CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Bài 1

Cv 2,1-11; Ga 20,19-23
Chủ đề: Chúa Thánh Thần được trao ban cho đoàn môn đệ,

và các hoa trái của hồng ân Thánh Thần.

* Cv 2,4: Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.

* Ga 20,22b.23a: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.

Hôm nay Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. Hồng ân Thánh Thần mà Chúa Cha đã hứa ban và được Đấng Phục Sinh nói tới (x. Cv 1,4) nay được công khai thực hiện cho Nhóm Môn Đệ tiên khởi và diễn ra tỏ tường trước mặt toàn dân Do Thái lẫn dân ngoại đang có mặt tại Thành Giêrusalem mừng lễ NGŨ TUẦN theo Luật Môsê. Lễ Ngũ Tuần Do Thái là lễ dân Chúa tưởng niệm việc Chúa ban cho họ Lề Luật, thiết lập giao ước với DÂN tại núi Sinai. Biến cố Thiên Chúa hiện xuống núi Sinai kết Giao Ước với Dân qua Môsê diễn ra vào NGÀY THỨ 50 kể từ ngày 14 Nishan là ngày sát tế chiên Vượt Qua cử hành đại lễ Vượt Qua ngay tại đất Ai Cập (x. Xh 12,6-11).

Lễ Phục Sinh và Hiện Xuống của kitô giáo được thực hiện trong khung cảnh hai lễ Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần của người Do Thái. Việc đặt song song hai biến cố của Tân Ước là Phục Sinh và trao ban Thánh Thần với hai biến cố Cựu Ước là Vượt Qua và trao ban Luật Giao Ước tại núi Sinai, vừa cho thấy tính liên tục, kế thừa, vừa cho thấy sự trổi vượt hơn hẳn của kitô giáo so với Do Thái giáo:

Chiên vượt qua chỉ đưa người Do Thái ra khỏi Ai Cập nô lệ; Đó chỉ là hình bóng báo trước mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô – Chiên Vượt Qua vẹn toàn – đưa TOÀN THỂ NHÂN LOẠI, nhân tính Đức Giêsu vĩnh viễn chiến thắng Thần Chết – vào trong sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Luật Sinai là những văn tự được khắc trên hai Bia Đá, từ nay được thay thế bằng Thần Khí là Luật sống được khắc vào con tim mỗi người (x. Gr 31,33; 2Cr 3,3). Văn tự đưa tới chết chóc, Thần Khí mới làm cho sống (2Cr 3,6).

Lời Chúa của lễ Hiện Xuống hướng vào hai điểm chính:

1/ Thánh Thần được trao ban cho đoàn môn đệ

2/ Các hoa trái của hồng ân Thánh Thần

Năm B, chúng ta đã đề cập tổng quát đến cả hai điểm trên. Năm C này nhấn mạnh hơn một số chi tiết của điểm 1: Hồng ân Thánh Thần được trao ban cho đoàn môn đệ.

Theo Tin Mừng Ga 20,19, thời điểm trao ban Thánh Thần là chiều ngày thứ nhất trong tuần, ngay sau lúc khám phá ra ngôi mộ trống và người môn đệ được Chúa yêu đã tin rằng Thầy mình đã phục sinh dù Người chưa hiện ra cho ai. Người trao ban Chúa Thánh Thần là đích thân Đấng Phục Sinh; Đối tượng được trao ban là Nhóm Mười môn đệ (Ga 20,24: Giuđa Itcariôt đã chết; Tôma vắng mặt); Cách thức Đấng Phục Sinh sử dụng để trao ban Thánh Thần là THỔI HƠI: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Chi tiết “thổi hơi” gợi lại công trình tạo dựng nên con người Adam: ban đầu Adam là một tượng đất vô tri, nhờ Thiên Chúa THỔI HƠI vào mà Adam thành một sinh vật đầy sức sống (x. St 2,7). “Thổi hơi” cũng gợi lại công cuộc tái tạo, hồi sinh dân Israel qua thị kiến của Êdêkien: Adônai – Yavê dùng thần khí đem Êdêkien đến một thung lũng đầy xương cốt, rồi hỏi ông: “Hỡi con người (Chúa gọi Êdêkien là “con người”), liệu các xương này có hồi sinh được không?… và ĐỨC CHÚA YAVÊ (= Adônai – Yavê) đã truyền lệnh cho Êdêkien “… tuyên sấm đi, hỡi con người! Người hãy nói với thần khí… hỡi thần khí hãy đến THỔI VÀO những người đã chết này để chúng được hồi sinh”. Và đám xương khô đã được thần khí nhập vào, trở nên một đạo quân lớn, đông vô kể (x. Ed 37,4-10).

Qua cụm từ “thổi hơi vào các môn đệ” Thánh Thần được mặc khải như là hồn sống, sinh lực của Giáo Hội: Chúa Thánh Thần như là linh hồn của Giáo Hội (GLHTCG 797, 809). Nhờ “hơi thở thần khí”, Giáo Hội trở thành Nhiệm Thể sống động, có Đấng Phục Sinh là Đầu và Thánh Thần là hồn linh hoạt, nhờ đó Giáo Hội mới tiếp tục và hoàn tất được sứ mạng của CHA mà Đấng Phục Sinh trao phó (x. Ga 20,21).

Trong bài đọc 1, sách Công vụ tông đồ đã dùng thể văn thần hiện để diễn tả biến cố Hiện Xuống qua những hình ảnh truyền thống quen thuộc trong Kinh Thánh, vay mượn từ hai lần Thiên Chúa hiện ra cho Môsê và cho Elia đều diễn ra ở núi Sinai: Đó là LỬA (x. Xh 19,18) và GIÓ (x. 1V 19,11-12). Thời điểm Thánh Thần ngự xuống là lễ Ngũ Tuần Do Thái, tức 50 ngày sau phục sinh. Đối tượng được trao ban, thoạt nhìn tưởng rằng chỉ có đoàn môn đệ tiên khởi (x. Cv 1,12-15) được hưởng nhờ hồng phúc Thánh Thần (x. Cv 2,1-4), nhưng thật ra, tất cả những người đạo đức của dân Cựu Ước đang từ khắp nơi quy tụ về Giêrusalem để dự lễ Ngũ Tuần đều cảm nhận được biến cố và được thông phần ơn huệ Thánh Thần: họ được Thần Khí lôi cuốn đến nơi các tông đồ đang cư ngụ (c.6), nghe các tông đồ loan báo những “kỳ công của Thiên Chúa” bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình (cc.7-11). Chi tiết đó hàm ý rằng cuộc chia rẽ do vụ Tháp Babel gây ra (x. St 11,6-8), nay được Chúa Thánh Thần khắc phục. Thời hoạt động của Giáo Hội và Chúa Thánh Thần bắt đầu.

Qua Giáo Hội tông truyền, Chúa Thánh Thần được trao ban rộng rãi cho các tín hữu nhờ bí tích Thêm Sức. Ước mong mọi tín hữu biết mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Thần để Người biến chúng ta nên chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô và trở nên công cụ, thừa tác viên hữu hiệu loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho nhân thế.

Bài 2

Bình an cho anh em… các môn đệ vui mừng vì được thấy CHÚA. Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em… Hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha…

 Hôm nay Giáo Hội mừng kính biến cố Thánh Thần đến trên đoàn môn đệ tiên khởi, biến đổi họ từ một nhóm người nhỏ bé, nhút nhát trở thành những chứng nhân anh dũng của mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu. Biến cố xảy ra vào ngày thứ 50 sau lễ Vượt Qua của người Do Thái. Đó là ngày kỷ niệm Yavê ban cho dân Do Thái Luật Giao Ước Sinai, biến họ từ đám nô lệ ô hợp trở nên dân riêng, dân tư tế của Chúa (Xh 19,5-8). Trong lúc người Do Thái lũ lượt hành hương về Giêrusalem mừng lễ Ngũ Tuần tưởng niệm biến cố Chúa ban Giao Ước Sinai, thì một Nhóm nhỏ bé tin vào Đức Giêsu Nadaret chịu đóng đinh nhưng nay đã phục sinh, đang được Người quy tụ lại để chờ đón ân huệ thời cánh chung là Chúa Thánh Thần. Họ đang tụ họp trong một căn phòng với một tâm trạng thật là phức tạp và mâu thuẫn:

– Vừa sợ hãi, âu lo ám ảnh bởi cái chết của Thầy mình (Ga 20,19.26);

– Vừa tràn hy vọng, hoan hỉ chúc tụng Chúa vì đã được gặp Thầy phục sinh (Lc 24,52-53) và nhất là vì những lời Thầy đoan hứa về ân huệ Thánh Thần (Lc 24,49; Cv 1,5)

– Mặc dù họ đã thuộc về dân mới do Đấng Phục Sinh quy tụ nhưng tầm nhìn của họ vẫn còn hạn hẹp trong những khát vọng trần tục cuộc bộ, ích kỷ theo cái nhìn quốc gia chủ nghĩa (Cv 1,6).

Họ cần phải được hoán cải! cũng như dân Cựu Ước dù ra khỏi đất Ai Cập rồi nhưng bản chất của họ vẫn là đám nô lệ, cần có sự can thiệp từ trời ban Giao Ước để làm họ nên dân Chúa, thì đoàn môn đệ của Đấng Phục Sinh cũng phải cần đến Thánh Thần để thực sự trở nên Hội Thánh đúng nghĩa.

Như vậy biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần là thời điểm chính thức khai sinh Hội Thánh. Hội Thánh trở nên một thực thể hữu hình, một thành viên tất yếu của cộng đồng nhân loại, Hội Thánh trở thành một dấu chứng, một chứng nhân cho thế giới đúng như Đấng Phục Sinh hằng mong ước (Cv 1,8). Thật vậy:

– Lúc còn sinh tiền, Đức Giêsu đã thiết lập Hội Thánh dựa trên ý định, mặc khải của Chúa Cha cho Phêrô (Mt 16,17-18). Rồi Người hứa ban Thánh Thần để linh hoạt Hội Thánh và đưa Hội Thánh đến chân lý toàn vẹn (Ga 16,13).

– Rồi với tư cách là Đấng Phục Sinh, Người đã thổi hơi ban Thánh Thần chuẩn bị cho các tông đồ thi hành sứ vụ (Ga 20,21-23).

– Mặc dù vậy, đoàn môn đệ vẫn còn nhát đảm (Ga 20,19.26), vẫn còn chưa kham hiểu nổi dự tính của Thiên Chúa, của Đấng Phục Sinh (Cv 1,6). Cần phải thêm một can thiệp mạnh từ trời để xô ngã đi những “Tháp Babel” đang bám rễ sâu trong tâm thức nhân loại, để dẹp đi những bức tường ngăn cách do lòng người gây nên qua mọi thời đại, mọi nơi.

Đối với Hội Thánh, “Hiện Xuống” là biến cố Thiên Chúa hoàn thiện công trình của Người nơi Hội Thánh: Hội Thánh là Nhiệm Thể của Đức Kitô, với Đấng Phục Sinh là Đầu và Thánh Thần như là hồn sống (GLHTCG 797, 809).

Còn đối với nhân loại, “Hiện Xuống” là tác nhân hiệp nhất: việc Thần Khí được trao ban cho đoàn môn đệ cách hữu hình đã quy tụ những tín đồ Do Thái về thánh đô hành hương, trước căn phòng các tông đồ đang cư ngụ để được nghe các kỳ công của Thiên Chúa bằng tiếng mẹ đẻ của từng người. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới; Sự chia rẽ do vụ Tháp Babel, giờ đang được Thiên Chúa bắt đầu khắc phục.

BÀI ĐỌC I: Cv 2,1-11

Bản văn thuật lại biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên đoàn môn đệ của Đấng Phục Sinh đang tụ họp tại một nơi chờ đón hồng ân “Chúa Cha đã hứa” như lời Đức Giêsu căn dặn (Cv 1,4-5). Mượn thể văn thần hiện, sách Công vụ mô tả Chúa Thánh Thần như hình lưỡi lửa tản xuống, đậu trên đoàn môn đệ, từng người một; và tùy ơn Chúa ban, họ bắt đầu nói tiếng lạ.

Còn đám đông cộng đoàn do thái giáo “từ các dân thiên hạ trở về” hành hương dịp lễ Ngũ Tuần, mặc dù không được đón nhận trực tiếp hồng ân Thánh Thần, nhưng cũng được hưởng nhờ hoa trái của Thánh Thần: họ được nghe loan báo những kỳ công của Thiên Chúa bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Sự rẽ chia do tội từ vụ Tháp Babel, nay đã được tha thứ, hồi phục bởi Thánh Thần. Thánh Thần là tác nhân hiệp nhất, làm cho công trình cứu độ của Đấng Phục Sinh được sinh hoa kết trái viên mãn.

1/ Biến cố Hiện Xuống (Cv 2,1-3)

*Thời điểm: vào ngày lễ Ngũ Tuần của Do Thái giáo (c.1a) xem CGKPV “Tân Ước” 1995 trang 502 nốt “h”. Xem thêm “Bài Chủ đề”. Pêntekôstes = “ngày thứ 50”.

Nơi chốn: bản văn chỉ nói “mọi người (các môn đệ) đang tề tựu ở một nơi”. Nhưng so với Cv 1,13 và Lc 22,12, có lẽ đây là phòng Tiệc Ly.

*Các diễn tiến của biến cố:

– “Từ trời phát ra một tiếng động”: cách nói hàm ý đây không phải là một hiện tượng thuộc trần thế, mà có nguồn gốc thần linh: “TỪ TRỜI”. Do đó tự sức mình, con người không thể nắm bắt được bản chất của sự việc, nhưng chỉ cảm nhận được nhờ mở lòng ra trước mặc khải rồi tìm cách thông đạt lại ngang qua các hình ảnh quy ước của thể văn thần hiện.

Hai hình ảnh quen thuộc là LỬA (Xh 19,18) và GIÓ (1V 19,11.12) gợi lại hai cuộc thần hiện ở Sinai: một cho Môsê và một cho Êlia. Đây là hai biểu tượng cho thấy Thiên Chúa đang hiện diện và đang làm chủ mọi tình huống.

– “Như tiếng gió”: bản văn không xác định “là tiếng gió”, chỉ đưa ra một lối nói ẩn dụ “như tiếng gió”. Người ta không nắm bắt được bản chất của tiếng động đó. Chỉ biết nó đến từ trời, một cách đột ngột, lôi cuốn sự chú ý của mọi người đang ở trong căn nhà lẫn đang có mặt tại Giêrusalem (Cv 2,6), và nhanh chóng thống lĩnh không gian tại đó.

Những nét trên tương tự như những đặc tính của “gió” được mô tả trong Ga 3,8, nói lên sự tự do và huyền nhiệm của hoạt động của Chúa Thánh Thần. Điều đó được tỏ rõ ngay, qua hiệu quả tức thời của biến cố:

Vào lúc đó, Chúa Thánh Thần chỉ mới được ban xuống cho các môn đệ đang ở trong nhà, nhưng “tiếng động” lại tác động trên cả đám đông đang hành hương tại Giêrusalem khiến họ nghe thấy và chú ý (Cv 2,6). Điều đó tạo cho họ cơ hội tiếp cận được với sứ điệp phục sinh ngang qua lời rao giảng của những người được tràn đầy Chúa Thánh Thần.

Như vậy, đối với các tông đồ, hồng ân Thánh Thần vừa tác động bên trong biến đổi toàn diện con người các ông, vừa là dấu chỉ bên ngoài lôi cuốn mọi người đến với các ông giúp khơi mào, tạo điều kiện cho các ông thi hành hiệu quả sứ vụ Đấng Phục Sinh đã trao phó.

– “Như lưỡi lửa”: cũng như “gió”, “lửa” ở đây là hình ảnh ẩn dụ. Hình ảnh được Cv 2,3 mô tả rất là cụ thể và ấn tượng: cái tản ra và đậu xuống trên từng môn đồ có hình dạng “cái lưỡi” = glossai, nhưng lại giống như “Lửa” = purôs.

“Lưỡi” là công cụ dùng để nói; “lửa” là dấu chỉ sự thánh thiện và vinh quang của Thiên Chúa trong các cuộc hiển linh của Người (Xh 3,2; Is 60,1); là biểu trưng cho sự công chính của Thiên Chúa: phán xét và hủy diệt tội lỗi. Lửa thanh luyện và biến đổi tất cả những gì không phù hợp với sự thánh thiện của Ngài (St 19,24). Đồng thời “lửa” cũng là biểu tượng của tình yêu và lòng nhiệt thành vượt thắng mọi trở ngại (Dc 8,6) … (Từ điển Công Giáo “Lửa”).

Vậy có thể hiểu “lưỡi lửa” là lời nói của các tông đồ sau này như lửa vừa để tẩy sạch tâm trí người nghe khỏi mọi tư tưởng sai lầm, mà nghe lời Thiên Chúa, vừa để hun đúc trong tâm hồn người nghe lòng tin yêu Thiên Chúa. Các tông đồ giảng dạy để khơi dậy đức tin cho người nghe (x. CGKPV “Tân Ước” 1995 trang 502 nốt “k”).

– “Tản ra” = diamêrizômênai ptc. pres. pass

Việc tuôn tràn Thánh Thần trên đoàn môn đệ được sách Công vụ diễn tả bằng hình ảnh “những lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”. Động từ “tản ra” ở dạng động tính từ, hiện tại, thụ động cho thấy hành động này khởi xuất từ Thiên Chúa, luôn là hiện tại cho mọi thời, nghĩa là cùng một Thánh Thần nhưng được Thiên Chúa, tùy lúc, trao ban cho từng tín hữu, đúng thời đúng chỗ: hiệp nhất trong đa dạng.

2/ Hoa trái của Thánh Thần (Cv 2,4-11)

*Thánh Thần tác động trên đoàn môn đệ (c.4)

Bên trong: “ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần”: trong Cựu Ước, ơn Thần Khí chỉ được ban cho một số người đặc biệt để giúp họ hoàn tất một công cuộc nào đó của Thiên Chúa. Giờ đây với biến cố “hiện xuống”, “ai nấy đều được tràn Thánh Thần”, hàm ý thời Mêsia đến rồi (Ge 3,1-2). Mỗi tín hữu đều tràn ơn Thánh Thần nghĩa là mỗi tín hữu trở thành Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 3,18), nghĩa là trở thành tác nhân hiệp nhất, lôi léo mọi người đến để thờ phượng Chúa. Đền Thờ là nơi quy tụ kẻ tin đến thờ lạy Chúa mà! Hoa trái đầu tiên của Thánh Thần là biến tín hữu nên tác nhân hiệp nhất.

Biểu lộ ra bên ngoài: nói các thứ tiếng” = “êtêrais glossais”.

Các tông đồ nói những thứ tiếng nào? Bản văn không đề cập tới. Thứ tiếng được bản văn nêu đích danh ở đây là “TIẾNG MẸ ĐẺ”.

“Tiếng mẹ đẻ” dịch sát là “tiếng phương ngữ riêng của chúng ta mà trong đó chúng ta được sinh ra” (c.8). Vậy vấn đề ở đây không phải là “ngôn ngữ giao tiếp thường ngày” mà là thứ tiếng tạo nên bản sắc của một dân, một nhóm bộ lạc địa phương. Vậy “nghe bằng tiếng mẹ đẻ” là đón nhận lời Tin Mừng do tông đồ rao giảng bằng chính con người độc đáo của nền văn hóa gốc của mình. Tin Mừng không đến để đáp ứng một nhu cầu chung mà là đáp ứng một cách thích hợp cho từng cá nhân, từng nền văn hóa độc đáo.

Mỗi người, mỗi dân tộc được sinh ra và lớn lên trong một nền văn hóa, trong một môi trường riêng biệt… Đó là những yếu tố cấu tạo nên nhân cách nền của họ. Tin Mừng đến thánh hóa cái nền đó nhưng cũng phải được xây trên cái nền đó. Lời Chúa đến với họ như họ là. Chi tiết này báo trước tính phổ quát nhưng duy nhất của đức tin công giáo. Đây là công việc của Thánh Thần, không một lời phàm nhân nào có thể làm mọi người nghe Tin Mừng bằng “tiếng mẹ đẻ” của mình được.

Dấu lạ này cũng gợi lại cho ta việc nhân loại bị chia năm sẻ bảy do vụ Tháp Babel (St 11,1-9); Tự sức con người không xây được sự hợp nhất bền vững, đích thật; Chỉ trong Thánh Thần, con người mới khắc phục được những hậu quả do tội gây ra.

*Thánh Thần tác động trên nhóm hành hương (cc.5-11)

Sự kiện là có những người do thái sùng đạo từ các dân thiên hạ trở lại Giêrusalem (c.5) để tôn thờ Thiên Chúa vào các dịp lễ hành hương theo đúng luật Môsê (Xh 34,23; Đnl 16,16). Tuy nhiên trong tương quan với cư dân địa phương, họ bị coi như ngoại kiều vì không có đất đai và vì họ đã được sinh ra và lớn lên trong vùng dân ngoại đến độ họ nhận “tiếng mẹ đẻ của họ” (c.8) là Pacthia, Mêdia…

Họ nghe được “tiếng ấy”, tức là tiếng động từ trời. “Tiếng ấy” đã lôi kéo họ – thay vì tụ họp tại Đền Thờ – đến với đoàn môn đệ của Đấng Phục Sinh “Tiếng ấy” là tác nhân quy tụ tạo điều kiện thuận lợi để mọi người nghe được sứ điệp Tin Mừng bằng “tiếng mẹ đẻ của mình”.

– Nội dung sứ điệp được thông đạt bằng “tiếng mẹ đẻ” là “những kỳ công của Thiên Chúa”, tức là ca ngợi ơn cứu độ được Thiên Chúa hoàn thành trọn hảo trong Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu. Thật vậy ơn nói “Các thứ tiếng” (êtêrais glossais) là để “mọi miệng lưỡi” (para glossa) tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là CHÚA làm vinh quang Cha (Pl 2,11).

Vậy ơn hiệp nhất ngôn ngữ Thánh Thần ban tặng là để mọi người nên một lòng một trí mà thờ lạy Chúa, chứ không để họp nhau làm loạn như vụ Tháp Babel.

*Tóm lại, Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của mối hiệp nhất nhân loại và là bảo chứng cho sự thành công chung cuộc của sứ vụ truyền giáo phổ quát và duy nhất của Hội Thánh. Tuy nhiên Chúa Thánh Thần bộc lộ quyền năng qua trung gian chứng tá của môn đệ Đấng Phục Sinh.

Do đó, các môn đệ cũng là tác nhân hiệp nhất ngang qua việc họ can đảm loan báo, làm chứng Tin Mừng phục sinh dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần: bằng “tiếng động đến từ trời”, Chúa Thánh Thần đã thu hút đoàn người về từ muôn nước đến với đoàn môn đệ; Đáp lại, đoàn môn đệ bằng “các thứ tiếng tùy Thánh Thần ban” loan báo kỳ công của Thiên Chúa. Thánh Thần đã hiệp nhất nhân loại để tôn vinh, thờ lạy Chúa.

Vậy với Chúa Thánh Thần, các môn đệ của Đấng Phục Sinh, một khi nỗ lực loan báo kỳ công của Thiên Chúa, chứ không phải là làm cái gì khác, thì họ là tác nhân hiệp nhất toàn thể nhân loại.

TIN MỪNG: Ga 20,19-23

Đây là đoạn văn thuật lại lần hiện ra đầu tiên của Đấng Phục Sinh cho Nhóm Mười môn đệ được Tin Mừng Gioan thuật lại. Trong Tin Mừng Gioan có đến ba lần Đấng Phục Sinh hiện ra cho đoàn môn đệ thân tín. Các lần hiện ra đều nhằm thiết đặt những yếu tố cần thiết nhằm giúp đoàn môn đệ sẵn sàng tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu tại thế sau khi Người không còn hiện diện hữu hình giữa các ông nữa.

Trong lần hiện ra thứ nhất này, Đấng Phục Sinh củng cố đức tin các ông vào biến cố Thập Giá và Phục Sinh; thiết đặt các ông là chứng nhân; sai các ông đi tiếp nối công cuộc mà Chúa Cha đã sai Người; trao ban cho các ông những phương tiện, trang bị cần thiết giúp các ông hoàn thành sứ mạng.

Trong tinh thần phụng vụ lễ Hiện Xuống, việc trao ban Thánh Thần chiếm vị trí trung tâm của phụng vụ lời Chúa và tiếp đó là hoa trái của hồng ân Thánh Thần mang lại.

Những hồng ân mà Đấng Phục Sinh trang bị cho đoàn môn đệ trong lần hiện ra này:

1/ “Bình an cho anh em”: hồng ân này được lập lại đến ba lần cho đoàn môn đệ (cc. 19.21.26). Mặc dù các ông đã tin Chúa phục sinh (20,8), đã được Đấng Phục Sinh cho thấy tỏ tường (20,20), lại còn được trao ban nhiều ân huệ (20,21-23), nhưng gánh nặng sợ hãi, lo âu của biến cố Thập Giá vẫn còn đè nặng trên các ông. Các ông còn trốn chạy sự thật, nhốt mình trong một không gian an toàn giả tạo của một căn phòng cửa khép kín.

Các ông cần được giải phóng: trước tiên là giải phóng nội tâm. Tâm phải an thì mọi sự mới bắt đầu được: bình an cho anh em. Đấng Phục Sinh bắt các ông phải đối đầu với sự thật: Người cho các ông xem tay và cạnh sườn…

Cần phải có bình an để hiểu và đón nhận mầu nhiệm vượt qua (Thập giá và phục sinh) làm của mình. Vì mầu nhiệm đó không phải là chuyện riêng của Đức Giêsu mà còn là của mỗi môn đệ (Mt 16,24…); đồng thời mọi người môn đệ còn phải làm chứng, thuyết phục người khác đi theo con đường đó nữa bất chấp những thiệt thòi xảy đến cho mình (x.Cv 14,22).

Để đạt được như thế phải có “bình an của Thầy”: xem Suy nhiệm Mùa Phục Sinh VI C, Ga 14,23-29, số 3. “Di sản trước khi ra đi” (c.27).

2/ Sai đi: sau khi đã củng cố các môn đệ bằng sự bình an và sự cảm nghiệm đích thân của từng người về mầu nhiệm Phục Sinh, Đấng Phục Sinh đã sai phái CỘNG ĐOÀN đảm nhận sứ mạng của chính Người, sứ mạng mà Người đã lãnh nhận từ nơi Cha: “như Chúa Cha đã sai phái Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Ở đây việc sai đi không được xét tới dưới khía cạnh thực thi sứ mạng, nhưng dưới khía cạnh nguồn gốc của sứ mạng. Chỉ có một chương trình cứu độ (đến từ Cha) và một sứ mạng (của Con). Giờ đây sứ mạng của Con trở thành của Hội Thánh ngang qua lệnh sai đi của Đấng Phục Sinh. Như vậy theo dự tính của Thiên Chúa, chương trình của Cha sẽ được hoàn tất qua sứ mạng của Hội Thánh với sự trợ lực của Chúa Thánh Thần.

Như Cha đã sai Thầy: cách nói ám chỉ toàn bộ công trình cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu từ lúc Người (Đức Giêsu) nhập thể làm người nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần (Lc 1,35) và Người đã vâng phục đảm nhận trọn vẹn kiếp làm người tội lỗi cho đến tận cùng chết trên thập giá (Pl 2,7b-8), để rồi khi đã hoàn tất sứ mạng, Thiên Chúa đã siêu tôn Người (Pl 2,9-11).

Thầy cũng sai anh em: noi gương Đức Giêsu, giờ đây đoàn môn đệ cũng phải nhập thế vào trần gian nhờ Chúa Thánh Thần (Cv 2,1-11) để tiếp tục sứ vụ Đức Giêsu đã nhận nơi Chúa Cha: cứu thế bằng cách công bố Tin Mừng phục sinh (Cv 2,14-41). Và con đường môn đệ phải đi cũng là đường Thập giá, đảm nhận thân phận làm người cho đến cùng. Và nhờ chiêm ngắm Đức Giêsu phục sinh, Hội Thánh biết điểm tới của mình cũng là phục sinh. Chính trong niềm xác tín vào đường lối, sứ mạng thần linh đã được biểu lộ trọn vẹn trong Đức Giêsu, Hội Thánh can đảm đi đường Thánh giá trong bình an và vui mừng.

3/ Trao ban Thánh Thần (c.22)

*“Thổi hơi” = emphusao. Để diễn tả việc thông ban Thánh Thần cho đoàn môn đệ, Tin Mừng dùng động từ “Thổi hơi”. Động từ này được sử dụng duy nhất ở đây trong toàn bộ Tân Ước. Còn trong Cựu Ước chỉ gặp trong St 2,7; Kn 15,11 và Ed 37,9; cả ba đoạn đều nói lên việc sáng tạo, tác sinh ra một cái mới.

Vậy hành động “thổi” của Đấng Phục Sinh là hành động thần linh của một cuộc sáng tạo mới. Nhờ sức mạnh của Thánh Thần phát xuất từ Đấng Phục Sinh, một thế giới bắt đầu; Israel mới được khai sinh khởi sự từ sứ mạng của các môn đệ trong trần thế.

*“Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha…”  (c.23):

“Tha tội” là đặc quyền duy của Thiên Chúa (Mc 2,7; Lc 5,21). Tuy nhiên với biến cố Đức Giêsu phục sinh, một con người đã thông hiệp nên một trọn vẹn với Ba Ngôi Thiên Chúa: Giêsu là Thiên Chúa. Với Đấng Phục Sinh, quyền năng của Thiên Chúa đã được thông ban cho một con người. Và rồi con người đó trong tư cách là CHÚA (c.20), là Đấng đang thi hành sứ vụ Cha trao (c.21), đang sử dụng quyền năng thần linh hoàn tất công trình sáng tạo (c.22 “thổi hơi” ban Thánh Thần) – nghĩa là cả Ba Ngôi Thiên Chúa đang đồng hoạt động trong con người đó – đã thông ban quyền tha thứ, cầm buộc cho Hội Thánh, đoàn môn đệ. Từ nay mọi việc Hội Thánh làm đều làm nhân danh Ba Ngôi: “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”; và lộ trình phải theo để hoàn tất công việc là Thập Giá (Ý nghĩa dấu Thánh Giá: khi làm dấu thì vẽ hình Thánh Giá trên người và đọc nhân danh Ba Ngôi).

Quyền được Chúa Phục Sinh trao không để thống trị mà để phục vụ: theo gương Thầy rửa chân cho nhau; để hiệp nhất để đưa mọi người đi vào hiệp thông với mầu nhiệm Ba Ngôi.

Từ nay mọi việc tín hữu làm đều là làm trong tư cách THỪA TÁC VIÊN của Ba Ngôi: nhân danh Cha – Con – Thánh Thần; và động lực, mục đích, phương tiện là Thập Giá để tôn vinh Thiên Chúa.

Vậy “tha thứ” nghĩa là trong tư cách là “thừa tác viên của Chúa”, Hội Thánh (lẫn mỗi tín hữu) mang lòng thương xót của Thiên Chúa đến cho những ai nhận ra tội mình và muốn hoán cải.

Còn “cầm buộc” là kiên trì mang lòng thương xót Chúa đến cho những ai còn cứng lòng nhằm mục đích thức tỉnh họ (cầm buộc là giúp họ nhận ra sai lỗi của họ) để rồi tiếng nói cuối cùng vẫn là thứ tha.

Tóm: với việc thông ban Chúa Thánh Thần, thời Hội Thánh tự mình đảm nhận sứ mạng đã bắt đầu. Điều quan trọng là phải đi đúng đường lối Chúa. Thánh Thần sẽ dẫn đưa Hội Thánh.

4/ Sứ điệp

Trong tinh thần phụng vụ của lễ Hiện Xuống, việc trao ban Thánh Thần hoặc Thánh Thần hiện xuống chắc chắn là sứ điệp chính của phụng vụ.

Khác với Công vụ, chỉ sau khi Đấng Phục Sinh về trời Chúa Thánh Thần mới ngự xuống trên đoàn môn đệ vào dịp lễ Ngũ Tuần Do Thái; Tin Mừng thứ tư đã đặt biến cố trao ban Thánh Thần ngay vào ngày Phục Sinh. Các môn đệ, như là một cộng đoàn phụng vụ, đã được chính Đấng Phục Sinh đến và ban Thánh Thần vào ngày thứ nhất trong tuần. Chi tiết này vọng lại việc cộng đoàn của Tin Mừng thứ tư thường họp nhau vào ngày thứ nhất trong tuần để cử hành lễ bẻ bánh tưởng nhớ Đấng Phục Sinh vào thời điểm sách Tin Mừng thứ tư được soạn thảo. Vậy đây không phải là tường thuật một sự kiện, nhưng là đọc lại biến cố dưới ánh sáng Phục Sinh và hồng ân Thiên Chúa đã được trao ban. Sứ điệp khá rõ:

Chính trong cộng đoàn phụng vụ mà các môn đệ đã tìm lại được bình an nhờ nhận ra được Đấng Phục Sinh luôn “đến” và “ở giữa họ” một cách đầy quyền năng. Chính trong tư cách là một cộng đoàn Hội Thánh đang cử hành phụng vụ mà đoàn môn đệ được nhận lãnh Thánh Thần, được khai sinh như một tạo vật mới và được sai đi như cộng đoàn truyền giáo, tông đồ. Điều này mãi tiếp tục cho đến tận thế.

Frère Pierre Đình Long FSC