem phải vượt qua sa mạc Syri kéo dài hàng trăm kilômét (Marie – Noêlle Thabut)

– Hồi phục cầm thú: tất cả đều tôn vinh Chúa. Bản văn chỉ kể ra ba loại thú: Dã thú, chó rừng, đà điểu. Trong Kinh Thánh, ba loại trên là công cụ Thiên Chúa dùng để đánh phạt dân (x. Lv 26,22); là khí cụ Chúa dùng để trút cơn lôi đình của Người trên những kẻ chống đối (x. Is 13,5.21.22); Nơi nào có ba loài này quy tụ lại thì đó là nơi đổ nát, điêu tàn (x. Is 34,13.14; Gr 50,39). Thế nhưng trong bản văn bài đọc 1 này, chúng ta gặp thấy một sự hoán cải diệu kỳ: ba loại thú cầm ấy lại hợp lời tôn vinh Thiên Chúa. Lý do là vì Thiên Chúa đã trả lại sức sống cho thiên nhiên biến hoang địa khô cằn vì tội con người thành nơi có sông ngòi đầy sức sống (so Is 43,20cd với St 2,5.6).

Hồi phục con người: cho dân Chúa được giải khát (c. 20e) và gầy dựng dân thành một dân ngợi khen Chúa (c. 21).

Công trình sáng tạo được nên tốt đẹp và hoàn thiện nhờ sự hợp tác giữa con người và nước (x. St 2,5-8). Rồi khi con người phạm tội thì “nước” trở nên thù nghịch, thành “hồng thủy” tiêu diệt con người, hoặc “nước biến chất”, thành máu, thành chát đắng (x. Xh 7,17; 15,22-25). Giờ đây, những khía cạnh tiêu cực của “nước” biến chất nhường chỗ lại cho sự sống, nét tươi mát phong nhiêu do nước đem lại ngay cả giữa sa mạc.

Công trình hồi phục, thế giới mới được sinh ra dưới dấu chỉ “nước trong lành”, “nước sự sống” được Thiên Chúa ban cho con người ngay giữa nơi cằn khô hoang địa. Hình ảnh sa mạc có nước tuôn chảy dạt dào là nét đặc thù thời Mêsia đã tới (x. Is 32,2; 35,6-7; 41,18…)

Tóm: Chúa sắp can thiệp mạnh để đưa lịch sử cứu độ lên một tầm mức cao hơn, kỳ công sẽ vĩ đại hơn. Do đó Chúa mời dân đừng tiếc nuối, đừng sống bám vào quá khứ dù huy hoàng nhưng đã qua mà than trách hiện tại tối tăm, nhưng hãy chiến đấu đổi thay não trạng, chuẩn bị đón và sống hồng ân mới Chúa sắp ban tặng.

Tuy nhiên các hình ảnh lý tưởng mà bản văn mô tả chỉ có thể đạt được vào thời cánh chung, thời Mêsia. Chỉ trong Đức Giêsu mọi sự mới thật sự trở nên tạo vật mới; cái cũ đã qua, cái mới đã tới rồi (2Cr 5,17). Chúng ta hãy bắt trước thánh Phaolô là chiến đấu để “quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước … để chiếm cho được phần thưởng mà Thiên Chúa dành cho chúng ta trong Đức Kitô” (Pl 3,13-14: bài đọc 2).

TIN MỪNG: GA 8,1-11

Bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật V C Mùa Chay thay vì trích đọc Luca thì được thay thế bằng Ga 8,1-11. Trong Gioan, bài trích này thuộc về khối văn chương Ga 7,1 – 10,21 nói về Lễ Lều của người Do Thái. Đức Giêsu đang có mặt tại Giêrusalem và tranh luận với họ về cội nguồn của những lời Người giảng dạy (Ga 7,14-18) và về căn tính Mêsia của Người (Ga 7,40-42); còn Đức Giêsu thì Người hé lộ căn tính thần linh của mình: Người là “êgôêmi” = “Tôi là” = “Tôi hằng hữu” (Ga 8,24.28.58). Trong tương quan với Lễ Lều, một mặc khải khác về căn tính của Đức Giêsu được tỏ lộ: “Người là Ánh Sáng cho trần gian” (Ga 8,12), và hai trích đoạn minh họa cho mặc khải này là Ga 9,1-41: chữa lành cho anh mù bẩm sinh; và 8,1-11 là trích đoạn được chọn làm bài đọc Tin Mừng hôm nay: tha thứ cho người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.

Tương quan với chủ đề phụng vụ: “đừng nhớ lại những chuyện xưa cũ… Này Ta sắp làm một “việc mới” (bài đọc 1); con người nên công chính “không phải nhờ sự công chính do Luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô” … “hãy quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (bài đọc 2); Tin Mừng hôm nay mặc khải “việc mới” mà Thiên Chúa đang làm là từ nay yếu tố nền tảng phải dựa vào để xét xử nhân loại không còn là Luật Môsê nữa là mà chính Đức Giêsu Kitô. Thật vậy trước đây Lề Luật, Lời Chúa là “ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119(118), 105 – 112) thì bây giờ “Ánh Sáng cho TRẦN GIAN” (chứ không chỉ cho người Do Thái) là Đức Giêsu (Ga 8,12).

1/ Khung cảnh của trình thuật (Ga 8,1-2)

*Thời điểm và nơi chốn: đêm bế mạc Lễ Lều (7,37), Đức Giêsu lui về nghỉ ngơi ở núi Ôliu (8,1); Sáng hôm sau, Người lại đến Đền Thờ, Ngồi dạy dân chúng (8,2).

*Lễ Lều là lễ hội hành hương đông vui, náo nhiệt nhất trong năm. Toàn dân đều ở ngoài trời, trong các lều làm bằng cành cây, kéo dài suốt 8 ngày (x. CGKPV Ga 7,2 nốt “h”). Trong bầu khí bát nháo, dễ bị kích động, lại kéo dài như thế, chính quyền Rôma phải căng thẳng đề phòng hầu phản ứng kịp thời, thích đáng khi có bạo động xảy ra. Chính trong bối cảnh đó, các kinh sư biệt phái gài bẫy Đức Giêsu.

Ga 8,1-2 giống Lc 21,37-38 cho thấy một thói quen của Đức Giêsu khi Người đến ở tại Giêrusalem: ban ngày Người giảng dạy ở Đền Thờ, rồi ban đêm rút về núi Ôliu nghỉ ngơi để sáng hôm sau lại đến Đền Thờ giảng dạy. Giuđa biết rõ như thế (Lc 22,39; Ga 18,1-2) nên đã dẫn lính đến bắt Đức Giêsu cách êm thắm.

Ga 8,2 nhấn mạnh đến tư thế của Đức Giêsu khi Người giảng dạy: NGỒI. Chính trong tư thế một tôn sư đang dạy dỗ mà Đức Giêsu bị giăng bẫy, và Người đã giải quyết vấn đề. Từ “NGỒI” ở đây, trong đoạn Tin Mừng Gioan này, khiến gợi nhớ lại việc Đức Giêsu đang “NGỒI giữa các bậc Thầy giảng dạy” (x. Lc 2,46); đang “NGỒI trên núi” (x. Mt 5,1); đang “NGỒI trên tòa Môsê” (x. Mt 23,2). Do đó tiếng nói chung cuộc của trình thuật này là của Đức Giêsu chứ không còn là Luật nữa: Luật nói phải giết, nhưng Đức Giêusu nói “tha” thế là phải tha. Vai trò “ngọn đèn soi cho con bước, ánh sáng chỉ đường con đi” của Luật (Tv 119,105) giờ đây được trao lại cho Đức Giêsu: Người đúng là Đấng đến kiện toàn Lề Luật (x. Mt 5,17). Và từ nay con người nên công chính là nhờ tin vào Đức Giêsu (bài đọc 2 và Gl 2,16), vì “khi cái hoàn hảo đến thì cái có ngần có hạn phải biến đi” (1Cr 13,10). Người chính là ÁNH SÁNG thế gian mang lại ánh sáng ban sự sống cho những ai theo Người (Ga 8,12).

2/ Giăng bẫy mưu hại Đức Giêsu (Ga 8,3-6b)

Đọc kỹ đoạn văn trên dễ dàng nhận thấy rằng đó là một cái bẫy được giăng ra để mưu hại Đức Giêsu; Tuy nhiên với lối viết lưỡng nghĩa mỉa mai, Tin Mừng thứ tư đã trình bày cho ta một dung mạo đích thực của Đức Giêsu: Người là vị Thẩm Phán chung cuộc với quyền quyết định vượt cả Lề Luật. Cái bẫy trở thành công cụ để Tin Mừng thứ tư công bố quyền xét xử chung cuộc, tối thượng của Đức Giêsu. Từ nay chuẩn mực quy chiếu để quyết định vận mạng con người là Đức Giêsu chứ không còn là Lề Luật nữa. Thật vậy:

*Theo Luật thìphải ném đá: Lv 20,10; Đnl 22,22 ra lệnh giết gian phu, dâm phụ. Đnl 22,23-24 nõi rõ hơn là phải ném đá: đây là trường hợp một trinh nữ đã đính hôn. Ed 16,38-40 cũng nói tới “ném đá”.

*Giăng bẫy: khi lôi người phụ nữ này ra trước mặt Đức Giêsu, nhóm kinh sư biệt phái đã kết án chị ta rồi dựa theo Luật Môsê. Cái bẫy là họ gài buộc Đức Giêsu phải đưa ra một chọn lựa cụ thể dành cho người phụ nữ này: ném đá hoặc tha.

– Nếu Người nói “Tha”, thì họ lập tức chụp mũ Người là “kẻ phá Luật Môsê”. Tội này đủ kết án tử hình (x. Cv 6,11.13.14). Tội đó đủ để kích động dân và gây bạo động sát nhân (x. Cv 21,28.30.31).

– Còn nếu cứ xử đúng Luật Môsê thì còn gì là giáo lý về lòng nhân ái thứ tha mà Đức Giêsu hằng giảng dạy. Và họ dựa vào đó để gán tội Người là kẻ giả dối: dạy một đàng làm một nẻo; Uy tín của Người sẽ trôi theo giòng nước.

Tuy nhiên ác ý của họ còn độc hiểm hơn: họ muốn nhân dịp này loại trừ Đức Giêsu luôn bằng cách gài bẫy tạo điều kiện để người Rôma bắt và kết án Đức Giêsu mà họ không cần phải tố cáo Người. Thật vậy, với tình hình chính trị lúc đó, theo Tin Mừng thứ tư, chắc chắn người Do Thái sẽ không dám tùy tiện ném đá tử hình một người theo luật riêng của tôn giáo họ vì Rôma không cho Công Hội Do Thái quyền tự tiện thi hành án tử hình (x. Ga 18,31); Rôma sợ rằng người Do Thái sẽ lợi dụng kẽ hở đó để tỉa dần những tên bán nước đang phục vụ cho Rôma. Do đó vào các dịp lễ lớn chắc chắn lính Rôma có mặt khắp các điểm nóng trong Giêrusalem, nhất là Đền Thờ để đề phòng bạo động, khủng bố có thể xảy ra. Vậy nếu Đức Giêsu đồng ý cho ném đã thì Người chống lại lệnh của đế quốc. Các kinh sư, biệt phái sẽ chụp ngay lời nói của Người để ném đá người phụ nữ, tạo náo loạn; khi ấy lính Rôma sẽ ập tới, họ sẽ đổ tội rằng Đức Giêsu đã xúi họ ném đá người phụ nữ. Đức Giêsu sẽ bị ghép vào tội chống lệnh đế quốc, gây mất trật tự trị an và sẽ bị Rôma kết án. Người sẽ bị ghép vào một tội chính trị. Sau này khi tố cáo Đức Giêsu vào Thứ Sáu Thánh, người Do Thái cũng đưa ra tội danh này để đòi Philatô phải lên án Đức Giêsu (x. Ga 19,12-15).

3/ Đức Giêsu hóa giải mưu đồ (Ga 8,6b-9a)

Đức Giêsu không bị lôi cuốn vào lối lập luận, quan điểm của họ. Người thấy những lỗ hổng lớn trong cái bẫy của họ. Người muốn thức tỉnh họ, vừa để cứu người phụ nữ và cũng vừa để cứu cả họ nữa.

*“Người sạch tội trong các ông hãy là người đầu tiên ném một hòn đá vào chị này đi” (c.7b) (dịch sát theo bản Hi lạp).

Người “sạch tội”, người “không có tội” ở đây không hiểu theo nghĩa luân lý, nhưng phải hiểu trong bối cảnh vụ án này. Đức Giêsu muốn nói: các ông nhân danh Luật, vậy các ông đã làm theo đúng Luật chưa? Đức Giêsu muốn thức tỉnh họ, kéo họ ra khỏi mưu đồ ác tâm của họ, vạch ra cho họ thấy cái sai của họ: Luật Do Thái không xét xử ai nếu chưa đưa vụ việc ra tòa và người bị tố chưa được biện minh (x. Ga 7,51); Rõ ràng trong vụ này do quá chủ quan hấp tấp, nhóm đối thủ đã vi phạm nhiều điều:

  • Đem tới Đức Giê su chỉ mỗi người nữ rồi tố cáo phạm tội ngoại tình: bằng cớ đâu?

  • Thay vì đem tới Công Hội rồi thực thi quá trình xét xử, họ lại tự tiện nhân danh Luật kết án cô gái (c. 5a) mà không thông qua tòa án.

  • Không có hai nhân chứng đứng ra chịu trách nhiệm theo Luật (Đnl 19,15; x. Mc 14,55-59; Mt 26,60) và hai nhân chứng này phải là người ném đá trước tiên (Đnl 17,6-7).

Hóa ra, trong khi nhân danh Luật, họ đã vi phạm Luật. Thêm nữa theo Luật Rôma hiện hành thì ngay cả tòa Công Hội Do Thái cũng không có quyền kết án tử ai cả. Đức Giêsu thừa biết họ không dám ném đá phụ nữ này vào thời điểm đó. 

Vậy trong vụ này, khi nói “ai không có tội” có nghĩa là “không vi phạm Luật”, thì những kẻ ấy cứ theo Luật mà làm: đưa ra tòa Công Hội xét – đưa ra hai nhân chứng – hai người này sẽ đặt tay trên đầu tội nhân (Đn 13,34; Lv 24,14) rồi họ phải ném hòn đá đầu tiên lãnh trách nhiệm khai mở việc thi hành án (Đnl 17,6-7). Với bầu khí chính trị lúc đó, đố ai dám làm như trên.

*“Họ lần lượt bỏ đi: sở dĩ họ bỏ đi vì ngang qua câu đáp lại, Đức Giêsu buộc họ phải nhận ra sai lầm, ác ý của họ trong vụ này. Đức Giêsu không xóa bỏ giá trị của Luật, Người dựa trên chính Lề Luật để cảnh tỉnh họ. Các kinh sư, biệt phái đã sai hoàn toàn khi họ lấy quyền cá nhân, bè nhóm để két án người phụ nữ (theo tinh thần luật, kết án là quyền của Công Hội sau khi xét xử công minh) mà bỏ qua đi thủ tục pháp lý: chuyển tội nhân và chứng cớ (ở đây không có) đến cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xét xử; Rồi phải trưng bằng cớ, cho đương sự biện hộ (x. 7,51); rồi phải đưa ra hai nhân chứng như đã nói ở trên chứ đâu có thể cứ lôi một ai đó ra tố là ngoại tình quả tang (mà không có người đàn ông tòng phạm), kết án rồi đem xử đâu. Các chi tiết này gợi lại một phần chuyện bà Suzanna trong Đn 13.

Đức Giêsu đã giúp họ nhận định đúng thực tại và họ đành ngậm đắng rút lui. Đức Giêsu không chỉ nhân hậu với người phụ nữ mà còn cả với nhóm kinh sư, biệt phái nữa. Người đã gỡ họ ra khỏi cái hận thù, mù quáng, sai trái của họ. Lẽ ra họ phải biết tự xét và hoán cải. Tiếc thay, lần này họ buộc lòng phải bỏ đi để rồi sẽ trở lại cách gian ác, ngang ngược hơn bất chấp Luật đạo lẫn đời để loại trừ Đức Giêsu trong vụ án Thập Giá.

4/ Đức Giêsu thứ tha, hồi phục tội nhân (Ga 8,9b-11)

*Khung cảnh cuối cùng: “chỉ còn lại Đức Giêsu và người phụ nữ VẪN Ở GIỮA” (9b)

*Đức Giêsu đi bước trước giải gỡ mặc cảm, gây lại niềm tin: “này người phụ nữ, họ đâu cả rồi? Không ai kết án chị sao? (10)

*Gặp gỡ Đấng là hiện thân của lòng xót thương của Thiên Chúa: “Kurie, không ai cả” (11a)

*Tha thứ, mời sống cuộc đời mới: “Tôi cũng vậy, Tôi không kết án chị đâu! Chị về đi; từ nay đừng phạm tội nữa!” (11b)

Đây là trung tâm sứ điệp phụng vụ: Đức Giêsu như là KURIOS tha thứ phục hồi tội nhân, mời từ bỏ quá khứ tội lỗi để sống trọn vẹn hồng ân Thiên Chúa trong hiện tại và tương lai.

Vẫn ở giữa”: về thể xác, người phụ nữ thoát chết. Nhưng trước xã hội, Luật, chồng con bà vẫn là một tội phạm. Quá khứ đen tối, việc làm tội lỗi vẫn đè nặng trên bà, nên bà “vẫn đứng ở giữa” nơi vị trí mà người ta đã lôi bà tới như một tội phạm. Bà không thể tự mình thoát ra khỏi vị trí đó dù vòng vây luật pháp, ác ý của kẻ xấu đã được Đức Giêsu mở ra. Cần Đức Giêsu trợ lực.

KURIE: Không rõ tác giả có ý hé mở mặc khải về thần tính của Đức Giêsu hay không khi đặt trên môi người phụ nữ tiếng KURIE, nhất là sau đó Đức Giêsu tuyên bố tha tội cho cô ta. Điều này hoàn toàn bất ngờ đối với người phụ nữ này là thấy mình được tha bổng: không một lời trách mắng, lên lớp… chỉ một lời mời bỏ lối sống quá khứ, hoán cải, đổi đời.

Tôi không kết án chị đâu!”: Phán quyết chung cuộc không còn là của Luật của Công Hội nữa mà là của Đức Giêsu. Thật vậy, khi các kinh sư, biệt phái không đưa người phụ nữ ra Công Hội để xét xử theo Luật mà lại kéo cô ta đến nhờ Đức Giêsu xét xử, thì một cách kín đáo bản văn cho thấy từ nay quyền xét xử đã được chính các thủ lãnh trao lại cho Đức Giêsu rồi bởi vì kết thúc bản văn, số phận của người phụ nữ không tùy thuộc vào Luật, vào các thủ lãnh nữa, mà là vào quyết định của chính Đức Giêsu. Người là Thiên Chúa thực thi quyền tha tội.

Về đi, từ nay đừng phạm tội nữa!”: Câu này là cao điểm của trình thuật. Ở đây ta thấy Đức Giêsu không coi nhẹ tội phạm và hậu quả. Tha thứ, nhưng Người cũng đòi hỏi: giã từ quá khứ, sống đời sống mới.

Đừng quá bận tâm, mặc cảm ê chề vì cái quá khứ hư hèn nữa. Hãy đón nhận hồng ân của hiện tại là được tha thứ, hồi phục và lao về tương lai thánh thiện. Người phụ nữ tội phạm nay trở thành con người mới, có tương lai. Lề Luật vẫn còn nguyên giá trị của nó, không hề bị xóa bỏ. Với sự xuất hiện của Đức Giêsu, Luật vẫn còn nguyên vai trò vạch mặt tội phạm, nhưng nó không còn giữ vai trò làm chuẩn mực để kết án, tiêu diệt nữa. Luật trở nên nhân đạo hơn: nó đóng vai trò cảnh cáo, nhắc nhở, giúp con người nhớ lại lời của Đức Giêsu “từ nay đừng phạm tội nữa”. 

Đức Giêsu đã thực hiện vai trò cứu thế thứ tha hồi phục của Người.

KẾT: Bước vào cuộc chiến mới

Mùa Chay là mùa chiến đấu thiêng liêng đã đạt tới đỉnh cao: Thiên Chúa đã thứ tha, con người đã quay về với Cha đã gặp được Đức Giêsu, đã được hồi phục quyền làm con, viễn cảnh gia đình sum họp đã mở ra đầy hy vọng.

Tuy nhiên cuộc chiến chưa chấm dứt! Nguy cơ đòi về lại Ai Cập, nhớ “củ hành, củ tỏi” vẫn còn, tình trạng “ngựa quen đường cũ” có thể trở lại. Vì

*Mặc dù đã thua trận, Qủy chưa bỏ cuộc: Tin Mừng của Chúa Nhật I C Mùa Chay đã cảnh cáo như vậy: Lc 4,13b.

*Cũng như Chúa Nhật IV C, Lời Chúa hôm nay chưa kết thúc: Đức Giêsu mở ra cho người phụ nữ một cuộc chiến đấu mới: “Về đi và ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA”. Chiến đấu để giữ vững và làm lớn lên hồng ân vừa được Chúa trao tặng.

*Tuần sau là Tuần Thánh. Hãy can đảm thành thật với bản thân, chiến đấu để cùng Đức Giêsu đi đường Thập Giá, vượt đỉnh Calvê và tới được phục sinh.

Một trận địa mới luôn chờ ta: ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA. Đó là bí quyết để diệt mọi mưu mô ma quỷ và cùng Chúa biến thập giá án phạt thành Thánh Giá phục sinh, để lúc “gục đầu tắt thở” là lúc được trở nên “người công chính” (Lc 23,47); là lúc hoàn tất công trình của Thiên Chúa: “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30); lúc nhân loại đi vào đỉnh điểm của ơn gọi làm “con Thiên Chúa” (Mt 27,54; Mc 15,39).

Frère Pierre Đình Long FSC