CHÚA NHẬT III PHỤC SINH -năm C

Bài 1

Cv 5,27b-32.40b-41; Ga 21,1-19
Chủ đềvâng nghe Lời Chúa: cội nguồn mọi phúc lộc.

* Cv 5,29b.32b: phải vâng nghe Lời Chúa hơn lời người phàm. Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho những ai vâng Lời Người.

* Ga 21,6: cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá. Các ông thả lưới xuống… và lưới đầy những cá.

Chúa đã sống lại rồi! Đó là niềm vui lớn lao cho các tín hữu, là động lực, là sức sống tác động trên mọi sinh hoạt của họ. Từ nay họ làm mọi sự dưới ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh. Trái lại đối với những kẻ cứng lòng, rắp tâm chối bỏ sự thật thì việc Chúa sống lại là nỗi kinh hoàng, âu lo làm họ mất ăn mất ngủ. Họ tìm đủ mọi cách để dập tắt NIỀM TIN PHỤC SINH ngày càng lan rộng khắp nơi. Thay vì hoán cải, nhận ra dấu chỉ và đón nhận niềm vui phục sinh, họ chỉ thấy trong Thập Giá của Đức Giêsu một án phạt khủng khiếp và đổ lỗi cho các tông đồ cố ý tố cáo họ: “các ông còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi” (Cv 5,28).

Các tông đồ, nhờ được Đấng Phục Sinh củng cố đức tin đã can đảm nói lên lập trường dứt khoát của mình: “phải VÂNG LỜI THIÊN CHÚA hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29b). Trong chiều hướng đó, Lời Chúa của Chúa Nhật III C Mùa Phục Sinh tiếp tục đề cập đến chủ đề: các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh nhằm củng cố đức tin cho đoàn môn đệ và nhất là thiết đặt những yếu tố nền tảng để mầu nhiệm phục sinh tiếp tục được loan báo và nhân loại qua mọi thời, mọi nơi đều có thể đón nhận và tin vào Đức Giêsu phục sinh. Đáp lại ân tình đó của Đấng Phục Sinh, đoàn môn đệ – trong Lời Chúa III C Mùa Phục Sinh – đã VÂNG NGHE LỜI CHÚA và đó chính là cội ngồn mọi phúc lộc của cộng đoàn.

Bài đọc Tin Mừng hôm nay thuật lại lần hiện ra thứ ba của Đấng Phục Sinh cho đoàn môn đệ: Lần này nơi chốn là ở Galilê, các môn đệ giờ chỉ còn lại bảy người: ba người được kể rõ tên là Phêrô, Tôma và Nathanaen còn bốn người kia chỉ được đề cập thoáng qua: hai người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa. Họ quay về lại quê cũ ở Galilê và coi bộ muốn trở về nghề cũ. Hai lần hiện ra trước trong “căn phòng cửa đóng kín”, với các chứng từ thể lý cho thấy các dấu vết thương, kèm theo lời chúc phúc “phúc thay ai không thấy mà tin!” dường như chưa tẩy hết được nỗi sợ của họ. Họ đã biết rõ Chúa đã sống lại, Người đã sai họ đi, ban Thánh Thần, ban quyền… nhưng họ chưa đủ dũng khí để lên đường hành động THEO LỜI CHÚA. Họ muốn tạm an thân nên lánh về quê như hai môn đệ làng Emmau; Họ tránh xa “chảo lửa” Giêrusalem đang hừng hực vị thông tin nóng hổi: Đấng chịu đóng đinh đã sống lại và các thủ lãnh tôn giáo Do Thái phủ nhận quyết liệt (x. Mt 28,11-15). Nhưng Đấng Phục Sinh quyết chiếm giữ họ đến cùng. Người đến với họ tận nơi họ ẩn lánh; Và lần này, Người tỏ mình ra cho họ bằng MỘT DẤU LẠ và để có dấu lạ này, Đấng Phục Sinh không làm một mình, Người mời các môn đệ TIN và VÂNG NGHE Lời Người. Dấu lạ ấy như là một mặc khải nhắc nhở, khích lệ các môn đệ: Chạy trốn như các ông đang làm, không giải quyết được gì cả, chỉ chìm sâu trong phiềm muộn và cuối cùng cộng đoàn sẽ tan rã; Người mời các ông VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI và kết quả của vâng lời là một mẻ lưới bội thu vượt mọi tưởng tượng của con người.

Trong lãnh vực đức tin, các tính toán theo khôn ngoan, kinh nghiệm của con người, các thuận lợi về phương diện, thời buổi… không phải là yếu tố chính để có được “mẻ cá” thành công: các ngư phủ chuyên nghiệp, vào thời điểm thuận lợi để bắt cá, phương tiện lưới thuyền có sẵn trong tay thế nhưng “đêm ấy họ không bắt được gì cả” (21,3c). Vậy mà trong giây phút tưởng chừng là tuyệt vọng, thì một lệnh truyền đột ngột vang lên “cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông VÂNG LỜI và kết quả vượt sức tưởng tượng. Tin Mừng không giải thích vì sao họ vâng lời! Sứ điệp là CHÍNH VÌ VÂNG LỜI mà họ thu được kết quả và nhận ra được “CHÚA ĐÓ!”.

Ngay sau đó, Đấng Phục Sinh thiết đặt nền tảng cho sự vâng lời đức tin. Đấng Phục Sinh đã chọn Phêrô làm thủ lãnh cộng đoàn các kẻ tin và trao cho ông quyền thay mặt Người, chăn dắt cả chiên con lẫn chiên lớn của Chúa. Yếu tố Đấng Phục Sinh đòi nơi người thủ lãnh khi trao cho người ấy ĐÀN CHIÊN CỦA CHÚA là Tình Yêu: yêu Người trên hết. Nhờ mối dây hiệp nhất này mà chiên dù có phân tán đến đâu cũng không bị tan rã. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh là chất keo hiệp nhất.

Qua bài đọc 1, đi vào cuộc sống cụ thể. Những kẻ cứng lòng, đầy quyền bính trong tay đã ra sức cản trở công trình của Chúa. Nhưng họ đành thất bại vì Đấng Phục Sinh đã tiếp tục đồng hành với đoàn môn đệ qua các dấu lạ; Còn các môn đệ đã góp công thực hiện dấu lạ bằng VÂNG LỜI CHÚA. Các thủ lãnh tôn giáo Do Thái đã phải dùng bạo lực để ngăn cấm các tông đồ loan báo và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Họ đe dọa, họ đánh đòn… Nhưng lập trường của các tông đồ là DỨT KHOÁT “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”. Và thật tuyệt vời, những cấm cách, bắt bớ lại trở thành cơ hội thuận lợi để các tông đồ TRỰC TIẾP LOAN BÁO Tin Mừng Phục Sinh cho cả các thủ lãnh Do Thái giáo. Còn đối với các kẻ tin, các tông đồ thì các khổ nhục mà trước kia các ông sợ hãi trốn tránh, nay trở thành NIỀM VUI khi các ông đón nhận chúng trong tinh thần VÂNG LỜI Đấng Phục Sinh (x. Cv 5,41).

Mọi sự Đấng Phục Sinh đã chuẩn bị, dọn sẵn. Thánh Thần, phương tiện, quyền bính Chúa cũng đã trao ban. Vấn đề còn lại nơi các môn đệ: YÊU THẦY, VÂNG LỜI THẦY trên hết, và lưới của Phêrô sẽ gom thu nhiều cá.

Bài 2

– Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? – Dạ có, lạy Chúa, chính Chúa biết rằng con yêu mến Chúa… – Hãy chăm sóc chiên con của Thầy (c.15) … Hãy chăm sóc chiên của Thầy (cc. 16.17) … Hãy theo Thầy (cc 19.22).

 Chúng ta bước vào Chúa Nhật III C Mùa Phục Sinh. Lời Chúa tiếp tục mời chúng ta suy niệm về mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu và những hoa trái của mầu nhiệm trong đời sống Giáo Hội. Những lần Đấng Phục Sinh tỏ mình, và cách thức tỏ mình rất đa dạng của Người, nhất là cho nhóm các môn đệ thân tín, đều nhắm vào việc chuẩn bị tương lai cho Giáo Hội khi không còn sự hiện diện hữu hình của Người bên cạnh các ông, bên Giáo Hội nữa qua xác phàm hữu hạn nữa; Từ nay Người hiện diện với môn đệ, với Giáo Hội như là ĐẦU của NHIỆM THỂ. Việc Đức Giêsu sống lại và hiện ra cho các tông đồ là một DẤU ẤN mà Thiên Chúa đóng vào nhân tính của nhân loại tội lỗi chúng ta. Đó là lời Thiên Chúa bảo đảm với chúng ta rằng nhân tính phàm tục của chúng ta sẽ cùng với nhân tính đã được tôn vinh của Đức Giêsu hiệp nhất nên một như thân thể với ĐẦU để cùng hiệp thông vào trong vinh quang thần linh muôn đời của Thiên Chúa.

Trong khi chờ đợi thời điểm hoàn tất, Thiên Chúa muốn công trình đó của Chúa cũng thật sự là của con người, của Giáo Hội nên Thiên Chúa đã trang bị cho Thân Thể của Đức Giêsu phục sinh những ân huệ thiết yếu giúp hoàn tất sứ vụ. Các Chúa Nhật I và II Mùa Phục Sinh đã cho thấy một số ân thiêng:

– Có lời Chúa và ơn HIỂU lời Chúa (Chúa Nhật I)
– Lời rao giảng và chứng từ tông truyền (Chúa Nhật II)
– Các hồng ân: sai đi chính danh, ban Thánh Thần, quyền tha / cầm (sẽ được suy     niệm trong lễ Hiện Xuống)
– Lòng mến chân tình từ nơi người tín hữu
– Đời sống cộng đoàn đồng tâm nhất trí, hiệp nhất, chia sẻ.

Và hôm nay, Tin Mừng III C Mùa Phục Sinh mời ta chiêm ngắm, đón nhận một trang thiết bị nữa: Đó là quyền thủ lãnh Giáo Hội của Phêrô: Giáo Hội đa dạng nhưng hiệp nhất.

Trước những ân huệ ấy, lời Chúa trong hai tuần trước qua các bài đọc một đã cho thấy sự đáp trả tích cực từ phía cộng đoàn tín hữu, cũng như từ phía các dân ngoại biết mở lòng ra với các hồng ân: – sự trở lại của Cornêliô và – đời sống mẫu mực của cộng đoàn.

Bài đọc 1 hôm nay trình bày một phản ứng ngược lại của một số người trước Tin Mừng được loan báo: họ chống đối Tin Mừng, ngăn cản, bắt bớ các tông đồ. Nhưng sinh lực, các hồng ân mà Đấng Phục Sinh trang bị đã giúp các tông đồ, chứng nhân vượt thắng tất cả: “phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”.

Như vậy hồng ân phục sinh do Đức Giêsu mang đến cũng mang tính lưỡng diện tùy theo sự đón nhận của đối tượng: đối với những ai sẵn sàng mở rộng lòng trước đường lối làm việc của Thiên Chúa thì việc Đức Giêsu phục sinh là nguồn vui, hạnh phúc, nguồn bình an; Trái lại đối với kẻ cứng lòng thì đó lại là cội nguồn của bao bất an, sợ hãi.

Ngoài ra, đối với các tín hữu (là những người sẵn sàng vâng nghe ý Chúa hơn ý người đời: bài đọc 1; hơn kinh nghiệm của mình: Tin Mừng) sự hiện diện của Đấng Phục Sinh giữa cộng đoàn còn là cội nguồn của biết bao điều kỳ diệu (mẻ cá lạ lùng: Tin Mừng; lòng can trường của các tông đồ và sự lớn mạnh mau lẹ của cộng đoàn tín hữu: bài đọc 1). Tuy nhiên việc theo Chúa cũng có cái giá phải trả của nó, đó là sự bách hại mà kẻ tin phải luôn ý thức (Chúa báo trước cho Phêrô biết số phận của ông khi trao cho ông sứ mạng “chăn dắt đoàn chiên của Thầy”) và can đảm đương đầu cách chủ động, tự nguyện.

BÀI ĐỌC I: Cv 5,27B-32.40B.41

Nhờ ơn Chúa và niềm xác tín vào Đấng Phục Sinh, cộng đoàn tín hữu ngày càng đông số, sống đồng tâm nhất trí, được toàn dân mộ mến. Phần các tông đồ, các ông tiếp tục rao giảng, làm chứng về Đấng Phục Sinh, kèm theo các dấu lạ thu được nhiều thành quả tốt đẹp. Điều đó đã khiến cho các thủ lãnh Do Thái ganh tức… họ ra tay cấm cách, bách hại, ngăn cản công cuộc của các tông đồ (Cv 5,17-42).

Bài đọc 1 trích một phần từ đoạn trên, bỏ đi ý tưởng các thủ lãnh ra tay bắt và muốn giết các tông đồ và lời can thiệp biện hộ của Gamalien (Cv 5,17-26.33-39), chỉ giữ lại hai ý: lời rao giảng tiên khởi (Kerygma) của Phêrô về Đấng Phục Sinh và thái độ can trường của các tông đồ trước cơn thử thách.

1/ Thượng tế cật vấn gán cho các tông đồ hai tội (Cv 5,27b-28)

Vị thượng tế được nói ở đây là Hanna (x. Cv 4,6) mặc dù thượng tế đương nhiệm là Caipha.

*Tội 1: bất tuân lệnh cấm của Công Hội (c.28a): “chúng tôi Công Hội Do Thái đã nghiêm cấm các ông (các tông đồ) không được giảng dạy về danh ấy nữa (về Đức Giêsu phục sinh), thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông”.

Vào giai đoạn khai sinh Kitô giáo, các tông đồ và nhóm tín hữu nhỏ bé, tiên khởi vẫn coi mình như một nhánh của Do Thái giáo: các tông đồ vẫn lui tới Đền Thờ, giữ luật Sabat… (Cv 2,46; 13,14…); Chỉ có vài khác biệt mà lúc ban đầu chẳng có ai lưu tâm lắm: dự lễ bẻ bánh vào sáng ngày thứ nhất trong tuần và tuyên xưng Đức Giêsu phục sinh là Kurios (Cv 2,36b.46b…).

Nhưng rồi nhánh giáo phái bé tí ấy lại lớn nhanh như thổi và nhất là các nét dị biệt mà ban đầu tưởng là nhỏ, nay lại trở nên những dị biệt chính yếu, tạo nên một giáo lý mới.

Giáo lý mới” đó được Vị thượng tế gọi là “giáo lý của các ông”, tức là “giáo lý của các tông đồ”. Nội dung chính yếu của giáo lý này là lời Kerygma tiên khởi: Đức Giêsu, đấng bị đóng đinh thập giá, đã phục sinh, được Thiên Chúa tôn vinh làm thủ lãnh, làm Đấng Cứu Độ (5,31), làm Thẩm Phán kẻ sống lẫn kẻ chết (10,42b), các tông đồ là chứng nhân (5,32; 10,42a…); Rồi các phép lạ lớn lao kèm theo đã làm cho giáo lý ấy ngày càng củng cố, lan tràn mau chóng (2,44 – 3,26). Trong khi ấy Thượng Tế và bè Sađốc không tin có linh hồn, không tin có phục sinh; Giáo lý đó của họ có nguy cơ bị “giáo lý tông đồ” đè bẹp. Chính vì thế họ phải ngăm đe, dọa cấm các tông đồ giảng dạy về danh Đức Giêsu và “giáo lý của các tông đồ” (Cv 4,18; 5,28a), nhưng ngay tức khắc các tông đồ phản ứng trước sau như một: phải vâng nghe lời Thiên Chúa hơn nghe lời các ông (Cv 4,19-20; 5,29b).

*Tội 2: Quy cho dân Do Thái và các thủ lãnh tội giết Đức Giêsu (Lc 23,13-25; Cv 2,23; 3,13b-15.17; 4,10…). Tuy nhiên đó không phải là lời kết tội “quơ đũa cả nắm”, lên án mọi người Do Thái mọi thời, mà chỉ nhắm tới một số người có can hệ ít nhiều đến vụ án (Cv 2,14b) và với mục đích cảnh tỉnh giúp họ nhận ra sự thật, mời họ sám hối để được cứu độ (Cv 2,37-38; 3,17-19).

2/ Đáp trả của các tông đồ (Cv 5,29-32)

*Đáp lại, Phêrô và các tông đồ nói rằng… (c.29a).

Câu 5,29a không có nghĩa là các tông đồ cùng đồng thanh lên tiếng rập ràng như trong trường hợp Phêrô và Gioan ở Cv 4,19. Ở Cv 4,19, “trả lời” = “đáp lại” = apokrithêntês (NPM ao. ptc. pass) Còn ở 5,29a thì “đáp lại” = apokrithêis (NSM ao. ptc. pass), ở số ít. Bản văn cố ý làm nổi bật vai trò thủ lãnh của Phêrô, biểu lộ sự đồng tâm nhất trí của các tông đồ, lập trường không đổi thay: 5,29 là lập lại 4,19.

*Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm (c.29b)

Phêrô không phủ nhận uy quyền của Công Hội, nhưng đặt nó trong tương quan với Thiên Chúa. Đường lối, dự tính của Thiên Chúa là cội nguồn phúc lộc và ơn cứu độ vì thế mọi ý hướng con người, vốn là nhất thời, giới hạn, cần luôn được điều chỉnh lại sao cho phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa. Vì vậy việc “vâng lời Thiên Chúa” phải là ý tưởng chủ đạo, là lẽ sống của người tông đồ.

*Tận dụng việc bị hỏi cung để loan báo Kerygma cho Công Hội (c. 30-32)

Bị tố cáo, hỏi cung về tội không vâng lời Công Hộ và tội “đổ trên đầu Công Hội máu của người ấy” thì các tông đồ đã biến cuộc hỏi cung thành buổi rao giảng về lời Kerygma tiên khởi, với vài điểm nhấn có chủ ý: 

– “Đức Giêsu đã bị CÁC ÔNG…”: “các ông” chính là các thành viên của Công Hội đang hiện diện chất vấn các tông đồ. Phêrô quy hoàn toàn trách nhiệm việc giết Đức Giêsu cho Công Hội: chính họ “TREO” Đức Giêsu chứ không phải là lính Rôma treo.

– “Treo lên cây gỗ: Đức Giêsu chịu chết đóng đinh Thập Giá theo án phạt nhục hình của người Rôma (x. Ga 19,15; Cv 2,23; 4,10…) nhưng ở đây Phêrô nói là Người đã bị các ông “TREO LÊN CÂY GỖ” mà giết đi. “Treo lên cây gỗ” là cách nói của Đnl 21,22-23 ám chỉ đến một nhục hình của Do Thái chứ không phải của Rôma, áp dụng cho những kẻ bị xử tử mà phải chịu chúc dữ nữa. Qua chi tiết này, Phêrô muốn nhấn mạnh đến một sự thật đàng sau án Thập Giá của Rôma: chính các Thủ Lãnh Do Thái đã ép Philatô phải đóng đinh Đức Giêsu trong khi ông quan này muốn tha vì không tìm thấy Đức Giêsu phạm tội gì đáng chết, nhưng người Do Thái vẫn cứng lòng và tố Đức Giêsu một tội khác “chúng tôi có lề luật và CHIẾU THEO LỀ LUẬT thì nó phải chết” (Ga 19,7). Vậy tội chính yếu là do các Thượng Tế và các thuộc hạ (Ga 19,6), tội họ nặng hơn, Đức Giêsu cũng khẳng định như vậy (Ga 19,11b).

NHƯNG, Thiên Chúa của cha ông CHÚNG TA:

Mặc dù kết án Công Hội là thủ phạm chính giết Đức Giêsu, nhưng các tông đồ không hề có ý loại họ ra khỏi cộng đoàn dân mới của Chúa, cộng đoàn được Chúa hứa ơn cứu độ. Các tông đồ vẫn sẵn lòng đón nhận họ vào cộng đoàn cứu độ nên mới dùng cách xưng hô “Thiên Chúa của cha ông CHÚNG TA” mà nói với họ. 

Quá khứ họ là tội phạm và đã gây ra một hậu quả mà sức con người không sao bù đắp lại được: Đức Giêsu đã chết! Thế nhưng đối với Đức Giêsu mọi sự không đi vào bế tắc, bởi vì TRONG HIỆN TẠI, tình trạng của Đức Giêsu là: 

Thiên Chúa… đã làm cho Người trỗi dậy… ra tay uy quyền nâng Người lên

Như vậy những khốc hại do Công Hội, Lề Luật gây ra cho Đức Giêsu đã được Thiên Chúa đảm nhận hết. Thiên Chúa phục hồi sự sống cho Đức Giêsu và còn tôn vinh Người là thủ lãnh và Đấng Cứu Độ để đem lại cho Israel ơn SÁM HỐI và ơn tha tội. Vậy hiện tại là Đức Giêsu ĐANG SỐNG như là THỦ LÃNH, là ĐẤNG CỨU ĐỘ. Qua việc cho Đức Giêsu trỗi dậy, Thiên Chúa nói lên hai điều:

– Thiên Chúa đã tha thứ hết mọi lỗi lầm quá khứ của Công Hội và Chúa đang chờ đợi họ sám hối và mở lòng ra với ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng trong Đức Kitô.

– Cụ thể là Công Hội phải nhìn nhận rằng việc họ làm trong quá khứ: treo Đức Giêsu lên cây gỗ, và chuyện họ đang làm trong hiện tại: bắt bớ, cấm cách các tông đồ là sai là chống lại đường lối của Thiên Chúa.

Vậy với sự phục sinh của Đức Giêsu, Thiên Chúa đã đổi mới tất cả, tha thứ tất cả, hồi phục tất cả. Rõ ràng là Phêrô quy trách nhiệm cho Công Hội nhưng không kết án, mà còn mời họ hối cải, sẵn sàng đón nhận họ. Điều họ cần phải làm trong hiện tại là giã từ quá khứ sai lầm, tin nhận Đức Giêsu phục sinh và đón nhận sứ điệp do các tông đồ loan báo.

Chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần:

Những lời Phêrô công bố trước Công Hội được khẳng định bởi hai nhân chứng theo đúng tinh thần Luật Do Thái Đnl 17,7. Ở đây không phải là chứng của hai cá nhân nhưng là của chính Thánh Thần Thiên Chúa và của cả một tập thể đồng tâm nhất trí của những con người được Thiên Chúa tuyển chọn từ đầu để làm chứng nhân cho huyền nhiệm Giêsu (Cv 10,41).

Dung mạo, thế giá của hai chứng nhân đó đã được Thiên Chúa tỏ lộ ra cho toàn dân và được dân đón nhận vào dịp lễ Ngũ Tuần. Từ nay Thánh Thần và Giáo Hội luôn đồng hành để hoàn tất công trình mà Đức Giêsu đã khởi sự.

Vậy câu trả lời của Phêrô vừa là để biện minh cho Công Hội hiểu tại sao các tông đồ không tuân lệnh họ; đồng thời cũng là một lời rao giảng cho họ, kêu mời hoán cải tuân phục Thiên Chúa, đón nhận ơn tha thứ bằng cách tin vào Đấng Phục Sinh, vui mừng cùng các tín hữu và các tông đồ khi thấy cộng đoàn kẻ tin ngày càng đông số. Tiếc thay lần này chứng từ không được đối tượng đón nhận.

Họ định giết các tông đồ; May nhờ có sự sáng suốt của một người trong họ là Gamalien nên sự việc tồi tệ nhất đã không xảy ra (Cv 5,33-39). Đoạn này không đọc trong phụng vụ hôm nay.

3/ Kết quả chung cuộc (Cv 5,40-41)

– Phần Công Hội: họ không làm gì được để ngăn cấm các tông đồ loan báo Tin Mừng phục sinh. Họ chỉ vớt vát lại bằng một hình phạt hình sự: đánh đòn rồi cấm các tông đồ rao giảng Đấng Phục Sinh, không được nói đến danh Giêsu, rồi thả các ngài ra.

– Phần các tông đồ: hân hoan được chịu khổ nhục vì Danh Đức Giêsu. 

“Hân hoan” = Khairôntes, thường được dùng để diễn tả nỗi vui mừng vì đạt được một ước nguyện, một may mắn nào đó. “Bị đánh đòn” là một ô nhục, vậy mà các tông đồ lại thấy vui. Thật ra, vui không phải vì bị đòn mà vì chu toàn được sứ mạng làm chứng: không chỉ làm chứng cho đám đông dân chúng mà còn loan Tin Mừng phục sinh đến Thượng Tế và các thủ lãnh tối cao của Do Thái giáo.

Không gì cản trở được Tin Mừng kể cả gian truân, cấm cách, chết chóc. Trái lại những nghịch cảnh ấy lại là dịp để đem được Tin Mừng đến những nơi, những người mà theo suy luận bình thường thì không thể nào thực hiện được. Vấn đề là người tín hữu phải luôn ở tư thế sẵn sàng của một chứng nhân, để khi thời cơ đến là nắm bắt ngay để thực thi niềm vui loan báo Tin Mừng.

TIN MỪNG: Ga 21,1-19

Bài đọc Tin Mừng hôm nay là một trích đoạn từ Ga 21 là chương cuối cùng của sách Tin Mừng Gioan. Theo tình trạng hiện có của bản văn thì đây là lần hiện ra cuối cùng của Đức Giêsu cho nhóm môn đệ thân tín của Đức Giêsu (trong Tin Mừng Gioan, không có danh xưng “tông đồ” dành riêng cho ai cả, tất cả đều là “môn đệ”), nhưng không nhằm mục đích thuyết phục các ông tin rằng Người đã phục sinh, mà nhằm chọn và thiết đặt Phêrô làm người mục tử chăn dắt đoàn môn đệ của Chúa. Thật vậy:

Trong Tin Mừng Nhất Lãm, vai trò của Phêrô khá nổi bật so với các anh em khác: được Đức Giêsu đặt làm nền tòa nhà Giáo Hội (Mt 16,17-19); làm người gìn giữ, củng cố đức tin anh em (Lc 22,32b); Trong sinh hoạt thường ngày Phêrô luôn trổi trang hơn anh em, có sáng kiến, là người đại diện anh em nói lên ý kiến… Thế nhưng trong suốt 20 chương của toàn bộ sách Tin Mừng Gioan, vai trò Phêrô hoàn toàn bị lu mờ so với người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến. Đây là tình trạng ban đầu của Giáo Hội: mỗi tông đồ đi rao giảng một nơi, không hề tùy thuộc vào nhau và tạo nên những cộng đoàn tín hữu độc lập; Do đó tâm tình tôn sùng lãnh tụ của cộng đoàn dễ nảy sinh và nếu không khéo sẽ nảy sinh chia rẽ nội bộ Giáo Hội (x. 1Cr 1,12-13). Vì vậy trong cộng đoàn địa phương, nơi Tin Mừng thứ tư được đón nhận, vai trò của vị thủ lãnh cộng đoàn là người môn đệ Chúa yêu lấn lướt vai trò của Phêrô. Trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giêsu lúc sinh tiền không trao quyền thủ lãnh Giáo Hội toàn thể cho Phêrô. Chính trong tư cách là Đấng Phục Sinh, là Kurios = CHÚA mà Đức Giêsu phục sinh trao quyền.

Rồi về mặt văn chương, dễ dàng nhận ra Ga 21 không có cùng một tác giả với 20 chương đầu sách Gioan (x. Ga 21,24).

Vậy đây là một chương được truyền thống Gioan (“chúng tôi”) thêm vào sau nhằm mục đích hội nhập cộng đoàn địa phương của truyền thống Gioan vào trong trào lưu chung của toàn thể Giáo Hội phổ quát.

Giai đoạn mỗi cộng đoàn sống một cách độc lập theo đặc sủng của vị tông đồ sáng lập, đã qua rồi. Giờ đây phải hòa nhập vào cơ cấu chung của Nhiệm Thể để sống đặc sủng của cộng đoàn TRONG và HÒA NHẬP với ơn gọi phổ quát của toàn thể Giáo Hội.

1/ Khung cảnh của lần hiện ra (Ga 21,1-3)

Theo cấu trúc hiện tại của Tin Mừng Gioan, đây là lần hiện ra thứ 3 của Đấng Phục Sinh cho đoàn môn đệ với những nét độc đáo khác hai lần trước:

*Nơi chốn: tại bờ biển hồ Tibêria vào ban đêm.

Đối tượng: chỉ có 7 môn đệ đang ở chung với nhau gồm:

– Phêrô – Tôma – Nathanaen
– Các người con ông Dêbêđê: Giacôbê – Gioan (theo Nhất Lãm)
– Hai người khác nữa: Anrê (Ga 1,40) và Philipphê (Ga 1,43).

*Vai trò thủ lãnh của Phêrô được đề cao ở đây (21,3)

– Chính Simon – Phêrô khởi xướng việc đi đánh cá: “tôi đi đánh cá đây” và được các vị khác hưởng ứng: “chúng tôi cùng đi với anh” (c.3)

– Rồi mọi người ra đi, xuống “THUYỀN”: danh từ số ít, với mạo từ xác định. Cả đoàn môn đệ cùng đi trên một con thuyền để cùng làm một công việc lưới cá. Chắc chắn đây là con thuyền của Phêrô, người vừa khởi xướng việc đi đánh cá.

Các chi tiết trên khiến ta nghĩ ngay đến CON THUYỀN GIÁO HỘI với Phêrô là thủ lãnh đang thi hành sứ vụ ra khơi thả lưới.

– Nhưng đêm ấy họ không bắt được gì: cho dù ông đang ở thời điểm thuận lợi để đánh bắt cá, nhưng kết quả là chẳng có gì. Đó là một hình ảnh biểu tượng ấn tượng cho một Giáo Hội hành động đơn độc khi vắng bóng Đức Giêsu Kitô.

Chỉ với sức người, các môn đệ hoàn toàn thất bại trong việc ra khơi lưới cá. Chính trong bối cảnh ấy, Đấng Phục Sinh đến với họ (không trực tiếp hiện diện hữu hình trong con thuyền của họ) điều động từ xa, hướng dẫn cho công cuộc của họ sinh nhiều hoa trái; Rồi Người thiết lập cơ cấu đặt người làm thủ lãnh chuẩn bị cho việc “chài lưới người” của họ trong tương lai.

Vậy lần này Đấng Phục Sinh hiện đến không nhằm củng cố đức tin phục sinh mà là để chuẩn bị cho các môn đệ phương tiện để dấn thân hoàn thành sứ vụ “lưới cá người” trong tương lai của “con thuyền Phêrô”.

2/ Mẻ cá diệu kỳ (Ga 21,4-8)

Đấng Phục Sinh vẫn đang đồng hành sát cánh với đoàn môn đệ trên mọi nẻo đường của sứ mạng: “anh em hãy đi khắp thế gian… Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Và tình cảnh cụ thể giữa Thầy – Trò là: 

– Các môn đệ đang ở trong con thuyền của Phêrô, lênh đênh trên biển: “BIỂN” là biểu tượng hỗn mang nguyên thủy, chống lại uy quyền của Thiên Chúa, nơi giam hãm con người dưới ách quỷ ma…, là lãnh địa sự dữ (ĐN TH TK “Biển”)

– Chỉ một mình Đức Giêsu đứng trên ĐẤT: “ĐẤT” là biểu tượng của công trình sáng tạo: St 1 trình bày “sáng tạo” là công trình trị thủy, làm lộ ra đất liền làm nơi cho con người, thú vật, cỏ cây sinh sống và phát triển.

Tin Mừng hôm nay trình bày: chỉ một mình Đức Giêsu phục sinh đứng trên đất, (nghĩa là thoát khỏi sự khống chế của Sự Dữ, Thần Chết); Còn tất cả đều nằm trong lòng “Biển”. Chính Đấng Phục Sinh điều khiển các môn đệ thực thi mẻ cá diệu kỳ này: “con thuyền và lưới Giáo Hội” sẽ giải phóng tạo vật, con người khỏi sự khống chế của quyền lực Biển rồi đưa tất cả đến với Đấng Phục Sinh đang chờ dọn cho họ bữa ăn trên bờ, cho dù “cá” vẫn còn nằm trong Biển nhưng đã được “thuyền và lưới” bảo vệ đưa tới Đấng Phục Sinh.

*Giáo Hội và sứ vụ:

Con thuyền cùng với nhóm môn đệ quy tụ chung quanh Phêrô là biểu tượng của Giáo Hội hữu hình. Tự sức mình, Giáo Hội này không thể ra khơi thả lưới thành công kéo cá ra khởi lòng biển được; phải nhờ Đức Giêsu phục sinh, Đấng đã thoát khỏi vòng kiểm tỏa của biển nhờ phục sinh điều khiển thì mới mong đạt kết quả tốt. So với Lc 5,6-7, trong Gioan lưới không bị rách, cá không bỏ vào thuyền mà để luôn trong lưới dưới biển rồi kéo vào bờ. Phải chăng bản văn Luca nhấn mạnh hơn tới khía cạnh cơ chế, thành quả thấy được của sứ mạng Giáo Hội là việc thả lưới phải đưa tới kết quả đem cá vào thuyền trong đó có Đức Giêsu sau khi giảng dạy, đã đồng ra khơi với môn đệ đi đánh cá; Còn Gioan nhấn mạnh tới khía cạnh ngôn sứ và cánh chung của sứ mạng Giáo Hội: môn đệ kéo lưới lên không nổi, thuyền không thể chứa hết số cá lưới được; cá vẫn còn nằm trong biển nhưng đã được gom lại bởi chiếc lưới mà Đấng Phục Sinh đã chỉ đạo quăng xuống, để rồi thuyền sẽ kéo cả lưới lẫn cá, tất cả, đến cùng Đấng Phục Sinh để rồi tất cả cùng tham gia vào bữa ăn của Đấng Phục Sinh dọn ra.

Hai khía cạnh bổ sung nhau, tùy hoàn cảnh mà các môn đồ mọi thời sẽ có cách ứng xử thích hợp; hoặc rửa tội đưa người ta vào Giáo Hội hữu hình tại thế hoặc cứ kiên trì rao giảng tung lưới hồng ân nhờ quyền năng Đấng Phục Sinh hỗ trợ gom cá lại và thuyền sẽ kéo cả lưới lẫn cá đến với Người. Dù hoàn cảnh nào, vai trò của Giáo Hội luôn cần thiết.

3/ Bữa ăn do Đấng Phục Sinh thiết đãi: (Ga 5,9-14)

*Khi các môn đệ lên bờ thì bữa ăn đã được Đấng Phục Sinh dọn sẵn: đã có than hồng, cá, bánh (c.9). Tuy nhiên Chúa cũng muốn môn đệ góp phần bằng những gì họ vừa thu được nhờ vâng nghe theo lệnh truyền của Người từ xa, dù Người không có mặt trực tiếp trên thuyền (c.10)

Đức Giêsu trong vai trò chủ tiệc, Người mời môn đệ: “anh em hãy đến mà ăn” (c.12a); Đích thân Người cầm lấy bánh và cá trao cho các ông (c.13).

Với các chi tiết trên, ta có thể nghĩ rằng Tin mừng thứ tư muốn đề cập đến Bàn Tiệc Thánh Thể ở đây: phần chủ yếu là do Người dọn sẵn bởi công nghiệp Thập Giá và phục sinh của Người, nhưng không thể thiếu phần đóng góp của Nhiệm Thể từ sứ vụ được Chúa trao cho. Bữa ăn Thánh Thể là công trình của toàn Nhiệm Thể mà Đấng Phục Sinh là ĐẦU được Chúa Thánh Thần hoàn tất.

*Vai trò nổi bật của Phêrô: nghe lệnh của Đức Giêsu (c.10). PHÊRÔ lên thuyền kéo lưới vào bờ (c.11a). Câu 11a xét trong văn mạch gây nên hai thắc mắc: – Lưới cá còn đang ở dưới nước bên ngoài thuyền, Phêrô lại “lên thuyền” kéo lưới vào bờ, làm cách nào?

– So với câu 6b: bảy người xúm lại kéo còn không nổi, một mình Phêrô làm được gì?

Rõ ràng bản văn muốn làm nổi bật sự liên kết mật thiết giữa Phêrô và con thuyền: trong tư cách là chủ thuyền, ông đứng trên thuyền của mình, ông kéo lưới, NHƯNG ông không làm trong vị thế người CHỦ XƯỚNG công việc (c.3a) mà ông làm theo LỆNH Đức Giêsu phục sinh: chính Đấng Phục Sinh đang hành động trong ông; Mẻ cá này là quà tặng Đấng Phục Sinh ban cho ông và đoàn môn đệ vâng nghe Lời Người.

*Sứ vụ là phổ quát (c.11): số cá thu được trong lưới là 153 con cá lớn. Đi đánh cá biển trở về không ai quan tâm đến số lượng con cá lưới bắt được; Mẻ cá này lại toàn là cá lớn đúng 153 con. Có lẽ đây là con số mang ý nghĩa biểu tượng (x. Feu nouveau, “Paroles sur le chemin C” 1979)

– Theo Thánh Giêrôme, các nhà vạn vật học xưa cho rằng cá có 153 loại khác nhau.

– Rồi theo 2Sb 2,16, Đavit kiểm tra dân số thấy số dân ngoại cư ngụ ở Israel là 153.600 người.

Vậy câu 11 muốn nói lên rằng sự thành công và tính công giáo phổ quát của hoạt động thừa sai Giáo Hội là các dấu chỉ của sự hiện diện sinh động hiệu quả của Đấng Phục Sinh trong Giáo Hội. Như vậy lưới của các tông đồ sẽ quy tụ được mọi gia đình trong nhân loại vào một Giáo Hội duy nhất. Lưới dù nhỏ bé nhưng khi được tung ra theo lệnh Đấng Phục Sinh thì vẫn dư sức quy tụ nhân loại, đem tất cả đến cùng Đấng Phục Sinh.

4/ Trao sứ vụ mục tử tối cao cho Phêrô (Ga 21,15-19):

*Nền tảng của sứ vụ là lòng yêu mến Thầy trên hết được lập lại ba lần:

– Anh có yêu mến (thương mến) Thầy hơn các anh em này không?
– Lạy Chúa, chính Ngài, Ngài biết (mọi sự) rằng con thương mến Ngài 

Những từ để trong (…) là của riêng lần hỏi đáp thứ 3.

Ở đoạn này, trên “sân khấu” chỉ còn lại Đức Giêsu và Phêrô. Cuộc đối thoại xoay quanh vấn đề YÊU THẦY TRÊN HẾT và SỨ VỤ THẦY TRAO được lập lại ba lần (x. CGKPV 486 o).

Nếu Phêrô đã được đặt vào chỗ nhất, đó không phải vì công lao của ông. Ba lần Đức Giêsu hỏi rõ ràng là dư âm của ba lần ông chối Thầy. Ông đã từng thề là sẽ theo Người đến cùng dù mọi người có chối bỏ Người. Giờ đây Chúa thanh luyện lại tình yêu và lòng trung tín của ông với quyền năng Đấng Phục Sinh: “Anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”. Trong nước Chúa, tiêu chuẩn là tình yêu. Để hướng dẫn, chăm lo được đàn chiên Chúa, cần phải yêu Chúa trên hết mọi sự. Tuy nhiên qua ba câu hỏi này, chiều kích tương lại được nhấn mạnh hơn: Phêrô được chọn không phải vì trong quá khứ ông đã yêu nhiều. Các sự kiện quá khứ phủ nhận điều đó. Nhưng Đấng Phục Sinh đang hoán cải ông để từ nay ông thật sự yêu Thầy nhiều hơn những kẻ khác. Từng bước một Đấng Phục Sinh đã dẫn Phêrô đến chóp đỉnh của lòng mến.

*Trao ban sứ vụ mục tử: hãy chăm sóc chiên con của Thầy (lần 1), chiên của Thầy (lần 2 và 3).

Sứ vụ mục tử: Đây là sứ mạng quan trọng và khó khăn vì đó chính là sứ mạng của chính Thiên Chúa đối với dân Người: Thiên Chúa hứa đích thân Người sẽ chăm sóc đàn chiên (Hs 4,16; Gr 31,10; Is 40,11; Tv 80,1). Phải hy sinh mạng sống vì đàn chiên như Đức Giêsu là vị mục tử đích thật (x. Ga 10,11). Phêrô được mời gọi tiếp nhận sứ mạng đáng sợ này: vì nó mà bao mục tử trong Cựu Ước đã vấp ngã, phải trả lẽ trước Thiên Chúa (Gr 23,1-2; Ed 34). Chính Phêrô cũng từng có kinh nghiệm vấp ngã khi chối bỏ con đường phải đi của vị mục tử đích thực, nhân lành.

Đức Giêsu yêu cầu chăn dắt đoàn chiên của Người. Vậy quyền của Phêrô là quyền đại diện: đàn chiên không phải là của Phêrô, mà là CHIÊN CỦA CHÚA. Bởi vậy ông phải yêu Đức Giêsu trên hết để có thể trung thành triệt để với di chúc của Người là hy sinh cả mạng sống CỦA ÔNG để lo cho ĐÀN CHIÊN CỦA CHÚA. 

Đó mới là chủ đích của lần hiện ra thứ ba này.

*Con đường Phêrô phải đi để hoàn thành sứ mệnh

– Đường thập giá: Được Thầy yêu và yêu Thầy trên hết, Phêrô được cùng chung số phận với Thầy: cùng đi một đường, dùng một hình thức để “tôn vinh Thiên Chúa”, đó là Thập giá.

– Hãy theo Thầy: Lời này Đức Giêsu đã ngỏ với Phêrô hôm trước ngày chịu nạn và báo rằng Phêrô chưa thể theo được, nhưng về sau sẽ theo (x. Ga 13,36-38). Giữ đúng lời, giờ đây Đức Giêsu nhắc lại lời mời ấy sau khi đã tinh luyện tình yêu của Phêrô. Cụ thể để có cùng số phận như Thầy, trước mắt Phêrô hãy làm mục tử chăm sóc đoàn chiên Thầy như Thầy đã tin tưởng trao cho ông. “Hãy theo Thầy” là làm tròn bổn phận được trao ban trong hiện tại với tất cả lòng mến đối với Thầy.

TÓM: với lần hiện ra cuối cùng này, Đấng Phục Sinh đã đưa cộng đoàn Gioan hội nhập vào cơ cấu phổ quát hữu hình của Giáo Hội. Phêrô chính thức được Đấng Phục Sinh thiết đặt làm thủ lãnh Giáo Hội.

Điều mà Đức Giêsu khi còn sống trong xác phàm hữu hạn đã công bố trong Tin Mừng Nhất Lãm về vai trò thủ lãnh của Phêrô (Mt 16,18-19) thì nay trong Tin Mừng Gioan, Người công bố Phêrô là Mục Tử tối cao của đàn chiên của Người trong tư cách là Đấng Phục Sinh, là CHÚA và là Thiên Chúa của đoàn môn đệ.

Phêrô là thủ lãnh, nhưng ông không tự quyền mà phải luôn ý thức, tâm niệm thi hành sứ vụ trong tư cách là người được sai đi, được ủy nhiệm: “phần anh, hãy đi theo Thầy”.

Frère Pierre Đình Long FSC