Bài 1
Kh 7,9.14b-17; Ga 10,27-30
Chủ đề: Tương quan giữa chiên đối với Mục Tử
* Cv 13,44: ngày Sabat sau, gần như cả thành tụ họp nghe Lời Thiên Chúa
* Ga 10,27: Chiên của Tôi thì nghe tiếng tôi… và chúng theo Tôi.
Chúng ta bước vào Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh. Phần phụng vụ Lời Chúa, các bài đọc, nhất là Tin Mừng, không còn đề cập trực tiếp đến những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh nữa. Tin Mừng chuyển qua giai đoạn Đức Giêsu đang đi rao giảng công khai. Chúng ta tiếp tục chiêm ngắm con người Giêsu, trong xác phàm nhân, đang từng bước đi khắp nẻo đường Palestin để rao giảng Tin Mừng, công bố ơn cứu độ, mời gọi con người tin và đón nhận.
Cả ba năm A, B, C, Tin Mừng của Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh đều sử dụng Ga 10 để làm bài đọc trong phụng vụ. Chủ đề chính là mối tương quan hỗ tương giữa Đức Giêsu – các tín hữu – và Chúa Cha. Hình ảnh biểu tượng được sử dụng để mô tả mối tương quan đó là MỤC TỬ và ĐÀN CHIÊN. Cội nguồn và cùng đích của mối tương quan đó chính là Chúa Cha (Ga 10,15.18.29). Vì thế, Chúa Nhật IV, Mùa Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật “Chúa Chiên Lành” và Giáo Hội chọn ngày này để cầu nguyện đặc biệt cho các ơn thiên triệu làm linh mục và tu sĩ. Toàn thể dân Chúa một lòng một ý nài xin Chúa thương ban cho Giáo Hội nhiều chủ chăn tốt theo mẫu mực của NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH là Đức Giêsu.
Tin Mừng năm C làm nổi bật mối tương quan mật thiết hai chiều giữa CHIÊN và MỤC TỬ, đồng thời cũng cho thấy vai trò thiết yếu của Chúa Cha trong việc xây dựng và gìn giữ mối tương quan này. Tương quan chóp đỉnh mà Đức Giêsu muốn mặc khải cho đàn chiên của Người là đàn chiên phải nhận ra Đức Giêsu và Cha Người là MỘT (Ga 10,30), và tin tưởng trao phó tất cả vận mạng mình cho Cha (10,29).
Tin Mừng hôm nay là trích đoạn cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người Do Thái vào dịp lễ Cung Hiến Đền Thờ (10,22). Đây là một ngày lễ tràn đầy niềm vui cử hành suốt tám ngày mừng biến cố lịch sử nhà Macabê giải phóng Đền Thờ khỏi tay dân ngoại, thánh hiến lại Nơi Thánh, xây lại bàn thờ mới rồi dâng của lễ cho ĐỨC CHÚA trên đó (x. 1Mcb 4,36-59; 2Mcb 1,9.11; 10,1-8). Đây có thể nói là lễ mừng Do Thái giáo hồi sinh sau cơn bách hại của Antioko IV Epiphane.
Chính trong khung cảnh đó, người Do Thái đã vây quanh Đức Giêsu tại hành lang Salomon và xin Người nói rõ ra Người có phải là Đấng Mêsia hay không (10,24). Đức Giêsu trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin… vì các ông không thuộc về đàn chiên của tôi” (10,25-26). Đức Giêsu đã nói lên một sự thật đau lòng và Tin Mừng hôm nay như là một lời mời gọi họ rằng: muốn tin được mặc khải của Người họ phải có thái độ của con chiên đối với chủ. Mặc dù họ cứng tin, Đức Giêsu vẫn kiên nhẫn tỏ mình ra cho họ một lần nữa. Đức Giêsu khẳng định: Người chính là Mục Tử, là Chủ chăn tốt lành; Các môn đệ và những ai tin vào Người là đàn chiên của Người. Tương quan giữa CHIÊN đối với CHỦ là QUEN TIẾNG, là NGHE và dễ dàng ĐI THEO Chủ trong tâm tình phó thác vì chiên tin Chủ, biết tình yêu của Chủ đối với mình. Và chiên đã không lầm! vì Chủ biết rõ từng con chiên với mọi nhu cầu của chiên và đủ quyền năng và cách thức để bảo vệ chiên an toàn trong tay Chủ. Không ai cướp chiên khỏi tay Chủ được! Mà người chủ, Mục Tử này là là Con của Chúa Cha, nên chiên theo Người sẽ không bị diệt vong, sẽ có sự sống đời đời.
Từ mối tương quan mật thiết giữa chiên và Mục Tử, Đức Giêsu hé mở một chút mặc khải về Thiên Chúa: Thiên Chúa là CHA của Người. CHA là Đấng Toàn Năng vượt trên tất cả. Chính CHA đã ban chiên cho Người và chính Cha gìn giữ đàn chiên trong vòng tay yêu thương của CHA. Và Tin Mừng hôm nay kết thúc với lời mặc khải chóp đỉnh “Tôi và Chúa Cha là MỘT”. Người Do Thái yêu cầu Đức Giêsu mặc khải rõ căn tính của Người; Đức Giêsu đã không từ chối. Người chẳng những là Đấng Mêsia mà còn là Thiên Chúa. Trong tương quan với đàn chiên, điều đó đã được nói trước trong Ed 34,11 (chính Chúa thân hành chăn dắt đàn chiên) và Ed 34,23 (Chúa sẽ ban cho một mục tử tốt chăm lo đàn chiên Chúa). Sấm ngôn ứng nghiệm nơi Đức Giêsu vừa là Mục Tử Mêsia vừa là Thiên Chúa. Chính trong tư cách là “CON”, nên một với CHA mà Đức Giêsu chu toàn vai trò Mục Tử tốt, bảo vệ và mang lại sự sống đời đời cho Chiên. Chỉ khi thuộc về đàn chiên của Người thì mới có thể đón nhận được mặc khải tối hậu đó.
Những gì Đức Giêsu vừa mặc khải trong Tin Mừng giờ được lập lại nơi Phaolô và Barnaba trong bài đọc 1 qua cuộc truyền giáo tại Antiokia xứ Pisidia: Hai ông được Thánh Thần tuyển chọn và được cộng đoàn sai đi (Cv 12,2-3). Hai ông trở thành mục tử đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân đang khao khát chân lý (Cv 13,42-44). Và dân ngoại đã vui mừng đón nhận trở thành CHIÊN NGOAN của Chúa, biết LẮNG NGHE và TIN THEO lời các mục tử tông đồ. Tiếc thay dân Do Thái ở đó lại ganh tỵ khước từ. Trước thực tại đau lòng ấy, theo gương Đức Giêsu, Phaolô phải nói lên sự thật: lẽ ra họ được ưu tiên đón nhận Tin Mừng nhưng vì họ cứng lòng nên Phaolô và Barnaba mới quay về với dân ngoại. Chính khi trung thành với sứ mạng dù bao khó khăn như thế, Phaolô ý thức rằng mình và Banaba đang đảm nhận vai trò Mêsia – Mục Tử như Đức Giêsu, đã được Is 49,6 báo trước. Mỗi kitô hữu hãy là chiên ngoan của Chúa; là mục tử tốt cho những ai Chúa gởi tới cho mình; Để cuối cùng tất cả được nên Con của Cha, nên một với Cha trong Đức Giêsu Kitô.
Bài 2
– Tôi biết chiên của tôi; chúng nghe tiếng tôi và theo tôi (c.27)
– Cha tôi đã ban chiên cho tôi (c.29)
– Tôi và Chúa Cha là một (c.30)
Năm phụng vụ bước vào Chúa Nhật IV C Mùa Phục Sinh. Mặc dù Mùa Phục Sinh chỉ mới trôi qua nửa chặng đường, các bài đọc phụng vụ không còn trực tiếp nói đến biến cố phục sinh nữa. Các bài đọc Tin Mừng quay về lại với các hoạt động công khai của Đức Giêsu. Tuy nhiên chủ đề các bài đọc vẫn là HOA TRÁI của mầu nhiệm phục sinh trong đời sống cộng đoàn và trong tương quan với Thiên Chúa. Nét nổi bật của năm C là HIỆP NHẤT.
– Tin Mừng Chúa Nhật IV C: mối dây hiệp nhất liên kết chặt chẽ giữa Cha – Con – chiên là yếu tố mạc khải dung mạo, căn tính Đức Giêsu.
– Chúa Nhật V C: luật yêu như Thầy liên kết các tín hữu lại với nhau là dấu chỉ mặc khải Thiên Chúa cho thế giới.
– Chúa Nhật VI C: môn đệ nên một với Đức Giêsu và với Cha nhờ lòng mến cụ thể là tuân giữ giới răn. Đó là công trình của Thánh Thần.
Tin Mừng của Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh cả ba năm ABC đều đề cập đến chủ đề mối tương quan mật thiết giữa Cha – Đức Giêsu – môn đệ ngang qua một hình ảnh quen thuộc của người do thái là Chiên và Mục Tử. Tất cả đều trích từ Ga 10 và được chia làm ba tiểu đoạn cho ba năm:
– Năm A: Ga 10,1-10 cũng nói tới tương quan mật thiết giữa chiên và mục tử. Điểm nhấn của năm A là tiêu chuẩn, yếu tố nào giúp chiên phân biệt đâu là “kẻ chăn thuê”, “kẻ trộm” với “mục tử thật”. Yếu tố đó chính là “cửa để chiên ra vào”. Đức Giêsu chính là “cửa” đó.
– Năm B: Ga 10,11-18 điểm nhấn năm B là tương quan Mục Tử – Đàn chiên. Đức Giêsu chính là Mục Tử. Năm B cho thấy vài nét đặc thù của người mục tử chân chính: – hy sinh tính mạng vì đàn chiên; – giữa mục tử và chiên có sự hiểu biết nhau mật thiết.
– Năm C: Ga 10,27-30, mối tương quan “biết” không chỉ dừng lại nơi tương quan mục tử – chiên mà còn đưa tất cả đến với Cha tạo nên sự hiệp nhất bền vững Cha – Con – Chiên. Qua đó nhận ra rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa, là MỘT với Cha.
Vì cả ba năm đều nói đến tương quan mục tử – chiên nên Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật “Chúa chiên lành”. Và Giáo Hội dùng Chúa Nhật này cầu nguyện đặc biệt cho ơn gọi linh mục, tu sĩ: xin Chúa ban cho Giáo Hội nhiều chủ chăn tốt lành theo mẫu mực người mục tử nhân lành là Đức Giêsu.
Lời Chúa hôm nay cho ta thấy tương quan hỗ tương giữa “Chủ Chăn – Chiên”; “Chiên – Chủ Chăn”: đôi bên thuộc về nhau; Đồng thời cũng cho thấy Đấng bảo vệ gìn giức đức tin của đàn chiên, và duy trì mối liên hệ “chiên – mục tử” tốt đẹp là Thiên Chúa Cha.
Trong Tin Mừng, Đức Giêsu là Chủ Chăn; Mối tương quan “chiên – Chủ chăn” được đề cao ở đây là “nghe tiếng” và “theo”. Đáp lại, Chủ chăn phải biết chiên, bảo vệ chiên và ban cho chiên sự sống đời đời. Tin Mừng còn mở rộng tương quan hai chiều “chiên – Chủ chăn” lên tận cội nguồn là Thiên Chúa Cha:
– Chiên là quà tặng của Cha cho Đức Giêsu
– Cha bảo vệ chiên và
– Đức Giêsu và Cha là một
Còn sách Công Vụ hôm nay kể lại sứ vụ của Phaolô và Barnaba tại Antiokia xứ Pisidia. Trước Tin Mừng do hai vị mang tới, người Do Thái thì chống đối; Còn dân ngoại thì tin theo. Trong bài đọc 1 này, vai trò “chủ chăn” là các tông đồ. Các ngài đem sức sống, Lời Chúa, ơn cứu độ đã nhận từ Thiên Chúa, từ Đức Giêsu đến cho dân ngoại. “Con chiên” là đám dân ngoại, đã NGHE, THEO và TIN các tông đồ. Chính Thiên Chúa đã ưu ái muốn cho dân ngoại cũng được cứu độ (c.48) nhờ trung gian các tông đồ (c.47). Hoa trái các mối tương quan tốt đẹp đó chính là hoan lạc và Thánh Thần được ban cho chiên.
BÀI ĐỌC I: Cv 13,14.43-52
Sách Công vụ gồm hai phần chính, xoay quanh hai dung mạo Phêrô và Phaolô:
*Phần I (Cv 1,1 – 12,25): mô tả các sinh hoạt của dân Chúa trong phạm vi đất hứa và vùng lân cận đến Antiokia xứ Syria. Trong phần này khuôn mặt nổi bật là PHÊRÔ. Tin Mừng thì chỉ mới được loan báo cho Israel, trừ trường hợp quan bách quản Rôma là Cornêliô và gia đình ông ta, người dân ngoại đầu tiên được vị thủ lãnh tông đồ nhận vào Giáo Hội mà không phải thông qua Hội Đường, khỏi chịu cắt bì.
*Phần II (Cv 13,1 – 28,31): Tin Mừng vượt biên giới Do Thái giáo, loan truyền ra cho dân ngoại cho đến tận cùng trái đất. Nhân vật nổi bật là Phaolô: với ba cuộc hành trình truyền giáo, Phaolô đã tung gieo hạt giống Tin Mừng đến khắp cả đế quốc Rôma. Cuộc đột phá này đã mở cánh cổng ơn cứu độ ra cho mọi người, nhiều dân ngoại đã tin theo Đức Giêsu; Trái lại một số người Do Thái lại tỵ nạnh chống đối tạo nên không biết bao nhiêu sóng gió cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội. Tuy nhiên với sức sống của hạt mầm phục sinh, hạt giống Tin Mừng vẫn sinh nhiều hoa trái.
Bài đọc 1 hôm nay là một trích đoạn trong cuộc hành trình truyền giáo lần 1 của Phaolô trên đất dân ngoại. Ông và người bạn đồng hành là Barnaba đến thành Antiokia xứ Pisidia, vào dự một buổi phụng vụ hội đường của một cộng đoàn Do Thái giáo ở đó và sự việc đã xảy ra.
1/ Khung cảnh và nguyên nhân của biến cố (Cv 13,14 và 43)
*Nơi chốn và thời điểm: tại thành Antiokia xứ Pisidia, vào một ngày Sabat (13,14). Phaolô và Barnaba vào hội đường Do Thái dự phụng vụ ngày Sabat, và Phaolô có giảng một bài về Đức Giêsu phục sinh (13,15-42: phần này không trích đọc trong phụng vụ bài 1).
Kết quả bài giảng của Phaolô: có nhiều người Do Thái và đạo theo đi theo Phaolô và Barnaba; Hai ông khuyên họ gắn bó cùng Thiên Chúa (13,43).
*Phụng tự hội đường: là hoa trái của những nỗ lực thích nghi sống đạo của người Do Thái lưu đày tại Babylon: không còn Đền Thờ, không còn phụng tự, lễ tế… Để sống đạo trong hoàn cảnh mới, người ta tụ họp vào một nơi nào đó vào ngày Sabat để thờ phượng Yavê, chủ yếu là để lắng nghe Lời Chúa và chia sẻ ứng dụng vào hoàn cảnh cụ thể hiện tại.
Đến thời Tân Ước, hội đường là nơi hội họp của người Do Thái ở Palestin, cũng như những nơi có dân Do Thái cư ngụ. Ngày Sabat người ta đọc Sách Luật, Các Sách Ngôn Sứ và tiếp theo là một bài giảng giải. Người Do Thái trưởng thành nào cũng có quyền được lên tiếng ở đó, Tuy nhiên thông thường thì những người coi sóc hội đường hay giao cho những ai thông thạo Kinh Thánh làm công việc này (CGKPV “Tân Ước” 269 “v”).
Lần này, được mời, Phaolô đứng lên nói (13,15-16). Bài nói lôi cuốn và người ta mời hai ông đến chia sẻ tiếp vào tuần sau (13,42).
*Người đạo theo = tôn sêbomênôn proselutôn.
Là một từ ghép. Tách riêng hai từ ra thì mỗi từ ám chỉ một hạng người khác nhau:
– Proselutôn: ám chỉ người dân ngoại đã gia nhập Do Thái giáo trọn vẹn, nghĩa là đã chịu phép cắt bì và giữ luật Môsê (Cv 2,10; 6,5; Mt 23,15)
– Sêbomênôn: là những người chỉ mới chấp nhận những giáo huấn của Do Thái giáo nhưng chưa chịu gia nhập, nghĩa là chưa cắt bì.
Ở đây hai từ ghép chung lại với nhau, có thể xem từ đi trước là từ ám chỉ một phẩm tính của từ đi sau. Vậy từ kép này ám chỉ những người đã muốn gia nhập Do Thái giáo nhưng chưa chịu cắt bì. Những số người này và nhiều người Do Thái đã “đi theo” nghĩa là tin vào lời Phaolô và Barnaba. Như vậy là đã có nhiều người trong hội đường muốn hoán cải và tin theo Đức Giêsu. Bị “mất mối” ngay tại “sân nhà” nên nhóm Do Thái phiệt mới đổi thái độ chống lại Phaolô và Barnaba.
2/ Bất ngờ phát sinh: người Do Thái chống đối (Cv 13,44-45)
Theo đúng lời hẹn, một tuần sau, vào ngày Sabat, Phaolô và Barnaba lại đến hội đường. Bầu khí mở đầu có vẻ thuận lợi:
*Gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa (13,44):
Trong thực tế, khó lòng chỉ trong một bài giảng chỉ nhắm vào những người trong một hội đường Do Thái mà tiếng vang của nó lại lôi cuốn CẢ THÀNH dân ngoại chỉ trong một tuần: chắc là cách nói muốn ám chỉ đến những “người đạo theo” trong cả thành được những người đã nghe Phaolô tuần trước rủ đi nghe. Hoặc có thể câu này tóm lại kết quả của cả thời gian Phaolô giảng tại Antiôkia, được Luca đúc kết trước khi Phaolô ra đi.
Về mặt thần học, có thể so sánh kết quả này với thành công của Phêrô qua bài giảng đầu tiên vào ngày lễ Ngũ Tuần tại Giêrusalem: ba ngàn người chịu phép rửa. Điều này cho thấy Thánh Thần hoạt động cách hiệu quả và bình đẳng nơi cộng đoàn Do Thái cũng như nơi các dân ngoại.
*Ghen tức đưa tới chống đối:
Có thể nói “ghen tức” là tội đầu tiên được Kinh Thánh trực tiếp đề cập đến: Satan ghen tức với hạnh phúc của con người trong Eden nên đã cám dỗ con người bất tuân lệnh Chúa. Tội ấy do Qủy mà ra và là căn nguyên mọi tai họa cho nhân loại (St 3; Kn 2,24; G 1-2). Theo các hiền nhân “ghen tức” giống như bệnh mục xương (Cn 14,30) hủy hoại tâm hồn con người. Nó đột nhập vào và làm biến chất các mối tương quan thân tình nhất của nhân loại: anh em (St 4,5-11;37,11); gia đình (St 30,1; Cn 6,34; Ds 5), các dân tộc (St 26,14; Is 11,13) … dẫn tới hận thù, làm hại nhau. Nó luôn rình rập để vồ bắt con người (Cn 23,17; Tv 37,1; 73,2-3), cần luôn tỉnh táo để chế ngự nó (St 4,7c). Ngay trong việc nhiệt thành rao giảng Lời Chúa, ganh tức cũng thâm nhập vào (Pl 1,15). Căn nguyên của lòng ganh tức là vì ham muốn mà không được thỏa mãn (Gc 4,2); Người ganh tức cho rằng mình bị mất quyền lợi, bị thiệt thòi… không nhận ra được ý nghĩa của biến cố trong chương trình của Thiên Chúa, trong cuộc đời mình.
Trong bản văn đang khảo sát, văn mạch cho thấy không phải tất cả mọi người Do Thái đều ganh tức với hai tông đồ (Cv 14,1). Đây chỉ là phản ứng của nhóm Do Thái phiệt, vì họ “mất mối” ngay tại lãnh địa của mình (số tín hữu dân ngoại sắp cắt bì gia nhập Do Thái giáo đã bỏ họ mà theo Đức Giêsu); Và cũng do tính cách muốn dành riêng Thiên Chúa, dành độc quyền ơn cứu độ cho mình giống như phản ứng của dân thành Nadaret, Capharnaum và của tông đồ Gioan. Họ không muốn dân ngoại được bình đẳng với họ trong ơn cứu độ.
3/ Công bố dự tính cứu độ của Thiên Chúa (Cv 13,46-47):
Đứng trước sự cứng lòng của nhóm Do Thái phiệt. Phaolô và Barnaba đã can đảm nói thẳng cho họ biết dự tính của Thiên Chúa về ơn cứu độ và đường lối hoạt động được các tông đồ chọn lựa:
– Trong dự tính của Thiên Chúa, dân Do Thái được ưu tiên nghe Lời Chúa (c.46b)
– Nhưng họ đã khước từ Lời đó, tự coi mình là không xứng đáng (c.46c)
– Nên Phaolô và Barnaba mới chuyển hướng quay về phía dân ngoại (c,46d). Vì việc loan báo Tin Mừng cho dân ngoại là ý định từ muôn đời của Thiên Chúa đã được bày tỏ qua lời Is 49,6:
“Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất”: ở đây Phaolô đã áp dụng Lời Chúa phán về sứ mạng Người Tôi Trung vào sứ vụ bản thân mình và Barnaba đang thực hiện. Chi tiết trên hàm ý rằng lời giảng dạy của các tông đồ, giáo lý tông truyền chính thống có giá trị như là chính lời của Chúa (x. Gl 1,6-9; Cv 15,28a).
4/ Các phản ứng trước sứ điệp của Phaolô và Barnaba (13,48-52)
*Đối với dân ngoại: họ vui mừng tôn vinh Lời Chúa (c.48a); họ tin theo và trở thành môn đệ (c.48b); kết quả là Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.
“Vui mừng” của dân ngoại là niềm vui được đón nhận Tin Mừng cứu độ do Đấng Mêsia mang tới trong thời cuối cùng (x. Lc 1,24.28.44.47; 2,10…) Dân ngoại vui mừng vì biết rằng từ đây họ cũng được hưởng trọn vẹn ơn cứu độ của Thiên Chúa. Và trước hồng ân lớn lao như thế, thái độ đáp trả phải có chỉ có thể là tôn vinh Thiên Chúa (x. Lc 2,20.28; 5,25-26; Cv 3,8.9…). Nhưng ở đây Luca ghi đối tượng của thái độ tôn vinh là LỜI CHÚA, tức là lời các tông đồ giảng dạy. Điều đó hàm ý rằng Tin Mừng các tông đồ rao giảng chính là Lời Chúa, có sức mang lại ơn cứu độ cho muôn loài.
Đó là dự tính từ muôn đời của Thiên Chúa.
*Đối với người Do Thái (câu 45.50)
Trước thành công của các tông đồ, người Do Thái ganh tị, chống đối (c.45)
Họ sách động, lôi cuốn những người có uy tín trong dân ngoại mà đã gia nhập Do Thái giáo, ngược đãi Phaolô và Barnaba (c.50a), trục xuất hai ông khỏi lãnh thổ của họ.
*Kết quả chung cuộc:
– Các tông đồ vẫn bình tĩnh tiếp tục thực thi lời Chúa: Mt 10,14 “Giũ bụi chân” không phải vì giận hờn, loại trừ mà là nói lên thái độ không dính bén, không để những tiêu cực làm bận vướng, cản trở bước chân loan báo Tin Mừng, người gieo giống vẫn tín thác vãi gieo Lời dù đất còn nhiều gai, sỏi, đá…
– Phần những kẻ đã tin thì đầy hoan lạc và Thánh Thần:
“Hoan lạc” và “Thánh Thần” là những ân huệ của Đấng Phục Sinh ban cho đoàn môn đệ khi hiện ra cho họ. Giờ đây ngang qua trung gian các tông đồ, các ân huệ ấy được tuôn tràn cho tất cả những ai tin nhận lời rao giảng của các ông. “Hoan lạc” và “Thánh Thần” như là gia nghiệp của kẻ tin và kẻ tin có thể truyền lại cho những ai tự nguyện tháp nhập vào niềm tin của mình.
Tóm: bài đọc 1 hôm nay là một minh họa sống động cho chủ đề “Mục Tử – Chiên” của Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh. Vai trò mục tử của Đức Giêsu bây giờ chuyển giao qua cho các tông đồ, cho những người kế vị… Đàn chiên không còn hạn hẹp trong dân Israel mà mở ra cho toàn thế giới. Yếu tố để trở thành dân Chúa không là huyết tộc nữa mà là tin nhận Tin Mừng do Đức Giêsu mang đến và đang được tiếp tục loan truyền bởi các tông đồ và chứng nhân tông truyền.
Chính sự đáp trả của từng người trước lời loan báo Tin Mừng sẽ quyết định vận mạng của mỗi người. Trong dự tính của Thiên Chúa, Tin Mừng phải được loan báo cho mọi người, nhưng phần phúc lộc, mỗi người sẽ quyết định vận mạng của mình biểu lộ qua việc chọn lựa LẮNG NGHE và tin lời Chủ Chăn.
TIN MỪNG: Ga 10,27-30
Bài đọc Tin Mừng của Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh đều hướng về chủ đề “Mục Tử – Chiên”. Năm A đọc Ga 10,1-10 nhấn mạnh khía cạnh Đức Giêsu là CỬA cho chiên ra vào; Năm B, Ga 10,11-18, Đức Giêsu là MỤC TỬ NHÂN LÀNH; Năm C: Ga 10,27-30 đưa chúng ta đến tận cội nguồn của tương quan “Mục Tử – Chiên” là Chúa Cha. Mối tương quan hỗ tương giữa Cha – Con – Chiên được hé lộ, từ đó nhận ra được dung mạo thần linh của Đức Giêsu: “Tôi và Chúa Cha là MỘT”.
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay là lời đáp của Đức Giêsu trước một vấn nạn đã gây chia rẽ nhiều giữa các người Do Thái với nhau: căn tính thiên sai của Người!
Những người tiếp xúc với Đức Giêsu nhận ra nơi Người có một cái gì đó vượt trổi mà con người không sao biện phân, nhận diện rõ được:
– Người rất bình dân, thân thiện nhưng những lời dạy dỗ của Người mang đậm nét khôn ngoan vượt trí con người, không ai chối bỏ được.
– Những việc Người làm rõ ràng mang dấu ấn thần linh mà ngay những kẻ chống đối cũng phải nhìn nhận.
– Thế nhưng Người cũng có những Lời, những hành động vượt mọi quy tắc. Người vẫn tôn trọng Luật Lệ; Nhưng cung cách ứng xử của Người là như một “Người Con”, “Người Chủ” sử dụng tài sản của Cha mình, chứ không như một tôi tớ, một người làm thuê phải ép mình vào kỷ luật.
Lối sống, nhân cách của Người không ngừng chất vấn họ và cũng không ngừng lôi cuốn họ. Họ thắc mắc, tranh luận: Người thực sự là ai?
Và cho đến hôm nay, vào dịp lễ Cung Hiến, họ gặp được Người tại hành lang Salomon của Đền Thờ, người Do Thái liền vây quanh Đức Giêsu và thưa thẳng với Người: “Ông còn để lòng trí chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đức Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết” (Ga 10,24).
Sau khi nói thẳng cho người Do Thái biết nguyên do họ không nhận ra được căn tính của Người dù đã được mặc khải nhiều lần: họ không thuộc về đàn chiên của Người (c.26), thì một lần nữa Đức Giêsu lại kiên trì nói rõ cho họ Người là ai ngang qua mối tương quan Cha – Con – Chiên.
1/ Mối liên hệ hỗ tương giữa mục tử và chiên (27.28)
*Phần của chiên: “nghe tiếng” và “đi theo” mục tử (27)
*Phần mục tử: “biết” và “ban cho chiên sự sống đời đời” (27b.28a)
*Hoa trái: sự vĩnh tồn của đàn chiên trong vòng tay yêu thương của mục tử:
– Không bao giờ chúng phải diệt vong (28b)
– Không ai cướp chúng được khỏi tay tôi (28c)
Đức Giêsu dùng hình ảnh quen thuộc đối vời người do thái để mặc khải cho họ tương quan giữa Người (Tôi) với các tín hữu (chiên tôi). Cách nói thân tình “Tôi” và “chiên tôi” cho thấy cả hai thuộc về nhau và số phận liên đới với nhau.
Nghe: ở đây, không chỉ là sự cảm nhận âm thanh bằng lỗ tai, nhưng là tin tưởng đón nhận nhau bằng cả con tim. “Nghe” không để thỏa mãn một nhu cầu về trí tuệ, tò mò hoặc tệ hơn nữa là để rình mò, chỉ trích (x. Mt 22,15…) nhưng là để đi vào sự hiệp thông với người nói, để tin, để đi theo, để làm môn đệ.
Điểm chính yếu để phân biệt người Do Thái và “chiên” khi đến với Đức Giêsu là “nghe” và “theo”. Người Do Thái đến với Đức Giêsu là để tranh luận hơn thua, bắt bẻ, ép Đức Giêsu làm theo ý họ: tôn vương, thử, tìm hại, đòi dấu lạ… Trái lại, đối với “chiên”, để tin, theo Đức Giêsu, “chiên” không đòi gì cả, họ chỉ đến chỉ vì đã QUEN tiếng của Người, nên chỉ cần “nghe” Người lên tiếng là họ đến và đi theo.
Vậy “nghe” là một thái độ cốt yếu trong tương quan giữa hai hữu thể nhân linh. Biết lắng nghe, đó là dấu chỉ của tình yêu đích thực.
Biết: Trong Kinh Thánh, “Biết” biểu lộ sự hiệp thông trọn vẹn giữa hai đối tượng đến độ nên một với nhau: ví dụ cái biết của vợ chồng, cái biết đưa tới sự sống mới (St 4,1) và chóp đỉnh, mẫu mực là cái “biết” giữa Cha – Con (x. Lc 10,22; Ga 7,29; 10,15.30…).
Cách nói Thiên Chúa “biết” ai có nghĩa là Thiên Chúa chọn người ấy, chăm sóc, đảm nhận vận mạng của người ấy như của chính Người (x. St 18,19; Am 3,2). Như vậy khi nói “tôi biết chiên tôi”, Đức Giêsu hàm ý rằng Người làm lại công việc của chính Thiên Chúa đã làm với Israel. Điều này gợi lại Ed 34,11: Tin Mừng thứ tư đã kín đáo báo trước Đức Giêsu là Thiên Chúa chuẩn bị cho lời tuyên bố rõ ràng ở c.30. Và vì là Thiên Chúa, Người có thể thông ban cái “biết” của Người cho đàn chiên mình. Nhờ vậy chiên mới đủ năng lực mà “nghe”, “theo” Người và hưởng được mọi phúc lộc Người muốn tặng ban. Đức Giêsu dùng các điển tích Cựu Ước như thế là muốn thức tỉnh người Do Thái trong hy vọng họ sẽ hoán cải mở lòng đón nhận mặc khải của Người. Tất cả đều là yêu. Yêu mọi người.
“Sự sống đời đời”: Chính là BIẾT Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật và BIẾT Đấng Cha đã sai đến là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 17,3). Chiên có được cái BIẾT ấy là nhờ Đức Giêsu thông chia cái “tôi biết” của Người. Vậy “tôi biết chiên” và “tôi ban sự sống đời đời cho chiên” là hai cách diễn tả của cùng một thực tại: tình yêu sung mãn của Đức Giêsu đối với đàn chiên.
Hoa trái: Một khi chiên đã “nghe” và “theo” Đức Giêsu mà đi vào được trong tương quan “biết” do được Đức Giêsu thông ban thì chúng không còn sợ bất kỳ mãnh lực nào nữa, không bao giờ chúng sẽ diệt vong. Vậy tương quan giữa Đức Giêsu và chiên, ở đây, là tương quan “BIẾT hỗ tương”. Cái biết ấy bắt nguồn từ Đức Giêsu, được ban cho chiên và nhờ đó, chiên có được sự sống đời đời.
2/ Biểu lộ thần tính qua mặc khải mối liên hệ “Cha – Đức Giêsu – Chiên” (29-30)
*Mặc khải căn tính thần linh qua:
– Cách xưng hô với Thiên Chúa: “Cha tôi” (29a)
– Việc đồng hóa nên một với Thiên Chúa: “Tôi và Cha, chúng tôi là một” (30)
*Mặc khải cội nguồn thần linh của sứ mạng đối với chiên: chiên là quà tặng của Cha: Cha là “Đấng đã ban chúng (chiên) cho tôi” (29a)
*Mặc khải quyền năng vô song của Thiên Chúa: Cha tôi… “thì lớn hơn tất cả” (29b)
Và tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đối với chiên: “không ai cướp được chúng khỏi tay Cha” (29c)
“Cha tôi”: lối xưng hô này kết hợp với lời xác quyết ở c.30 đã khiến người do thái nhận ra được ý của Đức Giêsu muốn mặc khải Người là Thiên Chúa nên họ quyết định ném đá Người (10,33).
Cội nguồn thần linh của sứ mạng: chiên trước tiên là của Cha. Cha trao chiên cho Đức Giêsu chăm sóc. Vì yêu Cha đến độ nên một với Cha (10,30), tất cả mọi sự của Cha (Con) đều là của Con (Cha) (17,10) nên Đức Giêsu đã coi chiên của Cha làm chiên của Người và hy sinh mọi sự cho chúng. Đó là cội nguồn của sứ vụ mục tử. Do đó sau này, trước khi trao quyền mục tử “chăn dắt đàn chiên của Thầy” cho Phêrô, Đức Giêsu đòi Phêrô phải mến Thầy và nhìn nhận cội nguồn thần linh của đàn chiên: Chiên của Thầy, nghĩa là chiên của Cha.
Quyền năng của Cha và tình yêu quan phòng của Cha và Đức Giêsu đối với chiên: Câu 29a trong bản hy lạp ghi lại hai dị bản: bản 1: “Cha tôi, những gì Người đã ban (ám chỉ chiên) thì lớn hơn (hiểu là quý hơn) tất cả”. Các bản dịch La Tinh và các giáo phụ La Tinh hiểu theo lối này. Sách bài đọc bản dịch cũ tiếng Việt cũng chọn dịch như thế. Bản 2: như ta đang khảo sát, được nhiều người chấp nhận hơn.
Điều đáng lưu ý là “tay của con” (28c) được đặt ngang hàng với “tay của Cha”, qua cách diễn tả cả hai cùng bảo vệ chiên hiệu quả như nhau. Vậy tất cả những yếu tố trong cc. 27-29 đều hé mở cho thấy quyền năng siêu việt của Đức Giêsu. Tất cả là dọn đường cho mặc khải chóp đỉnh trong c.30
Câu 28c và 29c cho thấy Cha và Đức Giêsu đều ưu ái và hết lòng bảo vệ chiên. Do đó không một thế lực nào bên ngoài có thể cướp được chiên khỏi tay của Cha và Đức Giêsu. Chi tiết này giúp ta nhận ra rằng Cha và Đức Giêsu có cùng quyền năng và hiệp thông tâm ý trọn vẹn.
Tôi và Cha, chúng tôi là một: tuy là nên một trong quyền năng, tâm ý nhưng Cha và Đức Giêsu luôn là hai bản vị riêng biệt.
Ý nghĩa lời này đã được người Do Thái nhận ra (x. c.33). Tiếc thay họ không tin nhận đúng như Đức Giêsu đã báo trước ở cc. 25-26.
Lời tuyên bố này về sự hiệp thông mật thiết giữa Đức Giêsu và Cha là mặc khải quan trọng và rõ ràng nhất về thần linh của Người và về mầu nhiệm nội tại trong Thiên Chúa. Với mặc khải này, Đức Giêsu không còn gì để nói nữa. Tất cả đã được tỏ bày: Người vừa là Con vừa là Thiên Chúa.
Còn trong tương quan với chiên: chính vì một lòng một ý tương thông với Cha nên Con mới hết lòng kể cả hy sinh mạng sống, kể cả tự hủy ra không theo kiểu nói của Phaolô, để gìn giữ đàn chiên là quà tặng quý giá nhất (dị bản 1 của c.29a) Cha trao ban. Chỉ vì ý Cha mà thôi, Đức Giêsu mới nhận uống chén thập giá để trở thành căn nguyên cứu độ cho đàn chiên. Cũng đi trong đường hướng này, về sau khi trao ban đàn chiên lại cho Phêrô, Đức Giêsu cũng đòi hỏi một điều: yêu Thầy trên hết và “hãy theo Thầy” trên con đường thập giá để tôn vinh Thiên Chúa (x. Ga 21,19).
3/ Sứ điệp
Để trả lời cho thắc mắc của người Do Thái về căn tính của Người, Đức Giêsu đã mặc khải mối tương giao giữa Người với Thiên Chúa và chiên. Qua đó Người tỏ mình là:
– Mục tử nhân lành chăm sóc, bảo vệ, mang lại sự sống vĩnh cửu, hạnh phúc viên mãn cho đàn chiên. Người chính là mục tử mẫu mực mà Cựu Ước đã loan báo.
– Hơn nữa Người là Con Thiên Chúa và chính là Thiên Chúa.
Đồng thời Người cũng cho thấy con đường phải đi để có thể nhận ra được căn tính đích thực của Người: không phải bằng con đường đòi hỏi thỏa mãn những dục vọng phàm nhân, nhưng bằng con đường “nghe” và “theo” Người nghĩa là vui mừng được làm chiên của Người.
Frère Pierre Đình Long FSC