CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – năm C

Bài 1

Cv 5,12-16; Ga 20,19-31
Chủ đềchứng từ CỘNG ĐOÀN,
một dấu chỉ lôi cuốn kẻ khác đến với đức tin:

* Ga 20,25a.29b: CHÚNG TÔI đã được thấy CHÚA… Phúc cho những người không thấy mà tin.

* Cv 5,12b.14a: Mọi tín hữu đều ĐỒNG TÂM NHẤT TRÍ… Càng ngày càng có nhiều người tin THEO CHÚA.

Hôm ngay Chúa Nhật II C Mùa Phục Sinh, Giáo Hội kết thúc Tuần Bát Nhật mừng lễ Phục Sinh. Suốt tám ngày, Giáo Hội đưa chúng ta lên “Núi Tabor” để chúng ta chiêm ngắm vinh quang thần linh của Đức Giêsu qua biến cố Người chiến thắng Tử Thần và phục sinh. Giờ đây Giáo Hội mời chúng ta xuống núi, vâng theo Lời Đấng Phục Sinh làm chứng nhân cho Người… đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8).

Rồi kể từ Mùa Phục Sinh năm 2004, Chúa Nhật II được đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập thành Chúa Nhật “Kính lòng thương xót Chúa”. Như vậy qua việc nối kết hai ý nghĩa – PHỤC SINH và LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA vào chung một ngày lễ – Giáo Hội nhắn nhủ cho con cái mình rằng: Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót; Và chóp đỉnh của lòng Chúa xót thương chính là mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Đức Giêsu. Nhờ thập giá và phục sinh, lòng thương xót của Chúa thực sự nở hoa trong thân phận làm người, nhân loại được công chính hóa, được thông hiệp vào sự sống Ba Ngôi, làm con Thiên Chúa. Thật vậy, qua thập giá và phục sinh, Thiên Chúa đã xóa bỏ mọi lỗi lầm, khắc phục các hậu quả và mở ra con đường hiệu năng đưa nhân loại về lại với Chúa trong tư cách là Con. Điều lạ lùng ấy đã được công bố trong bài “Công bố Tin Mừng Phục Sinh” vào đêm Canh Thức Vượt Qua: “Ôi! Ân tình Cha thật kỳ diệu. Ôi! Ân phúc Cha thật khôn lường. Để cứu dân lầm than nô lệ, Cha đã thí Con Một quý yêu” (Exsultet).

Như vậy, Đức Giêsu phục sinh đã trở thành “con đường, sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Với biến cố lịch sử thập giá và phục sinh, lòng thương xót của Thiên Chúa đã đổ tràn đầy trên NHÂN LOẠI; Vấn đề còn lại là mỗi cá nhân phải đích thân đến gặp gỡ Đức Giêsu để biến HỒNG ÂN CÁNH CHUNG đó của NHÂN LOẠI trở thành HỒNG ÂN HIỆN TẠI của mỗi người ngay trên cuộc lữ hành trần thế này. Thế nhưng Đức Giêsu đã thăng thiên, Người không còn hiện diện HỮU HÌNH TRONG XÁC PHÀM giữa chúng ta nữa; Vậy làm cách nào để TỪNG NGƯỜI, ĐÍCH THÂN vốn còn trong thân xác hữu hạn có thể gặp được Người để rồi TIN rằng Người đã phục sinh và tôn nhận Người là CHÚA. Tin Mừng qua các trình thuật HIỆN RA, cho câu đáp rất gọn: PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN.

Đó là mối phúc duy nhất trong Tin Mừng thứ tư do chính Đức Giêsu trong tư cách là ĐẤNG PHỤC SINH, là THIÊN CHÚA công bố. Đối với Tin Mừng thứ tư, việc tiếp xúc trực tiếp bằng giác quan với Đấng Phục Sinh là KHÔNG CẦN THIẾT để tin nhận Người đã sống lại. Đồng thời Tin Mừng cũng đưa ra một số yếu tố để nhân loại mọi thời có thể dựa vào đó mà tin nhận Người đã phục sinh.

Yếu tố chính yếu đầu tiên đã được trình bày cho chúng ta trong Chúa Nhật trước: Đó là LỜI CHÚA! Và yếu tố đi kèm theo là lời rao giảng và chứng từ của tông đồ Phêrô (x. Cv 10,37-43).

Còn Tin Mừng hôm nay thuật lại hai lần hiện ra của Đấng Phục Sinh cho Nhóm Mười Một môn đệ. Lần đầu chỉ có mười vị tiếp xúc, còn Tôma vắng mặt (x. Ga 20,19-24). Lần thứ hai có đủ mười một vị. Nhưng thực chất, lần này được xem như là dành riêng cho Tôma và nhất là DÀNH CHO MỌI TÍN HỮU MỌI THỜI, những người không thể tiếp xúc thể lý trực tiếp với Đấng Phục Sinh. Chúng ta thực sự là những người có phúc và không bị thua thiệt gì so với các tông đồ: PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN.

Vậy yếu tố để mọi tín hữu “không thấy mà tin” được rằng Chúa đã sống lại LÀ GÌ? Chính Lời của Đấng Phục Sinh trách cứ Tôma khi ông đòi kiểm chứng bằng giác quan để tin cho ta câu đáp. Tôma không tin chứng từ của Nhóm mười tông đồ đã được Chúa hiện ra và trao ban cho sứ mạng. Do đó Đấng Phục Sinh đã trách ông: “đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa NHƯNG HÃY TIN” (20,27). “NHƯNG HÃY TIN”! Tin điều gì? Theo văn mạch, Đấng Phục Sinh nói Tôma hãy tin vào lời chứng của Nhóm mười anh em. Vậy Tin Mừng thứ tư đã khẳng định: yếu tố cần thiết để dẫn tới đức tin là CHỨNG TỪ TÔNG TRUYỀN. Đấng Phục Sinh muốn thế. Và một khi đã nghe ý định của Đấng Phục Sinh, Tôma đã không đòi kiểm chứng giác quan nữa mà tuyên xưng Người là Thiên Chúa: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con!”. Như vậy mọi sự đã rõ ràng: với quyền Chúa mà các môn đệ vừa tuyên xưng, Đấng Phục Sinh mở rộng lời khẳng định của Người “NHƯNG HÃY TIN” cho riêng Tôma thành một lời chúc phúc cho toàn thế giới: PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN.

Thế là các môn đệ ra đi, rao giảng, làm chứng về Đấng Phục Sinh. Tin vào Lời và chứng từ tông truyền của các vị, cộng đoàn tín hữu dần hình thành. Rồi đến phiên họ, cộng đoàn tín hữu tiếp nối sứ mạng tông truyền; lời rao giảng và đời sống chứng tá của cộng đoàn tín hữu trở thành yếu tố lôi cuốn kẻ khác đến với cộng đoàn và tin vào Đấng Phục Sinh.

Lời Chúa – lời rao giảng và chứng từ tông truyền – đời sống đức tin, yêu thương, hiệp nhất của cộng đoàn tín hữu mãi mãi là yếu tố nền giúp nhân loại mọi thời tin rằng CHÚA ĐÃ PHỤC SINH. Nhân loại được hưởng phúc lành của Đấng Phục Sinh: PHÚC THAY NHỮNG NGƯỜI KHÔNG THẤY MÀ TIN.

Bài 2

 Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin (c.27b) – Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con (c.28) – Phúc thay những người không thấy mà tin (c.29).

 Hôm nay Chúa Nhật II Phục Sinh, cũng gọi là Chúa Nhật của Tuần Bát Nhật phục sinh, tức là tám ngày kể từ khi đoàn môn đệ khám phá ra Ngôi Mộ Trống rồi ngay sau đó, một số người được Đấng Phục Sinh hiện ra cho thấy. Nhóm được Đấng Phục Sinh hiện ra cho gặp trong hai tuần liên tiếp cách nhau tám ngày là đoàn môn đệ thân tín của Người, theo cách trình bày của Tin Mừng Gioan. Tin Mừng này lưu tâm đặc biệt đến Nhóm môn đệ thân tín này của Đức Giêsu: 2 chương Ga 20-21 nói về phục sinh gồm có 5 trình thuật: – Ngôi mộ trống (20,1-10); – Hiện ra cho Madalêna (20,13-18); – Hiện ra cho mười môn đệ (20,19-23) – Hiện ra cho mười một môn đệ đặc biệt là cho Tôma (20,24-29) – Hiện ra cho bảy môn đệ tại biển hồ Galilê (21,1-23), thì bốn là nói đến đoàn môn đệ thân tín.

Và điểm chính mà Tin Mừng Gioan quan tâm không phải là việc gặp gỡ, đụng chạm thể lý với Đấng Phục Sinh, không phải là việc kiểm chứng thực nghiệm xác thịt Đức Giêsu bằng tiếp xúc giác quan:

– Madalêna đứng ngay trước mặt Chúa, đối thoại với Người mà không nhận ra được Người; Đến khi nghe Chúa gọi đích danh bà “Maria!” thì bà bừng tỉnh, định “GIỮ” Người ở lại nhưng Người không cho và ra lệnh đi loan báo cho môn đệ tin vui.

– Tôma rất bạo miệng đòi hỏi kiểm chứng giác quan, nhưng khi gặp Chúa thì chỉ còn biết phủ phục tôn thờ Người là Chúa.

– Chỉ có đoàn môn đệ được Người chọn làm chứng nhân nền mới được Người cho thấy các vết tích Thập Giá, nhưng rồi kèm theo ngay sau đó một loạt những LỆNH TRUYỀN SỨ MẠNG mang tính dài hạn trường kỳ kéo dài mọi thời (chứ không chỉ là một việc làm nhất thời trước mắt: nói lại cho họ biết một thông tin: hãy đến Galilê gặp Thầy ở đó): sai đi, ban ơn Thánh Thần, ban quyền tha tội…

Điều mà Tin Mừng Gioan quan tâm đến để dẫn môn đệ đến với đức tin phục sinh là LỜI CHÚA: những lời Người nói lúc còn sinh tiền hoặc là những lệnh truyền Người ban cho các chứng nhân khi hiện ra với họ. Thật vậy: 

– Trong trình thuật Ngôi Mộ Trống: Đấng Phục Sinh chưa hề hiện ra cho ai cả, thế nhưng người môn đệ Chúa yêu khi đứng trước ngôi mộ ngăn nắp, trật tự, ông chợt nhớ tới và HIỂU lời Kinh Thánh, nên đã TIN (x. Suy niệm Tuần Trước).

– Còn trong lời Chúa tuần này, Đấng Phục Sinh trong tư cách là “Chúa của con, Thiên Chúa của con” đã chính thức công bố cho con người mọi thời đại “phúc thay những người không thấy mà tin”.

Phần Giáo Hội, khi sắp xếp các bản văn phụng vụ về các Chúa Nhật phục sinh cũng làm nổi bật vai trò chủ yếu của Lời Chúa trong việc đưa tín hữu đến với đức tin phục sinh. Thật vậy:

– Ba bài đọc Tin Mừng đọc trong đêm Canh Thức Phục Sinh không quan tâm lắm tới việc Đức Giêsu hiện ra cho các phụ nữ, mà chỉ nhấn mạnh đến chi tiết nhắc các bà hãy nhớ lại Lời Đức Giêsu đã nói khi còn sinh tiền: “Người đã trỗi dậy NHƯ NGƯỜI ĐÃ NÓI” (Mt 28,6); Đức Giêsu đã trỗi dậy và hẹn gặp các môn đệ ở Galilê NHƯ LỜI NGƯỜI ĐÃ NÓI với các ông (Mc 16,7b); Hãy nhớ điều Người ĐÃ NÓI với các bà hồi còn ở Galilê (Lc 24,6).

– Rồi lễ ngày của Chúa Nhật phục sinh cả ba năm ABC đều đọc Ga 20,1-9: người môn đệ Chúa yêu (và nên hiểu cả Phêrô nữa) đã TIN trước khi được gặp gỡ Đấng Phục Sinh nhờ HIỂU LỜI KINH THÁNH.

– Và hôm nay, Đấng Phục Sinh trong tư cách là Chúa tuyên bố: phúc thay những người không thấy mà tin.

Lời Chúa được viết cho các tín hữu mọi thời, là những người không có dịp gặp được Đấng Phục Sinh bằng tiếp xúc thể lý. Khi các bản văn Tin Mừng được viết ra thì Đức Giêsu đã thăng thiên, Giêrusalem cũng đã bị Rôma tàn phá… Các tông đồ và môn đệ cũng tản mác khắp nơi đi loan báo Tin Mừng. Muôn dân trong khắp đế quốc đón nhận Tin Mừng phục sinh và gia nhập Giáo Hội ngày càng đông. Chắc chắn họ không gặp bằng giác quan Đức Giêsu, phần lớn họ cũng như chúng ta không thấy được ngôi mộ trống. Điều gì giúp đưa nhân loại mọi thời đến với đức tin?

Chúa Nhật này vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, năm 2004, đã được Đức Giáo Hoàng Thánh Gioan Phaolô II thiết lập làm lễ kính lòng thương xót của Thiên Chúa. Công cuộc cứu độ được thể hiện nơi Đức Giêsu là cái biểu lộ hữu hình của Tình Yêu Xót Thương, tha thứ của cả Ba Ngôi Thiên Chúa đối với nhân loại tội lỗi: Thật vậy:

– Cha đã yêu thương thế gian đến nỗi tặng ban Con Một để ai tin vào Người Con ấy thì được sống muôn đời (Ga 3,16).

– Rồi người Con ấy tự nguyện làm theo ý Cha (Ga 10,18; 14,31); Người nâng chúng ta lên hàng bạn hữu của Người (Ga 15,14-15); còn cho ta quyền làm con Thiên Chúa (Ga 1,12; 20,17).

– Rồi nhờ chính Thánh Thần Thiên Chúa mà tất cả chúng ta, tin vào Đức Giêsu và trở thành một Thân Thể trong Người (1Cr 12,13), được đồng thừa kế với Người (Rm 8,17) được hưởng trọn vẹn lòng thương xót của Ba Ngôi.

Chóp đỉnh của lòng thương xót đó chính là mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu: nhân tính của Người – giống chúng ta mọi đàng kể cả phải chết – nay đã phục sinh, được tôn vinh là Chúa (Ga 20,28) thống trị mọi loài trên trời, dưới đất và trong cả âm phủ (Pl 2,10-11).

Và còn tuyệt vời hơn nữa: để giúp nhân loại mọi nơi mọi thời đều có được cơ may đích thân gặp Đấng Phục Sinh để đón nhận tình thương xót thần linh, Đức Giêsu còn lập ra các bí tích và công bố mối chân phúc đặc biệt trong tư cách là Đấng Phục Sinh, là Thiên Chúa: phúc cho ai không thấy mà tin.

Từ nay, lòng thương xót Chúa, đồng hành và thánh hóa nhân loại cho đến ngày tận thế để đưa tất cả nhân loại về lại quê hương vĩnh cửu.

BÀI ĐỌC I: Cv 5,12-16

Trong Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh, bài đọc Tin Mừng không đổi. Bài đọc 1 thay đổi theo chu kỳ A, B, C. Tuy nhiên chỉ có một nội dung là đời sống cộng đoàn của các tín hữu tiên khởi. Chính đời sống cộng đoàn tràn đầy đức tin, đức ái của họ đã là yếu tố quan trọng lôi cuốn chư dân tin vào Đấng Phục Sinh. Cái giúp họ nhận ra được rằng Đấng Phục Sinh ĐANG SỐNG giữa thế giới và linh hoạt thế giới này không phải là sự gặp gỡ thể lý, đụng chạm giác quan với Đấng Phục Sinh mà là sự tiếp xúc cụ thể thiết thân với NHIỆM THỂ của Người qua cách sống tin, cậy, mến, đáng phục của cộng đoàn tín hữu.

Bài đọc 1 năm C cho thấy quyền năng của Đấng Phục Sinh vẫn hoạt động tích cực biểu lộ lòng thương xót cứu độ của Người qua việc hiệp nhất cộng đoàn các kẻ tin, qua các dấu lạ các tông đồ thực hiện và nhất là qua việc làm cho số người tin vào Đấng Phục Sinh ngày càng gia tăng. Họ là những người đang hưởng mối chân phúc do Đấng Phục Sinh công bố: phúc cho ai không thấy mà tin.

1/ Nét đặc trưng của cộng đoàn tín hữu: đó là nơi mà Đấng Phục Sinh tiếp tục biểu lộ quyền năng cứu độ hiệp nhất của Người (Cv 5,12-14).

*Phần các tông đồ: họ biểu lộ quyền năng của Đấng Phục Sinh qua việc làm các điềm thiêng dấu lạ (c.12a). Cách nói “nhờ bàn tay các tông đồ” gợi lại hình ảnh trong Mc 16,18: CHÚA (Kurios) Giêsu hứa ban cho các tông đồ quyền chữa lành khi các ông đặt tay trên các bệnh nhân. Vậy Đấng Phục Sinh vẫn tiếp tục tỏ lộ quyền năng giải cứu của Người qua tay các tông đồ (x. Cv 3,6-7; 4,10;9,34…).

*Phần cộng đoàn các tín hữu: biểu lộ qua việc “mọi tín hữu đều đồng tâm nhất trí” (c.12b). “Đồng tâm nhất trí” = “homothumadon” = homo có nghĩa là “giống nhau, như nhau” + “thumos” = hơi thở, tâm hồn, con tim, ý chí, nguyên lý sống, sự sống, nghĩa là có cùng chung một hơi thở, một cuộc sống, một lẽ sống, một lý tưởng. Các tín hữu như trở thành một thân thể phối hiệp hài hòa với nhau. Như vậy, ở đây, lời cầu xin của Đức Giêsu với Cha trong bữa Tiệc Ly (x. Ga 17,11 – 20,21) đã được Đấng Phục Sinh hoàn tất. Hiệp nhất là hoa trái của niềm tin phục sinh, nhưng đồng thời hiệp nhất cũng là con đường đưa dẫn tới đức tin.

Thường hội họp tại hành lang Salomon”: chi tiết này cho thấy rằng cộng đoàn Kitô giáo là một liên tục với Do Thái giáo; Họ như một thân thể, như một “Giêsu – mới” đang tiếp tục công việc của Đức Giêsu (x. Ga 10,23; Lc 21,37: thật vậy, trong những ngày ở Giêrusalem lúc sinh tiền, Đức Giêsu thường giảng dạy ở hành lang Salomon). Sự hiệp nhất của họ đã là một lời giảng hùng hồn đưa đến những hệ quả được mô tả trong các câu 13.14.

*“Không ai khác” dám nhập đoàn với họ (c.13a) 

Tại sao lạ vậy? Các tông đồ thì đầy quyền năng, lối sống của cộng đoàn lại rất hấp dẫn mà? Rồi c.14 còn nói càng ngày càng có nhiều người tin theo Chúa mà? Vậy tại sao lại có câu 13a nói trên?

  • Có thể giải thích rằng:

– Lối sống cộng đoàn quá đặc biệt: nhiều người bán hết tài sản rồi để chung của cải, dù không bị bắt buộc; sống theo một khuôn khổ nghiêm túc (x. Cv 2,42).

– Gương hình phạt nhãn tiền của vợ chồng Khanania và Xaphira vì dám “lừa dối Thánh Thần” (5,3).

– Sợ nhóm cầm quyền Do Thái phiệt, sợ bị đuổi khỏi Hội Đường.

Đừng quên là trong một giai đoạn ngắn ban đầu, Nhóm Kitô hữu vẫn được coi là một nhánh của Do Thái giáo.

  • Tuy nhiên nếu đi sâu vào bản văn, ta thấy dường như cách nói “không một ai khác” ám chỉ đến một nhóm người cụ thể. Thật vậy:

– Trong tiếng hi lạp: “lôipos” = “người khác”, “số còn lại”. Danh từ này ám chỉ “một nhóm còn sót lại” trong đám đông chưa được nêu danh tánh rõ ràng giữa những nhóm khác đã được nêu danh.

– Vào thời Giáo Hội sơ khai, các kitô hữu còn ít ỏi là một chi nhánh của Do Thái giáo. Vậy Do Thái giáo thời đó gồm các thành phần:

1/ Các kitô hữu là những người Do Thái đã tin vào Đức Giêsu. Sách Công Vụ gọi họ là pistêusantôn (ptc. Ao. pistêuô) là “những người đã tin” (Cv 4,32); hoặc gọi là pistêuontês (ptc pres) = “những người đang tin” (Cv 5,14).

2/ Đối đầu lại với nhóm một trên là các thủ lãnh Do Thái không tin vào Đức Giêsu và còn chống đối bắt bớ họ nữa (x. Cv 4,1-22).

3/ là đám đông chưa tin vào Đức Giêsu, họ không chống lại các tông đồ và tín hữu. Họ gồm hai thành phần:

3.1/ Dân chúng = laos (5,12a.13b) họ có cảm tình với các tín hữu, họ ca tụng cộng đoàn.

3.2/ Nhóm cuối cùng gọi chung là loipôn = “nhóm còn lại”, “những người khác” là những người có chút địa vị, họ có cảm tình với Đức Giêsu (như Nicôđêmô, Giuse Arimathê… chẳng hạn) nhưng không dám công khai tỏ lộ ra sợ bị “chụp mũ” (x. Ga 7,52), hoặc bị đuổi khỏi Hội Đường (x. Ga 9,22.34). Do đó mới có tình trạng là “không một ai của những người khác” (= oudêis Tôn loipôn) này dám nhập đoàn với các tín hữu. Tuy nhiên nhờ ơn Chúa và lối sống thuyết phục của cộng đoàn mà dần dần các lãnh đạo, tư tế cùng tin Đức Giêsu (Cv 6,7b).

*Còn dân chúng thì ca tụng họ:

Số phận của cộng đoàn cũng giống như Thầy mình: bị kẻ có quyền thế chống đối, hoặc có được số ít tin nhưng lại không dám tỏ lộ; còn dân chúng thì vui mừng đón nhận. Các chi tiết trên khẳng định lại lời của Đức Giêsu: Thầy trò cùng chung số phận (x. Mt 10,24-25; Ga 15,20).

Mặc dù có nhiều cản trở, âu lo, nhưng cộng đoàn vẫn ngày càng phát triển. Đây là một dấu nữa cho thấy quền năng Đấng Phục Sinh, Đấng đã ban cho các tông đồ ơn bình an thắng vượt mọi sợ hãi để vững bước lên đường (x. Ga 20,19-21). Ơn ban riêng cho các tông đồ trong ngày Đấng Phục Sinh hiện ra cho họ, nay được Đấng Phục Sinh ban rộng rãi cho mọi kẻ thiện chí và kẻ tin để họ dám theo Người dù bao đe dọa, sợ hãi vẫn còn luôn đang rình rập họ.

*Cộng đoàn tăng thêm: nghĩa là công cuộc của Đấng Phục Sinh vẫn còn tiếp diễn chứ chưa phải là đã hoàn tất. Giáo Hội và chúng ta hôm nay phải là cánh tay nối dài của Đấng Phục Sinh như các tín hữu của giáo đoàn tiên khởi. Đấng Phục Sinh tiếp tục công cuộc nhập thể vào Giáo Hội, vào từng tín hữu mọi nơi mọi thời. Đấng Phục Sinh vẫn tiếp tục “đi trên cùng một con đường” (Hiệp Hành) với chúng ta trong tư cách là Đấng Hằng Sống; Với lòng thương xót của một vị Thiên Chúa (ho kurios mou, ho thêos mou: Ga 20,28), Người đến “gặp gỡ”, “lắng nghe”, giúp ta “phân định” Thiên Chúa vẫn hiện diện, hiệp hành với chúng ta.

Cộng đoàn tăng thêm có nghĩa là cộng đoàn là một cơ thể sống chứ không là một cơ chế chết. Cộng đoàn tăng trưởng là hoa trái của quyền năng Đấng Phục Sinh, nhưng cùng là hoa trái của một cộng đoàn “đồng tâm nhất trí” (Hiệp Thông); của một cộng đoàn mà tất cả mọi thành viên đều góp phần tối đa, để chung của cải (Tham Gia); của một cộng đoàn mà cuộc sống lôi cuốn người khác đến và chữa lành cho họ (Sứ Vụ). Nói cách khác, theo ngôn từ của chủ đề Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới 2023 thì “cộng đoàn tăng thêm” là hoa trái của “Cộng đoàn HIỆP HÀNH”.

*“… đàn ông đàn bà rất đông chi tiết tưởng chừng là nhỏ bé này lại là một đặc nét của cộng đoàn kitô hữu vào thời đó: với kitô giáo, nam nữ hoàn toàn bình đẳng trong đức tin; Đàn bà cũng như đàn ông có quyền chọn lựa niềm tin cho chính mình, sống và tuyên xưng niềm tin đó.

2/ Quyền năng Đấng Phục Sinh được biểu lộ qua tông đồ Phêrô (5,15-16)

Đó là quyền năng chữa lành. Chữa lành cách siêu việt: không cần đụng chạm thể lý đã đành mà còn không cần biết đến bệnh nhân là ai:

Chỉ cần cái bóng của Phêrô lướt qua trên người bệnh nhân là bệnh nhân được khỏi bệnh tức khắc (5,15).

*Cách trình bày của câu 15 hàm ý rằng không phải đích thân Phêrô chữa bệnh vì không có tiếp xúc và bản thân ông cũng không biết. Như vậy có nghĩa là chính Đấng Phục Sinh đang hoạt động qua con người, qua sự hiện diện của Phêrô (mở rộng là của Giáo Hội).

Lòng tin của đám đông và sự hiện diện vô hình nhưng hữu hiệu của Đấng Phục Sinh trong cộng đoàn tín hữu đặc biệt qua Phêrô và các tông đồ có thể mang đến ơn cứu độ, chữa lành cho con người. Thật vậy: qua bí tích rửa tội, đặc biệt trong trường hợp nguy tử thì không cần sự hiện diện hữu hình của thừa tác viên Giáo Hội để cử hành thành sự bí tích mà chỉ cần “cái bóng của Đấng Phục Sinh, của Giáo Hội” (tức là “giáo lý của Giáo Hội” liên quan đến việc ban bí tích rửa tội lúc nguy tử: GLHTCG số 1256) là được.

Ý nghĩa đó đã được câu 14 loan báo trước: “càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo CHÚA”. TIN THEO CHÚA chứ không phải tin vào Phêrô, vào tông đồ hay vào đoàn tín hữu. Chính Đấng Phục Sinh kết hiệp các tín hữu và những kẻ chưa tin nên một. Tuy nhiên Chúa vẫn muốn phần cộng tác của con người; Chúa vẫn cần một trung gian nhân loại. Chúa đang mong chờ một Giáo Hội HIỆP HÀNH.

*Cv 5,15 cũng hàm ý rằng Đấng Phục Sinh qua Giáo Hội đang làm những việc lớn lao hơn Đức Giêsu lúc sinh tiền. Thật vậy, đó là quyền năng của Đấng Phục Sinh đang thực hiện lời Đức Giêsu đã hứa là cho các môn đệ làm được những việc lớn lao hơn Người (x. Ga 14,12). Đó là một bảo chứng cho các thế hệ mai sau được hưởng trọn vẹn ân lộc của Đấng Phục Sinh không thua thiệt gì so với những gì các tông đồ được hưởng. Một lần nữa Lời Chúa nhắn nhủ: việc tiếp xúc thể lý với thân xác Đấng Phục Sinh là không cần thiết để tin vào Đấng Phục Sinh.

Tất cả những gì Đức Giêsu đã làm cho những ai đến với Người lúc sinh tiền thì nay các tông đồ cũng làm được như vậy. Quyền năng cứu độ đã được Đấng Phục Sinh trao trọn cho các tông đồ (và cho cả Giáo Hội mọi thời nữa): sứ vụ, Thánh Thần, ơn tha tội (x. Ga 20,21-23). Nhờ đó, nhân loại mọi thời, mọi nơi đều được bảo đảm hưởng trọn vẹn ơn cứu độ.

*Tóm: mặc dù không trực tiếp nói đến phục sinh, nhưng từng câu trong bài đọc 1 đã kín đáo tỏ lộ quyền năng Đấng Phục Sinh vẫn đang tiếp tục hoạt động hữu hiệu nơi các tông đồ và cộng đoàn các tín hữu. Qua họ, Người còn thực hiện những điều lớn lao hơn so với khi Người còn hiện diện trong thân phàm giới hạn.

Phần cộng đoàn tín hữu, mặc dù không được trực tiếp gặp gỡ Đấng Phục Sinh, nhưng các kẻ tin thật là những người có phúc vì Đấng Phục Sinh đã thể hiện cụ thể nơi họ mối phúc mà Người đã công bố cho các tông đồ trong lần hiện ra cho Tôma (Tin Mừng hôm nay). Đấng Phục Sinh luôn đang HIỆP HÀNH cùng Giáo Hội trên mọi nẻo đường cho đến ngày tận thế.

TIN MỪNG: Ga 20,19-31

Đức Giêsu đã phục sinh! Mặc dù không ai chứng kiến sự kiện phục sinh, niềm tin vào Đấng Phục Sinh không ngừng gia tăng, tín hữu ngày càng đông. Mọi sự bắt đầu với việc các phụ nữ ra viếng mộ Chúa và khám phá ra rằng xác Đức Giêsu không còn trong đó nữa. Tiếp sau đó, các sách Tin Mừng thuật lại, theo nhãn giới thần học của mình, những lẫn hiện ra của Đấng Phục Sinh cho những ai Người muốn, đặc biệt là cho các tông đồ để thiết đặt các ông làm chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh. Sách Tin mừng thứ tư kể lại đến bốn lần hiện ra của Đấng Phục Sinh, sau biến cố khám phá Ngôi mộ trống (Ga 20,1-10):

– Hiện ra cho Maria Madalêna (20,11-18)
– Hiện ra cho Nhóm Mười môn đệ (20,19-23)
– Hiện ra cho Nhóm thêm Tôma (20,24-29)
– Hiện ra cho bảy môn đệ ở biển hồ Tibêria (21,1-23)

Chúa Nhật tuần này đọc hai lần Chúa hiện ra cho nhóm môn đệ, cả hai lần đều tại “nơi các môn đệ ở” tại Giêrusalem.

Phần trích đoạn hiện ra cho Nhóm Mười sẽ được đọc lại vào Chúa Nhật Hiện Xuống ABC, nên ở đây sẽ nhấn mạnh vào Ga 20,24-29.

Những lần Đấng Phục Sinh hiện ra cho đoàn môn đệ thân tín là nhằm trang bị cho các ông những yếu tố cần thiết để Giáo Hội thật sự trở thành Nhiệm Thể Đức Kitô với trọn vẹn quyền năng thần linh được trao ban hầu tiếp tục và hoàn tất sứ vụ mà Đấng Phục Sinh đã khởi sự.

1/ Lần hiện ra thứ nhất: cho Nhóm Mười (20,19-23)

Đấng Phục Sinh trao ban cho đoàn môn đệ những “trang thiết bị” cần thiết chuẩn bị cho sứ vụ tương lai mà các ông phải tự mình đảm nhận.

*Khung cảnh:

Thời điểm: chiều ngày thứ nhất trong tuần: Thập giá của Đức Giêsu không là một ngôi mộ, một ngõ cụt đưa tới diệt vong mà là “cửa khẩu” đưa nhân loại vào cuộc sống mới vĩnh cửu. Sau đêm thứ bảy của ngôi mộ tối tăm, Đức Giêsu đã chỗi dậy khai mở kỷ nguyên mới với “ngày thứ nhất trong tuần” khởi đầu cho nhịp sống mới, vận hội mới, sáng tạo mới. Từ nay, ngày này được gọi là “ngày của Chúa” tưởng niệm Đức Giêsu phục sinh (x. GLHTCG 1163).

Đối tượng Đấng Phục Sinh nhắm đến ở đây là “các môn đệ”, lúc đó chỉ còn mười: Giuđa đa chết, Tôma vắng mặt. Mặc dù đức tin đã chớm nở nơi đoàn môn đệ (x. Ga 20,8) nhưng chưa đủ mạnh để vực các ông dậy, chưa đủ xác tín giúp các ông thành chứng nhân, chưa đủ an bình để giúp các ông đương đầu và hiểu ý nghĩa của thập giá. Để giúp khắc phục những yếu kém của đức tin, để giúp hoàn thiện đức tin và biến các môn đệ thành chứng nhân của thập giá và phục sinh, Đấng Phục Sinh đã hiện ra cho họ và trao ban cho họ: bình an, Thánh Thần, và quyền bính giúp các ông dám tiếp tục sứ vụ mà Đấng Phục Sinh đã khai mở qua Thập Giá và phục sinh.

Nơi chốn: sau khi Đức Giêsu bị bắt, các môn đệ bỏ chạy hết; Nơi chốn họ tụ về để ẩn náu chắc là phòng tiệc ly (so Lc 22,7-12; Mc 14,12-16; Mt 26,17-19 với Cv 1,13).

 Còn trong Tin Mừng Gioan, các chi tiết liên quan tới nơi chốn, thời điểm ăn Bữa Tiệc Ly chỉ được ghi lại “nên trong một bữa ăn” (Ga 13,4) nghĩa là không xác định ăn vào dịp nào; Vì thế ở đây Ga 20,19 cũng chỉ ghi tổng quát về nơi chốn là “nơi các ông đang ở”.

2/ Chứng từ của Nhóm Mười và sự cứng lòng của Tôma (20,24-25)

Lúc Đấng Phục Sinh hiện ra cho Nhóm Mười, thì không biết vì lý do gì mà Tôma vắng mặt. Khi ông trở lại với cộng đoàn thì Nhóm Mười làm chứng CHÚA đã hiện ra cho họ, nhưng Tôma không tin:

*Chúng tôi đã thấy CHÚA (Kurion)

Đấng Phục Sinh đang ở trước mắt các ông chính là Đức Giêsu thập giá với đầy đủ chứng tích trên mình (x. Ga 20,20). Nhưng các ông không nói với Tôma: “Thầy đã sống lại”, nghĩa là không loan báo, không thông tin về một sự kiện; Mà Nhóm này lại đồng thanh: “Chúng tôi đã thấy CHÚA”. Người Thầy mà trước đây họ đã chung sống, yêu mến, kính trọng và gẫn gũi đến độ có lần họ đã “trách móc” Người (x.Mc 8,32), giờ đây đã trở thành CHÚA = Kurios, Đấng mà nhân loại phải bái lạy và thờ phượng (x. Ga 20,28; Mt 28,17; Lc 24,52). Họ đang chia sẻ một kinh nhiệm đích thân trong tương quan với Chúa. Đây không phải là một thông tin về một sự kiện mà là một lời tuyên xưng đức tin (so với Ga 20,8b).

*Nếu tôi không xỏ ngón tay vào các lỗ đinh… (c.25b):

Phản ứng của Tôma đòi kiểm chứng thể lý con người Đức Giêsu phục sinh là một bảo đảm quý giá cho đức tin của chúng ta (vốn là các hậu sinh không được tiếp xúc thể lý với Đấng Phục Sinh) về tính trung thực của việc Đức Giêsu thập giá đã thực sự hiện ra cho các môn đệ như là Đấng Phục Sinh: các môn đệ không hề ảo tưởng, không hề tự kỷ ám thị; Quả thật các ông hoàn toàn cứng lòng tin. Điều đó hàm ý là chỉ có sự thật mới thuyết phục được các ông chuyển đổi từ thái độ cứng tin sang xác tín rằng Đức Giêsu thập giá đã thực sự phục sinh đến độ sau này sẵn sàng hy sinh mạng sống vì niềm tin ấy; Và niềm tin ấy trở thành lẽ sống cho cả cuộc đời các ông: “tôi coi tất cả đều là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8). Nhờ vậy, đức tin và chứng từ của các ông mới thật đáng là nền tảng cho đức tin của tín hữu mọi thời.

*Sự yếu tin của Nhóm Mười: vẫn trốn tránh, đóng kín cửa dù đã được gặp Đấng Phục Sinh và được trang bị đầy đủ cho sứ vụ. Đây là một bài học lớn cho chúng ta về vấn đề làm chứng cho đức tin. Một lời nói suông như kiểu thông tin một sự kiện thời sự nóng bỏng thì sẽ không thuyết phục được ai. Thật vậy, sau khi gặp Chúa, Nhóm Mười vẫn không có chút gì thay đổi: vẫn sợ hãi, trốn lì trong nhà, cửa đóng kín (20,26b).

Một lời nói suông kèm theo một lối sống hững hờ, vô trách nhiệm sẽ chẳng lôi cuốn được ai. Nhất là khi nội dung của lời nói ấy lại mang tầm cỡ đổi thay thế giới: từ nay Thần Chết không khống chế được con người nữa: “cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5,16-17).

Chính Đức Giêsu ngay lúc còn sống, chứng từ của Người về Cha cũng chẳng được mấy ai tin nhận, dù Người giảng hay, uy quyền, làm nhiều phép lạ… chỉ khi Người đóng dấu ấn Thập Giá lên chứng từ ấy thì Người mới kéo được mọi người lên cùng Người (x. Ga 3,11-15); lúc Người dùng chính mạng sống của Người nói lên tiếng nói cuối cùng thì mới bắt đầu có người nhận ra Người quả thật là Con Thiên Chúa (x. Mc 15,39; Mt 27,54).

Tóm lại, trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, sự cứng tin của Tôma lại trở thành một yếu tố thuyết phục giúp các thế hệ mai sau có nền tảng vững chắc để tin được rằng chứng từ về phục sinh của các tông đồ không là sản phẩm của trí tưởng tượng phàm nhân, mà là hoa trái của cả một kinh nghiệm xương máu có được từ cuộc gặp gỡ đích thực với Đấng Phục Sinh đã thương xót hiện ra cho họ thấy.

Và chứng từ tông truyền ấy cũng chỉ thực sự thuyết phục được người khác khi được đóng ấn bằng chính cuộc sống đầy lòng tin của đoàn lũ, cộng đoàn chứng nhân dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

3/ Hiện ra lần thứ hai cho đoàn môn đệ, có thêm Tôma (20,26-29)

Lần hiện ra này được trình bày như cách đặc biệt cho Tôma. “Tám ngày sau” nghĩa là cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, ngày cộng đoàn họp nhau lại cử hành phụng vụ tuyên xưng Đức Giêsu phục sinh, Người là Chúa, kỷ nguyên mới bắt đầu với “ngày của Chúa”. Mở đầu vẫn là lời chúc bình an và ngay sau đó:

*Người (Đức Giêsu: xem c.26) bảo ông Tôma: c.27

Đức Giêsu bảo Tôma hãy đến với Người và thực hiện điều ông đã nói với Nhóm Mười. Thực ra đây là một lời trách móc hơn là một đáp trả cho đòi hỏi của Tôma và thực tế đã trả lời như thế: Tôma không dám kiểm chứng, ông tuyên tín. Đức Giêsu muốn nói với Tôma: đòi hỏi đó không cần thiết để tin rằng Người đã phục sinh. Chúng ta đã suy niệm nhiều rằng tin Đức Giêsu phục sinh không phải là một xác nhận thuần lý, thực nghiệm xác của Đức Giêsu đã sống lại; Nhưng là toàn thể con người tuyên xưng Người Hằng Sống, nơi Người không còn bóng dáng Tử Thần; Người đi vào vinh quang Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Và ở đây một lần nữa Lời Chúa khẳng định lại điều chân lý đó qua: 

*Lời tuyên tín của Tôma (c.28)

Tôma đã không tuyên xưng “Thầy (tức xác Đức Giêsu với các vết thương) đã sống lại” (sự kiện thực nghiệm kiểm chứng được) như đã đòi hỏi trước đó. Ông nói lên đức tin của ông vào Đức Giêsu, một đức tin mà toàn dân Do Thái trong suốt lịch sử của họ đã chỉ dành cho một Thiên Chúa duy nhất là Yavê mà thôi. Tôma thưa với Đức Giêsu (c.26, cách xưng “Đức Giêsu” nhấn mạnh khía cạnh nhân tính): Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” = “Ho Kurios mu kou thêos mu”. Danh xưng kép trên thường gặp nhiều trong bản LXX (2Sm 7,28; 1V 18,39; Tv 30,2…) được dân Cựu Ước dùng để thưa chuyện với Yavê, bày tỏ lòng tôn thờ Người. Vậy đây là một lời tuyên xưng đức tin đồng thời cũng là một hành động thờ lạy với một cung cách chỉ dành riêng cho Yavê Thiên Chúa duy nhất của tuyển dân đích thực, trung tín của Thiên Chúa.

Vậy Đấng Phục Sinh đã giúp cho Tôma làm một bước nhảy vọt trong đức tin: từ chỗ đòi kiểm chứng thực nghiệm, ông đã được đưa thẳng vào huyền nhiệm thần linh của Đấng Phục Sinh. Đức tin đó không thể là kết quả của một công trình kiểm chứng thực nghiệm của người phàm, nhưng là một sự CHỤP BẮT của Đấng Phục Sinh; là sự được TRÀN ĐẦY THÁNH THẦN (do bình an mà Đấng Phục Sinh ban mang lại), khiến con người của Tôma được đổi mới lạ lùng, tận căn, chớp nhoáng (như các tông đồ được đổi mới tức khắc trong ngày lễ Hiện Xuống), và đưa ông đi thẳng vào trung tâm của mầu nhiệm thần linh.

*Lời chung cuộc của Đấng Phục Sinh, là Thiên Chúa cho Tôma và Nhóm Mười

– Lời 1: “đừng cứng lòng tin nữa nhưng hãy tin” (c.27b): trong mạch văn nối với lần hiện ra thứ nhất và sự cứng lòng của Tôma trước lời chứng của Nhóm Mười, thì “đừng cứng lòng tin nữa”, “nhưng hãy tin” là lời mời và cũng là lời long trọng công bố của Đấng Phục Sinh là hãy tin vào lời chứng của Nhóm Mười, tức là lời chứng của các tông đồ, lời chứng tông truyền của cộng đoàn môn đệ.

– “Phúc thay những người không thấy mà tin”: lời này được Đấng Phục Sinh công bố trong tư cách là Thiên Chúa Yavê như Tôma vừa tuyên tín. Đấng Phục Sinh, là Thiên Chúa, lập lại cho đoàn môn đệ những gì Người vừa nói riêng với Tôma. Với Tôma, Chúa nói: “hãy tin”; với cộng đoàn: “Phúc thay những người không thấy mà tin”.

Vậy từ nay, cộng đoàn các kitô hữu tin vào CHÚA phục sinh là nhờ dựa vào lời chứng của các tông đồ, của CỘNG ĐOÀN tín hữu.

Mặc dù lần hiện ra này có vẻ như dành riêng cho Tôma, nhưng bối cảnh vẫn là cuộc hội họp cộng đoàn vào ngày Đấng Phục Sinh hiện ra cho các chứng nhân được thấy. Trong các cuộc họp phụng vụ, họ ca khen, thờ lạy Đấng Phục Sinh là Thiên Chúa, là Chúa của họ. Một đức tin thực được lưu truyền lại cho hậu thế chỉ có giá trị và hợp pháp khi đó là một đức tin được đón nhận từ cộng đoàn, hiệp nhất với cộng đoàn: đức tin công giáo và tông truyền.

Hôm nay các tín hữu, không ai được tiếp xúc giác quan với Đức Giêsu, cũng không ai gặp được Đấng Phục Sinh. Nhưng tin vào Thiên Chúa, vào Đấng Phục Sinh, vào Giáo Hội chúng ta biết chắc mình hoàn toàn hưởng trọn chân phúc nhờ Lời Chúa, bí tích, Hội Thánh tông truyền dựa trên khẳng định của Đấng Phục Sinh: “phúc thay những người không thấy mà tin”.

Frère Pierre Đình Long FSC